Thời trang phim “Poor Things”: Cái chạm thẩm mỹ độc bản của một “Frankenstein” ở chiều không gian khác

Là ứng viên giành chiến thắng cuối cùng cho hạng mục “Thiết kế phục trang xuất sắc nhất” tại Oscar lần thứ 96, “Poor Things” sở hữu phong cách thẩm mỹ phục trang cực kỳ đặc sắc và cuốn hút. Trang phục của nữ chính Bella Baxter (do Emma Stone thủ vai) không chỉ phản ánh tinh thần thời đại một cách độc đáo mà còn làm nổi bật được quá trình phát triển về nhận thức của nhân vật.

“Poor Things” tựa như một phiên bản giàu tính mỹ học hơn của tác phẩm “Frankenstein” kinh điển. Phim lấy bối cảnh tại London giả tưởng của thế kỷ 19, nơi Tiến sĩ Godwin Baxter (Willem Dafoe) đã cứu sống một người phụ nữ bằng cách cấy ghép não của đứa con trong bụng vào thân thể của chính người mẹ. Từ đó, Bella Baxter (Emma Stone) được bác sĩ chăm sóc tận tình, cơ thể cô dù là một phụ nữ trưởng thành nhưng trí não vẫn trải qua quá trình phát triển từ một đứa trẻ sơ sinh. Quá chán nản với cảnh bị giam lỏng trong nhà, Belle bỏ trốn cùng gã luật sư Duncan Wedderburn, mở ra hành trình phát triển nhận thức, khám phá thế giới và giải phóng bản thân khỏi những trật tự xã hội áp đặt lên người phụ nữ.

“Poor Things” tựa như một phiên bản giàu tính mỹ học hơn của tác phẩm “Frankenstein” kinh điển.

Quá trình phát triển của Bella Baxter không chỉ được thể hiện qua màn trình diễn xuất sắc đến từ Emma Stone, mà nó còn được lột tả rõ nét thông qua những bộ quần áo cô đã mặc. Trong giai đoạn ngây ngô của một đứa trẻ, trang phục của Bella là những bộ đồ vui mắt, màu sắc dịu nhẹ mà vẫn phảng phất sự kì quái. Khi dần trưởng thành và nhận thức nhiều hơn về thế giới, trang phục của cô càng táo bạo, rực rỡ và lộng lẫy hơn – biểu trưng cho tính phức tạp, nổi loạn thời thiếu niên, phát triển thành sự chín chắn, tự do trong tâm trí của một người phụ nữ trưởng thành.

Holly Waddington – nhà thiết kế trang phục của “Poor Things” đã phải tốn rất nhiều công sức và thời gian để định hình nên thẩm mỹ trang phục độc đáo, đặc sắc mà vẫn phù hợp với tính cách nhân vật. Holly cho biết, đạo diễn Yorgos Lanthimos không đưa ra bối cảnh lịch sử cụ thể, mà chỉ đề cập đến thế kỷ 19 và muốn cô tự do sử dụng trí tưởng tượng của mình. “Tôi chỉ biết anh ấy sẽ không muốn nó trở thành một bộ phim cổ trang, hay khoa học viễn tưởng, mang vẻ sành điệu một cách quá thời thượng. Nó phải có một đặc tính khó xác định và không thể giải thích được” – NTK nói về những yêu cầu đối với phục trang của Yorgos.

Trang phục của phim được yêu cầu là không quá cổ trang, không mang rõ đặc trưng của thể loại kỳ ảo hay thời thượng một cách thái quá.

Dựa trên bối cảnh nội dung, Holly và cố vấn trang phục Shona Heath đã nghiền ngẫm những hình ảnh về thời trang, nghệ thuật và khoa học, đồng thời tìm đến các kết cấu của vỏ sò, những lúm đồng tiền trên nhím biển, nội tạng bên trong động vật và các bộ phận cơ thể người – tương tự như việc Tiến sĩ Baxter đã tập hợp lại các phần cơ thể của sinh vật sống cho thí nghiệm điên rồ của mình. Tông màu ấm, mang sắc thái hồng hào của trang phục phản ánh ý tưởng về lớp da thịt đầy sống động của con người. Đội ngũ thiết kế đã phải tìm kiếm nhiều nơi, thậm chí là tự gia công để có được các chất liệu vải gợi lên bề mặt sinh động mô phỏng da của sinh vật sống và lớp kết cấu bên trong cơ thể, các cơ quan, ruột, cơ – những chất liệu có cảm giác như thể chúng đang thực sự hít thở.

Bản vẽ phác thảo khoa học của nhà động vật học người Đức, Ernst Haeckel, về các loại động vật giáp xác đã được Holly dùng làm tham khảo cho quá trình thiết kế.

