“Everything must change for everything to remain the same” (tạm dịch: “vạn vật phải thay đổi để duy trì trạng thái nguyên bản”) – đây là trích dẫn nổi tiếng trong tiểu thuyết “The Leopard” (1958) của Giuseppe Tomasi di Lampedusa. Triết lý tương tự cũng được áp dụng cho cách thiết kế trang phục của series ngắn cùng tên do Netflix sản xuất. Chỉ vỏn vẹn với sáu tập phim, “The Leopard” hiện đang là series nói tiếng Ý được quan tâm nhất gần đây. Bên cạnh câu chuyện hấp dẫn về đời sống của giới quý tộc Ý trong thời kỳ sụp đổ, bộ phim còn khiến khán giả mê mẩn bởi những bộ trang phục thời trung cổ tuyệt đẹp, được thiết kế cầu kỳ và tiêu tốn không ít thời gian cùng tiền bạc.
“The Leopard” tái hiện những thay đổi trong cuộc sống và xã hội của người dân Sicilia trong quá trình thống nhất nước Ý vào thế kỷ 19, được gọi là Risorgimento. Nhân vật chính của bộ phim là Hoàng tử Don Fabrizio Corbera (Kim Rossi Stuart) – người có một cuộc sống ngập tràn quyền lực và những bóng hồng vây quanh. Khi sự thống nhất của nước Ý đe dọa phá vỡ chế độ quý tộc tại Sicilia, Fabrizio quyết tâm bảo vệ dòng dõi của mình. Ông đã sắp xếp một cuộc hôn nhân giữa nàng Angelica (Deva Cassel) giàu có và xinh đẹp với cháu trai Tancredi (Saul Nanni) của mình, bất chấp nguy cơ làm tan vỡ trái tim của người con gái yêu dấu là Concetta (Benedetta Porcaroli).
“Trong một phim điện ảnh hay phim truyền hình, điều đầu tiên thu hút sự chú ý chính là trang phục. Đây là lý do tại sao chúng phải có ý nghĩa nội hàm”, NTK Carlo Poggioli – người chịu trách nhiệm mảng trang phục của “The Leopard” khẳng định. Làm việc cùng Carlo còn có NTK Edoardo Russo, người gần đây đã đồng thiết kế trang phục cho bộ phim “Diamanti”. Đạo diễn chính của phim Tom Shankland đã quán triệt với đoàn làm phim về tinh thần làm phim lần này: phải đem đến một bối cảnh và không khí sát nhất với thực tế tại vùng Sicily thế kỷ 19, đồng thời cũng không kém phần xa hoa, hào nhoáng. Điều này đã gây áp lực không nhỏ đối với đội ngũ thiết kế, với thực tế là họ phải cung cấp khoảng 6.000 bộ trang phục của thế kỷ 19, bao gồm 350 bộ váy dạ hội và hơn 500 bộ quân phục.

NTK Carlo Poggioli đã phải mất nhiều ngày mới dám nhận công việc thiết kế này. Sau khi làm việc với bậc thầy Piero Tosi – người thiết kế toàn bộ trang phục cho phim điện ảnh “The Leopard” (1963) của đạo diễn Luchino Visconti, ông đã nhận thức được những khó khăn có thể gặp phải. Họ không có quá nhiều tài liệu tham khảo chi tiết về thời kỳ này. Ví dụ như đối với đầm dạ hội, họ đã phải đặt mua những loại vải hiếm có khó tìm. May mắn là Carlo đã có dịp gặp gỡ với Raffaello Piraino – người đang lưu giữ nhiều trang phục Sicilia của giới quí tộc thời bấy giờ tại bảo tàng tư nhân ở Palermo. Nhà thiết kế bày tỏ: “Chúng tôi có thể lấy cảm hứng từ những kiểu dáng và màu sắc đó, cũng như được nhìn tận mắt những tác phẩm thêu tuyệt đẹp. Giờ đây, khi nhìn lại những bức ảnh, bản phác thảo và số lượng trang phục đã tạo ra, tôi tự hỏi chúng tôi đã thực sự làm ra chúng như thế nào. Chúng thật tuyệt vời!”

