Ngày nay, ra ngõ gặp dân văn phòng là chuyện thường. Và một nơi ngoài văn phòng dễ gặp loại người này nhất chính là khu nghỉ mát.
Thử nghĩ mà xem, những khu nghỉ mát này, trên núi hay bãi bể, những nhà nghỉ, khách sạn còn trông mong vào ai ngoài đám Tây ba lô kiệt xỉ và những đoàn khách cơ quan đổ bộ đến.
Chính đám người thứ hai này mới là lực lượng tiêu dùng mạnh và là nguồn cảm hứng của cư dân những thị trấn nghỉ mát.
Những thứ thực phẩm hay hàng hoá lưu niệm, họ không chỉ ăn mà còn mua mang về để làm quà và để… ăn tiếp. Chứ Tây đời nào mua những thứ lẩm cẩm ấy, Tây lúc nào cũng chỉ cần một bãi cát (thế thì ra công trường xây dựng cũng đầy cát!), nước biển mặn muối và quan trọng hơn, một căn phòng khách sạn nước không mặn.
Cho nên tôi rất bất bình khi có những tờ báo viết về du lịch đã coi khách nội địa Việt không ra cái gì, chê bai và làm như họ đi đến đâu là huỷ hoại môi trường khu nghỉ mát đến đấy.
Họ, nhất là đám dân văn phòng, là những người đi nghỉ nhiều nhất chứ không phải những người nông dân cần cù tiết kiệm cả đời không ra khỏi luỹ tre làng để nghỉ mát hay những VIP đi resort được chăm sóc như chim lồng cá chậu hay đúng hơn, cá bè nước lợ.
Họ, dân văn phòng, những người không phải VIP nhưng có tư tưởng VIP, là những người tạo ra không khí của những bãi biển chỉ nóng có mấy tháng hè của miền Bắc hay quanh năm ở miền Nam.
Nếu họ không đến thì nguyên sơ đấy, nhưng mấy cái vòng ốc Cát Bà hay tượng đá Non Nước làm ra bán cho ai? Nếu họ đến mà không được thoải mái hơn ở nhà hay hơn cái văn phòng sặc mùi khí máy lạnh thì họ xuống biển hay lên rừng để làm gì?
Đã bảo là nghỉ mát là trở về với tự nhiên, cởi bỏ những y phục công sở cứng đơ đơ để bán khoả thân cho da thịt tiếp xúc với trời đất. Vì thế dân văn phòng nào cũng vậy, tự nhiên như hổ về rừng như cá xuống biển.
Tôi chán cái văn phòng đóng hộp kính, chán cái chỗ ngồi chật hẹp với đám công việc buồn tẻ lắm. Tôi thèm trời rộng sông dài, thèm rừng xanh núi đỏ, thèm mặt trời biển cát…Và cuộc đào thoát cuả dân văn phòng bắt đầu. Bắt đầu để rồi khi kết thúc lại khẳng định thêm giá trị của thị thành. Bởi thoát khỏi thị thành, đó là một trạng thái tức thời mà bạn biết mình rồi sẽ quay về nơi đó. Đi xa, thật xa rồi bạn mới thấy mình dứt bỏ nó khó biết bao. |
Hà Nội quá bé để chứa mấy triệu người đi làm, và một mùa hè đường phố vắng xe máy bớt người đi lại cũng nên có như một kiểu giãn dân tức thời, để rồi họ có mặt nhan nhản nơi đầu sóng ngọn gió hay sơn cùng thuỷ tận.
Khi ấy thì bà con ở quê lại lên Hà Nội thăm Lăng Bác với ăn kem Bờ Hồ hộ. Chả nói ai cũng phải thấy đây là một sự tái tổ chức dù là tạm thời nhưng hoàn toàn có lý.
Đấy là một khía cạnh chưa được nói đến bên cạnh ý nghĩa tái sản xuất sức lao động, phục hồi năng lượng đã mất trong quá trình làm việc, và còn nhiều ý nghĩa như những gì Công đoàn Đỏ các nước Âu Mỹ đã đấu tranh đầu thế kỷ trước.
Đi nghỉ mát từ một địa vị phải đòi bằng máu đã được mặc nhiên đưa vào quy chế lao động. Vậy sau một thế kỷ lên rừng xuống biển, nay người ta và nhất là dân văn phòng, đã nghỉ mát ra sao?
