Thời trang phim “The Substance”: Bảng màu của sự thông thái và tuyệt mỹ - Tạp chí Đẹp

Thời trang phim “The Substance”: Bảng màu của sự thông thái và tuyệt mỹ

Thời Trang

Đang có rất nhiều cuộc thảo luận trên mạng xã hội xoay quanh “The Substance” – bộ phim kinh dị về nỗi ám ảnh sắc đẹp của đạo diễn Coralie Fargeat. Bên cạnh yếu tố diễn xuất, tạo hình cơ thể kinh dị,… thì thẩm mỹ hình ảnh cũng đóng vai trò quan trọng trong việc truyền tải tinh thần cốt lõi của tác phẩm. Cụ thể, bảng màu trang phục được sử dụng cho hai nhân vật chính hoàn toàn không phải ngẫu nhiên, mà chúng góp phần phản ánh tâm tư, trạng thái cảm xúc lẫn thể chất của người mặc.

Với “The Substance”, đạo diễn Coralie Fargeat đã khéo léo sử dụng các yếu tố kinh dị về cơ thể để chất vấn sự khắc nghiệt của các tiêu chuẩn sắc đẹp trong xã hội hiện nay. Đặt trong bối cảnh văn hóa phổ biến của Botox, Ozempic và phẫu thuật thẩm mỹ với lời hứa hẹn về một phiên bản trẻ hơn, gầy hơn, đẹp hơn của chính bạn, lời bình luận sắc sảo của bộ phim nhanh chóng gây được tiếng vang lớn. Nhân vật chính của phim, Elisabeth Sparkle (Demi Moore) là một ngôi sao Hollywood 50 tuổi đã qua thời kỳ đỉnh cao và chuẩn bị mất việc. Cô tìm đến một loại thuốc được phân phối ở chợ đen với tên gọi “The Substance”. Loại thuốc này có khả năng phân tách khỏi cơ thể người dùng thành một phiên bản bằng xương bằng thịt trẻ trung, hoàn mỹ hơn. Cốt truyện này nhanh chóng trở thành một cơn ác mộng kinh hoàng về cơ thể bị biến dạng khi phiên bản trẻ hơn của Elisabeth, Sue (Margaret Qualley) trở nên bất hảo vì lạm dụng “The Substance”.

“The Substance” hướng đến cái kết tự hủy hoại khi con người điên cuồng theo đuổi vẻ đẹp ngoại hình hoàn hảo. Trong khi nỗi kinh hoàng về cơ thể vật lý là phương tiện cốt lõi để truyền tải thông điệp này, thì có một kỹ thuật kể chuyện tinh tế khác đang được sử dụng: tính biểu tượng của hệ thống màu sắc trong thiết kế trang phục. Những sắc thái sống động của màu đỏ, vàng và xanh lam làm nổi bật phần mở đầu của bối cảnh hình ảnh trong phim, đánh dấu từng giai đoạn phân mảnh và xóa bỏ mà các nhân vật chính tự gây ra cho mình trong quá trình sử dụng “thần dược”.

Elisabeth Sparkle – Bộ ba màu sơ cấp tạo nên phiên bản gốc

Không khó để nhận thấy rằng ngôi sao thể dục nhịp điệu truyền hình Elisabeth Sparkle thường mặc những bộ trang phục có độ bão hòa cao (tức hoàn toàn thuần sắc, không bị sẫm hay sáng hơn), gồm ba màu là xanh lam, đỏ và vàng. Đây chính xác là ba màu sơ cấp của hệ màu RYB – một hệ thống màu được sử dụng phổ biến trong nghệ thuật, đặc biệt là hội họa. Hệ màu này được xem như là cội nguồn cho lý thuyết về khoa học màu sắc, trong đó, từ ba màu sơ cấp có thể tạo ra mọi màu sắc khác.

