Thủ đô nghìn năm văn hiến và… “văn hóa bãi bia”

LTS: Văn hóa Hà Nội luôn là một đề tài gây tranh cãi, của những người vốn yêu quý, hoặc quan tâm đến Hà Nội. Mới đây, Tuần Việt Nam nhận được bài viết của tác giả Nguyễn Hòa. Để rộng đường dư luận, tôn trọng tính thông tin đa chiều, Tuần Việt Nam xin đăng tải bài viết dưới đây.

Và rất mong nhận được nhiều ý kiến tham góp, những giải pháp xung quanh chủ đề này, làm sao để Hà Nội thực sự là Thủ đô, với văn hóa Tràng An vốn đẹp và đáng trân trọng. Xin cảm ơn.

Hà Nội- cái… làng lớn

Năm 2010, Hà Nội tổ chức Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội. Sự kiện này nhanh chóng trở thành niềm phấn khích của cả nước, hầu như tuần nào cũng thấy đâu đó diễn ra một sự kiện “hướng tới Đại lễ”. Các sự kiện nhiều đến mức khó có thể không băn khoăn mà hỏi rằng: Nếu không có Đại lễ thì sự kiện nọ có tổ chức hay không?

Phải chăng Đại lễ là cái cớ để sự kiện kia ra đời, như cổ nhân từng nói về “cơ hội nghìn năm có một”?

Riêng với Hà Nội, các sự kiện, công việc mang tính “hướng tới” có vẻ xôm tụ. Trong đó có một số sự kiện, công việc chứa đựng khả năng chứng minh “khủng hoảng lựa chọn văn hóa” là có cơ sở.

Ấy là khi cả Hà Nội trở thành một công trường bề bộn, bẩn thỉu với những đoạn vỉa hè vừa lát năm trước, năm nay lại vội vàng dỡ ra lát lại. Với những con đường nhấp nhô, lồi lõm vì người ta đào bới để làm một cái gì đó. Ấy là khi người ta nghĩ ra chuyện gửi “1000 vật phẩm tiêu biểu cho thế hệ sau” (hẳn là phải tự tin lắm mới nghĩ tới chuyện “khoe” với hậu thế “vật phẩm tiêu biểu” của mình?)…

Nhưng xét từ lịch sử hình thành, thì Hà Nội và rộng hơn là các đô thị khác ở Việt Nam, tới hôm nay hình như vẫn chỉ là 1…”cái làng lớn”? Câu hỏi này có thể lạ tai nếu nhìn từ các phương tiện văn minh, nhưng sẽ là thuận tai nếu nhìn từ lối sống, thói quen, tác phong…, của cư dân Hà Nội.

Xưa kia, kinh tế thương nghiệp còn trong tình trạng sơ khai vốn không cần tới quy mô lớn, trao đổi hàng hóa thường dừng lại ở phạm vi địa phương. Bởi thế, ngoài các trung tâm quyền lực như kinh đô, các trung tâm hành chính ở địa phương, thì sự xuất hiện đô thị với tính cách là trung tâm chính trị – kinh tế – văn hóa dường như không thật sự là đòi hỏi cấp thiết.

Sự phồn thịnh rồi suy tàn của kiểu đô thị – kinh tế như Phố Hiến, Hội An là một ví dụ điển hình.

Khi đô thị không ra đời như kết quả tất yếu của sự phát triển đô thị – kinh tế, thì việc tổ chức để đô thị vận hành theo quy củ sẽ dễ lỏng lẻo. Cho nên, với quá trình phình ra của đô thị ở 1 quốc gia nông nghiệp lúa nước, xét đến cùng là hệ quả của sự tích hợp dân cư.

Người ta đến đô thị từ mọi miền, người ta định cư nhưng không thể cắt đứt mối liên hệ với cộng đồng làng xã. Ngay đến tầng lớp quan lại, các vị đại khoa,… cũng không dám thoái thác nghĩa vụ với nguồn gốc xuất thân (về quê để giỗ chạp, để dự hội làng, họp “giáp”, nhận phần ruộng…).

Theo thời gian, sự tích hợp này cũng biến động với sự xuất hiện của cư dân từ các địa phương khác đến sau, rồi sự xuất hiện của các ngành nghề mới… Và thế là các đô thị dần dà phai nhạt tính chất nguyên hợp ban đầu, thậm chí phai nhạt cả một vài đặc điểm riêng để thay thế bằng sự tích hợp văn hóa từ nhiều cộng đồng không cùng nguồn gốc, với nền nếp, thói quen, lối sống… khác nhau, với những nét bản sắc khác nhau.

