Thủ đoạn lừa đảo mới nhằm chiếm đoạt tiền trong thẻ tín dụng - Tạp chí Đẹp

Thủ đoạn lừa đảo mới nhằm chiếm đoạt tiền trong thẻ tín dụng

Đẹp Men +

Nhằm bảo bảo vệ tài sản khách hàng, ngân hàng khuyến cáo khách hàng không được cung cấp các thông tin cá nhân cho bất cứ ai, kể cả người tự xưng là nhân viên ngân hàng.

Ảnh minh họa

Trong thời đại công nghệ 4.0, thẻ tín dụng không còn xa lạ với nhiều người bởi nhiều tiện ích mà chúng đem lại. Tuy nhiên cùng với sự phát triển nhanh chóng của các dịch vụ ngân hàng hiện đại, tội phạm công nghệ cao ngày càng có nhiều chiêu thức lừa đảo tinh vi.

Một trong những hình thức mới nhất là gọi điện giả danh cán bộ nhân viên ngân hàng “mời” rút tiền qua thẻ tín dụng, chuyển đổi trả góp, sau đó chiếm đoạt tài sản trong thẻ.

Muôn kiểu lừa đảo

Giữa tháng Hai, chị Nguyễn Hải Yến mở thẻ tín dụng tại một ngân hàng trên phố Nguyễn Văn Cừ (Hà Nội), hạn mức hơn 50 triệu đồng. Điều đáng nói, chỉ vài giờ sau khi nhận được tin nhắn kích hoạt thẻ, chị Yến liên tục nhận được các cuộc gọi từ số lạ, tự xưng là nhân viên của ngân hàng để mời chào rút tiền mặt qua thẻ với lãi suất 0%.

“Mỗi cuộc gọi là một số điện thoại khác nhau. Có ngày tôi nhận được đến 7-8 cuộc gọi và tin nhắn,” chị Yến cho hay.

Tương tự, chị Trần Bích Ngọc (quận Ba Đình) cũng chia sẻ trong vài ngày qua chị nhận được các cuộc gọi từ người tự xưng là nhân viên ngân hàng. Người này giới thiệu cho chị Ngọc là ngân hàng đang có chương trình hỗ trợ khách hàng hoàn phí thường niên và rút tiền mặt từ thẻ tín dụng. Sau đó, người này yêu cầu chị cung cấp một số thông tin như số thẻ, mã thẻ, OTP… May mắn, chị Ngọc đã biết đến chiêu trò lừa đảo này trước nên không mắc bẫy kẻ gian.

Theo chia sẻ của chị Yến và chị Ngọc, các đối tượng trên thường yêu cầu khách hàng chụp căn cước công dân và thẻ tín dụng 2 mặt với cam kết “được hỗ trợ rút 90% hạn mức thẻ, sau đó sẽ hỗ trợ chuyển sang tài khoản chủ thẻ để chi tiêu.”

Trong những ngày gần đây, các ngân hàng như Agribank, TPBank, VPBank, Techcombank… đã liên tục cho biết, một số đối tượng đã mạo danh nhân viên của các ngân hàng tiếp cận, đánh cắp thông tin bảo mật, chiếm đoạt tiền trong tài khoản và thẻ tín dụng của khách hàng thông qua phương thức mời chào rút tiền từ thẻ tín dụng. Qua xác minh sơ bộ, một số khách hàng của các ngân hàng trên đã bị lừa với những thủ đoạn hết sức tinh vi.

Theo đó, đối tượng gọi điện/nhắn tin mời chào dịch vụ bằng SIM rác với nội dung: Rút tiền mặt từ thẻ tín dụng, dễ dàng đáo hạn hàng tháng hoặc chuyển trả góp với phí, lãi suất thấp hơn để lôi kéo khách hàng; sau khi khách hàng đồng ý, đối tượng yêu cầu chủ thẻ cung cấp thông tin của thẻ tín dụng vật lý hoặc thông tin thẻ (bao gồm số thẻ và mã CVV, thậm chí kẻ gian còn tạo niềm tin cho khách hàng bằng cách yêu cầu che đi mã CVV trước khi cung cấp thông tin), hình ảnh chứng minh nhân dân/căn cước công dân, mã hợp đồng gửi đến số điện thoại nếu cần (thực chất là mã OTP của giao dịch trừ tiền từ thẻ tín dụng) và số tiền cần rút. Nếu khách hàng cung cấp mã số này, kẻ gian sẽ chiếm đoạt tiền qua các giao dịch thanh toán mua sắm online, ví điện tử…

Bên cạnh các hình thức lừa đảo này, mấy ngày qua nhiều khách hàng của Vietcombank đã nhận được tin nhắn lừa đảo đến từ tổng đài giả danh Vietcombank. Theo đó, kẻ gian đã sử dụng dịch vụ nhắn tin SMS Brand Name (tin nhắn hiển thị theo tên thương hiệu) để tạo niềm tin cho người nhận làm theo hướng dẫn.

