Tránh xảy ra xung đột hoặc tranh luận đến hết mức có thể, luôn nhận sai dù đó không phải là lỗi của mình, cư xử theo số đông vì sợ bị tách biệt, cảm thấy bản thân có trách nhiệm với cảm xúc của người khác, luôn khó khăn khi từ chối, v.v… là những biểu hiện của thói quen làm hài lòng người khác. Đôi khi chúng ta cư xử để đẹp lòng mọi người nhưng không hề nhận ra lâu ngày nó đã trở thành thói quen vô thức và đôi khi có hại. Vì vậy, những điều dưới đây là cần thiết để giúp bạn định hướng lại suy nghĩ và từ bỏ thói quen tiêu cực kia.
Sẵn sàng tranh luận nếu cần
Trong cuộc sống và các mối quan hệ, không nhất thiết phải luôn làm đẹp lòng nhau mới có thể được yêu quý. Giữa người với người khó tránh sẽ có lúc xảy ra xung đột, lựa chọn trốn tránh không giúp vấn đề được giải quyết triệt để mà còn khiến bản thân phải tự vật lộn với chính mình. Thiết nghĩ, chẳng có gì đáng ngại khi bạn tranh luận vì điều mình tin là đúng đắn hoặc chí ít điều đó cần được nói để đôi bên thấu hiểu nhau hơn.
Không phải chịu trách nhiệm cho cảm xúc của ai cả
Thật tốt khi bạn ý thức được hành động của mình ảnh hưởng đến những người khác như thế nào, nhưng nghĩ rằng bản thân có sức mạnh khiến ai đó hạnh phúc lại là một vấn đề. Cảm xúc của mỗi người như thế nào phần nhiều phụ thuộc vào bản thân họ. Bạn cảm thấy e ngại khi là chính mình hoặc thể hiện chính kiến vì lo sợ điều đó sẽ làm người đối diện phiền lòng? Chẳng có lý do gì lại gánh trên vai những thứ cảm xúc như vậy, chính điều đó đã làm cho tinh thần của bạn mỗi ngày thêm tệ.
Có tiếng nói của riêng mình
Việc ậm ờ cho qua chuyện rồi sau đó có ngó lơ chăng nữa cũng không giúp người khác có cái nhìn thiện cảm về bạn. Thậm chí, việc giả vờ đồng ý chỉ vì muốn được yêu quý có thể khiến bạn đi ngược lại với những tôn chỉ của bản thân. Có rất nhiều cách để nỗ lực trong một mối quan hệ nhưng việc xuôi theo mọi thứ đối phương đưa ra chẳng đem lại một tín hiệu tốt nào.
Người ta chỉ nhớ về bạn như một người luôn luôn lắng nghe và kiểu gì cũng sẽ đồng ý. Ngày nào chưa có được tiếng nói của riêng mình, ngày đó bạn vẫn khó có được điều mình muốn. Để có được sự tôn trọng nhất định, bạn nên học cách tôn trọng mình; đừng chỉ biết làm hài lòng tất cả mọi người vì đó là điều không tưởng.
Đừng mong chờ sự hài lòng của người khác
Khi nghe theo ý kiến của bạn bè hoặc người quen, hay mong chờ sự tán thành của họ về quyết định bản thân đưa ra, bạn không chỉ đang chống lại ý muốn thực sự của mình mà còn lãng phí thời gian và năng lượng. Thay vì bắt đầu thực hiện theo kế hoạch, bạn lại dành rất nhiều thời gian lắng nghe ý kiến của người khác, cố gắng làm hài lòng bạn bè và giải thích những suy nghĩ của riêng bạn.
Sự đóng góp và quan tâm của người xung quanh là đáng trân trọng, bạn nên tham khảo chúng một cách thận trọng nhưng không phụ thuộc hoàn toàn. Chẳng cần phải nhận được công nhận của tất cả mọi người để cảm thấy tốt hơn. Bạn phải có cho mình sự tự tin nhất định, vì không ai hiểu hết được những gì bạn đang trải qua cả.
Chân thành với cảm xúc của chính mình
Trong bất kì một mối quan hệ nào đều phải có sự chia sẻ, đồng cảm, thấu hiểu, yêu thương hoặc khích lệ lẫn nhau. Bạn không thể hình thành mối quan hệ thực sự với mọi người nếu không sẵn lòng lên tiếng và nói rằng thỉnh thoảng mình cũng bị tổn thương.
Phủ nhận việc bạn đang tức giận, buồn bã, xấu hổ hay thất vọng sẽ làm cho mọi mối quan hệ trở nên không thật. Vì sao phải chịu đựng sự bức bối để làm vui lòng người khác, trong khi họ lại vô tư lự tỏ bày với bạn? Luôn làm vừa lòng người khác cũng chính là bạn đang không tôn trọng mối quan hệ của mình. Họ không được lắng nghe tâm tình của bạn, thay vào đó chỉ toàn những điều hư ảo.