Tất cả cùng phối kết làm nên 1 diện mạo văn hóa mới cho đô thị. Văn hóa Hà Nội là 1 ví dụ điển hình cho tình thế này, bởi điều chúng ta gọi là văn hóa Hà Nội đâu phải ra đời trong một sớm một chiều. Đó là kết quả của 1 quá trình tích hợp lâu dài để làm nên bản sắc.

Để có văn hóa Hà Nội, cha ông phải mất rất nhiều thời gian tạo lập và xây đắp, làm nên điều chúng ta thường nhắc tới trong câu ca dao: “Dẫu không thanh lịch cũng người Tràng An”.

Hàng nghìn năm trôi qua, lịch sử thăng trầm của đất nước luôn trực tiếp đưa tới các biến động ở kinh thành Thăng Long, sau này là Thủ đô Hà Nội, nhưng văn hóa Tràng An hầu như không biến động lớn, vẫn giữ được vai trò 1 biểu tượng trung tâm của văn hóa dân tộc.

Tháp Rùa Hà Nội

Khi người Pháp đến Việt Nam, họ đã làm cho diện mạo tự ngàn xưa của Hà Nội bị biến đổi, với các biệt thự và đường phố được tổ chức theo kiểu Pháp, với sự ra đời của nhiều thói quen mới trong sinh hoạt hàng ngày. Phong cách phương Tây cùng thói quen mới đã không làm biến đổi cái bất biến của văn hóa Hà Nội, và có phần còn tôn lên sự thanh lịch, đến thập kỷ 60 – 70 của thế kỷ trước, thanh lịch vẫn còn là một giá trị để người Hà Nội tự hào.

Và dần dà, Hà Nội cũng bắt đầu diễn ra quá trình tích hợp dân cư mới. Tuy nhiên, người 4 phương đến định cư ở Hà Nội với tâm thế nhập thân để trở thành một bộ phận của văn hóa Hà Thành hơn là tác động để văn hóa Hà Thành phải biến đổi.

Chưa nói đến một khả năng nữa là tâm lý tự ti của người từ làng xã hay tỉnh lẻ về đất nghìn năm văn vật. Có một sự thật là, kể cả những người giàu có, địa vị cao ở các địa phương, khi đến Hà Nội thường thấy mình “nhỏ bé”, nhiều người coi Hà Nội như một thế giới khác mình, không thuộc về mình. Và cũng có một sự thật là có người sau khi định cư ở Hà Nội lại tỏ ra hợm hĩnh về “tư cách người Hà Nội” để… vây vo với bà con ở nơi bản quán.

Các chuẩn mực cơ bản trong cách thức tổ chức cuộc sống, trong nếp sống, trong ứng xử gia đình, ứng xử cộng đồng vẫn được duy trì; thậm chí cách ăn mặc, nói năng vẫn khá ổn định… Các chuẩn mực ấy được duy trì, một phần là do các thế hệ được đào tạo từ cái nôi văn hóa Hà Nội vẫn chiếm đa số.

Tuy nhiên, từ đầu thế kỷ XX, trong lối sống của người Hà Nội còn xuất hiện cả những hiện tượng lố bịch, đã trở thành đề tài cho tác phẩm của Vũ Trọng Phụng, Nguyễn Công Hoan… Đó là khi thói “phàm phu tục tử”, thói phô phang sự giàu có theo kiểu trọc phú, lối học đòi lố lăng, kiểu cách “rởm đời” và các “ông Tây An Nam”… bắt đầu có mặt giữa 1 cộng đồng văn hóa.

Trên thực tế, sau mấy chục năm, quá trình đô thị hóa theo kiểu phương Tây vẫn chưa thể phá vỡ sự cố kết của cộng đồng dân cư ở mỗi con phố, mỗi xóm ngõ tại Hà Nội. Cùng quê hương bản quán, cùng sống trên 1 khu vực, dù ở phố thì quan hệ vẫn mang dấu vết của kiểu quan hệ… làng xã.

Người sống ở đầu phố không chỉ biết người sống ở cuối phố mà còn tường tận cả gia thế, con cái, hoàn cảnh riêng. Đôi khi việc cưới xin, ma chay hoặc giỗ chạp của một gia đình cũng là việc của nhiều gia đình khác cùng phố. Đến đầu những năm 60 của thế kỷ trước, vẫn thấy tình trạng này còn khá phổ biến, được mọi người coi là việc bình thường.

Hà Nội… mới vàvăn hóa bãi bia”

Rồi chính vào lúc các giá trị văn hóa mới chưa lộ hình hài thì ở Hà Nội diễn ra một quá trình tích tụ dân cư mới.

Từ năm 1975 đến nay, dân số Hà Nội tăng thêm mấy triệu người. Thủ đô phải đối diện với các thay đổi diễn ra hàng ngày. Sự thay đổi không chỉ xảy ra với chính cư dân của Thủ đô, mà sự thay đổi còn đến từ hàng triệu công dân tứ xứ mới nhập cư.

