Thị trường bất động sản ế ẩm, dù dùng khá nhiều chiêu từ giảm giá, khuyến mại, chiết khấu,…nhưng nhiều chủ đầu tư cũng đành “bất lực” vì người mua vẫn chưa chịu rút “hầu bao” để mua nhà.
Tết đến, ngoài việc chạy đôn chạy đáo để lo các khoản lương, thưởng cho nhân viên, thì quà Tết cũng trở thành “mối lo” lớn với nhiều đại gia địa ốc. Nếu thời “hoàng kim” của thị trường bất động sản, việc đi Tết bằng những chiếc phong bì lên đến hàng trăm nghìn USD là chuyện bình thường, thì với thị trường bất động sản ế ẩm như năm nay, đây quả là điều không dễ dàng.
Dù khó khăn, dù làm ăn thua lỗ và phải cắt giảm đủ thứ chi phí, nhưng những món quà Tết thì không thể “cắt xén”.
Theo anh B., chủ một doanh nghiệp địa ốc ở Hà Nội, quà Tết đã thành thông lệ hàng năm, dù doanh nghiệp làm ăn khó khăn đến đâu thì vẫn phải đảm bảo được quà Tết cho các mối quan hệ. Thậm chí, càng khó thì quà Tết càng phải hoành tráng.
“Làm doanh nghiệp là vậy, muốn vượt khó thì phải chăm sóc tốt các mối quan hệ làm ăn. Họ càng quý mình, thì càng thuận lợi trong công việc. Vì thế, nhân viên có thể cắt giảm lương, thậm chí giám đốc cũng không có thưởng Tết, nhưng quà Tết thì nhất định phải có. Thậm chí là phải “xôm” như những năm trước”, anh B. cho biết.
Cũng theo anh B., trước đây, khi thị trường sôi động, chỉ cần có dự án là chủ đầu tư có thể thu về một “mớ” tiền, thì chi phí cho quà Tết cũng rất xông xênh.
“Có những đại gia, cứ đến ngày gần Tết là trong ca táp chỉ toàn tiền USD hoặc Euro. Mỗi phong bì ít nhất cũng vài nghìn USD. Còn nhiều thì không đoán được là bao nhiêu, có khi lên đến cả trăm nghìn USD. Có ông, tặng quà xong, về nhậu với cơ quan, cũng rút liền tay toàn tiền đô mừng tuổi nhân viên. Vì thế, có những nơi nhân viên rỉ tai nhau về chuyện được sếp mừng tuổi tới vài chục triệu đồng”, anh B. kể.
Tuy nhiên, đó là chuyện của “ngày xưa”. Còn 2 năm trở lại đây, những chiếc phong bì trăm nghìn đô cũng thưa dần.
Ông N., lãnh đạo một doanh nghiệp xây dựng ở Hà Nội thì chia sẻ: “Cuối năm ngoái, nhiều đại gia vẫn còn cố gắng để đi quà bằng tiền đô, nhưng chắc năm nay thì sẽ ít hơn rất nhiều”.
Theo ông N., do thị trường quá ế ẩm, nên năm nay, ông quyết định đi Tết bằng chính sản phẩm “cây nhà lá vườn” là…căn hộ.
Công ty ông N. có 2 dự án ở Hà Nội, một chung cư 45 tầng ở quận Hà Đông và một chung cư 25 tầng ở quận Hoàng Mai.
Giá của mỗi căn hộ chung cư 90m2 tương đương khoảng 1,8 – 2,5 tỷ đồng, tùy theo vị trí và hướng nhà. Vì vậy, nếu tính ra tiền thì cũng tương đương với phong bì trăm nghìn USD.
“Năm nay nhà bán ế quá, nên tôi nghĩ tặng căn hộ cũng là cách hay. Món quà này để lâu cũng không bị mất giá. Thậm chí, nó còn có thể sinh lợi lớn cho chủ nhân nếu thị trường tốt lên”, ông N. phân tích.
Còn theo anh B., trong lúc thị trường khó khăn, doanh nghiệp nào cũng phải “gồng mình” với hàng trăm khoản chi phí khác nhau, thì việc tặng một căn hộ cũng không phải là một món quà tồi.
“Một căn hộ, giá trị cũng lên tới cả trăm nghìn đô, nên về giá trị không phải là nhỏ. Mà được tặng nhà thì ai chả thích”, anh B. nói.
Cũng theo anh B., các căn hộ được mang làm quà tặng phải là các căn hộ đã hoàn thiện, có vị trí đẹp, hồ sơ, hợp đồng đã đầy đủ. Tặng quà là để đối tác giúp đỡ mình, nên nếu món quà không khiến họ hài lòng thì cũng rất khó làm ăn.
Theo nhiều doanh nghiệp địa ốc, việc lấy căn hộ làm quà tặng là “tiện cả đôi đường”. Người tặng thì không phải lo những món tiền khổng lồ trong khi hàng không bán được. Còn người nhận, thì coi đó như một tài sản “tiết kiệm”. Nhà đất để lâu không bị mất giá mà lại có thể coi như một kênh đầu tư an toàn.
Tuy nhiên, không phải doanh nghiệp nào cũng có thể tặng được món quà này, vì đa số là các dự án đã hoàn thiện, chìa khóa giao ngay thì mới được mang thành quà tặng, vì tâm lý người nhận là thích “ăn chắc mặc bền”.
(Theo VTC)