Dù lấy bối cảnh thế kỷ 19 nhưng trang phục của Bella lại mang nét hiện đại đầy táo bạo, nhờ việc loại bỏ hoàn toàn thiết kế corset. Thời trang Victoria được đặc trưng bởi chiếc corset siết chặt lấy cơ thể, định hình nên vóc dáng tuyệt đẹp, nhưng đồng thời đây cũng là kiểu dáng đại diện cho sự áp đặt, kìm kẹp phụ nữ vào những khuôn mẫu tiêu cực của xã hội bấy giờ. Do đó, Holly cảm thấy corset không phù hợp Bella, cũng như việc nó thể hiện quá rõ ràng về bối cảnh lịch sử – một sự nhắc nhở hoàn toàn không cần thiết: “Nó ép cơ thể vào một hình dạng cụ thể mà người khác đã quyết định là tốt. Vì vậy, có vẻ không ổn khi một con người mới mẻ, không thể trói buộc, tự do lại bị gông cùm trong chiếc corset. Và tôi nghĩ lý do khiến mọi người nghĩ những bộ quần áo này trông hiện đại là vì không có corset. Áo corset là thứ tạo nên nét cổ điển cho bộ quần áo đó”. Ngoài ra, NTK đã thay thế những chi tiết trang trí điển hình của thời Victoria như đính cườm, ren, lông vũ bằng những đường diềm xếp nếp và bèo nhún xếp tầng, góp phần khắc họa nên một người phụ nữ ngang ngược, không thể kiểm soát và là một tạo vật sống thực thụ.

Những đường diềm xếp nếp và bèo nhún xếp tầng, góp phần khắc họa nên một người phụ nữ ngang ngược, không thể kiểm soát và là một tạo vật sống thực thụ.

Không chỉ phản ánh quá trình thay đổi trong nhận thức và ý chí của nhân vật, trang phục do Holly Waddington còn thể hiện được sự xung đột siêu thực giữa các thời kỳ lịch sử: nội y theo phong cách những năm 1930, đôi bốt thập niên 60 được buộc dây theo phong cách thời Victoria, hay chiếc quần bèo nhún của những năm 1890 vốn được mặc làm đồ nội y… Cùng với đó, phong cách của các nhà thiết kế thuộc “kỷ nguyên không gian” (Space Age) như André Courrèges và Pierre Cardin, tinh thần của biểu tượng thời trang Elsa Schiaparelli và Moncler cũng ảnh hưởng không nhỏ đến bảng ý tưởng cho trang phục của “Poor Things”. Một chi tiết khá nổi bật trong diện mạo của nhân vật Bella là kiểu áo chân cừu có phần phồng to ở gần vai. Cả Emma Stone lẫn đạo diễn Yorgos đều yêu thích kiểu áo này. Trên thực tế, phần tay áo phồng khổng lồ đã cản trở một số góc quay, nhưng vẻ uy nghiêm đầy kiểu cách pha lẫn sự quyền lực một cách cường điệu của kiểu áo này lại cực kỳ phù hợp với tinh thần của bộ phim.

Kiểu áo chân cừu có phần phồng to ở gần vai đã trở thành nét đặc trưng xuyên suốt quá trình phát triển về nhận thức của Bella.

Dưới đây là một số trang phục ấn tượng nhất, khắc họa rõ nét quá trình phát triển về nhận thức và thế giới quan của nhân vật Bella Baxter.

