Thôi nhầm lẫn ở xứ Thổ

 

Con ngựa thành Troy của Hollywood được đặt trên bến cảng 

Không còn nhầm lẫn

Từ Istanbul, tôi theo một chuyến du lịch của hãng TJs, hãng chuyên đưa khách đến thành Troy và bãi chiến trường Gallipoli thời Chiến tranh Thế giới I. Theo tour là cách nhanh gọn hơn cả một khi không có nhiều thời gian. Sáng, sáu giờ rưỡi được đón tại khách sạn, đi đến nơi. Đêm, mười một giờ được trả về đến chốn. Tuyến này hơi đặc biệt, chỉ có những ai quan tâm đến lịch sử và khảo cổ, thành ra trên xe chỉ có tám người. Đi miết hơn bốn tiếng đồng hồ mới đến thành phố Eceabat, tức là bắt đầu chạm đến lãnh địa của hai nơi danh tiếng. Lúc ấy mới chia ra thành hai nhóm. Hai người đi đến thành Troy. Sáu người còn lại, gồm ba cậu châu Âu, một cặp người Thổ và một cậu Arab, đi đến Gallipoli. Chia tay lúc mười hai giờ rưỡi trưa, hai nhóm gặp lại sau năm tiếng, rồi mới cùng nhau quay trở lại Istanbul.

Di tích những bức tường thành Troy 

Quần thể thành Troy còn lại di tích từ gần năm nghìn năm trước, được chia thành chín thời kỳ, từ Troy I cho đến Troy IX, từ khoảng năm 3.000 trước Công nguyên cho đến năm 600 Công nguyên.

Câu chuyện thành Troy mà ta biết đến trong trường ca Iliad xảy ra vào khoảng 3.200 năm trước, được thi hào Homer kể lại cách đây 2.800 năm. Hoàng tử Paris sang làm khách xứ Sparta đã quyến rũ được hoàng hậu Helen bên ấy, dắt nàng về thành Troy. Vua Menelaus cả tin mất vợ bèn dẫn quân vượt biển sang bao vây thành Troy. Một cuộc chiến tranh tàn khốc xảy ra, thành Troy bị bao vây mười năm liền. Hector là anh của Paris ngã xuống, bản thân Paris cũng ngã xuống, thần Achilles ở phía bên kia cũng ngã xuống. Tất cả chỉ vì một người đẹp Helen. Các trường ca thường lãng mạn hóa sự việc, còn theo các nhà sử học, kinh tế mới là lý do chính của cuộc tấn công, Helen chỉ là cái cớ cho xứ Sparta vốn đã nhòm ngó từ lâu, muốn chiếm đoạt xứ Troy thịnh vượng.

Con ngựa thành Troy từ trường ca Odyssey đã trở thành tục ngữ, để nói về một mưu kế, một trò đánh lừa, một sự mất cảnh giác, một chiến thuật đưa gián điệp ngầm để trong đánh ra ngoài đánh vào.

Vẫn bày ra đấy những bức tường thành bằng đá hộc, tường dày đến sáu mét, thời ấy chưa có vũ khí nào phá hủy nổi một bức tường như vậy. Vẫn còn đó di tích đền thờ thần Athena, khu tế đàn với những giếng nước để hứng máu của người và vật bị hiến tế. Vẫn còn đó di tích nhà hát La Mã và tòa nghị trường được xây dựng vào nhiều thế kỷ sau này. Cũng còn đó di tích ngôi nhà đầu tiên của loài người từ gần năm nghìn năm trước.

Ở lối vào khu di tích là hình con ngựa gỗ khổng lồ, dựng lên vào năm 1975 và từ đó trở thành biểu tượng chính. Có cầu thang để đi lên, chui vào bụng con ngựa, từ đó mở cửa sổ nhìn ra bên ngoài. Chất liệu gỗ, lại dựng ngoài trời, con ngựa cần phải bảo dưỡng thường xuyên. Trước mắt chúng tôi, nó đã bị vải nhựa bao bọc. Đành chụp ảnh cái hình bị bao bọc. Tiếc công đến tận nơi mà không chụp được ảnh con ngựa. Hướng dẫn viên cảm thông, bảo sẽ đưa về thành phố chụp ảnh con ngựa của Hollywood trong bộ phim Troy làm năm 2004. Thành phố Canakkale đã thuê con ngựa ấy từ Mỹ sang, đặt trên bến cảng.

Vội quay về thành phố cho kịp chuyến phà lúc 16 giờ 45, không thì sẽ phải đợi chuyến sau, thêm ba mươi phút nữa. Vội dừng xe trước công viên cảng, vì dừng lâu xe sẽ bị phạt. Vội nhảy xuống xe, chúng tôi lao vào công viên đông người, chụp ảnh con ngựa rồi cuống cuồng chạy trở lại xe, vừa kịp lúc xuống phà.

