CHỖ ĐỨNG, ĐÔI CHÂN & NHỮNG VẾT XƯỚC
“Thứ tôi còn lại là một ước mơ” – Nguyễn Thị Thủy, người phụ nữ mất chiếc chân trái năm 18 tuổi đã nói như vậy khi nhớ lại biến cố không may đó của cuộc đời mình. Nhưng “thứ còn lại” ấy cũng chính là bệ phóng kỳ diệu đã giúp chị đứng lên để viết tiếp những chương đẹp nhất cho cuốn sách cuộc đời tưởng chừng dang dở ấy.
“Chỗ đứng, đôi chân và những vết xước” cũng là những chương đời đẹp đã được viết lên bằng nghị lực và lòng đam mê của “chim công làng múa” Linh Nga, ca sĩ Thu Minh, diễn viên Ngô Thanh Vân, người mẫu Thanh Thảo và Mâu Thanh Thủy…
Và họ đều thống nhất với Đẹp rằng, thứ còn lại, cuối cùng, nơi những trang viết đẹp, sẽ không phải là những vết xước, cũng không phải những tấm “huy chương”, mà là cách chúng ta đứng lên bằng chính đôi chân của mình…
Bài cùng chuyên đề
– VĐV Nguyễn Thị Thủy: “Thứ tôi còn lại luôn là một… ước mơ”
– Nghệ nhân ưu tú Vũ Đức Thắng & Chiếc chân gốm độc bản
– Diễn viên Ngô Thanh Vân: “Có gói bảo hiểm cho đôi chân, tôi mua liền!”
– Linh Nga: “Tôi may mắn có sân khấu để… trốn chạy”
– Người mẫu Thanh Thảo: “Độ dài đôi chân chưa bao giờ là trở ngại trong tình yêu của chúng tôi”
– Mâu Thanh Thủy: “Từng suýt không biết dùng chân… vào việc gì”
– Đằng sau những bức hình về “Chỗ đứng, đôi chân và những vết xước”
– Với một nữ hoàng nhạc dance như chị, đôi chân có giá trị thế nào?
– Dĩ nhiên đối với một ca sĩ hát nhạc dance như tôi, đôi chân là một trong những thứ giá trị cho… phần nhìn. Đôi chân tạo ra những bước nhảy uyển chuyển, sexy khi tôi trình diễn trên sân khấu. Khi cất những nốt cao, đôi chân cũng là điểm tựa truyền cho tôi sức mạnh vững vàng để thăng hoa trong giọng hát.
– Chị chưa bao giờ được nhắc đến với cụm từ “chân dài”. Thực ra thì chị buồn hay vui vì điều đó?
– Nếu so sánh với các cô chân dài người mẫu chuyển sang ca hát thì dĩ nhiên tôi không so được, dù tôi cũng cao 1,62m. Tuy nhiên, ngoại trừ chiều dài đôi chân thì sự cân đối của cơ thể là quan trọng hơn cả. Nếu bạn có một đôi chân dài nhưng kết cấu cơ thể không hài hòa, 3 vòng không chuẩn thì cũng phải xem lại. Riêng bản thân sự nghiệp của Thu Minh được xây dựng dựa trên thế mạnh của giọng hát, nên tôi không cảm thấy buồn vui gì về chuyện đôi chân dài hay ngắn. Có chăng tôi chỉ mong mình có thể cao thêm khoảng 4 phân nữa, để khỏi phải mang giày cao gót, nhảy nhót có thể phóng khoáng hơn (cười).
– Chị đã đi đến những khu rừng xa xôi ở Nam Phi để chứng kiến sự sống của loài tê giác. Mỗi chuyến đi thường mang đến cho chị điều gì? Và mỗi khi mỏi gối, chị thường nghĩ đến điều gì để không chùn bước?
