Thiếu phụ & mùa thu - Tạp chí Đẹp

Thiếu phụ & mùa thu

Giải Trí

Mùa Thu, cái mùa có đỏng đảnh điệu đà heo may, có u uẩn vẩn vơ mây xám, có buồn bã lá vàng rơi của sang trọng suy tàn, sao mà nó giống hệt như một thiếu phụ.

Theo từ điển giải thích thì thiếu phụ là đàn bà đã có chồng, cho dù tuổi đời còn rất trẻ, tiếng Tây kêu là jeune femme. Tất nhiên, thỉnh thoảng cũng có vài thiếu nữ chẳng bao giờ chịu đi qua hôn nhân nhưng do vẫn phải ăn, phải ngủ, phải già rồi bị thời gian rêu phong đè nét nhầu nhĩ vào mặt, trông “mợ” quá, thì cũng vẫn được xã hội kính trọng gọi là thiếu phụ.

Mùa Xuân đương nhiên khác mùa Thu, thiếu phụ khác thiếu nữ nhiều lắm. Phong tục của người Thái cho phép thiếu phụ tự phân biệt để khẳng định mình bằng cách búi tóc cao, gọi là tằng cẩu. Trong tiếng Việt, không cần phải tỉ mỉ đi sâu vào nội hàm, chỉ cần nghe phát âm suông chữ “thiếu phụ” thôi đã thấy tự nhiên rưng rưng buồn hơn rất nhiều so với chữ “thiếu nữ”.

Thiếu nữ do ngây thơ chưa quen lao động nên được đông đảo người khác yêu mến cho tiền, vì thế thường tung tăng hồn nhiên nhí nhảnh, đôi khi nông nổi làm bậy khiến cho bố cho mẹ cho ông cho bà hoặc người tình nhăn nhó nhức đầu. Thiếu phụ ngược hẳn lại, họ đã phải chấp chới loay hoay kiếm kế mưu sinh để nuôi mình, nuôi con, nuôi chồng, thậm chí nếu số đen, phải nuôi cả người tình nên thường man mác mệt mỏi u sầu.

Có lẽ bản chất là vậy, nên ở những nơi vui chơi vô tư kiểu như vũ trường hay động lắc, khi xảy ra chuyện linh tinh tiêu cực, các cơ quan bảo vệ pháp luật rất hiếm khi bắt được những thiếu phụ.

Mùa Thu với mưa phùn thê lương mịn bay mặt hồ, với thân cành gầy guộc lác đác chút lá xanh. Lòng đường như sẫm hơn mái phố như nâu hơn, cái cảnh sắc cô quạnh hiu hắt ấy dễ làm người ta liên tưởng tới một mỹ nhân lưng lửng tuổi. Không phải ngẫu nhiên mà thi ca viết về mùa Thu ngập đầy các “khuê trung thiếu phụ”.

Bài thơ theo trường phái lãng mạn “Tiếng Thu” của cố thi sĩ Lưu Trọng Lư chẳng hạn. “Em không nghe mùa Thu. Dưới trăng mờ thổn thức. Em không nghe rạo rực. Hình ảnh kẻ chinh phu. Trong lòng người cô phụ”. Hai câu kết âu yếm ví thiếu phụ thơ ngây giống như con nai. Đám thiếu nữ 8X bây giờ hơi hơi nghi ngờ đố kỵ có sửa lại thành “Con nai vàng ngơ ngác. Đạp chết bác thợ săn”. Hỡi ơi, không biết mất bao nhiêu mùa lá rụng thì một thiếu nữ lương thiện mới hoang mang trở thành một thiếu phụ đạp giỏi như thế.

Nhân đây cũng xin bàn rộng thêm một tý. Vì trót đã có chồng, phần đông các thiếu phụ đại loại chia thành hai dạng. Nếu có chồng đi xa, ví như trấn thủ lưu đồn biên viễn, nhưng vẫn có hy vọng được về và thực tế thỉnh thoảng vẫn về thì người đàn bà nhấp nhổm ngong ngóng đứng chờ đấy được gọi là chinh phụ.

Kiệt tác văn chương “Chinh phụ ngâm” của ông Đặng Trần Côn được bà Đoàn Thị Điểm phiên sang quốc âm xúc động kể về nỗi lòng người vợ chờ chồng đi xa “Nghĩ mệnh bạc, tiếc niên hoa. Gái tơ mấy lúc hóa ra nạ dòng”. Còn nếu cũng có chồng đi xa, nhưng quá xa tới mức sang thế giới bên kia thì thường gọi là sương phụ, quả phụ hoặc nôm na là goá phụ.

Chinh phụ và sương phụ tuy xa chồng nhưng khi sống nghiêm cẩn giữ được tiết hạnh thì gọi là tiết phụ. Một vài học giả trẻ lúc bàn về văn hóa ẩm thực có nhầm đấy là tên một loại thức ăn, kiểu như đậu phụ, thật là lẫn lộn rất lớn. Thuở xa xưa phong kiến, tiết phụ thường là những phụ nữ được vua ban sắc “Tiết hạnh khả phong” cao quý vô chừng. Ở ta thời Nguyễn mạt, Tây Tầu nhố nhăng, thiếu phụ me tây Tư Hồng cũng được vua ban sắc phong này. Cụ Nguyễn Khuyến có gửi bài thơ mừng, câu kết là “Nghìn năm danh giá của bà to”.

Giai thoại kể rằng, tiết phụ Tư Hồng sướng lắm, cứ một dịp Thu về lại đem chữ của cụ Tam Nguyên Yên Đổ ra khoe. Mãi về sau một kẻ sĩ say rượu thấy buồn cười quá, mới giải thích nghĩa chữ “của” trong tiếng Việt nó là cái giống gì. Bà này vừa ngượng nhưng vừa ngấm ngầm tự hào, đơn giản bà có khoảng vài đời chồng và ba vạn chín nghìn nhân tình.

Giống như hồng phấn và giai nhân, kiếm báu và hiệp sĩ, thiếu phụ và mùa Thu đã đạt tới phẩm cấp đôi lứa tuyệt xứng, trên đời còn gì hợp và lạ lùng quyến rũ đến thế. Một nhà thơ ham làm thể lục bát đã dựa vào ca dao cảm thán “Còn trời còn nước còn non. Cứ còn thiếu phụ là còn mùa Thu”.


Trần Khôi Việt

Thực hiện: depweb

14/10/2008, 16:36