Cụ thể, tin nhắn thông báo tài khoản VCB Digibank của người dùng đã bị khóa mà không rõ lý do. Để xác thực mở lại tài khoản, người dùng phải truy cập vào trang web như trong tin nhắn. Tuy nhiên, đây là trang web do kẻ gian tạo ra nhằm lấy cắp tài khoản người dùng, có giao diện nhái trang web chính chủ của Vietcombank (vietcombank.com.vn).

Sau khi nhận được thông tin, một số chủ tài khoản đã lên tiếng cảnh báo trên mạng xã hội nếu ai có nhận được tin nhắn tương tự thì nên xóa ngay hoặc gọi hotline ngân hàng để kiểm tra.

Ngân hàng làm gì?

Nhằm bảo bảo vệ tài sản khách hàng, các ngân hàng đã nhiều lần đưa ra cảnh báo đối với người sử dụng thẻ tín dụng cũng như các dịch vụ khác cần cảnh giác và lưu ý những khuyến cáo từ ngân hàng.

Khách hàng được khuyến cáo hết sức cảnh giác với những cuộc gọi, tin nhắn, email từ người lạ. Luôn xác thực người đề nghị thực hiện giao dịch khi nhận được yêu cầu chuyển tiền, nạp tiền (qua điện thoại hoặc trực tiếp).

Hàng trăm hội, nhóm cung cấp dịch vụ rút tiền thẻ tín dụng trên mạng xã hội Facebook. (Ảnh chụp màn hình)

Bên cạnh đó, khách hàng không được cung cấp các thông tin cá nhân cho bất cứ ai, kể cả người tự xưng là nhân viên ngân hàng. Các thông tin bao gồm số chứng minh nhân dân/căn cước công dân, số thẻ, mã thẻ, thông tin xác thực giao dịch (mã OTP), thông tin về tài khoản ví liên kết… để tránh bị kẻ gian lấy cắp thông tin và trục lợi.

Hiện nay, ngoài việc cho phép rút tiền mặt từ thẻ tín dụng tại các cây ATM, một số ngân hàng còn hỗ trợ khách rút tiền thẻ tín dụng trực tiếp tại quầy hoặc rút trực tuyến. Đối với hình thức rút tiền trực tuyến, khách hàng cần liên hệ số hotline của ngân hàng mở thẻ, sau đó sẽ có giao dịch viên hướng dẫn làm các thủ tục cho khách hàng.

Các ngân hàng khẳng định việc yêu cầu cung cấp các thông tin cá nhân như toàn bộ thông tin 16 số thẻ, ngày hết hạn thẻ, mã bảo mật CVV hoặc mã OTP khi mời chào rút tiền từ thẻ tín dụng như trên đều là lừa đảo. Dịch vụ hỗ trợ thẻ tín dụng của các ngân hàng (trả góp, rút tiền…) không yêu cầu khách hàng cung cấp các thông tin trên.

Đối với trường hợp của Vietcombank, sáng 28/3, ngân hàng này đã phải phát thông báo “khẩn” có nội dụng: “Vietcombank không gửi đường link đăng nhập VCB Digibank qua SMS. Khách hàng tuyệt đối không bấm vào link, không cung cấp bất kỳ thông tin gì.”

Ông Lê Thanh Hà, Trưởng tiểu ban rủi ro, Hội thẻ Việt Nam cũng khuyến cáo khách hàng không đưa thẻ của mình cho bất cứ người nào khác, trừ nhân viên của ngân hàng hoặc các nhân viên thu ngân của đơn vị chấp nhận thanh toán được chỉ định để làm việc với khách hàng. Khi thu ngân thực hiện giao dịch phải trong tầm quan sát của khách hàng. Đối với nhân viên ngân hàng, khách hàng chỉ nên đưa thẻ cho nhân viên của ngân hàng khi thực hiện các giao dịch/thủ tục tại các điểm giao dịch của ngân hàng, không đưa thẻ ở các địa điểm bên ngoài điểm giao dịch của ngân hàng.

Khi khách hàng chưa có nhu cầu sử dụng thẻ, khách hàng nên tạm thời khóa thẻ, trường hợp khách hàng mở ra chi tiêu thì nên đóng lại ngay sau khi hoàn tất giao dịch; khách hàng cũng đồng thời có thể cài đặt các hạn mức thanh toán (số tiền giao dịch/lần/ngày).

Trong trường phát sinh rủi ro (như thất lạc, mất thẻ/đã cung cấp thông tin thẻ cho đối tượng giả mạo…), nghi ngờ có rủi ro hoặc thông tin, dữ liệu thẻ của mình có thể đã bị xâm nhập, khách hàng cần lập tức: Khóa thẻ thông qua ứng dụng ngân hàng cung cấp cho khách hàng; liên hệ ngay tổng đài hỗ trợ khách hàng 24/7 của các ngân hàng phát hành thẻ để khóa thẻ; liên hệ với cơ quan công an nơi gần nhất để được hỗ trợ.

Các ngân hàng cho hay làm việc với cơ quan công an sẽ là các bằng chứng để củng cố hồ sơ nhằm bảo vệ quyền lợi khách hàng trước các rủi ro phát sinh.

Tác giả: Thúy Hà (VietnamPlus)

29/03/2022, 14:36