Thoái vốn ngành ngoài: Cuộc tháo chạy đắt giá - Tạp chí Đẹp

Thoái vốn ngành ngoài: Cuộc tháo chạy đắt giá

Tin Tức

Cố bán rẻ là mất vốn

Yêu cầu phải phải thoái vốn ngành ngoài để tập trung nguồn lực cho ngành chính đã được đặt ra cấp thiết từ 3 năm nay. Khi kinh tế trong nước suy giảm năm 2009, vụ đổ vỡ Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy Việt Nam (Vinashin) được tuyên bố thì câu chuyện thoái vốn ngành ngoài được dấy lên mạnh mẽ trong dư luận.

Song, trong 3 năm qua, thoái vốn bị ách tắc. Tính đến nay, có lẽ các kế hoạch thoái vốn thành công đều do Chính phủ can thiệp cụ thể, chỉ đích danh yêu cầu phải rút vốn.

Chẳng hạn như vụ Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) phải rút chân khỏi dự án tòa tháp dầu khí, chuyển hoàn toàn cho Tổng công ty CP xây lắp dầu khí Việt Nam là chủ dự án. Hay như vụ Tập đoàn EVN đã bàn giao xong xuôi công ty Viễn thông điện lực- EVN Telecom cho Tập đoàn Viễn thông quân đội (Vietel) mà thực chất, đó là chuyển gánh nợ với khoản lỗ 1.057,7 tỷ đồng.

Còn lại, các kế hoạch thoái vốn do tự thân DN thực hiện xem ra mới chỉ là trên giấy. Vinashin muốn rao bán 13 công ty con, chuyển nhượng vốn tại 32 dự án nhưng vẫn chưa đạt được kết quả gì. Một loạt tập đoàn cần rút vốn ở các ngân hàng như EVN, PVN, Tập đoàn Dệt may… nhưng rõ ràng, giá cổ phiếu trên sàn giao dịch còn thấp hơn cả mệnh giá gốc thì thật khó đảm bảo thoái vốn mà không lỗ, không mất vốn.

Tại một cuộc hội thảo bàn về vấn đề tài chính DNNN gần đây, ông Đinh Quang Tri, Phó tổng giám đốc EVN nêu băn khoăn, EVN rất muốn nhanh chóng thoái vốn ngành ngoài, nhưng liệu, Nhà nước có chấp nhận cho DN bán cổ phiếu giá thấp? Nếu bán thấp dẫn đến lỗ, mất vốn, lãnh đạo DN đi tù là nguy cơ thấy rõ.

Bên cạnh đó, việc đầu tư ngành ngoài ở một số đơn vị lại đang đem lại hiệu quả đáng kể. Đó cũng là lý do khiến PVN chần chừ việc thoái vốn ở 2 đơn vị là Công ty bảo hiểm dầu khí và công ty tài chính dầu khí. Tổng giám đốc PVN, ông Phùng Đình Thực vừa chủ trì họp báo hồi đầu tuần trước đã cho hay, đang muốn xin Chính phủ cơ chế không thoái hết vốn tại hai đơn vị này mà chỉ giảm vốn xuống mức 18- 20%. Lý do được đưa ra là hai công ty đang đóng vai trò quan trọng trong hoạt động của PVN, công ty tài chính dầu khí đã ra đời 12 năm đảm nhiệm lo thu xếp tài chính, còn Công ty bảo hiểm dầu khí đã hoạt động 16 năm, giúp quản lý rủi ro tài chính cho tập đoàn.

 

Ông Thực cũng cho rằng, bán vốn sớm ở thời điểm này thì dễ bị thiệt hại vốn Nhà nước hơn.

Theo Nghị quyết số 26 vừa ban hành hôm 9/7 của Chính phủ, các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước sẽ phải thoái vốn ngành ngoài hoàn thành chậm nhất đến hết năm 2015. Chủ trương là đúng nhưng nay, chỉ còn 3 năm nữa, liệu rằng 21 tập đoàn, tổng công ty có hoàn thành nổi mục tiêu này với nguyên tắc đảm bảo hiệu quả? Cục Tài chính doanh nghiệp, Bộ Tài chính mới đây cho hay, tính đến nay, mới chỉ có 7 đơn vị hoàn thành bản đề án tái cấu trúc nội bộ.

Lỗ ai chịu?

Ông Nguyễn Đức Kiên, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho biết, Kiên, riêng tháng 6 vừa qua, Chính phủ đã có nhiều phiên đặc biệt trao đổi rất kỹ, toàn diện về vấn đề thoái vốn của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước. Nguyên tắc đầu tiên là các đơn vị này phải tự xây dựng phương án thoái vốn của mình, tuân thủ theo nguyên tắc kinh tế thị trường, đồng thời, phải đảm bảo bảo toàn vốn chủ sở hữu.

Chủ trương của Chính phủ là đúng đắn nhưng rõ ràng việc thoái vốn này dường như tiến thoái lưỡng nan. Khó khăn không phải do thiếu quy chế mà do bối cảnh kinh tế vĩ mô bất lợi.