Những thước phim đầu tiên về Bella là khi tâm trí của cô còn đang ở giai đoạn sơ sinh, vậy nên người chăm sóc đã chọn cho cô những món đồ đặc trưng của trẻ nhỏ: đầm babydoll chất liệu xuyên thấu với phần diềm tay áo xòe rộng, kết hợp cùng quần lửng. Hình ảnh này gợi lên sự ngây thơ, thiếu tự chủ và không thể ăn mặc đàng hoàng của một đứa trẻ non nớt.
Lớn hơn một chút, Bella được phép vui chơi trong khoảng sân của ngôi nhà. Cô được bà Prim mặc cho một chiếc áo lụa giấy có phần ống tay phình to quá cỡ, đường vân trên mặt vải mô phỏng theo kết cấu da thịt con người. Để nhấn mạnh vào tính kỳ ảo của bộ phim, Holly Waddington đã chọn phối áo cùng quần nội y vải nhăn có phần đuôi kéo dài được chần bông, thay cho kiểu chân váy dài thanh lịch của thời Victoria. Việc kết hợp nhiều kết cấu bề mặt vải đã tạo nên sự hiện đại pha lẫn nét kì quặc một cách vui nhộn, đồng thời gợi lên cảm giác về một cô búp bê được nâng niu thái quá.
Khi Bella rời bỏ ngôi nhà, trang phục của cô bắt đầu bùng nổ những màu sắc táo bạo và kiểu dáng lộng lẫy hơn. Tại Lisbon, cô gái bước xuống phố với áo cao cổ có bèo nhún, áo khoác lửng xanh dương với tay phồng to cùng quần lụa ngắn màu vàng (vốn được coi là quần nội y vào thời điểm những năm 1930). Bốt da trắng hở mũi chân được lấy cảm hứng từ André Courrèges – thể hiện rõ nét sự thiếu kiềm chế của Bella, vì phụ nữ thời Victoria không bao giờ để lộ bàn chân. Đây chắc chắn không phải là trang phục mà một quý cô sẽ diện khi bước ra khỏi nhà, nhưng Bella mới chỉ vừa biết đến thế giới bên ngoài, cô chưa từng được dạy bảo về cách ăn mặc như một người trưởng thành. Đây là lần đầu tiên cô gái tự mặc đồ cho mình, và cô đã chọn một bảng màu thật tươi sáng tựa như thế giới cổ tích – phản ánh niềm vui và sự lạc quan khi bắt đầu khám phá những điều mới mẻ.
Chiếc đầm màu trắng lộng lẫy này được Bella mặc khi theo chân những người bạn mới để đến Alexandria. Tại đây, “lớp vỏ” ngây thơ đầy mộng mơ của cô đỡ vỡ vụn hoàn toàn trước thực tại khốn khổ và đói nghèo. Holly muốn Bella xuất hiện với vẻ ngoài chuẩn mực thay vì lộn xộn như thường thấy, nhằm tô đậm quá trình nhận thức của cô về sự tương phản giữa địa vị xã hội của bản thân và những người xung quanh. Chiếc đầm dài được làm nổi bật bằng tay áo chân cừu cùng vô số đường diềm bèo nhún – những chi tiết đặc trưng cho trang phục của phái nữ thuộc tầng lớp cao trong xã hội bấy giờ.
Trong lần đầu tiên đặt chân đến thành phố Paris hoa lệ, Bella đã khoác lên mình chiếc áo choàng dài màu vàng phô mai, tuy không quá rực rỡ nhưng vẫn đủ hút mắt giữa khung cảnh tuyết rơi trắng muốt. Chiếc áo có vẻ mỏng manh và không thực sự giúp cơ thể ấm áp này được làm từ latex, mô phỏng chính xác màu sắc của bao cao su thời Victoria. Holly Waddington muốn thiết kế này nhuốm màu tình dục, vì nó cũng được Bella mặc trong lần “làm việc” đầu tiên tại nhà thổ: “Về cơ bản, tôi muốn nó gợi lên màu sắc của bao cao su thời đó. Nghe có vẻ rất phản cảm nhưng đó chính là điều tôi đang nghĩ.”
Màu đen xuất hiện trong bảng màu trang phục của Bella khi cô ấy trở thành một sinh viên y khoa và bắt đầu tham gia các buổi họp xã hội chủ nghĩa. Áo khoác len đen cứng cáp được mặc cùng sơ mi kèm cà vạt nam tính – một diện mạo nghiêm túc, chỉn chu khác hẳn dáng vẻ mơ mộng kỳ lạ trước đây. Bộ trang phục này thể hiện rõ ràng sự nghiêm túc của cô gái xinh đẹp đối với lựa chọn nghề nghiệp, cũng như mong muốn được hòa nhập với các bạn học, mà ở đây chủ yếu là những người đàn ông khô khan, ăn mặc và hành xử theo khuôn mẫu. Tuy nhiên, với tinh thần “hòa nhập chứ không hoà tan”, lối ăn mặc của Bella vẫn không hoàn toàn dập khuôn theo kiểu mẫu: cô để chân trần và đi bốt thay vì mặc thêm chân váy dài kín đáo.
Ngay cả khi đã học cách cư xử theo các chuẩn mực do xã hội đặt ra, Bella vẫn sẽ ăn mặc theo phong cách cá nhân đầy thách thức, và trong chính hôn lễ của mình cũng vậy. Đầm cưới của Bella mang màu trắng thanh khiết với phom dáng dài lộng lẫy. Những dải lụa ngang kết hợp cùng chất liệu nền xuyên thấu gợi liên tưởng về một chiếc lồng – dựa trên ý tưởng rằng hôn nhân phần nào đó giống như một chiếc lồng vô hình: giam giữ và kìm kẹp Bella trong các ràng buộc. Phần vai áo phồng to tựa như những quả bóng bay, được làm từ vải lưới và organza nhằm tạo độ bay bổng, mong manh mà vẫn không kém phần cường điệu. Đặc biệt, tính nổi loạn trong con người của cô gái được thể hiện thông qua chiếc mạng che bằng lưới chỉ được quấn quanh nửa dưới khuôn mặt – một sự tự do, kiên định không chút giấu giếm.
Trước khi tự tử và được hồi sinh, cuộc sống của Bella được ghi dấu bởi những tục lệ gia trưởng thời bấy giờ – những thứ mà cô đã cố gắng trốn thoát. Để tượng trưng cho sự nặng nề và vướng víu mà nhân vật phải chịu đựng, một trong hai bộ trang phục của Bella ở tiền kiếp đã được mô phỏng theo phom dáng của bộ áo giáp, với màu đồng sang trọng cùng các chi tiết bằng vàng vương giả. Chồng cô khi đó là một vị tướng quân đội, và phom dáng cứng ngắc bộ đồ này thể hiện rõ sự gò bó, thiếu thốn cảm xúc cùng những trách nhiệm mà người vợ của một vị tướng phải mang.

From the same category