Khác với bản điện ảnh, phiên bản truyền hình cho phép những bộ trang phục kể câu chuyện lịch sử với góc nhìn rộng hơn. Sự thay đổi của những đường cắt may phản ánh sự biến đổi của thời trang dưới tác động của dòng chảy lịch sử. Ví dụ, thân áo ban đầu có vẻ nhọn, sau đó đường cắt ở eo trở nên thẳng hơn theo sự thay đổi của thời đại. Một điều thú vị khác ở đây là câu chuyện về phong tục điển hình của thời đó: mặc hai thân áo khác nhau với cùng một chiếc chân váy, vì chúng là những loại trang phục đắt tiền không nên bị lãng phí.

Nhằm mang đến một phiên bản phù hợp với đại chúng hiện nay hơn, trang phục của “The Leopard” được thiết kế sao cho khối lượng nhẹ hơn mà vẫn trung thành với phom dáng gốc. Sự nhẹ nhàng đặc biệt hiện diện khi nhân vật khiêu vũ. Nhóm sản xuất phục trang đã làm ra những chiếc đầm lót thoải mái mà vẫn đủ tôn dáng để các nhân vật có thể khiêu vũ thật bay bổng. Rõ ràng là chúng vẫn giữ nguyên hình dạng phồng tròn của thời đó, nhưng phần khung váy phồng không lộ rõ và họ sử dụng dây rigilene thay cho thanh kim loại để diễn viên di chuyển dễ dàng hơn. Thân áo cũng được hoàn thiện bằng vải rigilene chứ không phải bằng khung định hình cứng ngắc. Các nữ diễn viên đã phải rất vất vả để mặc quần áo, nhưng chúng lại rất cần thiết để họ có thể nhập tâm vào nhân vật. Vào thời trung cổ, trang phục quyết định hành vi và tư thế. thân áo có tác dụng định hình và giữ một tư thế nhất định. Lý do tương tự cũng đúng với nam giới: áo khoác phải bó sát ở eo và cố định ở vai, còn dây thắt bụng phải tạo tư thế thẳng đứng và quý phái.

Dựa trên những nghiên cứu tỉ mỉ, các nhà thiết kế đã cố gắng tạo ra bảng màu trang phục trung thực nhất với lịch sử, nhưng vẫn mang tính định hình tâm lý cho các nhân vật. Nổi bật nhất là sự tương phản trong màu sắc trang phục của hai nhân vật Concetta và Angelica. Concetta là cô tiểu thư quý tộc hiền lành, ngọt ngào, có phong cách ăn mặc khá chỉn chu. Bảng màu trang phục dành cho cô là những gam lạnh hoặc sắc thái dịu nhẹ, “phù hợp hơn với một người phụ nữ mà chúng ta lần đầu nhìn thấy trong một tu viện” – NTK Carlo Poggioli lưu ý. Trong khi đó, nhân vật Angelica đại diện cho sự quyến rũ, nồng nhiệt, luôn muốn trở thành tâm điểm chú ý. Vậy nên màu sắc trang phục đặc trưng của cô là tông ấm, rực rỡ và nổi bật. Nhóm thiết kế đã chọn màu xanh lam và màu đỏ làm màu sắc chủ đạo tương ứng với Concetta và Angelica. Xuyên suốt bộ phim, hai màu sắc này sẽ có sự biến tấu và thay thế lẫn nhau để phục vụ cho quá trình phát triển nhân vật.




