Thời của MV - Tạp chí Đẹp

Thời của MV

Review

Cờ đã đến tay

Nếu tính riêng các kênh truyền hình âm nhạc đang tồn tại và kinh doanh bằng MV, có thể kể đến YAN TV (lớn mạnh và có thâm niên nhất), sau đó là MTV (có thương hiệu quốc tế nhưng lại bỏ rơi thị trường nhạc Việt nhiều năm mới quay trở lại), ITV (kênh này khá tả pí lù và chưa để ý nhiều đến phần biên tập nội dung, gần như một kênh bán nhạc chuông, nhạc chờ cho các công ty mẹ)… Kế đó là những kênh truyền hình giải trí như Yeah1, K+… và một số kênh truyền hình trả tiền khác (cả SD lẫn HD)…

Khoảng thời gian trước, MV tồn tại dưới hình thức các sản phẩm băng video chọn lọc (do các hãng sản xuất chọn những bài tuyển, bài đinh để đầu tư quay hình, thêm giá trị gia tăng cho sản phẩm âm nhạc) hoặc DVD tặng kèm album nhạc của các ca sĩ (nhằm đánh dấu sự xuất hiện trên thị trường âm nhạc mạnh mẽ hơn, tăng sức lan tỏa của sản phẩm âm nhạc và phổ biến hình ảnh của ca sĩ hơn)… Thời thế giờ đã khác, băng đĩa không bán được – nhạc số lên ngôi.

MV đã tồn tại độc lập như một mảng hoạt động riêng, phát triển mạnh mẽ và đóng vai trò quan trọng trong dây chuyền sản xuất âm nhạc (và ngôi sao âm nhạc). Nó không còn được đính như một quà tặng kèm nữa mà trở về đúng vai trò của nó – lăng-xê hình ảnh nghệ sĩ, giới thiệu sản phẩm âm nhạc mới, và với nhiều nghệ sĩ, MV cũng sẽ có lợi nhuận hiện kim.

MV của Hiền Thục

Theo con số thống kê chưa chính thức, năm 2013 có từ 200-300 MV mới cho một kênh truyền hình âm nhạc được phát sóng. Đấy là còn số MV đã được biên tập nội dung, còn với những kênh âm nhạc trực tuyến như Zing mp3 chẳng hạn, con số lên tới trên 3.000 MV. Mức đầu tư phổ biến nhất hiện nay cho một MV là 40 triệu, khá vừa túi, dễ dàng hơn việc thực hiện một album nhạc hoàn chỉnh nhiều lần.

Nếu như trước đây, người hát nhất thiết phải thực hiện một album nhạc riêng để có thể được coi là một ca sĩ chuyên nghiệp. Album đó như một tấm passport giúp họ bước vào làng nhạc với những cá tính âm nhạc được ghi trong đó. Tuy nhiên, giờ là thời thế của nhạc online. Ca sĩ không còn phải mất công mất tiền làm nhiều như thế nữa. Họ làm single với 1-3 track nhạc, sau đó chọn 1 bài xuất sắc nhất để thực hiện MV, tất cả “tống” lên mạng – khỏi cần qua khâu kiểm duyệt giấy phép nào cả. Thế là xong. Đây là cách làm truyền thống của giới nghệ sĩ underground trước kia nhưng nay thì overground cũng vậy! Thậm chí, những ngôi sao lớn như Hồ Ngọc Hà, Thu Minh cũng tuyên bố thẳng, giờ sẽ làm single – bài nào thắng luôn bài đó chứ khỏi cần làm album nhiều!