Và khác với những thế hệ trước, những công dân mới này đến Hà Nội với tư cách “người làm chủ”, họ không e dè mà chủ động phóng chiếu các giá trị văn hóa vùng – miền đã đào tạo nên phẩm chất văn hóa của họ. Từ đó, ở Hà Nội diễn ra một quá trình tích hợp văn hóa trong bối cảnh của một nền kinh tế thị trường “hoang dã” và sự lên ngôi của đồng tiền.

Hà Nội đã là một hình ảnh khác lạ. Hối hả và nhộn nhạo. Mới mẻ và xô bồ. Văn minh công nghiệp và văn minh nông nghiệp. Lịch lãm và lố lăng. Thói hợm của và lối sống giản dị… Có lẽ chỉ còn gặp lại hình ảnh “người Tràng An chính hiệu” ở một số khu phố cổ. Các cô các cậu con nhà gia giáo ngày xưa nay đã già lắm rồi. Cái thú vui vào tối thứ 7 rủ nhau đi xem tuồng hay xem cải lương ở rạp Chuông Vàng hay rạp Quảng Lạc đã bị triệt tiêu từ lâu.

Hàng ngày các cụ chỉ còn mỗi việc xem TV và ra vào trên gác, thi thoảng ngó xuống đường – nơi con phố nhỏ hẹp chen chúc xe cộ, tiếng còi xe inh tai, tiếng phanh xe kin kít, cùng tiếng chửi thề mà ngày còn trẻ, chỉ nghĩ đến là các cụ đã thấy… đỏ mặt.

Văn hóa đất kinh kỳ đang… khủng hoảng lựa chọn!

Bên sự vắng bóng của những gánh phở đêm khói thơm nghi ngút, của những chị bán la-gim (légume- rau quả) trên hè, là sự xuất hiện ồ ạt, tràn lan của những restaurant và “bãi bia” mà đến đó, không cần từ điển, vẫn có thể hiểu thế nào là khái niệm “vỡ chợ” vì sự nhồm nhoàm, ồn ào, dung tục… tràn trề, áp đảo thói quen ăn uống nhẹ nhàng, lịch lãm vốn có của người Hà Nội.

Trong tiếng quạt vù vù, dưới các chiếc ô xanh đỏ, bên dãy nồi lẩu được chế biến theo các cung cách lạ lẫm là những gương mặt đỏ bự, là tiếng “zô, zô…” như muốn thi nhau hét càng to càng tốt. Rồi vô khối ngôn từ tục tằn liên tục thốt ra như thứ ngôn ngữ “tiền văn hóa” đang được ưa chuộng.

Rồi người ta gọi món ăn thật to để tỏ ra sành sỏi. Rồi người ta quát mắng nhân viên nhà hàng để chứng tỏ tư cách “thượng đế”. Tức là ở các “bãi bia” đang mọc lên như nấm, đối với nhiều người vốn vẫn tự hào là người Hà Nội thì đôi khi, sự lịch lãm như đã trở thành một… sáo ngữ nhiều hơn là một giá trị thực hành.

Cũng không còn là ngạc nhiên nếu đang ngồi tại một cửa hàng giải khát mà nghe ai đó thánh thót: “Cho hai lâu lóng nhé!”. Hoặc từ các khuôn trăng đầy đặn, phấn son xanh đỏ, áo quần đúng mode, lại phát ra từ ngôn ngữ mà nếu là người có văn hóa sẽ thấy ngượng ngùng. Rồi ở Hà Nội, người ta không chỉ được xơi phở ngon mà còn được xơi cả “phở mắng”, “phở quát”.

Nhiều khi mua bán thì buộc phải giao tiếp với mấy cô bán hàng mắt xanh mỏ đỏ luôn luôn tỏ thái độ “khinh người rẻ của” với người đến mua hàng mà ăn mặc xuềnh xoàng. Hoặc sẵn sàng mắng chửi xơi xơi nếu “thượng đế” mặc cả rồi không mua.

Người Hà Nội thanh lịch xưa kia đã vắng bóng, để thay thế bằng lớp người Hà Nội lấy nói tục làm ngôn ngữ… hàng ngày. Một thời, nói tục bị coi là thiếu văn hóa, nhưng đà này tiếp tục, phải chăng tới ngày nào đó, người không nói tục sẽ bị coi là “thiếu văn hóa”. Còn người văng tục suốt ngày sẽ được coi là… có văn hóa hay sao?

Dường như đang có một thứ “hội chứng” phô diễn sự thiếu văn hóa của vô số người đang có mặt tại Hà Nội. Người ta “diễn”, người ta gồng mình lên, người ta cố tình tỏ ra bất cần văn hóa, chẳng lẽ đó lại là phong cách mới của người Hà Thành?

