Thông tin y học lý thú tháng 7


1. Bé bụ bẫm, lớn béo phì
 
Thấy bé bụ bẫm, cha mẹ nào chẳng thích, nhưng hãy nhớ: nhiều nghiên cứu cho thấy trẻ tăng cân quá mức trong những tháng đầu đời là mầm mống cho bệnh béo phì phát triển sau này.


Tạp chí Sức khỏe và nghiên cứu y học của Pháp cho biết: có hai giai đoạn tăng cân có ảnh hưởng đến hiện tượng béo phì khi trưởng thành là giai đoạn trẻ vài tháng tuổi và sau 2 tuổi. Thời gian giữa 2 giai đoạn này, trẻ cần phát triển chiều cao, chứ không phải cân nặng (tất nhiên, trọng lượng của trẻ cũng cần tăng một cách tương ứng.


Những hồ sơ theo dõi 885 đàn ông và 1.032 phụ nữ ở độ tuổi 56-70 cũng cho thấy những người béo phì đều có điểm chung: khi dưới 2 tuổi họ đều có cân nặng quá mức.

(Journal of Chinical Nutrition)
 
2. Rượu vang đỏ chống béo phì

Tại Hội nghị hàng năm của Hiệp hội nội tiết Hoa Kỳ vừa tổ chức ở TP San Francisco, nhóm nghiên cứu của TS Martin Wabisch, ĐH Ulm (CHLB Đức) mang đến một thông điệp thú vị: Rượu vang đỏ (cụ thể là hoạt chất resveratol trong rượu) là một chất chống béo phì đầy hiệu quả. Nó làm giảm được 40-45% số lượng phân chia các tế bào mỡ non trong vòng 48 giờ, đồng thời làm tế bào mỡ nhỏ đi và hạn chế chất enterleukin sinh ra. Đây là chất liên quan đến bệnh tiểu đường và tạo ra cục đông trong mạch máu.


Một số hãng dược phẩm đã chuẩn bị sản xuất chống béo mới dựa trên cơ chế này.

(Reuters)
 
3. Tiểu đường và trầm cảm thường là bạn đồng hành
 
TS Sherita Hill Golden, ĐH John Hopkins tại Baltimore cho biết: Những người mắc bệnh tiểu đường typ 2 có tỷ lệ bị trầm cảm cao gấp đôi so với những người bình thường. Nhiều thống kê khác cũng chứng tỏ hai loại bệnh này thường xuyên “tay trong tay”. Các nhà khoa học vẫn còn đang tranh cãi, đâu là nguyên nhân, đâu là hậu quả, và còn mất thời giờ để xác định cơ chế này. Song có một điều rõ ràng là chữa bệnh này thì cũng có tác động tốt đối với bệnh kia. Đó là một kết luận có ý nghĩa lớn đối với việc trị liệu và kê đơn cho các bệnh nhân.

(HealthDay)
 
4. Mổ đẻ gây khó khăn cho lần mang thai sau

Một công bố trên tạp chí Sản & phụ khoa mới nhất của Mỹ cho thấy: Phân tích số liệu thống kê ở 637.497 phụ nữ sinh lần đầu và lần thứ hai; 242.812 phụ nữ đã sinh lần thứ nhất, thứ hai và thứ ba, người ta đã đi đến kết luận là, nếu lần sinh đầu tiên mà mổ đẻ thì rủi ro ở lần mang thai thứ hai tăng lên gấp đôi so với những người lần đầu đẻ thường. Rủi ro ấy bao gồm tiền kinh giật (pre-eclampsia), bất thường về nhau thai, thai nhỏ…

 
Nếu lần đầu và lần thứ hai cùng mổ đẻ thì biến chứng rủi ro ở lần mang thai thứ ba cũng chỉ tăng như lần mang thai thứ hai ở người lần đầu mổ đẻ, không hơn.

(Obstetrics&Gynecology)
 
5. Khả năng sinh sản mang tính di truyền
 
Bác sĩ Cecilia H. Ramlau-Hansen (Bệnh viện thuộc Trường ĐH Y Aarhus, Đan Mạch) công bố trên Tạp chí Dịch tế học: Khả năng sinh sản ở người đàn ông mang tính di truyền. Bà đã phân tích tinh dịch của 311 nam thanh niên từ 18 đến 21 tuổi, nhận thấy những người được sinh ra sau khi cha mẹ đã cưới nhau 1 năm (mà không dùng biện pháp tránh thai) thì số lượng tinh trùng luôn luôn thấp hơn (tới 22%) và số tinh trùng có hình dạng bình thường cũng ít hơn so với những người ra đời trong vòng 1 năm sau khi bố mẹ kết hôn.

 
Bà chưa kết luận tính di truyền này thừa hưởng từ bố, từ mẹ hoặc từ cả hai người. “Tuy nhiên” – bà nói – “gen chịu trách nhiệm về khả năng sinh sản thường bị loại trừ trong quá trình tiến hóa. Hơn nữa, với sự can thiệp rất hiệu quả của y học hiện đại, người ta không cần quá quan tâm đến vấn đề này”.

(American Journal of Epidemiology)
   
6. Một loại thuốc rẻ tiền chữa tiêu chảy
 
Ở những nước đang phát tiển, tiêu chảy là nguyên nhân chính gây tử vong ở trẻ em. Theo báo cáo của Tổ chức y tế thế giới, trong số 2,5 triệu trẻ em chết hàng năm thì 1,6 triệu chết do tiêu chảy. Vừa đây, các nhà nghiên cứu tại Trung tâm y học thuộc ĐH Texas tại Houston (Mỹ) đã tìm ra loại thuốc rẻ tiền và dễ sản xuất chống tiêu chảy rất hiệu nghiệm. Đó là một dẫn suất của pyridopyrimidin, mà đối tượng tiêu diệt là E. coli và những dòng vi trùng khác trong ruột gây tiêu chảy. Thuốc đang được thử nghiệm lâm sàng trên diện rộng trước khi xin đăng ký sản xuất.

 
Theo các chuyên gia y tế, có thể đây là loại thuốc hiệu nghiệm nhất lại không có phản ứng phụ. Nó sẽ là cứu tinh của hàng triệu trẻ em châu Phi và tiết kiệm được hàng triệu đôla trên toàn thế giới về những chi phí liên quan đến bệnh này.

(HealthDay)
 
7. Uống cà phê tránh được bệnh tật
 
Trên cơ sở theo dõi tình trạng sức khỏe của 42.000 người đàn ông và 84.000 phụ nữ, nhóm các nhà khoa học trường ĐH Autonoma, Madrid (Tây Ban Nha) do GS Lopez-Garcia đứng đầu, đã cho thấy tác dụng của cà phê đến bệnh tật. Bảng tổng kết cho thấy nếu những người phụ nữ uống 3 ly cà phê (không tách cafein) mỗi ngày sẽ giảm được 25% tử vong do bệnh tim mạch so với người không uống, nhưng ở nam giới, điều này không rõ ràng.

 
Trong khi đó, không thấy có mối liên hệ giữa việc uống cà phê và tử vong do các bệnh ung thư. Mới đây, các nghiên cứu còn phát hiện cà phê còn giảm nguy cơ tiểu đường typ 2 nữa. Kết luận này cũng trùng hợp với những nghiên cứu tiến hành ở Mỹ.

 
Có lẽ tác dụng tốt của cà phê đối với bệnh tật là nhờ các chất chống oxy hóa cộng thành phần của nó.

(HealthDay)

Bảo Châu (st)

From the same category