Quan trọng là ai phất

Quay trở lại chuyện Music Video, Hồ Ngọc Hà là một trong số những nghệ sĩ đi đầu. Cô tiên phong với nhiều xu hướng sản xuất hình ảnh trong MV – biến hóa, đẹp đẽ, cập nhật và kịp thời. Tần số ra MV của Hà cũng đều, luôn đảm bảo sự xuất hiện dày đặc trên thị trường âm nhạc. Nếu giọng hát không phải là vũ khí mạnh nhất thì MV đã phô diễn toàn bộ vũ khí sắc bén nhất của cô trong sắc vóc một người mẫu – diễn viên. Hầu hết MV của Hà đều đánh trúng thị trường, đẩy từng bài hát trở thành hit đủ để công chúng có thể mở nó ở khắp nơi từ gia đình qua quán cà phê, từ siêu thị điện máy cho đến shopping mall…

Thế nhưng, chính Hà đã rút ra một kinh nghiệm xương máu, những MV công phu, có mức đầu tư lớn trên 10.000USD đều không thành công bằng những MV đèm đẹp với mức đầu tư trung bình 2.000-3.000USD. Tại sao lại như vậy? Bởi lẽ những MV đầu tư lớn thường rơi vào những thời điểm quan trọng, thay đổi phong cách – hình ảnh, hoặc thay đổi màu sắc âm nhạc, thử nghiệm các kỹ thuật mới…, và đương nhiên, nó thách thức công chúng cả về hai yếu tố nghe và nhìn. Điều này hoàn toàn khác với việc khai thác những gì đã ổn định, bắt trúng tâm lý công chúng một cách đơn giản là đẹp, dễ nghe, dễ xem, và không cần đánh đố họ.

Từ trường hợp của Hồ Ngọc Hà có thể thấy, mức tiền nào cũng có thể làm được MV. Nhiều thì sử dụng ánh sáng và máy móc chuyên dụng, hiện đại, đầu tư nhiều cảnh đòi hỏi kỹ thuật cao, những góc máy độc đáo. Còn nếu ít thì sử dụng các máy ảnh kỹ thuật số, bối cảnh sẵn có và đơn giản như một căn phòng hoặc quán cà phê… Công nghệ hiện đại, nhanh và dễ kiếm đã khai sinh ra một thế hệ làm MV (đạo diễn, quay phim) nhiều như nấm (từ được đào tạo chuyên nghiệp đến tự phát, tự học). Hàng loạt sinh viên/cựu sinh viên trường điện ảnh đang sống bằng nghề làm MV và đa phần họ có chung những công thức chế biến MV na ná nhau, cùng một báo giá thành phẩm theo kiểu: tiền nào của nấy. Càng nhiều tiền càng đẹp. Các cuộc đua không nằm nhiều ở khía cạnh kỹ thuật và chuyên môn nữa (cả chuyên môn điện ảnh lẫn âm nhạc) mà chỉ vòng vèo ở việc chạy đua tìm yếu tố lạ. Đó là những cốt truyện đặc biệt, những màn đánh đấm ly kỳ, những cuộc tình éo le kiểu phim Hàn, những khách mời ngôi sao, hotboy, hotgirl câu khách…

Thậm chí, một cuộc cách mạng của MV Việt là sản phẩm “Chậm lại một phút” của đạo diễn Triệu Quang Huy thực hiện với chất lượng độ phân giải lên tới 4.000 megapixel, có thể đạt yêu cầu chiếu tại rạp, nhưng cuối cùng cũng bị cho rằng con số đặc biệt đó chỉ là… yếu tố PR. Bởi lẽ khâu cuối của sản phẩm MV Việt là YouTube và truyền hình (SD là chủ yếu, chứ hiếm kênh HD) thì 4K cũng như 1K. Dẫu sao sự đi đầu về kỹ thuật của Triệu Quang Huy cũng đáng ghi nhận bởi MV của Việt Nam dù nhiều nhưng na ná nhau về nội dung, thậm chí bối cảnh, khuôn hình một cách nhàm chán!

Cũng chỉ trong vài năm, những cái tên đạo diễn MV nổi tiếng như Huỳnh Phúc Điền, Phạm Việt Thanh, Phạm Hoàng Nam, Trinh Hoan, Nguyễn Nam, Việt Tú… đã dần đi vào quên lãng. Thay thế vào đó là hàng loạt những cái tên mới. Đáng chú ý nhất (và cũng… cao giá nhất) hiện nay là Triệu Quang Huy, Bonne Hồ. Sản phẩm đóng dấu 2 cái tên này đều ở tầm “hàng khủng” – có thể đẩy hit nâng hạng cho ca sĩ. Ở họ có những “bí kíp” riêng trong việc xử lý hậu kỳ sản phẩm, chất lượng đồng đều và hoàn toàn khác biệt – ở khoảng cách xa – so với những ê kíp khác.