Không có thời gian dừng lâu ở Canakkale. Đây là thành phố thứ hai ở Thổ Nhĩ Kỳ, sau Istanbul, cùng lúc nằm trên hai lục địa, nửa bên châu Á, nửa bên châu Âu. Thành phố nhỏ, sạch sẽ, sáng bừng trong nắng xuân. Chỉ có hơn 100.000 dân, nhưng một phần ba trong đó là sinh viên đại học từ các vùng đất nước, Canakkale được mệnh danh là thành phố đại học. Đây là bãi chiến trường của chiến dịch Gallipoli tháng 3-1915 mà quân Thổ đã đánh bại quân Anh và Pháp, đánh chìm những chiến hạm khổng lồ của quân xâm lược.

Tôi tự bảo lần sau quay lại sẽ dành hẳn vài ngày thăm thú thành phố đã để lại rất nhiều cảm tình này.
 
Không phải chỉ có một

Đúng là không chỉ có một ngọn núi Olympus. Những người làm truyền hình ở ta thì gọi nó bằng cái tên chưa chính xác là đỉnh Olympia. Nói là chưa chính xác vì Olympia không phải là đỉnh, mà là một quần thể đền đài cung điện tượng thần. Olympia còn là nơi tổ chức thế vận hội Olympic từ thế kỷ VIII trước CN đến thế kỷ IV CN, bốn năm một lần. Còn đỉnh Olympus, người ta tính rằng có đến mười chín đỉnh núi. Chỉ riêng cổ đại, ở Hy Lạp có sáu ngọn Olympus, đảo Cyprus có một, Thổ Nhĩ Kỳ có bốn ngọn. Thời kỳ tiền Hy Lạp, cứ ngọn núi nào cao thì được gọi là Olympus, vậy chữ Olympus đồng nghĩa với núi cao.

Ở thành phố Bursa của Thổ Nhĩ Kỳ có một ngọn Olympus, tiếng địa phương gọi là Uludag, cao 2.543 mét. Từ thành phố, thông thường người ta đi cáp treo lên lưng chừng núi. Cáp đang được bảo dưỡng, chúng tôi phải đi xe ôtô lên, mất một tiếng. Olympus là trung tâm thể thao mùa đông, một tòa nhà trung tâm đặt ở lưng chừng núi với những khu nhà phụ vẫn đang ngập trong tuyết trắng. Bên dưới, thành phố Bursa đã sang xuân, tuyết đã tan, hoa đào và anh đào nở hồng nở trắng thành phố, dọc theo các dải phân cách và các vỉa hè chỉ toàn trồng đào và anh đào. Trên này, tuyết vẫn trắng muốt trong khu trượt tuyết và khu nhà nghỉ. Rừng thông cổ thụ sáu trăm năm im lìm trong vườn quốc gia trắng xóa.

Khu thể thao mùa đông trên đỉnh Olympus, cuối mùa đã im lìm vắng khách 

Từ Istanbul, vẫn đi theo chuyến du lịch sáng đi tối về của hãng SHE, từ tám giờ rưỡi sáng đến mười hai giờ đêm. Tuyến này đông khách, gần ba chục người trên một chiếc xe to, cao lênh khênh và chạy êm. Qua một chuyến phà bốn mươi lăm phút, cái phà lớn kiểu châu Âu chứa mấy chục chiếc xe hơi và hàng trăm khách. Một căng tin như tiệm cà phê, lúc đêm về, chúng tôi đã ngồi ăn bánh mì kẹp nhân cho bữa tối. Vượt qua eo biển Marmara, đi tiếp đến thành phố xanh Bursa. Thành phố xanh nhưng đầu mùa xuân, cây chưa kịp ra lộc xanh mà phủ đầy hoa đào màu hồng và màu trắng như đã kể. Bursa là kinh đô đầu tiên của đế chế Ottoman vào đầu thế kỷ XIV, bắt đầu từ năm 1326, mở ra một thời kỳ oai hùng và thịnh vượng của đế chế. Thời con đường tơ lụa, đây là điểm tận cùng ở phương Tây nhận hàng đến và gửi hàng đi.

Bursa ngày nay cũng là một thành phố thịnh vượng và dân trí cao. Đây là trung tâm sản xuất ôtô với các hãng Fiat, Karsan, Renault cùng nhà máy phụ tùng Bosch, Delphi, Mako, Valeo. Đây là trung tâm dệt lụa, khăn áo rực rỡ nhiều màu sắc. Đây còn là vùng đất màu mỡ, sản phẩm đặc trưng là hạt dẻ cười, hạt dẻ có trong các loại bánh trái và món ăn. Sản phẩm đặc trưng nữa là sữa. Món ăn nổi tiếng khắp xứ Thổ là thịt nướng Iskender kebap, nên thử một lần để nhớ.

