Có vai trò nhưng thiếu nguồn lực
Theo thống kê, năm 2011, có hơn 550 vụ việc khiếu nại đến các Sở Công Thương và tỷ lệ giải quyết thành công là 90,2%, khoảng 60 vụ khiếu nại đến Cục Quản lý cạnh tranh, Bộ Công Thương. Trong khi đó, có gần 2.000 vụ khiếu nại đến Hội bảo vệ người tiêu dùng các địa phương với tỷ lệ giải quyết thành công là 70-80%. Một số hội ở Hải Phòng, Hà Tĩnh, Kiên Giang, tỷ lệ giải quyết thành công lên đến 90%.
Tuy nhiên, theo Phó Cục trưởng Cục Quản lý Cạnh tranh, Bộ Công Thương Nguyễn Phương Nam, khác với các tổ chức khác, tổ chức bảo vệ người tiêu dùng không có nguồn thu từ hội phí của hội viên cũng như không có nguồn thu nào ổn định.
Năm ngoái, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư 01/2011 quy định việc hỗ trợ kinh phí từ ngân sách nhà nước cho hội có hoạt động gắn với nhiệm vụ của nhà nước giao; việc quản lý, sử dụng tài sản, tài chính của hội; quản lý việc tiếp nhận, sử dụng các nguồn tài trợ của tổ chức, cá nhân nước ngoài cho hội.
Song cho đến thời điểm này, việc triển khai các quy định nói trên vẫn gặp lúng túng và các tổ chức bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng vẫn phải đối mặt với nhiều khó khăn trong quá trình hoạt động.
Một trong nhiều lý do là các cơ quan quản lý nhà nước tại địa phương về vấn đề này chưa quan tâm đúng mức và chưa ý thức được trách nhiệm quản lý của mình. “Cá biệt có những địa phương thực hiện sai quy định của Luật và Nghị định, ví dụ giao nhiệm vụ tiếp nhận, xử lý hồ sơ đăng ký hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung cho Hội bảo vệ người tiêu dùng” – ông Nam mô tả.
Luật quy định nhưng bị bỏ rơi
Ông Nguyễn Mạnh Hùng – Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ Người tiêu dùng Việt Nam (Vinastas) bày tỏ nỗi niềm về hiệu quả hoạt động, hội không hề kém các cơ quan nhà nước chuyên trách, nhưng cái khác là hội không được quan tâm, hỗ trợ gì dù thực hiện các việc được nhà nước giao và Luật đã quy định.
“Hệ thống văn phòng tư vấn giải quyết khiếu nại của người tiêu dùng nằm trong các hội năm qua đã giải quyết việc khiếu nại cho người tiêu dùng gấp hơn 1,5 lần so với các cơ quan Nhà nước trung ương và địa phương. Nhưng 24 năm nay kể từ ngày tổ chức hội được thành lập, chưa hề được Nhà nước hỗ trợ về tài chính hay biên chế. Thử hỏi văn phòng khiếu nại đấy lấy gì mà tồn tại để giải quyết khiếu nại?” – ông nhấn mạnh.
Không chỉ thiếu tiền và nhân lực, cái vướng tiếp theo của các hội kể cả hội trung ương và các hội địa phương là không được giao việc. Hiện mới chỉ có 7 hội nhờ có sự nhận thức đầy đủ của chính quyền một số tỉnh thành mà đến nay đã được công nhận là hội đặc thù. Theo đó, được Nhà nước hỗ trợ một số biên chế, có phụ cấp theo Quyết định 30 của Thủ tướng và được cấp kinh phí cho những hoạt động thường xuyên. Ngoài ra một số hội thuộc tỉnh thành khác tuy chưa được công nhận là đặc thù nhưng đã có hỗ trợ về mặt kinh phí và giao việc. Những hội như vậy hiệu quả hoạt động một năm qua tốt hơn hẳn.
Nhiều ý kiến của các luật sư, chuyên gia và đại diện các hội địa phương cũng thống nhất, hệ thống pháp luật về bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng tuy đã có nhưng chưa đầy đủ. Những nghị định, thông tư hướng dẫn Luật vẫn còn yếu, chung chung, thậm chí lạc hậu. Cơ chế xã hội hóa, huy động các nguồn lực xã hội vào công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng vẫn thiếu, yếu, chưa rõ ràng.
“Luật có rồi mà đến giờ này chúng tôi chưa được các cơ quan triển khai, giao việc như vậy đồng nghĩa với việc không có kinh phí hoạt động. Cái này chúng tôi buộc phải nói ra vì mục đích, trách nhiệm đúng theo Luật đã quy định và giao cho các tổ chức xã hội” – đại diện Vinastas trần tình.
Theo Vietnamnet