Ngoài ra, có thể đếm đến trên 20 cái tên đạo diễn và ê kíp sản xuất MV khác đang hoạt động mạnh ở 2 trung tâm Hà Nội và Tp.HCM, hầu hết là cựu sinh viên điện ảnh, một số tay máy nhiếp ảnh chuyển nghề… Ở góc độ sản xuất, cả hai yếu tố kỹ thuật và giá thành đều đang trở thành yếu tố cạnh tranh quyết định!

Vẫn trong lộ trình biện chứng để ra đời hạng mục Video của năm tại giải Cống hiến, đã có ý kiến trên tờ Thể thao & Văn hóa cuối tuần về hiện tượng video “Gửi cho anh” (được làm dưới hình thức một phim ngắn dài 30 phút của ca sĩ Khởi My) đang đạt gần 7,8 triệu lượt xem trên YouTube. Rằng, “MV của ca sĩ và sự thưởng thức MV của công chúng mạng là một biến dạng âm nhạc và thưởng thức âm nhạc. Công chúng xem MV hay xem phim linh tinh?”…

Có thể nói cách làm MV của Khởi My không mới vì Hàn Quốc cách đây hơn 10 năm đã thực hiện một series MV dưới hình thức phim ngắn, thậm chí, họ đã chủ ý “ẩn” ca sĩ đi và thay vào đó là hàng loạt các diễn viên điện ảnh nổi tiếng thủ vai. Song cách làm của Khởi My là mới mẻ với khán giả trẻ của riêng cô ấy, và đương nhiên MV “Gửi cho anh” đã làm quá tốt vai trò đưa hình ảnh ca sĩ (kiêm diễn viên) đến với người xem. MV xét cho cùng chỉ là một khâu trong dây chuyền sản xuất âm nhạc và ngôi sao, nó hoàn toàn thuộc về chuyên môn điện ảnh. Âm nhạc đã kết thúc vai trò của nó sau khi hoàn thành bản master ca khúc và đến tay đạo diễn, bắt đầu bước vào một dây chuyền sản xuất mới. Khó có thể ép MV mang trách nhiệm giáo dục thẩm mỹ âm nhạc mà chỉ có thể là thẩm mỹ điện ảnh. Còn với khuôn khổ một giải thưởng âm nhạc dành cho MV xuất sắc, yếu tố điện ảnh hãy chỉ là một nửa sức nặng quyết định mà thôi. Và đương nhiên, một Music Video có cả phần Music tốt, Video đẹp thì không còn gì bằng, đó là MV xuất sắc!

Đạo diễn Triệu Quang Huy

Đạo diễn Triệu Quang Huy: “Khán giả và ca sĩ đang quá dễ dãi với MV”

– Anh đánh giá thế nào về thị trường Music Video ở Việt Nam hiện nay?

– Nói chính xác thì Việt Nam hoàn toàn chưa có thị trường MV, bởi MV làm ra không có ai mua, ca sĩ hoặc nhà sản xuất không thể thu tiền được từ sản phẩm, các trang video mạng và các kênh truyền hình có thể sử dụng một cách vô tư (ca sĩ và nhà sản xuất cũng chấp nhận điều đó). Cho nên, MV chỉ là một sản phẩm được làm trên sự hứng khởi, ngẫu hứng và thích thế nào cũng được. Và sự ngẫu hứng không thể kéo dài mãi, có lúc nó ồ ạt xông lên rồi cũng sẽ có lúc nó lắng xuống và nhàm. Hiện tại, tôi thấy MV đang ở đoạn lắng xuống và đều đều. Việc ca sĩ và nhà sản xuất quá dễ dãi với việc cho phép các kênh phát MV cũng là một yếu tố làm cho lĩnh vực này không phát triển được, rồi dần dần các nhà sản xuất và đạo diễn MV cũng sẽ chán và làm ít đi. Cộng thêm việc khán giả và ca sĩ quá dễ dãi, điều này không tạo nên động lực sáng tạo và cạnh tranh.