Khu chợ vòm, từ kiến trúc, cách bài trí, cách bán mua trở đi đều mang tính địa phương, không du lịch hóa như chợ vòm Bazaar ở Istanbul. Ngay trước khu chợ vòm là Đại Giáo Đường Ulu Cami (Grand Mosque), hai mươi mái vòm chia thành bốn hàng, đỡ trên mười hai cột đá. Phía trên cao là hai ngọn tháp. Giáo đường được xây dựng trong bốn năm, 1396 đến 1400. Hai mươi mái vòm trong một giáo đường chứ không xây hai mươi giáo đường, tương truyền hoàng đế đạo Hồi Sultan Bayezid I coi đó như biểu tượng cho lời hứa chiến thắng trong trận đánh sắp tới.

Giáo Đường Xanh ở Bursa 

Ở Bursa du khách được đưa đến thăm Giáo Đường Xanh Yesil Cami (Green Mosque) xây dựng năm 1424. Ngay bên cạnh giáo đường là Lăng Xanh Yesil Turbe (Green Tomb) bên trong có nhiều mộ cẩm thạch của các vị vua thời đó. Gọi là xanh lục, nhưng gốm sứ lát tường và gốm khảm thư pháp có vẻ màu xanh nước biển thì đúng hơn. Cả tòa lăng mộ xanh ngắt trên cao tạo ấn tượng dịu mát phía bên trên một khu chợ.

Sau khi chơi đùa và chụp ảnh trên núi Olympus, du khách xuống núi và được đưa đến Đại Giáo Đường cùng chợ vòm. Những đặc sản bánh kẹo hạt dẻ cười và hàng tơ lụa kết thúc chuyến thăm thành phố xanh Bursa.

Đặc sản Istanbul

Hai đặc sản văn chương ở Istanbul là Aziz Nesin (1915-1995) và Orhan Pamuk, sinh năm 1952. Đến Istanbul, việc đầu tiên là tôi nhờ Erhan tìm cho thông tin về bảo tàng của hai nhà văn này.

Tôi biết Erhan từ chuyến đi đầu tiên đến Istanbul, hơn một năm trước. Anh làm lễ tân ở khách sạn Hanedan và khách sạn Peninsula, trong khu phố cổ Sultanahmet. Liên lạc qua điện thoại rồi bay sang, đến ở tại khách sạn, chúng tôi được anh hướng dẫn chu đáo trong cả chuyến đi. Từ đó mà thành thân quen, bạn bè có ai sang Istanbul, tôi đều giới thiệu liên lạc với Erhan qua địa chỉ email orkun90@hotmail.com và điện thoại 0090 54 4288 8812, tôi gửi tặng anh những chiếc áo phông và tranh thêu Việt Nam. Bạn bè tất cả đều được Erhan thu xếp tận tình, hai khách sạn của anh không còn chỗ thì anh đưa sang những khách sạn ngay bên cạnh, giá cả xấp xỉ và phải chăng. Lần này không chỉ gặp Erhan, chúng tôi còn gặp cả cô bạn gái của anh Mumina. Cô đang học đại học năm thứ ba, quan hệ quốc tế, còn xa hơn cả thủ đô Ankara, phải đi xe khách mất chín tiếng đồng hồ. Nghe nói tôi sang, Mumina đến chào. Tôi mời hai người đi ăn tối, Mumina nói được ít tiếng Anh, Erhan phải phiên dịch. Cô gái xinh đẹp trùm khăn che kín tóc. Phụ nữ Thổ hầu hết đã bỏ trùm khăn, chỉ có những gia đình mộ đạo thì phụ nữ mới trùm khăn. Tôi hỏi Mumina thấy Erhan có tốt không, cô trả lời, có chứ, anh ấy tốt, và đẹp trai nữa.

Buổi tối trong chợ vòn ở Bursa 

Erhan năm nay sẽ đi làm nghĩa vụ quân sự, một năm, sau đó trở về thì Mumina cũng tốt nghiệp, họ sẽ lấy nhau. Anh là người thiên về giá trị truyền thống và thành thực. Khi tôi nói Istanbul là nơi nửa châu Á nửa châu Âu, anh bảo về cơ bản thì người Thổ vẫn thuộc về châu Á.

