Thợ lặn lùng sục hồ băng tìm mảnh vỡ thiên thạch tại Nga

 Một cửa hiệu ở Chelyabinsk bị hư hại do lực của vụ nổ sao băng gây ra.
Một cửa hiệu ở Chelyabinsk bị hư hại do lực của vụ nổ sao băng gây ra.

Khối sao băng nặng 10 tấn như một quả cầu lửa khổng lồ đã quét ngang bầu trời ở khu vực Urals, Nga, vào sáng ngày thứ sáu 15/2 chỉ vài giờ trước khi thế giới đón một vụ “chạm trán” hụt với một tiểu hành tinh khác, khiến một số giới chức Nga kêu gọi cần phải thành lập một hệ thống bảo vệ trái đất khỏi vật thể vũ trụ.

Vụ mưa sao băng bất ngờ trên đã khiến giao thông ở thành phố công nghiệp Chelyabinsk ngưng trệ, trong khi người dân đổ ra đường xem màn trình diễn ánh sáng trước khi hốt hoảng tìm nơi trú ẩn an toàn, khi sóng xung động của trận mưa làm vỡ cửa kính và khiến xe hơi rú còi báo động inh ỏi. Mảnh kính vỡ là nguyên nhân chính khiến 1.200 người bị thương.

“Chúng tôi có một đội đặc biệt…hiện đang đánh giá tình trạng ổn định của các tòa nhà”, Bộ trưởng các tình trạng khẩn cấp Nga Vladimir Puchkov cho biết, khi ông thị sát thiệt hại ở thành phố miền trung Nga. “Chúng tôi sẽ đặc biệt cẩn trọng khi bật gas trở lại”, ông cho biết trong tuyên bố trên đài truyền hình.

Một mảnh vỡ của sao băng, được gọi là thiên thạch khi nó rơi xuống mặt đất, được cho là đã lao xuống hồ bị đóng băng Chebarkul ở khu vực Chelyabinsk.

“Một nhóm 6 thợ lặn sẽ rà soát vùng nước hồ để tìm kiếm các mảnh vỡ thiên thạch”, một người phát ngôn của Bộ các tình trạng khẩn cấp Nga cho biết với các hãng thông tấn Nga trước khi sứ mệnh được bắt đầu.

Nhưng ông Puchkov nhấn mạnh cho đến nay chưa có mảnh vỡ nào được tìm thấy ở khu vực, mặc dù khoảng 20.000 nhân viên cứu hộ và công nhân dọn dẹp đã được phái tới vào ngày thứ sáu.

Vụ nổ sao băng có vẻ như là một trong những sự kiện thiên văn kinh hoàng nhất trên bầu trời Nga kể từ sự kiện Tunguska năm 1908, trong đó một vụ nổ lớn mà theo các nhà khoa học là do một tiểu hành tinh hoặc một sao chổi gây ra đã “xé toạc” bầu trời Siberia.

Giới khoa học ở Cơ quan hàng không vũ trụ Mỹ NASA ước tính lượng năng lượng được tạo ra từ vụ va chạm với khí quyển lớn hơn khoảng 30 lần so với lực của quả bom nguyên tử được thả xuống thành phố Hiroshima của Nhật trong Thế chiến II.

“Chúng tôi ước tính sự kiện với lực được tạo ra lớn như trên xảy ra trung bình khoảng 100 năm một lần”, Paul Chodas, thuộc Văn phòng Dự án vật thể gần trái đất của NASA, cho hay.

“Khi có một quả cầu lửa lớn như trên, chúng tôi ước đoán có một lượng lớn thiên thạch rơi xuống bề mặt trái đất và trong trường hợp ngày thứ sáu, có khả năng có những mảnh thiên thạch lớn”, ông cho biết trên trang web của NASA.

Sự kiện ở Nga xảy ra chỉ vài giờ trước khi một tiểu hành tinh, thiên thể tương đương với một hành tinh nhỏ xíu quay quanh mặt trời, đi sượt qua trái đất ở khoảng cách chưa từng có tiền lệ, ước tính gần 28.000km. Đây là khoảng cách gần hơn so với một số vệ tinh xa và đã khiến nhiều người ở Nga kêu gọi thế giới đã đến lúc phải chung tay xây dựng một lá chắn chống thiên thể cho trái đất.

“Thay vì đánh nhau trên trái đất này, chúng ta cần phải tạo ra một hệ thống phòng thủ sao băng”, người đứng đầu ủy ban ngoại giao quốc hội Nga Alexei Pushkov cho biêt trên trang Twitter của ông.

“Thay vì tạo ra một hệ thống phòng thủ không gian châu Âu (cho quân sự), Mỹ cần phải tham gia cùng chúng ta để tạo ra AADS (Hệ thống phòng thủ chống sao băng)”, ông cho hay.

NASA cho biết tiểu hành tinh 2012 DA 14 sượt qua trái đất ở khoảng cách gần nhất từ trước tới nay đối với một thiên thể lớn cùng cỡ. Và NASA ước tính trung bình những tiểu hành tinh nhỏ như 2012 DA 14 bay gần sát trái đất 40 năm một lần trong khi chỉ lao vào trái đất khoảng 1.200 năm một lần.

Cho đến nay các nhà thiên văn học đã quan sát được khoảng 9.500 thiên thể ở đủ các loại sượt qua trái đất.

Phan Anh

Theo AFP


From the same category