"Thu hồi đất giá rẻ, bán giá đắt: dân không chịu đâu" - Tạp chí Đẹp

“Thu hồi đất giá rẻ, bán giá đắt: dân không chịu đâu”

Tin Tức

Ông Phạm Hữu Văn – Phó trưởng Ban Kinh tế (Trung ương Hội Nông dân VN): “không nên dùng khái niệm thu hồi đất đối với người dân. Việc áp dụng hình thức trưng dụng, trưng mua là hợp lý nhất. Nếu dùng hình thức thu hồi…

Nguyễn Duy Lượng – phó chủ tịch Trung ương Hội Nông dân Việt Nam: “việc sửa đổi Luật Đất đai cần nhìn từ thực tiễn khi áp dụng đúng quy định mà người dân còn kiện thì cả chính sách và Luật đều chưa phù hợp với cuộc…

Nêu thực tiễn chuyện thu hồi đất của người dân phục vụ các dự án được gọi là phát triển kinh tế – xã hội trong thời gian qua còn nhiều bất cập, ông Phạm Hữu Văn đồng tình với quan điểm Nhà nước thu hồi đất vào mục đích an ninh, quốc phòng, vì lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng, nhưng không đồng tình với việc tất cả các loại đất đều áp dụng cách thức thu hồi.

“Tôi nghĩ cần nhìn thằng thực tế thu hồi đất vào mục đích công thì thuận lợi, người dân sẵn sàng nhận tiền, nhưng tại sao khi thu hồi đất đất làm các khu đô thị lại khó? Bởi lẽ cũng vì mục đích chung nhưng giá đền bù cho người dân chỉ vài trăm nghìn/m2, nhà đầu tư chỉ đầu tư khoảng 2-3 triệu làm hạ tầng, sau đó bán đất với giá 40-50 triệu/m2. Người dân hiểu ngọn ngành đấy, họ biết cả vì sao bán được 40-50 triệu/m2, lợi nhuận đó đi đâu nên họ bức xúc là ở chỗ đó. Tôi đề nghị cần phải phân rõ làm 2 loại đất. Thứ nhất là thu hồi đất phục vụ cho an ninh, quốc phòng, giao thông, thủy lợi, các công trình công. Còn những công trình vì mục đích phát triển kinh tế có lợi nhuận của chủ đầu tư thì quyền lợi của người sử dụng đất phải đặt lên trên hết. Nếu không, ông chủ đầu tư nào cũng nói tôi phục vụ cho mục đích chung, cho lợi ích quốc gia, chung cư cũng nói là lợi ích quốc gia, nhưng cứ giá của dân thì rẻ, sang tay là giá đắt, người dân không chịu đâu” – ông Văn phân tích.

Ông Nguyễn Duy Lượng – Phó chủ tịch Trung ương Hội Nông dân Việt Nam – nhấn mạnh: “Thực tế việc khiếu nại, khiếu kiện liên quan đến đất đai vẫn còn “nóng”, vì vậy việc sửa đổi Luật Đất đai cần nhìn từ thực tiễn khi áp dụng đúng quy định mà người dân còn kiện thì cả chính sách và Luật đều chưa phù hợp với cuộc sống”.

Theo ông Nguyễn Duy Lượng, thực tế Luật Đất đai đang áp dụng có nhiều điểm bất cập, quy định đã rất lạc hậu so với thực tế đang diễn ra. “Bất cập ở chỗ công tác quản lý nhà nước về đất đai còn nhiều yếu kém.

Bất cập ở chỗ lĩnh vực đất đai đang là mảnh đất màu mỡ cho biểu hiện của tham nhũng. Bất cập ở chỗ đất đai đã và đang tác động đến sự phân hóa giàu, nghèo và gây ra những bất ổn định cho xã hội. Tôi xin nói chỉ có số ít người trở nên giàu có từ đất, nhưng có số đông người dân mất đất, và đã mất đất là cuộc sống trở nên khó khăn hơn”-ông Lượng nhấn mạnh.

Theo ông Lượng, với một chính sách pháp luật về đất đai có nhiều bất cập, công thêm những biểu hiện của nhóm lợi ích giữa doanh nghiệp và chính quyền kết cấu, trực lợi từ đất đai diễn ra ở nhiều nơi với tình chất và quy mô khác nhau khiến cho việc khiếu kiện, khiếu nại về đất đai trở nên phức tạp.

“Nhiều quyết định của chính quyền không hợp lòng dân khiến người dân bất bình, nhiều nơi cán bộ vô cảm làm ngơ trước lợi ích của dân. Rất nhiều vụ việc tố cáo có liên quan đến tiêu cực, tham nhũng và có nguyên nhân do cấp trên nể nang, bao che cho cấp dưới làm sai, dẫn đến khiếu kiện kéo dài. Ngay việc đền bù, bồi thường tái định cư, cũng cho thấy đa phần đơn thư đều xuất phát từ việc người dân không đồng tình với quyết định của chính quyền. Những quyết định đó nếu có đúng quy định mà dân vẫn kiện thì điều đó chứng tỏ lỗi chính sách pháp luật về đất đai không hợp lý nữa rồi. Vì vậy, việc sửa Luật cần hướng tới mục đích đảm bảo được quyền lợi, thể hiện được nguyện vọng của người dân và có sự công bằng trong thực hiện”, ông Lượng nhấn mạnh.