Nghe tin về kinh phí hơn 11,5 tỷ đồng ngân sách để thực hiện Đề án Giáo dục nếp sống thanh lịch, văn minh cho học sinh Hà Nội, trong đó 7 tỷ đồng cấp cho năm 2010 mà vừa mừng, vừa xấu hổ. Mừng, vì người ta nghĩ đến việc một việc như vậy. Xấu hổ vì nếu được quan tâm, nếu có sự làm gương của người lớn, của người có trách nhiệm, đâu đến mức phải chi hơn chục tỷ đồng cho một việc đương nhiên.

Vào những ngày này, người Hà Nội như đang mơ về một thời yên ả, cái tĩnh lặng êm đềm lúc 9- 10 giờ tối trở đi nay đã là quá vãng. Những khu phố mới tinh không kịp nhớ tên. Các chung cư cao ngất ngưởng. Các cửa hàng fastfood dành cho công chức trẻ vào lúc giữa trưa với sự ồn ào như đang cố gào cho hả, bù cho lúc phải ngồi yên trong phòng kính.

Rồi bên quán cafe wifi có người “cắm rễ” ở đó suốt ngày, là các biển hiệu bank, bên các shop thời trang có “cô mannequin” giống tây nhiều hơn giống ta. Rồi xe máy. Rồi ôtô. Rồi karaoke. Rồi massage. Rồi “tẩm quất đèn mờ”. Rồi sơn móng tay, sửa móng chân. Rồi “cắt tóc thanh nữ”…

Tất cả làm nên một diện mạo mới của Hà Nội mà dù là người hoài cổ thì cũng biết rằng, 1 thành phố trên đường hiện đại hóa hiển nhiên không tránh khỏi sự nhộn nhịp và ồn ào. Nhưng sự nhộn nhịp, ồn ào của Hà Nội hôm nay như thiếu vắng sự thanh lịch, như đứng trước nguy cơ phai nhạt bản sắc.

Sự tăng lên của dân cư Hà Nội trong thời gian qua đồng nghĩa với một quá trình tích hợp văn hóa mới. Song, muốn làm chủ một văn hóa, trước hết phải biết sống bằng (với) những giá trị của chính nó và bắt đầu từ những việc nhỏ.

Vì chỉ một vài việc nhỏ còn chưa thể (chưa muốn?) sửa chữa, liệu có thể hy vọng ở việc lớn hơn?

Tỷ như, trong cuốn sách Nhớ và ghi, Nguyễn Công Hoan kể ở Hà Nội ngày trước, mỗi buổi sáng, các anh cu-lít (police – cảnh sát) đạp xe dọc các phố, thấy trước nhà nào còn vương rác rưởi là anh ta dán lên cửa một cái hóa đơn, nhà ấy tự giác ra “bốt” nộp phạt.

Còn bây giờ, cùng với nỗ lực xông ra “mặt tiền” một cách nhanh chóng, bất chấp hệ lụy, việc xả rác bừa bãi đã trở thành… thói quen của người Hà Nội. Rác có mặt khắp nơi, rác xuất hiện bất kỳ nơi nào người ta muốn vứt, kinh dị nhất là ném xác chuột chết ra đường. Rồi túi ni-lông, cọng rau muống, nước vo gạo, nước rửa bát của các hàng phở, hàng cơm bình dân,… tràn lan trên cống rãnh, mặt đường.

Ngoài cửa nhà mình là thuộc thiên hạ, tha hồ ném, tha hồ vứt. Như thế phải chăng, thói ích kỷ đang có xu hướng trở thành bộ phận hữu cơ của văn hóa Hà Thành? Nên thật đáng lo ngại khi tiếp xúc với thông tin: “Ngày 20/9, UBND Hà Nội tổng kết thực hiện Nghị quyết 09 của Chính phủ và Chương trình Quốc gia phòng chống tội phạm giai đoạn 1998 – 2010.

Phó Chủ tịch UBND Hà Nội Vũ Hồng Khanh cho biết, 12 năm qua, thành phố phát hiện gần 90.000 vụ phạm pháp hình sự… Phó CT cho rằng, trong quá trình đô thị hóa ngày càng nhanh những huyện mới sáp nhập vào Hà Nội như Phúc Thọ, Hoài Đức, Ứng Hòa, Thạch Thất, Mê Linh và những địa bàn giáp ranh, tình hình tội phạm có chiều hướng phức tạp. Đáng lưu ý, thời gian qua đã xảy ra nhiều vụ giết người thể hiện sự suy thoái về đạo đức, mang tính chất tàn bạo và tinh vi như phân thây hay đốt xác…”!

Một Hà Nội mới đây chăng?

Theo Vietnamnet


From the same category