Khi bị mắc kẹt ở nhà trong thời gian dịch bệnh bùng lên, một số người trở nên hào hứng với việc mua sắm đến mức không bỏ qua bất kỳ một đợt giảm giá nào. Và các chuyên gia nói rằng mua sắm khi tinh thần căng thẳng là một cách chúng ta cố gắng kiểm soát cuộc sống của mình. Nhưng không chỉ có sự căng thẳng mà còn nhiều nguyên nhân khác góp phần thành hình xu hướng tiêu tiền của bạn. Đó là chưa kể, chúng cũng tiết lộ một phần tính cách của mỗi người.
Sự căng thẳng có xu hướng khuếch đại bản chất con người bao gồm cả cách chúng ta chi tiêu và tiết kiệm. Và ngay cả khi không có bất kỳ áp lực tinh thần nào chăng nữa, cách mà mọi người chi tiêu hoặc tiết kiệm nói lên nhiều điều về một người hơn là việc họ có thoải mái về mặt tài chính hay không.
Các chuyên gia cho biết rằng, không có lý do chính xác tuyệt đối lý giải bạn thuộc xu hướng nào, nhưng một phần có thể liên quan đến cách nuôi dạy của cha mẹ. Và những dữ liệu sơ bộ thu về từ các nghiên cứu ở trẻ em cho thấy, hầu như chúng có xu hướng chọn thói quen chi tiêu của mẹ nhiều hơn các thành viên khác trong gia đình.
Ngoài ra, trải nghiệm sống của mỗi cá nhân cũng giữ một vai trò quan trọng. Cụ thể, nếu bạn mất một số tiền lớn vào thời điểm quan trọng trong đời, nó có thể khiến bạn trở nên bủn xỉn hơn. Hoặc nếu bạn đã trải qua thời kỳ tiền bạc eo hẹp, bạn có thể giữ những thói quen tiết kiệm đó ngay cả khi tình hình tài chính được cải thiện.
Tuy nhiên, điều thú vị là số tiền bạn kiếm được không ảnh hưởng đến việc bạn thuộc kiểu người chi tiêu hay tiết kiệm (dù rõ ràng xu hướng chi tiêu hoặc tiết kiệm ảnh hưởng đến số nợ cũng như khoản tiết kiệm mà bạn có). Nói rộng ra, bạn sẽ không sẵn sàng tiêu tiền, nếu luôn ám ảnh tiêu cực với việc phải rời xa đồng tiền mình kiếm ra.
Những người cảm thấy khó khăn khi tiêu tiền thường không mua những thứ mà họ nghĩ rằng mình nên mua hoặc muốn mua. Họ là kiểu người tự chủ, hành động theo lý trí và lập kế hoạch nhiều hơn. Mẫu người này có xu hướng suy nghĩ quá nhiều, cũng như dễ bị lung lay bởi những ý nghĩ về tiền bạc. Đối với những người này, việc tiêu tiền quá nhiều cũng giống như… tự làm đau mình. Họ có thể lo lắng về tương lai đến mức không cho phép mình được hưởng niềm vui mua sắm trong thời điểm hiện tại.
Vì những lý do này, người gặp khó khăn trong việc tiêu tiền có thể ít hạnh phúc hơn một chút, bởi họ đã bỏ qua hoặc phớt lờ niềm vui mà shopping có thể mang lại. Những người này thường dư dả, không có bất kỳ khoản nợ nào, và có thể được xem là khắc tinh một trời một vực với mẫu người nghiện rút ví.
Mặt khác, người thoải mái với vấn đề chi tiêu lại ít lo nghĩ xa vời và tập trung hơn vào hiện tại. Theo đó, việc đưa ra quyết định mua sắm không mất quá nhiều thời gian. Cũng bời vì không cảm thấy khó chịu khi mua hàng nên họ thường sắm sửa nhiều hơn dự kiến.
Mua đồ có thể rất thú vị và nó có thể khiến người ra trở nên yêu đời và hưng phấn hơn. Theo thời gian, họ sẽ cảm thấy tự hào và thỏa mãn khi mọi người xung quanh khen lấy khen để gout mua sắm của mình. Xu hướng mua sắm nhiều này dần dà biến họ trở thành kiểu người chú trọng đến vật chất nhiều hơn và dễ rơi cảm thấy chán nản nếu cơn nghiện mua sắm không được đáp ứng.
Người thoải mái với việc tiết kiệm tất nhiên là cảm thấy thói quen này là hoàn toàn đúng đắn. Chúng ta cũng cần làm rõ khác biệt giữa tiết kiệm và thật sự gặp khó khăn về việc chi tiền. Mẫu người tiết kiệm sẽ suy nghĩ kỹ trước khi đưa ra lựa chọn chi tiêu, như tiết kiệm tiền mua quần áo mới bằng cách thử sửa lại quần áo cũ (trong khả năng có thể) hoặc là vui vẻ săn hàng second-hand. Họ không đặt nặng chuyện cái gì cũng phải mua mới, mà sẽ ưu tiên đến tính ứng dụng nhiều hơn. Nhìn chung, họ hoàn toàn không gặp vấn đề khi sống tiết kiệm như ngưới bị ám ảnh về việc chi tiêu. Họ chính là đại diện cho mẫu người không quá cầu toàn, dễ dàng chấp nhận những gì đến sẽ đến và luôn duy trì tâm thế sống tích cực.