Nhưng mà mở đầu như thế là hơi to tát. Chả cần đến một thế kỷ, chỉ cần vài năm đi làm là dân văn phòng biết ngay vị nghỉ mát. Chỉ cần vài năm là công đoàn cơ quan đã phải tua lại vòng căn bản.
Mùa đông rét mướt kéo nhau đi đâu cũng khó, chỉ còn mùa hè bốn năm tháng đi sao tránh bão, đi sao tránh lúc nhà nghỉ không rủ nhau tăng giá. Nghỉ mát, cũng như làm việc, đã thuộc về quán tính mất rồi. Hãy cho tôi xem anh đi nghỉ mát ra sao, tôi sẽ nói anh làm việc thế nào?
Đi làm thì phải có quyền đi nghỉ mát. Đây không phải là thoả thuận chung chung mà thành hẳn những điều khoản chắc như gạch ở trong các bộ Luật lao động ở các nước dân chủ mà các nhà hoạt động xã hội thế kỷ 19 đã đổ mồ hôi nước mắt và thậm chí cả máu để đấu tranh cho công nhân.
Một thế kỷ sau, đi nghỉ mát là chuyện quá sẵn, nó như một khoản chả thấy bổ béo mấy, một thứ giá trị gia tăng cho đời sống công sở, bên cạnh bảo hiểm y tế, tiền gửi xe được công ty trả trước hay chuyện ngồi làm việc phải có máy lạnh.
Nếu không có máy lạnh, nếu phải làm việc trong những xưởng thợ như công nhân thời cách mạng công nghiệp lần thứ nhất thì việc cuối tuần được đạp xe về miền quê Provence hay Yorkshire bên Tây là điều ai cũng ngóng.
Nhưng bây giờ những kỳ nghỉ mát đã thành thông lệ, việc đi nghỉ hoá ra không phải là điều nhân viên văn phòng nào cũng muốn. Chả phải họ chăm. Chả phải họ cho rằng ngồi đánh máy tính phòng máy lạnh đủ mát. Mà họ không sẵn sàng đi.
Trừ khi họ đã chán văn phòng và cần được thoát khỏi thành phố “đường lắm cột đèn, phố lắm ngã tư” này. Đừng sốt ruột vì tôi mãi vẫn chưa dắt bạn thoát khỏi những dòng lý sự “to be or not to be/nghỉ mát hay không nghỉ mát” này, chỉ để giúp bạn hình dung ra cảnh nhùng nhằng trước mỗi chuyến đi nghỉ. Bởi vì theo mục đích, sau mỗi lần nghỉ mát là một lần sức lao động được tái tạo, con người được tiếp sức mạnh để làm việc tốt hơn.
Ấy nhưng điệp khúc “đi rồi mới biết đồ nhà vẫn hơn” là một liều thuốc độc tai hại, nó làm giảm đi khao khát khám phá rất nhiều. “Đi mà làm gì nếu trở về thấy Hà Nội vẫn là chốn bồng lai?” Nếu thế thì chết, tôi chán cái văn phòng đóng hộp kính, chán cái chỗ ngồi chật hẹp với đám công việc buồn tẻ lắm, tôi thèm trời rộng sông dài, thèm rừng xanh núi đỏ, thèm mặt trời biển cát…
Chán thành thị và không có khả năng vui thú điền viên như những sếp có biệt thự miền quê, cánh dân văn phòng chỉ có thể bằng lòng với Cửa Lò, Sầm Sơn hay Cát Bà với những suất nghỉ mát công đoàn lo cho dưới một triệu đồng, nghĩa là không đủ tiền đi máy bay từ Hà Nội vào Sài Gòn.
Thế thôi, còn đòi hỏi gì nữa, ông chủ đã cắn răng để cả công ty đình đốn công việc suốt bốn năm ngày để các người hú hí với nhau ăn mực ăn ghẹ, chân trần nhảy sóng nghịch cát, còn muốn các sếp khóc nữa hả. Ôi chao, đấy là lý thuyết, là khi người ta tuổi đôi mươi, đi nghỉ mát là một niềm vui sướng, kỳ nghỉ là cái gì thiêng liêng và lãng mạn.