Cảnh đưa tiễn người nhà lên đường nhập ngũ ở Istanbul cũng chẳng khác nhiều nơi trên thế giới này. Ở bến xe đi lên thủ đô Ankara, lúc mười một giờ đêm, chúng tôi thấy các chú lính mới đi lên xe trong khi ở bên dưới bạn bè đốt pháo đùng, pháo bông sáng rực, reo hò, vẫy tay, làm loạn cả bến. Người nhà, người cười người khóc, chạy lên chạy xuống dúi tiền vào túi quần chú lính. Tôi kể lại chuyện, và bảo chắc khi nào Erhan lên đường, anh cũng sẽ được dúi tiền như vậy. Anh gật đầu cười, công nhận.

Erhan chỉ vẽ tỉ mỉ trên bản đồ đường đi đến bảo tàng của Orhan Pamuk, người đoạt giải Nobel văn học năm 2006. Tôi thích hai tác phẩm của ông “Tuyết”, “Tên tôi là Đỏ”, đã dịch ra tiếng Việt. Trên đường đi, trong đầu cứ vương vấn câu nói của Napoleon Bonaparte, từ tiếng Pháp dịch ra tiếng Anh: “If the world were a single state, Istanbul would have been its capital” (Nếu thế gian này chỉ là một đất nước thì Istanbul phải là kinh đô của đất nước đó). Tôi lên tàu điện từ phố cổ, ngay trước giáo đường Aya Sophia, đi đến bến Tophane thì xuống, nghe nói đi bộ lên đồi khoảng tám trăm mét sẽ đến nơi. Thực tế đúng là như vậy. Nhưng xuống bến xe, hỏi đường thì bị chỉ đi lên, rồi đi xuống, rồi quay lại đường cũ. Toàn những người nhiệt tình nhưng chỉ sai. May mắn, cuối cùng cũng đến được. Bảo tàng mang tên một cuốn tiểu thuyết của Orhan Pamuk, cuốn “Bảo tàng thời ngây thơ” (The Museum of Innocence, 2009). Câu chuyện của anh chàng Kemal tự lưu giữ một bộ sưu tập những đồ vật của cô em họ là Fusul. Hầu như toàn bộ đồ vật của một cô gái trung lưu, từ những hộp mỹ phẩm, những album ảnh đen trắng của người nhà bạn bè, những bưu ảnh và áp phích các minh tinh điện ảnh. Có bộ sưu tập ảnh người thân, người nào cũng bị lấy bút đen xóa đi cặp mắt, tượng trưng cho ký ức đã bị xóa mờ. Ba tầng bảo tàng có tám mươi ba tủ kính trưng bày hiện vật, tượng trưng cho tám mươi ba chương của cuốn tiểu thuyết. Không chỉ là những cái điện thoại cổ nằm im lìm, những bình những lọ những cốc chén những chùm chìa khóa giày dép im lìm, giữa bộ album ảnh đen trắng có khi chen vào một màn hình chỉ nhỏ bằng tấm ảnh 9×12 cm như một hình ảnh động, và trên tường liên tục lướt qua hình ảnh từ máy chiếu những bộ phim ưa thích của cô gái.

Ở ngay tầng một, một tủ kính chạy hết bức tường trưng bày 4.213 đầu mẩu thuốc lá cô gái đã hút và quẳng đi, rồi chàng trai nhặt và giữ lại. Số thuốc hút chỉ trong dăm bảy năm, được chia thành từng cột dọc cho từng năm. Các đầu mẩu đều được tạo hình theo kiểu điêu khắc: điếu thì bị cô dí mạnh xoắn vặn trong cơn giận dữ (không còn đường rút), điếu thì chỉ dụi nhẹ thẫn thờ (ngượng ngùng lúc nửa đêm về sáng), điếu thì hút xong quẳng luôn vào gạt tàn (hãy cẩn thận)… Đầu mẩu nào cũng có ghi chú bên dưới về cảm xúc của cô gái trong thời điểm ấy.

Đại giáo đường ở Bursa 

Các bức tường bên ngoài bảo tàng sơn màu vang đỏ, gọi là nổi cũng được mà chìm cũng được, một màu trung tính giữa nổi và chìm. Bảo tàng mới mở cửa từ tháng 4/2012.   

Còn một bảo tàng nữa tôi chưa đến được là căn nhà của Aziz Nesin, tác giả những truyện ngắn hài hước giễu cợt trong “Những người thích đùa”. Erhan đã tìm được thông tin và biết đường đi đến đấy, khá xa, ngoại vi thành phố. Erhan bảo lần sau tôi trở lại Istanbul, đích thân anh sẽ dẫn tôi đi đến bảo tàng Nesin, nếu không biết đâu tôi lại đi lạc, mà đường thì xa.

Chắc chắn rồi, Erhan, với tôi, anh cũng là một đặc sản của thành phố Istanbul.

Hồ Anh Thái


From the same category