“Thót tim” vì con đến trường

Không phải ngẫu nhiên mà những năm gần đây, báo chí liên tục đưa tin về các trường hợp trẻ bị chấn thương, thậm chí tử vong khi ở trường. Vậy nên, ngay cả khi tìm được một ngôi trường tốt về nhiều mặt, các bậc cha mẹ cũng chẳng thể yên tâm hoàn toàn.

Đau lòng đến ngỡ ngàng

Chị Lê Thị Ngọc Yến có con gái mới vào lớp 1 Trường Tiểu học Quang Trung (Hà Nội). Ngay trong tháng đầu tiên, bé đã bị ngã cầu thang, hậu quả khá nặng nề. Hôm đó, cô giáo đưa học sinh mới đi tham quan thư viện. Dù cô đã dặn các bé phải nắm tay nhau nhưng cô không lường trước được việc các học sinh lớp lớn, khi ra chơi đã ùa chạy xuống. Không may con chị Yến bị xô ngã, miệng va vào cạnh cầu thang làm rách lợi. Một chiếc răng cửa ở hàm dưới văng ra, chiếc bên cạnh gãy ngang…

 

Chị đau lòng nói: “Tôi đã bật khóc khi nhìn thấy con và phát hiện đó là hai răng vĩnh viễn. Tôi đã tìm đến những bác sĩ giỏi nhất để hỏi nhưng họ đều trả lời rằng chỉ có thể phục hồi chiếc bị gãy ngang bằng cách bơm canxi, còn chiếc kia vì đã vỡ xương ổ răng nên không thể cấy lại được. Cách duy nhất là chờ khi con 18 tuổi mới có thể cấy răng giả… Một đứa con gái sún răng. Chỉ nghĩ vậy thôi tôi đã thấy đau lòng”.

Biết chuyện, chị Mai Loan, đồng nghiệp của chị Yến cũng không khỏi lo lắng. Chị chia sẻ rằng con trai chị cũng mới vào lớp 1. Cháu rất hiếu động, nên ngày nào con đi học là mẹ lo ngày đó. Chị luôn phải dặn dò con không được chạy nhảy ở cầu thang hay đứng gần lan can… Cẩn thận là thế, vậy mà có hôm con đi học về, chị vẫn thấy quần áo bé ướt lem nhem. Hỏi ra mới biết con bị bạn xô ngã trong nhà vệ sinh.

 

Một trường hợp khác cũng ở Hà Nội, đó là cô con gái 6 tuổi của chị Nguyễn Thị Bình. Trong buổi học thêm toán của một trung tâm có cơ sở đặt tại Trường mầm non Phương Liên, bé nhà chị đã bị ngã dập đầu, chấn thương sọ não. Hôm ấy, chị Bình đưa con gái đến đầu tiên. Trước đó, bác bảo vệ giặt quần áo rồi đổ thẳng nước ra sân chơi khiến cho khoảng sân này trở nên trơn trượt. Không may, bé đã bị ngã ngửa về phía sau, đầu đập mạnh xuống đất. Chị Bình cho biết: “Giờ gia đình tôi rất hoang mang, không biết đến khi nào máu tụ mới tan. Bé vẫn còn những dấu hiệu co giật, thậm chí nhiều khi bị choáng, nhìn 1 thành 2. Điều tôi lo nhất là di chứng động kinh sau này…”

Một số bé lại bị tai nạn khi đi học như bé Phạm Lê Bảo Quốc (lớp 2, trường Tiểu học Mỹ Hòa, huyện Hóc Môn, TPHCM), bị gãy chân do xe máy đâm vào khi bước từ xe buýt của trường xuống; bé Phan Thị Thúy Vy (lớp 2, trường Tiểu học Lê Quý Đôn, quận 7, TPHCM) bị rách trán rất sâu do đập vào cánh cửa khi chơi trò bịt mắt bắt dê ở lớp…

 

Những con số đáng báo động

Theo một thống kê được công bố cách đây không lâu của UNICEF thì mỗi năm trên thế giới có khoảng 830.000 trẻ em tử vong do tai nạn thương tích. Riêng ở Việt Nam, con số này là 7300 trẻ. Cũng theo thống kê này, 3 địa điểm xảy ra tai nạn thương thích cho trẻ nhiều nhất là trên đường, tại nhà và ở trường.

Hiện tại, ở Việt Nam, mỗi lớp mầm non thường có khoảng 30 – 40 bé và cao nhất là khoảng 50 bé với 3, 4 cô nuôi dạy trẻ. Dù có 3 đầu 6 tay chăng nữa, các cô cũng không thể quan tâm sát sao từng bé.

Trong khi đó, trẻ ở tầm tuổi từ 3 đến 5 vô cùng hiếu động. Ngã là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến những tàn tật vĩnh viễn, đặc biệt là chấn thương sọ não, cột sống. Bên cạnh đó, còn có không ít tai nạn đau lòng khác từng xảy ra trong nhà trường chỉ do trẻ nghịch nước hay… chơi đồ chơi.

Trước tình trạng tai nạn thương tích ở trẻ ngày một gia tăng, Bộ Giáo dục – Đào tạo đã có Quy định về xây dựng trường học an toàn, phòng chống tai nạn, thương tích trong trường phổ thông được ban hành kèm Quyết định số 4458/ QĐ – BGDĐT ngày 22 tháng 8 năm 2007. Tuy nhiên, sẽ là thụ động nếu chỉ chờ đợi vào tính khả thi của quyết định này. Gia đình và nhà trường cần phải tự nâng cao ý thức cũng như những kỹ năng cần thiết trong việc bảo vệ con em mình.

Theo Mẹ yêu bé

From the same category