Thiếu vắng sự hóm hỉnh, “Mộng ước không xa vời” có gì?

Bước tiến về chuyên môn

Có thể nói, sự xuất hiện của đạo diễn Phi Anh (nghệ danh: PPAN) và dự án “Hope” không chỉ gieo thêm một niềm hy vọng về gương mặt trẻ trong lĩnh vực sáng tạo nghệ thuật mà còn là mộng ước thực sự trong nỗ lực thay đổi hình thái thưởng thức nghệ thuật, đồng thời hình thành, định hướng thói quen thưởng thức của đại chúng khán giả với nhạc kịch. Trong vài chục năm qua, Việt Nam chưa hề có nhạc kịch thực sự. Tất cả các vở diễn tạm gọi là “tiệm cận” về hình thức của loại hình nghệ thuật này đều dừng lại ở trạng thái thử nghiệm và chưa được công diễn rộng rãi. Hơn thế, người Việt Nam cũng chưa có cả thói quen thưởng thức phim ca nhạc chứ chưa nói đến thứ “nặng đô” hơn là nhạc kịch.

mong-uoc-khong-xa-voi-6
“Mộng ước không xa vời” đã được Phi Anh làm “nặng đô” hơn về yếu tố nhạc

Sau thành công của hai vở “Đêm hè sau cuối” và “Góc phố danh vọng” hẳn nhiên kỳ vọng của người xem với vở thứ ba sẽ phải thể hiện một sự khác biệt, một bước tiến về chuyên môn và cả tính giải trí, hay nói khác đi, nó phải cho thấy được tham vọng thực sự của PPAN trong nỗ lực chinh phục khán giả và vượt qua chính bản thân mình.

Về mặt hình thức, tham vọng đó được thể hiện ở ngay độ dài 2,5 giờ đồng hồ, ở bản nhạc opening rất “khó nhằn” chơi lại của Pink Floyd (“The great gig in the sky”), ở nội dung là sự kết hợp hai thể loại viễn tưởng và trinh thám, và cái kết mở lửng lơ.

…Hụt hơi với khán giả đại chúng

Đúng là rất khó nhận xét chính xác về “Mộng ước không xa vời.” Bằng tư duy của người làm phim, PPAN đã dựng nên một câu chuyện có kịch tính, có nút thắt để kích thích trí tò mò và suy đoán của khán giả. Tuy nhiên, nhận xét của số đông khán giả vở lại bị vướng phải lỗi lan man khi triển khai và có dấu hiệu hụt hơi lúc về cuối. Thêm vào đó, vở diễn này cũng thiếu vắng nét tinh tế hóm hỉnh đậm chất thời cuộc, vốn là những thứ đã được khán giả tán dương rất nhiều trong “Góc phố danh vọng.”

mong-uoc-khong-xa-voi-4
Tuy nhiên, vở diễn với nhiều khán giả đại chúng bị coi là khó hiểu. Thực tế, Phi Anh đã để cái kết mở kiểu điện ảnh.

Nhưng với những người quen thưởng thức nhạc kịch, “Mộng ước không xa vời” lại cho thấy một cú đột phá thú vị về concept âm nhạc. Đã không còn là tập hợp những ca khúc lẻ mang tính chất minh họa, gần như toàn bộ phần âm nhạc của vở diễn này có sự liền lạc đáng kể về phong cách và có độ gắn kết, rất chặt chẽ với nội dung, nhất là ở ca từ. Âm nhạc đã có một nét giai điệu chủ đạo, liên hoàn đã được nhắc lại nhiều lần trong cả vở diễn. Đặc biệt, nổi bật lên một số trường đoạn hát và diễn đúng chất Broadway, kết hợp cùng vũ đạo hiện đại và sân khấu bố trí thông minh đã cho thấy vóc dáng của một vở nhạc kịch “chính hiệu con nai vàng.”

Xét về tổng thể, khán giả sẽ cảm thấy khó thưởng thức về mặt kịch bản hơn, “Mộng ước không xa vời” vẫn xứng đáng được hoan nghênh bởi vì đó là một bước nhảy thực sự về mặt chuyên môn, điều chưa từng xuất hiện trong “Đêm hè sau cuối” và “Góc phố danh vọng.”

Phần hòa âm cũng là một điểm nhấn không thể bỏ qua. Có nhiều phong cách âm nhạc khác nhau cùng xuất hiện trong “Mộng ước không xa vời” như oldies pop, rock, R&B, disco, swing, smooth jazz, thậm chí cả Cantopop (nhạc pop Hong Kong) nhưng đã được phối lại mộc mạc, gần gũi và dễ nghe hơn dù vai trò của bè dâyở vở này dường như đã bị giảm nhẹ đi ít nhiều.

mong-uoc-khong-xa-voi-5
Về nhạc, có nhiều phong cách khác nhau cùng xuất hiện trong “Mộng ước không xa vời” như oldies pop, rock, R&B, disco, swing, smooth jazz, thậm chí cả Cantopop.

Một điều dễ nhận thấy, các ca khúc được lựa chọn ở vở này không đại chúng như ở hai vở diễn trước nhưng vẫn có sức lôi cuốn nhất định. Và, quan trọng nhất không có gì phải phàn nàn về dàn diễn viên ở vở này. Tuy đều là dân nghiệp dư nhưng tuổi trẻ đã mang đến cho họ nét tự nhiên dễ thương trên sân khấu, cảm xúc chưa thật sâu lắng nhưng lại vô cùng duyên dáng trong các màn hài hước. Bằng một cách nào đó, họ hát, diễn hay vũ đạo dù ở mức khá nhưng lại tương đối thăng hoa và điều đó thực sự đáng thán phục nếu đặt trong khuôn khổ một dự án nghệ thuật mang tính thử nghiệm như “Hope”.

Cái tên “Mộng ước không xa vời” tuy không thật ăn nhập với nội dung vở diễn nhưng nó lại là thông điệp chung cho toàn bộ dự án “Hope rằng những vở nhạc kịch “made in Việt Nam” nếu còn là “mộng ước” thì cũng đã “không xa vời” trong một tương lai rất gần gũi, đang chờ những người trẻ tuổi có đam mê, giàu tâm huyết cùng chung tay dựng nên, miễn là họ phải có niềm tin vững chắc vào bản thân, vào sự tử tế, tận tâm trong lao động nghệ thuật!


From the same category