Các màu sơ cấp và thứ cấp bậc 1 của RYB – hệ màu được sử dụng phổ biến trong nghệ thuật, đặc biệt là hội họa.
Bộ bodysuit màu xanh lam quen thuộc của Elisabeth Sparkle.

Ở phần đầu phim, chúng ta thấy Elisabeth mặc bộ bodysuit màu xanh dương, biểu diễn tập cuối của chương trình “Sparkle Your Life” do cô dẫn dắt. Cô mặc áo cánh nơ bướm màu xanh lam nhạt trên nền chàm và áo khoác khi cô bị đuổi việc một cách đột ngột. Trong bức ảnh đóng khung lớn treo trong căn hộ của mình, cô tạo dáng tự tin trong bộ bodysuit màu xanh lam đậm. Elisabeth thích phối màu, với một chút màu đỏ trên túi xách, quần xếp ly, đôi găng tay da. Đứng trong phòng tắm lát gạch trắng vô trùng, cô trông giống như một khối rubik với các khối lập phương màu sắc nét và góc cạnh.

Màu xanh lam đem đến cho Elisabeth ấn tượng về sự nền nã, thanh lịch theo khuynh hướng trầm tĩnh.
Đầm đỏ cổ điển và bộ suit may đo chỉn chu là đại diện cho quá khứ danh tiếng cũng như hào quang còn lưu lại trong tinh thần của Elisabeth.

Các màu sắc chủ đạo này phản ánh tương đối chính xác bối cảnh tâm lý và con người của Elisabeth. Màu đỏ đại diện cho sự nổi bật, thường gắn với hào quang, danh vọng và mang tinh thần cổ điển của Old Hollywood. Elisabeth từng là một minh tinh màn bạc nổi tiếng. Màu xanh dương trong nghệ thuật đại chúng thường được dùng để biểu đạt nỗi buồn và các bất ổn về tâm lý. Một số tác phẩm đại chúng hàm ý về “màu xanh u buồn” có thể kể đến như album “Blue” của Joni Mitchell, anime “Perfect Blue” (1997) của đạo diễn Kon Satoshi. Trong “The Substance”, gam màu với độ thuần sắc cao này có thể là dấu hiệu báo trước cho sự suy tàn và sụp đổ trong tâm lý nhân vật. Đối với màu vàng, nó tượng trưng cho sự chữa lành, vỗ về, nuôi dưỡng – ý nghĩa khá tương đồng với chiếc áo khoác màu vàng biểu tượng của Elisabeth, cũng như ám chỉ đến việc chính bản thân cô là “nguồn dưỡng chất” cho phiên bản Sue.

Chiếc áo khoác màu vàng bắt mắt dần trở thành vật bất ly thân của cựu minh tinh. Nó tựa như một lớp vỏ rực rỡ, tươi sáng và ấm áp, giúp che đậy cơ thể đang bị hủy hoại từ từ của người mặc.
Sue – Những sắc màu thứ cấp phù phiếm đầy tươi trẻ

Mặt khác, ba màu sắc này là nguồn gốc của hệ màu RYB, tương tự như việc Elisabeth là nguồn gốc ban đầu của Sue. Vậy nên, trong khi bản gốc được khắc họa thông qua ba màu sơ cấp, thì “bản sao” Sue lại gây ấn tượng bằng những gam màu thứ cấp – gồm các màu sắc được sinh ra từ sự pha trộn giữa các màu sơ cấp. Trong tuần đầu tiên của Elisabeth với tư cách là Sue, sự thay đổi bản sắc của cô được phản ánh thông qua sự chuyển đổi sang màu hồng và tím – những đột biến sắc độ của “màu gốc” Elisabeth. Khi Sue giành được vai diễn là ngôi sao của chương trình thể dục nhịp điệu “Pump It Up”, cô đã mặc một bộ bodysuit màu hồng ánh kim loại với những đường cắt xẻ táo bạo. Cô cũng đổi quần bó chân màu xanh dương của Elisabeth thành quần bó chân màu cam, và hoàn thiện vẻ ngoài bằng kiểu tóc đuôi ngựa buộc cao, móng tay màu hồng và phấn mắt màu đỏ tía lấp lánh.

