Vợ mến yêu!
“Mỗi năm đến hè lòng man mác buồn” là tâm trạng của đám học trò áo trắng sắp tạm biệt bạn bè, cho một kỳ nghỉ; hoặc giã biệt nhau khi ra trường. Anh đã qua cái thời ấy lâu rồi, nhưng mỗi lúc hè tới, thì phải thú nhận lòng buồn man mác thật, dù rằng nỗi buồn này không được chính đáng cho lắm, khi nhớ về những dòng “lưu bút ngày xanh”.
Cuốn lưu bút thứ nhất, anh viết rằng sẽ nhớ chủ nó lắm, hứa hẹn rằng nỗi nhớ sẽ ngày càng quay quắt với thời gian, và khắc sâu vào tâm trí hơn cả bia đá. Chủ nhân xinh đẹp của nó cho anh cơ hội được “quay quắt” và “khắc sâu hơn bia đá” với chữ nhớ, bằng việc trở thành trưởng phòng nơi anh đang làm việc. Nhưng giờ đây nỗi nhớ được thu gọn lại ở khâu nộp báo cáo tuần mỗi buổi sáng thứ 2, mà anh chưa bao giờ dám quên vì “nỗi nhớ” dọa rằng sẽ gửi tới em bản copy lưu bút anh viết cho nó ngày nào nếu không nộp báo cáo đúng hạn.
Cuốn lưu bút thứ hai, anh viết rằng rất thương chủ nó, và dặn mai sau có gì khó khăn thì đừng ngại hỏi đến bạn. Không biết có phải do anh thương chủ nó quá, lấn sang cả phần trời thương, hay là ông trời thương anh cho anh cơ hội được trở thành kẻ nghĩa hiệp nửa mùa, mà nay tháng nào “thằng bạn ngày xanh” kia cũng hỏi vay mượn. Khổ thân cho cả bạn lẫn mình, bây giờ có phải ngày nào cũng xanh mướt như xưa đâu, nhất là khi vợ thấy tiền lương mang về không được tròn trịa như trên sổ sách.
Cuốn lưu bút thứ ba, ôi tội lỗi, anh trót đặt mấy dòng nắn nót rằng anh đã YÊU (in hoa) người con gái gửi nó cho anh rồi, rằng anh không thể không xốn xang trước một ánh nhìn, không thể không rạo rực khi bàn tay nắm bàn tay… Lại khổ cái thân anh, chưa kịp hết tuổi thơ đã sang tuổi trẻ, chưa kịp sống tuổi trẻ đã phải trở thành đàn ông, vì đôi mắt người xưa nay vẫn nhìn anh – nhưng là lừ mắt với anh thì đúng hơn, mỗi khi anh quá chén với bạn bè; bàn tay ngọc ngà xưa kia vẫn nắm tay anh – nhưng là nhéo anh thì đúng hơn, mỗi khi anh mải nhìn một dáng kiều nào khác.
Những lúc ngồi cùng đám bạn, nếu không có chủ nhân của cuốn lưu bút thứ ba ở cạnh, thì anh thường than thở: “Đời mình ngu dại đâu có ít, nhưng cái ngu dại để lại nhiều ân hận nhất là khi viết lưu bút”.