Kỳ nghỉ lúc đó còn là lúc ngực nở bụng thon, đùi thẳng tắp và tìm một chỗ đứng dưới mặt trời đê… chụp ảnh. Chứ còn toàn mặt nhàu như táo tàu với nhau, ra đến nhà nghỉ công đoàn ngành là đã tính sao cho tiêu hết ba ngày để còn về.
Vì đi nghỉ mát mãi rồi cũng quen. Núi Cô Tiên đền Độc Cước cây vẫn khẳng khiu nắng đến phát ngốt. Mực năm nay cũng vẫn tanh mùi tanh năm ngoái. Bia năm nay cũng vẫn bia Hà Nội chai 450ml.
Tiếp viên thì vẫn một cách đón khách quen thuộc, vẫn là tiếp viên năm ngoái nhưng nay đã già thêm một tuổi, già đi nghĩa là đã trải qua một mùa du lịch tơi bời khói lửa, hết cả rào trước đón sau, hết cả hương đồng gió nội. Các em cũng như cái thị trấn nghỉ mát, như đám người đi nghỉ, rút cục tua lại vòng căn bản.
Vì thế động tác đi nghỉ mát lặp đi lặp lại một quy trình với dân thành thị. Sớm tắm tối mực lân la, mỗi phòng một chiếu tá lả mới là thú vui, nhất đối với cánh đàn ông. Còn các bà, lẽ nào chỉ ăn cháo lươn Cửa Lò với nhể ốc Sầm Sơn? Đến đây xin rẽ ngang.
Những loại cảm xúc như “Thơ tình viết ở biển”, “anh xa em trăng cũng lẻ mặt trời cũng lẻ” là của một tâm trạng cô đơn vào thế kỷ trước chứ thời này, “đàn ông đi biển có đôi” chả sai tí nào.
Có đôi là đôi nào, đôi của những mối tình hè ngắn không đầy con trăng, chứ đôi đi cùng cơ quan là rách chuyện. Không gì có tính thanh sạch và kiêng khem hơn đăng ký cho bồ hay vợ đi nghỉ mát cùng cơ quan.
Thời gian ấy là lúc quan hệ trở nên trong sáng và thuần tuý… ẩm thực. Cái cảnh dắt nhau ra đến bờ bể, chiều ấy ta như hai đứa trẻ, anh nắm tay em chạy giữa trưa (nhại thơ Nguyễn Đình Thi), cả cơ quan nhìn theo mà thấy ghét. Còn việc gì ngoài việc chị õng ẹo đòi anh thể hiện sự chăm sóc.
Đi có đôi hợp pháp thì chưa kịp mặc áo tắm, các chị đã rung chuông báo động cho các anh đến inh ỏi. Chớ có nhìn con nhỏ mặc bikini đó, chớ có quên nắm tay để người ta không bị sàm sỡ (nhưng ai sàm sỡ chứ?), chớ có quên cầm cho em cái khăn tắm.
Chỉ là để các anh nhớ rằng, chị xứng đáng là hoa hậu bãi biển trong bộ đồ một mảnh vải hoa rực cả mắt. Đó mới chỉ là một trong những vấn đề của dân văn phòng phơi bày ra dưới nắng mặt trời.
Liệu có xảy ra một cuộc xâm lăng của những binh đoàn văn phòng không? Người ta ra sao thì họ nghỉ đúng với phong cách con người họ chứ!
Là dân văn phòng, khi xung quanh không phải là những bàn giấy mà là những bàn nhậu hải sản và máy lạnh thay bằng gió biển, họ không thể lột xác trong một ngày mà thành người miền biển hay sơn cước được.
Ấy thế mà họ quen nhanh lắm, phải nói rằng trong xã hội, sau các lực lượng vũ trang “khó khăn nào cũng vượt qua” thì dân văn phòng dễ thích nghi hơn hẳn.
Nếu những bà con nông dân ngại ngần chuyện đổi khung cảnh địa lý thì họ, những người tinh khôn thành thị, một dạng “homo sapiens” đời mới, đi đến đâu cũng tự nhiên như nhà mình. Chẳng sai, vì người Hà Nội nhan nhản bãi tắm, bia hơi chính hiệu bia Hà Nội còn có cách nhà máy bia phố Hoàng Hoa Thám 400 cây số nữa cơ mà.
Vậy là đế quốc văn phòng có ở mọi nơi, như những cuộc tập huấn kết hợp nghỉ mát. Nhưng đế quốc này chẳng tồn tại lâu, cuộc vui nào cũng đến hồi kết thúc, người đi nghỉ rồi cũng trở về với đời thường hẹn một mùa nghỉ mới.