Bộ bodysuit màu hồng metalic tuyệt đẹp của Sue, trông trẻ trung và lấp lánh hơn hẳn bộ màu xanh của Elisabeth.
Sue thay thế đồ dùng của Elisabeth bằng những món đồ màu sắc rực rỡ, “cộm mác” người trẻ.

Khi Elisabeth và Sue chia thời gian sống giữa hai cơ thể, bảng màu của họ ngày càng trở nên khác biệt, phản ánh sự chia rẽ cục bộ giữa hai lối sống. Elisabeth trung thành với những bộ trang phục được may đo riêng, trơn màu và không bao giờ ra khỏi nhà mà không mặc áo khoác màu vàng. Khi chuẩn bị cho một buổi hẹn hò, cô đã diện một chiếc đầm đỏ thẫm cổ điển và tô son môi màu đỏ thật nổi bật. Elisabeth là đại diện cho tinh thần cổ điển trường tồn, hay chính là sự kiên trì theo đuổi một thời kỳ hào quang đã lùi về quá khứ.

Sue duy trì hình ảnh quý cô năng động, rạng rỡ, tràn đầy năng lượng với chân váy tennis và áo crop-top kiểu cách.
Trái ngược với những bản phối trơn màu thanh lịch theo hơi hướng cổ điển của “bản gốc”, Sue có nhiều áo thun in hình và chữ rất trẻ trung, cá tính.

Trong khi đó, Sue thay thế tủ đồ của Elisabeth bằng áo thun babe tee, trang phục in họa tiết trẻ trung, quần yếm hoa cúc, áo khoác bóng chày và chân váy tennis. Rõ ràng, Sue là biểu tượng của một thế hệ mới tươi trẻ, năng động, tham vọng và có cuộc sống phù phiếm hơn hẳn phiên bản gốc. Màu sắc đại diện của cô (theo đạo diễn nhận định) là màu hồng hoa anh túc (poppy pink) – ngụ ý về sự nữ tính tràn đầy sức sống. Sue cũng diện một bộ bodysuit họa tiết da rắn màu đen và áo choàng thêu sequin hình rồng vàng – gợi liên tưởng đến chủ đề lột xác, tái sinh. Càng chiếm hữu được nhiều năng lượng và không gian tồn tại của Elisabeth thì trang phục của Sue càng trở nên rực rỡ, lấp lánh hơn.

Bộ bodysuit họa tiết da rắn màu đen và áo choàng thêu sequin hình rồng vàng – gợi liên tưởng đến chủ đề lột xác, tái sinh.
Càng chiếm hữu được nhiều năng lượng và không gian tồn tại của Elisabeth thì trang phục của Sue càng trở nên rực rỡ, lấp lánh hơn.

Việc sử dụng biểu tượng màu sắc trong trang phục không phải là điều mới mẻ đối với điện ảnh. “Poor Things”, bộ phim mô tả hành trình phát triển nhận thức và khám phá thế giới của một người phụ nữ thông qua màu sắc trang phục dựa trên dải màu của một quả táo thối. Hay “Legally Blond” (2001) dùng trang phục toàn màu hồng để khẳng định sự nữ tính, ngọt ngào không đồng nghĩa với thiếu thông minh. Riêng với “The Substance”, bảng màu trang phục đi từ sơ cấp đến thứ cấp không chỉ gây ấn tượng đầy hấp dẫn về mặt thị giác, mà nó còn phản ánh sâu sắc quá trình phân tách thành hai cá thể độc lập cả về thân xác lẫn tâm lý của Elisabeth và Sue.

Tác giả: Vũ Thảo

26/11/2024, 14:14