Mỗi nhân vật chính đều có màu sắc, kiểu thêu đính họa tiết và chất liệu vải riêng. Trong trường hợp của nhân vật Hoàng tử Don Fabrizio Corbera, nhóm thiết kế cố gắng giúp ông ta chống chọi với cái nóng bằng cách tạo ra những bộ vải lanh mát mẻ, trong khi vẫn giữ được nét thanh lịch của một hoàng tử. Trên thực tế, diễn viên Kim Rossi Stuart rất điển trai, cao ráo, có đường nét thanh lịch tự nhiên. Kiểu dáng trang phục của ông thực sự mang tính lịch sử, nhưng được sử dụng chất vải nhẹ hơn, ít đệm vai hơn, làm cho áo ghi lê ít cứng ngắc hơn. Các nhà tạo mẫu muốn tạo nên vẻ ngoài lịch sự mà không quá nghiêm nghị cho nhân vật này , đâu đó giữa sự tinh tế và thô lỗ, giống như chính nội tâm nhân vật.
Đối với những bộ trang phục quân đội, nhóm thiết kế đã nhận được sự tư vấn vô giá từ NTK Andrea Viotti. Nguyên mẫu trong lịch sử có kích cỡ quá nhỏ so với phom người của các diễn viên hiện nay. Do đó, họ đã phải tự sản xuất phần lớn đồng phục của sĩ quan, không chỉ cho quân đội mà còn cho dân sự. Tính nghiêm ngặt của đồng phục thời kỳ đó cũng đã được đơn giản hoá để hướng đến đối tượng khán giả đương đại, nhưng kiểu dáng và kết cấu quần áo vẫn trung thành với trang phục của tướng quân Giuseppe Maria Garibaldi.
Tùy thuộc vào trang phục và độ phức tạp của chi tiết trang trí, nhóm thiết kế thường cần khoảng ba hoặc bốn tuần làm việc cho mỗi diện mạo của các nhân vật chính. Phải mất khoảng một năm để hoàn thiện tất cả các trang phục cho toàn bộ nhân vật chính lẫn phục. Và không thể không nhắc đến giày dép: mọi thứ đều phải hoàn hảo, không chỉ hình dáng mà cả phần gót giày nữa, để dễ dàng di chuyển. Họ đã làm ra hơn 2000 đôi giày mới. Nhân vật Concetta đã mặc khoảng 50 kiểu đầm khác nhau, trong khi Angelica cũng đã diện hơn 30 bộ trang phục lộng lẫy.
Đoàn làm phim đã thành lập một phòng thí nghiệm may trang phục tại Rome với 25 thợ may làm việc cật lực. Họ đã sử dụng hơn 3000m vải chỉ để may trang phục mới cho dàn diễn viên nữ và diễn viên quần chúng. Đồng thời, họ đã tìm đến các xưởng may ở Ý, London, Madrid và bắt đầu hợp tác sản xuất trang phục mới. Đối tác nổi bật của họ là xưởng may Tirelli-Trappetti ở Rome, nơi đã đóng góp vào thành quả cho hơn mười tượng vàng Oscar.
Đối với mảng trang sức, đội ngũ thiết thế đã nhờ tới các xưởng chế tác trang sức chuyên nghiệp dành cho phim ảnh, sân khấu là Pikkio Gioielli và Seam. NTK Carlo Poggioli không muốn gây thiệt hại lên những món đồ trang sức có giá trị lịch sử. Tuy nhiên, họ cũng đã tự làm một số viên ngọc, vì gặp khó khăn trong việc tìm những viên ngọc trông giống như ngọc thời đó. Trong số nhiều sản phẩm được tạo ra, gây tò mò nhất là bộ trang sức được thiết kế riêng cho nàng Angelica. Chiếc dây chuyền, theo mạch phim, thuộc về gia đình Hoàng tử Salina và được chính ông tặng cho Angelica làm quà cưới. Theo kịch bản, điều quan trọng đây phải là đồ trang sức gia truyền và vì lý do này, nhóm đã nghiên cứu một thiết kế cổ xưa hơn đồ trang sức của những năm lịch sử đó. Thiết kế mang phong cách rococo hơn, với kim cương trên khung bạc. Viên ngọc đính trên dây chuyền được thương hiệu Pikkio chế tác riêng.