– Anh đã đẩy yếu tố kỹ thuật trong sản phẩm của mình lên 4K, nhưng có ý kiến cho rằng, nó có tác dụng PR cho sản phẩm nhiều hơn chứ khâu cuối cùng là truyền hình, internet và cả ti vi ở mỗi gia đình cũng không thưởng thức được nó, khác với độ phân giải 1080p thông thường?

– Quan điểm của tôi là việc phát triển từ HD lên 4K cũng tương tự như năm xưa, kỹ thuật đẩy từ SD lên HD. Bây giờ xem lại đĩa DVD là đã thấy quá vỡ và thiếu độ nét rồi, nên tôi nghĩ chẳng mấy chốc, màn hình 4K sẽ nhan nhản trên thị trường và lúc đó mọi người sẽ nhận ra sự tuyệt vời của 4K. Thực ra ở thời điểm này, YouTube đã hỗ trợ 4K rồi và những ai sở hữu màn hình 4K đều có thể xem video 4K trên YouTube. Giá màn hình 4K giờ đã xuống rất thấp, chỉ khoảng 50-60 triệu đồng một chiếc, tôi tin rồi 4K sẽ thành một định dạng phổ thông. Tất nhiên, bây giờ làm gì cũng phải PR cả, ngay cả MV cũng là một công cụ PR cho ca sĩ. Còn về chuyên môn sâu xa mà nói, 4K là một sự tiến bộ vượt trội cho các khâu hoàn thành sản phẩm ở giai đoạn hậu kì. Nó mở ra vô vàn thuận lợi cho việc điều chỉnh khung hình, làm động tác máy ảo, và chỉnh màu.

– Hai sản phẩm MV cùng của anh – xuất hiện cùng thời điểm: “Vì có anh” (Anna Trương và Kimmese) lại thua một MV của 2 người mới tinh (Đoàn Thúy Trang và Big Daddy). Như vậy yếu tố nào đã tạo ra sự thành công cho “Tình yêu màu nắng”?

– Chúng ta không nên so sánh MV này thua MV kia, vì mỗi MV đều có một đối tượng khán giả riêng, và cũng không nên chỉ nhìn số view mà quyết MV này thua MV kia thắng. “Vì có anh”“Tình yêu màu nắng” là hai thể loại khác hẳn nhau về phông văn hóa, âm nhạc và cách thức thể hiện. Mỗi MV đi theo con đường khác nhau. “Vì có anh” muốn kể một câu chuyện tình yêu học sinh và có đầu có kết, như kiểu một truyện ngắn vậy, chúng ta đọc xong rồi không đọc nữa, và chỉ đọc 1 hoặc 2 lần. “Tình yêu màu nắng” lại đơn giản miêu tả một lối sống xa lạ với số đông và nó giống như một bài thơ vu vơ, không có câu chuyện cụ thể, chúng ta có thể ngâm và đọc suốt ngày. Làm MV theo kiểu câu chuyện đã là một bất lợi rồi, nhưng có rất nhiều người, trong đó có tôi, lại muốn trải nghiệm sự bất lợi đó.

 

Bài: Lũng Yên

logo

>>> Có thể bạn quan tâm: Giải thưởng Âm nhạc Cống hiến là giải thưởng rất đặc biệt, được bầu chọn bởi những phóng viên theo dõi mảng văn hóa nghệ thuật của các cơ quan báo, đài trên toàn quốc – những người đã trực tiếp theo sát hoạt động âm nhạc của nước nhà trong năm qua. Danh sách đề cử giải thưởng âm nhạc Cống hiến năm nay gần như phản ánh đầy đủ bộ mặt của âm nhạc đại chúng Việt Nam năm 2013.

Hãy gửi thông tin, bài viết và hình ảnh bạn có cho chuyên mục Giải trí của Đẹp Online tại đây. Bài viết được đăng tải sẽ nhận nhuận bút theo quy chế của Tòa soạn. Trân trọng!

Thực hiện: depweb

24/03/2014, 10:05