Ông lão đánh cá trở về với cái máng lợn mẻ và anh chàng dân văn phòng trở về với cái bụng nhiều mỡ hơn vì bia Hà Nội nhắm với mực Cát Bà và nem chua Thanh Hoá. Trước và sau mỗi kỳ nghỉ là các phòng tập thể dục đông nghẹt.
Tập trước khi đi để có một phom người để khoe và tập sau khi trở về để lấy lại hình hài khả dĩ. Đó là sự biến đổi có tính trực quan của một kỳ nghỉ. Bởi vì hoạt động của những kỳ nghỉ về mặt thể chất nói thẳng ra, chả có gì. Nếu không nằm ườn giam nhau trong nhà nghỉ máy lạnh kêu ro ro thì cũng chỉ là rủ nhau ta đi khai phá rừng hoang, hỏi biển khơi xa đâu luồng… đồ nhắm.
Thoát khỏi thị thành nhưng chưa chắc thoát khỏi văn phòng: đi đâu cũng gặp dân văn phòng. Hang cùng ngõ hẻm sục sạo như thể thoả cơn khát khai quật và khai hoá (Nàng: “Eo ôi, cái gì thế này? Lạ quá anh này, ở Hà Nội không có đâu?” – Chàng: “Mua làm gì, rồi lại vứt đống ở nhà”…) Hoặc hội chứng điều khiển từ xa: điện thoại réo suốt đường đi chơi.
Điện thoại tình hình công việc nhiệm sở, điện thoại nhắc con rút quần áo kẻo trời mưa, điện thoại kết quả xổ số hay trận Chelsea gặp Barca cúp C1 đêm qua… Nghĩa là đường nhựa liên tỉnh chạy tới đâu hay Mobifone có trạm ở đâu, làn sóng đô thị chạy tới đó.
Thoát khỏi thành thị là thoát khỏi một cuộc sống không hẳn đã trì trệ, nhàm chán, nhưng để tìm một cuộc sống khác mới mẻ, năng động hơn cũng chưa hẳn. Nói thẳng dù hơi tuyệt vọng, đó là điều không thể có.
Có lẽ mục tiêu cuối cùng là tìm ra mình, nhặt lại mình trên từng ngọn gió theo cách nói thi ca, hay tìm thấy mình đang ngồi mê mải say sưa trong những cảm xúc hồn nhiên nhất như đang ngồi sụp vệ đường mua cho được chiếc khăn thổ cẩm có họa tiết thật lạ theo hiểu biết của bạn lúc đó.
Cái cô người Mông ấy chỉ có một điệu bán hàng duy nhất là lắc đầu và cười, bạn thấy cô ấy bán hàng thật thà mà thương! Cho dù tấm khăn đấy bán đầy ở phố Tạ Hiền với giá bằng đúng cái giá bạn cuốc bộ đứt hơi vào bản Cát Cát hay Lao Chải, bạn vẫn hỉ hả sau khi đã mua được ở chợ Sa Pa trước ánh mắt tiếc rẻ của bạn đồng hành.
Thoát khỏi thị thành, đó là một trạng thái tức thời mà bạn biết mình sẽ quay về nơi đó. Đi xa, thật xa rồi bạn mới thấy mình dứt bỏ nó khó biết bao. Có những người đi xa Hà Nội, nhớ thành phố đến mức sau khi tất cả đã xuống xe, việc đầu tiên là gọi một… bát phở! Dù phở Cửa Lò hay bún ốc Mai Châu dở ẹc, nhưng như thế còn có vẻ ăn chơi nghỉ ngơi du lịch hơn mấy người đến nơi đã lo tìm hàng internet để check mail.
Vòng cương toả của con quái vật công sở thật ghê gớm. Và cuộc đào thoát cuả dân văn phòng, “dân được chọn” theo cách nói về dân Do Thái trong Kinh Thánh, rút cục khẳng định thêm giá trị của thị thành.
Có phải đấy là Jerusalem của chúng ta, và văn phòng chúng ta là “bức tường than khóc” không nhỉ? Nói sao cũng được, nhưng rõ ràng đấy là nhà của ta, và chẳng có ai trên đời này lại không bao giờ rời nhà nửa bước. Đi thôi./.