“Thị trường chứng khoán nếu giờ lại lên 1.192 điểm như tháng 3/2008 thì mọi việc lại vui ngay. Nhưng giờ, thị trường cứ loanh quanh 400- 450 điểm thế này thì việc thoái vốn lại phải xem xét theo quy luật thị trường”, ông Kiên nói.

Theo vị chuyên gia kinh tế này, chúng ta có lộ trình để DN chủ động thoái vốn chứ không quy định cứng đến 31/12/2015 phải xong. Việc này không thể áp dụng mệnh lệnh hành chính.

Trước đó, trao đổi với PV VietnamNet, ông Đỗ Hoàng Anh Tuấn, thứ trưởng Bộ Tài chính cũng bày tỏ quan điểm, thị trường chứng khoán đi xuống là nguyên nhân khách quan cho việc ách tắc thoái vốn. Song, muốn thoái vốn thành công thì phải đảm bảo đúng 4 nguyên tắc, thứ nhất là tuân thủ đúng pháp luật, thứ hai là quy luật thị trường, thứ ba là tính hiệu quả và nguyên tắc cuối cùng là chống thất thoát vốn.

Vị thứ trưởng này cho rằng: “Cứ đúng 4 nguyên tắc trên thì hãy thoái vốn, chậm một chút còn hơn mất vốn. Đừng lấy thời gian là mục tiêu số 1. Vấn đề là phải tìm phương án hiệu quả nhất trong bối cảnh này, bù thời gian để có hiệu quả hơn”

Ông Lê Minh Khái, Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước chia sẻ, đúng là tập đoàn, tổng công ty trước đã lỡ đầu tư ra ngành ngoài rồi, có lời thì không sao nhưng nay hoạt động theo kinh tế thị trường, lỗ thì phải nhìn nhận khách quan, công bằng. Theo ông Lê Minh Khái, nếu các thủ tục đầu tư ngành ngoài này làm trái quy định, trái trình tự mua bán, đấu thầu không làm đúng, gây thiệt hại cho Nhà nước thì phải đánh giá sai phạm theo pháp luật.

Ngược lại, đầu tư ngành ngoài vẫn thực hiện đúng thủ tục mà có lãi thì cần hoan nghênh. Song, nếu đúng thủ tục mà vẫn để lỗ thì cần rút kinh nghiệm, tự kiểm điểm, đánh giá tình hình từ các bộ phận tham mưu cho các DN thì mới có cách xử lý đúng đắn được.

“Nói cách khác, thoái vốn mà lỗ, gây mất mát thì chưa nên xử lý luôn. Việc này phải xem xét kỹ xem các hành vi này có trái quy định không”, ông Khái nhấn mạnh.

Ngành ngoài có lãi nhưng hiệu quả thấp

Kiểm toán Nhà nước (KTNN) cho biết, các khoản đầu tư tài chính ngắn và dài hạn đến 31/12/2010 tại 21 tập đoàn, tổng công ty là 37.735 tỷ đồng. Trong đó, đầu tư ngắn hạn 11.956 tỷ đồng, đầu tư dài hạn 25.779 tỷ đồng, bằng 6,46% tổng tài sản.

Dù tỷ lệ này không cao song hiệu quả đầu tư thu được được từ ngành ngoài là thấp, trong khi, nhiệm vụ kinh doanh chính lại bị ảnh hưởng. TVK có tỷ suất lợi nhuận/vốn đầu tư vào tài chính, chứng khoán, bất động sản là 7,94%, ở lĩnh vực cơ khí – đóng tàu là 4,61%, lĩnh vực khác là 0,41%. EVN có tỷ suất lợi nhuận/vốn đầu tư vào 3 lĩnh vực nhạy cảm trên cũng chỉ đạt 7,83%. Riêng hoạt động viễn thông của EVN lỗ 1.057,7 tỷ đồng, chưa bao gồm 1.026 tỷ đồng thiết bị đầu cuối chưa phân bổ từ năm 2006-2008.

Tỷ suất lợi nhuận/vốn đầu tư tài chính ở Tổng công ty xi măng Việt Nam đạt 12,51%. Tổng công ty hàng hải Việt Nam (Vinalines) đạt tỷ suất lợi nhuận/vốn đầu tư vào tài chính, chứng khoán là 8.63% trong khi đó, hoạt động đóng tàu, bất động sản chưa thu được lợi nhuận mặc dù đầu tư đã lâu.

Việc đầu tư vào các công ty chứng khoán, quỹ đầu tư và mua bán chứng khoán trên sàn giao dịch chịu thua lỗ phổ biến. Ví dụ như TKV góp 48 tỷ đồng và HUD góp 72 tỷ đồng vào Quỹ Đầu tư Việt Nam nhưng hết năm 2010, vẫn chưa nhận được cổ tức. Công ty mẹ, Tổng công ty Rượu – Bia – Nước giải khát Sài Gòn dự phòng đầu tư tài chính đến 31/12/2010 là 608 tỷ đồng, trong đó tổn thất do đầu tư cổ phiếu là 359,97 tỷ đồng.


Theo Vietnamnet

Thực hiện: depweb

19/07/2012, 12:11