Người đẹp tri thức
16 năm đội trên đầu chiếc vương niệm Hoa khôi Thể thao Việt Nam, người đẹp Thu Hương lại rạng ngời niềm hạnh phúc khi được trao chiếc vương niệm Á hậu 2 tại cuộc thi Mrs. World 2011. Khi đến với cuộc thi Hoa khôi Thể thao Việt Nam 1995, Thu Hương mới chỉ tròn 16 tuổi.
Cô bồi hồi nhớ lại “Tôi, lúc đó, một cô bé Thu Hương với tính cách nhút nhát, nhan sắc trung bình, chiều cao thì khiêm tốn mà lại “cả gan” đi thi thố thì thật là “sự kiện lớn’. Tôi nào đã biết chiếc vương niệm này sẽ mang lại cho mình điều gì và trách nhiệm với danh hiệu này ra sao. Trong đầu tôi lúc bấy giờ chỉ có một áp lực duy nhất là phải trở thành một “người đẹp tri thức” mà thôi”.
16 năm sau, đến với cuộc thi Hoa hậu quý bà thế giới, Thu Hương đã là người của công chúng, có tên tuổi, địa vị uy tín xã hội. Cô chia sẻ đã gặp khá nhiều áp lực khi đi thi “Vì tôi hiểu điều mình cần làm phải hơn trước đó nhiều lắm. Lúc đầu cũng muốn bỏ cuộc vì quá nhiều khó khăn và trở ngại. Tôi chỉ chực xếp vali về nước thôi. Tuy nhiên tôi đã kịp tự hỏi bản thân: không lẽ Thu Hương ngày hôm nay ý chí lại không bằng Thu Hương của tuổi 16 ư?
Thu Hương hoàn toàn không sợ người nước ngoài thất vọng mà chỉ sợ người Việt thất vọng về mình thôi. “Ở nước ngoài, kiều bào đi xem không hề biết tôi là ai, họ chỉ biết Việt Nam và đi cổ vũ cho Việt Nam chứ không phải cho cá nhân nhân mình. Chính vì thế tôi không thdể làm cho họ và người ở quê nhà thất vọng về hình ảnh đất nước, con người mình”.
Thu Hương kể, cô nhớ mãi cái cảm giác khi BGK gọi tên thí sinh thứ 13 rồi mà vẫn chưa thấy mình đâu. Lúc đó tôi hồi hộp lắm, nghĩ rằng chuyến này tay trắng trở về sẽ bị “ném đá” mất thôi. Rồi đại diện của Việt Nam cuối cùng được xướng tên vào top 14. Lúc này thì tâm lý của người đẹp hoàn toàn được giải tỏa và tự tin về những gì mình thể hiện. Khi danh hiệu Á hậu 2 được trao, cô mỉm cười và biết rằng sứ mệnh của mình đã thay đổi lớn lao hơn “Sứ mệnh kết nối bạn bè quốc tế, sứ mệnh mang hình ảnh Việt Nam ra thế giới lớn lao hơn hình ảnh cá nhân gấp nhiều lần”.
15 tuổi, tôi đã kiếm được tiền rồi
– Chị từng nói, mỗi giai đoạn tham gia cuộc thi nhan sắc là điều vì người thân. Giai đoạn thứ nhất đi thi vì mong muốn mang lại sự tự hào cho bố mẹ, giai đoạn thứ hai vì chồng và vì con? Có nghĩa trong cuộc sống chị ít khi làm điều gì vì bản thân?
– Thật lòng mà nói, những gì có được của ngày hôm nay là tôi luôn làm vì những người thân xung quanh mình; bố mẹ, chồng con hay lý tưởng hơn nữa là vì dân tộc. Nhưng những điều này tôi đã làm cho chính bản thân mình đấy chứ. Có nghĩa là, những việc trải qua đều do tôi quyết định, thực hiện với mục đích mang lại sự hãnh diện và tự hào cho những người tôi thương yêu bằng sự tự nguyện chứ không ai ép buộc. Làm vì điều mình thích và dành thành quả đó như một món quà cho những người thân. Đó là lý do tại sao từ hồi còn rất trẻ tôi đã ý thức làm việc rất chăm chỉ để mang lại thành quả.
– Theo chủ quan, tôi cho rằng “người đẹp có danh hiệu” cần gì phải làm lụng vất vả. Họ vẫn sống vui, sống khỏe, sống sướng đấy thôi?