– Ông bà ta hay nói “Đi một ngày đàng học một sàng khôn” nên từ lúc được đi nhiều, quan sát nhiều, tôi đã trở thành một con người khác. Tôi cảm thấy mình càng nhỏ bé hơn, khiêm tốn hơn, có nhiều cảm xúc và lòng nhân ái bao la hơn, suy nghĩ cũng vượt xa hơn so với một Thu Minh của 4 năm trước.
Cho đến hiện tại, tôi vẫn chưa cảm thấy “mỏi” trên con đường của mình. Nhưng nếu điều đó xảy ra, đó sẽ là lúc tôi nghĩ đến con mình để có thêm động lực bước tiếp. Vì lúc đó, tôi không phải bước cho tôi nữa mà còn là đồng hành cùng con tôi.
– Chị làm thế nào để giữ chân được ông xã của mình – người đàn ông mà triệu cô gái mơ ước?
– Rất may là bài phỏng vấn này bằng tiếng Việt chứ nếu bằng tiếng Anh, chắc ông xã tôi sẽ được dịp “đảo chính” mất! Vì bình thường, chồng lúc nào cũng ngước nhìn vợ, mà giờ lại biết mình là nhân vật được triệu cô gái mơ ước thì chết rồi (cười). Nói đùa vậy thôi, chứ điều đơn giản để giữ chân nhau là sự tôn trọng và chia sẻ. Cuộc sống vợ chồng dĩ nhiên sẽ không tránh khỏi những khi bất đồng quan điểm nhưng vợ chồng tôi xác định, luôn đặt bản thân vào vị trí của nhau để hiểu và sẻ chia, nhún nhường nhau – đây là điều giúp chúng tôi gắn bó lâu dài.
Tuy nhiên, tôi lúc nào cũng tự nhắc rằng, bản thân mình phải có tự tôn, lập trường và luôn có thể đứng vững trên chính đôi chân của mình. Người phụ nữ có thể tự lập được mới khiến đàn ông “nể nang”. Mình ngước nhìn chồng thì chồng cũng phải ngước nhìn mình.
– Hiện chị được coi là một hình mẫu thành công, nhưng chị vẫn không ngừng lao động và sáng tạo. Ý chí không ngừng vươn lên đó của chị bắt đầu từ điều gì?
– Thực ra tất cả đều do bản tính con người tôi từ trước đến nay đã như thế. Tôi là người thích được hoạt động. Được làm việc sẽ khiến cho tôi cảm thấy mình luôn tươi mới. Khi ở tâm thế đó, bạn sẽ tự khắc có một cuộc sống đầy màu sắc và ý nghĩa hơn mỗi ngày.
– Theo chị, người ta đứng lên bằng gì?
– Năng lực, sự tự tin và lòng tự trọng.
– Điều gì quyết định vận tốc của đôi chân: Sức khỏe? Ý chí? Sự tự tin?
– Ý chí.
– Có câu: “Kẻ mạnh không phải là kẻ giẫm lên kẻ yếu, mà là đứng được trên chính đôi chân của mình”, xin chị một bình luận?
– Đồng ý.
– Nhịp điệu nào chị tự thấy phù hợp hơn cả với mình: Bước gấp? Bước chậm? Lúc thưa lúc nhặt?
– Trên sân khấu thì phụ thuộc vào nhịp điệu của bài hát. Ngoài đời thì cần linh hoạt theo tình huống.
– Điều nào khiến chị hoang mang hơn cả: Bị ai đó giẫm lên? Không còn giữ được phong độ cũ? Không biết đi về đâu? Phương án khác?
– Tôi nghĩ mình sẽ chỉ hoang mang khi bản thân không biết đi về đâu. Còn bị ai đó giẫm lên khiến tôi thấy tội nghiệp họ hơn vì chỉ có những người kém cỏi, thiếu tự tin mới có thể dùng đến những hành động không đẹp đó.
Còn về phong độ, tôi may mắn khi là một người rất biết mình biết ta, biết ai rồi cũng sẽ đến lúc già và cũ đi. Nếu cứ sống và ám ảnh với hào quang cũ thì sẽ rất mệt mỏi…