“Trưng dụng, trưng mua… chứ đừng “kỷ luật” người sử dụng đất”

Tại hội nghị, nhiều ý kiến cũng đề nghị không nên sử dụng khái niệm thu hồi đất mà cần phải áp dụng hình thức trưng dụng và trưng mua.

Ông Phạm Hữu Văn – Phó trưởng Ban Kinh tế (Trung ương Hội Nông dân VN) nói: “dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) hiện vẫn quy định trong một số trường hợp Nhà nước sẽ thu hồi đất, tuy nhiên tôi vẫn giữ quan điểm của mình, đó là không nên dùng khái niệm thu hồi đất đối với người dân.

Việc áp dụng hình thức trưng dụng, trưng mua là hợp lý nhất. Thực tế nếu bằng quyết định hành chính của Nhà nước để thu hồi đất của người dân trong trường hợp người dân đang sử dụng ổn định thì vô tình như áp dụng hình thức “kỷ luật” với người sử dụng đất. Vì vậy cần trưng dụng quyền sử dụng đất của người dân vào các mục đích, công trình an ninh, quốc phòng, lợi ích quốc gia, lợi ích công cồng, còn trưng mua vào mục đích kinh tế, cuối cùng chỉ áp dụng hình thức thu hồi với những chủ sử dụng đất vi phạm”.

Ông Nguyễn Văn Phan (Văn phòng Trung ương Hội Nông dân VN) cũng kiến nghị Luật Đất đai (sửa đổi) cần bỏ chính sách về hạn điền, để tạo điều kiện cho nông dân tích tụ ruộng đất, làm kinh tế quy mô lớn. “Việc thu hồi dân cũng nên tách và có chính sách đặc biệt khi thu hồi đất nông nghiệp của dân. Với nông dân, đất đai là tư liệu sản xuất nên đừng “dễ dãi” trong thu tư liệu sản xuất đó”, ông Phan nhấn mạnh.

Phát biểu tại hội nghị, ông Nguyễn Mạnh Hiển – Thứ trưởng Bộ TN-MT thừa nhận vấn đề thu hồi đất, bồi thường, tái định cư là nội dung người dân bức xúc nhất trong thời gian qua. Theo ông, một trong những điểm bất cập rõ nét nhất là cơ chế thu hồi đất của người dân theo dự án.

“Thời gian qua chủ yếu là thu hồi đất theo dự án, điều này phát sinh tiêu cực, gây bức xúc nên Luật sửa đổi lần này điều chỉnh việc thu hồi sẽ theo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, sau đó lấy đất sạch đấu giá để đưa phần giá trị tăng thêm vào ngân sách”-ông Hiển nói.

Đề cập đến việc áp dụng cơ chế trưng thu, trưng mua quyền sử dụng đất, ông Hiển cho biết ngay trong thảo luận về dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 cũng có ý kiến đề nghị nên áp dụng hình thức này.

“Trong dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) vẫn giữ hình thức thu hồi để lấy ý kiến, nhưng đã phân định rõ những dự án của lĩnh vực an ninh, quốc phòng, vì lợi ích quốc gia, lợi ích kinh tế hoặc những dự án phát triển kinh tế lớn của đất nước thì nhà nước thu hồi, còn những dự án dạng như khách sạn 5 sao thì để chủ đầu tư thực hiện quyền chuyển nhượng với người sử dụng, không thỏa thuận được thì không làm” – ông Hiển nhấn mạnh.

Tương tự, với nhiều băn khoăn về việc thu hồi đất vào mục đích phát triển kinh tế-xã hội, ông Hiển khẳng định việc thu hồi đất ở lĩnh vực này tới đây không thể dễ dàng.

“Trong dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đã đưa vào quy định mới để giám sát quyền lực trong quyết định đối với những dự án phát triển kinh tế – xã hội, đó là tất cả những dự án này đều phải thông qua HĐND cho ý kiến, nếu không có thì cũng không được làm” – ông Hiển nói.

Đề nghị gia hạn thời gian lấy ý kiến người dân

Theo lãnh đạo Bộ TN-MT, việc lấy ý kiến các tổ chức, các tầng lớp nhân dân vào dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) sẽ kéo dài đến hết 31-3, sau đó UBND các tỉnh, thành phố có trách nhiệm báo cáo kết quả đóng góp ý gửi về Bộ TN-MT trước ngày 5-4 để hoàn thiện trình Chính phủ trước ngày 15-4, tuy nhiên tại hội nghị góp ý kiến, ông Nguyễn Văn Phan (Văn phòng Trung ương Hội Nông dân VN) đề nghị cần gia hạn lấy ý kiến người dân đối với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).

Theo ông Phan, việc sửa đổi Luật Đất đai gắn chặt với những quy định trong dự thảo sửa đổi Hiến pháp về nội dung đất đai, do vậy khi Hiến pháp được thông qua, dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) mới cụ thể hóa được những quy định mới từ Hiến pháp về nội dung đất đai. “Khi đó vẫn cần tiếp tục lấy ý kiến nhân dân”-ông Phan kiến nghị.

Theo Tuổi trẻ

Thực hiện: depweb

12/03/2013, 23:48