– Tôi hiểu ý anh muốn nói về điều gì. Tạm thời chúng ta bỏ qua điều đó nhé. Chỉ nói về bản thân tôi thôi. Tôi sợ nghèo và không muốn mình nghèo. Tôi không bao giờ muốn mình là một gánh nặng cho ai, nhất là cha mẹ, gia đình mình. Từ bé, tôi luôn mong muốn mình trường thành sớm để có thể đỡ đần bố mẹ mình khi về già được nghỉ ngơi, an dưỡng một cách tốt nhất có thể.
15 tuổi, tôi đã kiếm được tiền rồi. Việc gì tôi cũng làm, miễn là có tiền một cách chính đáng như là trình diễn thời trang, gói kẹo, bồi giấy… để có thể tự trang trải học phí. Anh chị em tôi được bố mẹ dạy khi còn nhỏ là phải biết lao động kiếm tiền bằng chính khả năng và sức lực của mình. Ví dụ như ngày trước, em trai tôi muốn có hai nghìn để tiêu vặt ư? Thế thì hãy đánh giày hoặc gõ tài liệu cho chị nhé. Giờ vẫn thế. Vậy đấy, chúng tôi luôn hiểu rằng kiếm được đồng tiền phải tương xứng với công sức mình bỏ ra. Tiền không phải tự nhiên mà có.
Còn chinh phục những đỉnh cao khác
– Chính vì thế mà Thu Hương được xem là một trong những “người đẹp cần cù”, biết cách làm giàu và còn là một người con hiếu thảo?
– Ước mơ kiếm thật nhiều tiền một cách chính đáng thì chẳng có gì là xấu cả. Tôi cho rằng một người có sức khỏe, tư duy, chăm chỉ làm việc ước muốn kiếm tiền một cách chính đáng thì không thể nghèo được. Trừ khi bệnh tật hoặc những tai ương bất ngờ đổ xuống thì đúng là do số phận không thể lường trước đành chịu. Sự nghiệp của tôi cũng đi lên từ con số 0 mà. Chúng ta khác nhau ở chỗ là, có dám vượt qua bản thân hay không thôi. Có rất nhiều người tôi thấy được khả năng của họ có thể làm được nhiều hơn thế nhưng họ không dám vượt qua rào cản đó để thoát nghèo. Chúng ta luôn hiểu cái gì cũng có cái giá của nó, “không ai cho ai không cái gì cả”.
Tôi luôn muốn giữ nếp nghĩ “phải có trách nhiệm lo lắng cho một ai đó” để hun đúc cho mình ý chí vươn lên mà không được dừng lại hay gục ngã. Đó là lý do tại sao đến giờ tôi vẫn duy trì thói quen gửi tiền cho bố mẹ, mặc dù đôi lúc nhu cầu các cụ cũng không cần tới. Tuy nhiên, tôi nghĩ nếu không có “trách nhiệm” thì chẳng bao giờ có tôi của ngày hôm nay. Tôi tin mình làm việc tốt thì mọi thứ sẽ đến với mình.
– Tôi vẫn nhớ đến chị qua hình ảnh trong phim “Cô thư ký xinh đẹp”. Sao thời gian qua chị lại bỏ bê, “lãng phí” hình ảnh của mình ở lĩnh vực này?
– Nhiều người cũng ngạc nhiên vì khi đang rất được chú ý thì đùng một cái tôi “lặn mất tăm”. Đó là vì tôi chuyển sang những công việc khác. Ban đầu mới xa máy quay, sân khấu thì tôi “nghiện” và nhớ lắm, riết rồi thành quen. Bây giờ tôi muốn mình là người sản xuất chương trình giỏi, chủ động chọn lựa mình diễn xuất hoặc quyết định mình dẫn chương trình hay không chứ không thụ động để đợi chờ người khác với mình nữa. Tôi có nhiều khả năng cần khám phá bản thân lắm. Tôi còn muốn chinh phục những đỉnh cao khác.
– Trong hình ảnh doanh nhân, chị là người “sếp” như thế nào?
– Tôi biết mình là người rất chi tiết, khó tính và cầu toàn nhưng là người biết chia sẻ. Tôi không thích người an phận và tôi thường khuyến khích, lôi kéo họ vượt qua bản thân. Đôi lúc, họ mệt mỏi thật đó nhưng sau khi đạt được mục tiêu, họ phải thầm cảm ơn mình đấy chứ. Tôi chấp nhận sự sai sót của người khác, nhưng không được quá nhiều. Nguyên tắc, nếu cùng một sự việc mà xảy ra ba lần sai sót như nhau thì tôi biết rằng họ không thích hợp với công việc này, tôi đã chọn sai họ ở vị trí đó và cần phải có sự thay đổi. Với 11 năm kinh nghiệm, tôi cũng hiểu mình cần phải xử lý như thế nào trong mỗi trường hợp cụ thể.
Jet Đặng
Theo NĐ & ĐS