Thiếu nữ và Tiền bạc

Tại sao cứ phải lên án những thiếu nữ thích tiền? Vì thái độ như vậy, chẳng lẽ chúng ta, những người là phụ nữ, là đàn ông, là người mập mờ về giới tính, là người già cả… lại không thích tiền?

Chỉ có một điều, hình như các thiếu nữ, nhất là thiếu nữ đẹp, lại cứ hay thích tiền của đàn ông (hay là thích đàn ông làm ra tiền?), chứ không phải là thích tiền do chính mình làm ra. Nhìn về hiện tượng này một cách “nhân ái và biện chứng”, Lê Thị Liên Hoan bày tỏ tiếng nói với cách lập luận và giọng điệu rất chi “Lê Thị Liân Hoan” của mình! 
 
Không hiểu từ bao giờ, trong xã hội cứ lan truyền dư luận cho rằng các cô gái (nhất là những cô đẹp) ngày nay thích chạy theo những "anh" hay "ông" giàu có.

Không tin bạn cứ mở những tập sách đang bày nhan nhản ngoài… vỉa hè, gọi nôm na là sách "vụ án". Các sách này, bề ngoài thường trang trí bằng hình nhiều thiếu nữ hở hang, bên trong đầy rẫy các bài viết về lòng tham tiền của những cô gái trẻ… vừa hở hang vừa kín đáo.

Riâng cá nhân tôi, mỗi lần gặp các "áng văn" cảnh tỉnh đó, tôi lại buồn cười. Các cụ từ ngàn xưa đã có câu "trai tài, gái sắc". Ý nói đấy là sự kết hợp "môn đăng hộ đối", vừa hợp lý, vừa đáng mơ ước, thậm chí đáng tự hào.

Nhưng trong khi "sắc" luôn bao gồm những tiêu chuẩn rất cụ thể, ví dụ như mặt trái xoan, mắt bồ câu, da trắng, mũi dọc dừa, căng các số đo… và những tiêu chuẩn ấy hầu như không thay đổi từ mấy trăm năm, còn "tài" thì khác. Nếu “tài” ngày xưa là giỏi võ, giỏi cưỡi ngựa, bắn cung, múa kiếm, tóm lại là những “phạm trù” hình thể cơ bắp, thì "tài" bây giờ "trí tuệ" hơn, "tĩnh" hơn và "nội tâm" hơn. Nói một cách đơn giản, trong thời buổi kinh tế thị trường, tài thiên về tư duy, sáng tạo. Và ai cũng công nhận, ngày hôm nay người sáng tạo phong phú sẽ thu nhập cao hơn kẻ kém tài và vượt lên hẳn đứa… chả có chút tài nào cả.

Thêm nữa, nếu “tài” quá khứ phần lớn do bẩm sinh hoặc do rèn luyện cơ thể, “tài” hôm nay có được chủ yếu nhờ học hành. Để có địa vị cao trong xã hội, người đàn ông phải tích lũy kiến thức, vận dụng tính linh hoạt và nhanh chóng xử lý các nguồn thông tin. Toàn là những phẩm chất đáng khích lệ. Nếu phân tích tỷ mỷ như thế, việc các cô gái đẹp chạy theo tiền, nghĩa là chạy theo “tài”, có gì xấu xa? Họ chạy theo sự bất tài mới lạ!

Thế nhưng trong xã hội Việt Nam bây giờ, khổ thay lại tồn tại một lớp người (hoặc con của một lớp người) chả có tài gì cả, nhưng lại có tiền và tiền cực nhiều, do bản thân tham nhũng, do bố tham nhũng hoặc bố của bố tham nhũng. Chạy theo đồng tiền này chẳng hay ho gì. Nhưng khổ nỗi, phân biệt được sự chính đáng hay không của nguồn tiền là một việc hợp lí, nhưng luôn luôn quá sức các cô và thậm chí là cả các bà già. Họ không phải thanh tra, không phải kiểm toán, cũng không phải cảnh sát. Bản chất của thiếu nữ muôn đời là trong sáng (chứ không phải muôn đời tham tiền như nhiều sách vụ án “củ cải” phong tặng). Do bản chất đó, họ nhìn gì cũng thấy cái tốt đầu tiên. Nhất là đám lưu manh ngày nay quần áo tử tế, cử chỉ nho nhã, ra vào nơi sang trọng và tác phong lịch lãm. Đàn ông còn bị chúng cho vào xiếc nói gì tới con gái ngây thơ! (Dĩ nhiên, tôi cũng biết một vài cô tuy là thiếu nữ nhưng rất sắc sảo, biết tiền anh nào “sạch”, tiền anh nào “bẩn”, mà “yêu vẫn yêu”. Tuy nhiân, đấy không phải là số đông mà tôi phải bận tâm suy nghĩ).

Thật ra, nếu nhìn cho kỹ, phụ nữ không phải tham tiền mà ham sự vượt trội của đàn ông. Sự lựa chọn như thế hoàn toàn phù hợp với quy luật sinh học, quy luật sinh tồn và quy luật giáo dục. Nhưng chẳng qua sự vượt trội ngày nay dễ dàng đo bằng tiền nên người đẹp dễ dàng mang tiếng mà thôi.

Chúng ta đang tiến tới chỗ trả thù lao xứng đáng cho những người xứng đáng, và quảng bá điều này như một sự công bằng. Trong khi đó, lại ra sức giễu cợt các cô nếu họ tỏ ra ham giàu có, đó là một mâu thuẫn cực kì lố bịch. Lý do chúng ta đưa ra là tiền không phải lúc nào cũng đi với đức. Đồng ý, nhưng tôi sợ rằng nghèo cũng không gắn với đức bao nhiêu (trừ trong phim ảnh!).

Tai họa không phải là ở chỗ thiếu nữ yêu tiền hay nói chính xác hơn yêu đàn ông nhiều tiền, mà ở chỗ họ yêu phải kẻ nhiều tiền thiếu lành mạnh. Thế thôi. Nhưng tiếc là cuộc sống bây giờ kém minh bạch và thiên hạ có thói quen nhìn những người có tiền một cách ít thiện cảm, từ đó quay sang "dằn vặt" các cô bé của mình với sự tức tối bất công.

Ở một số nước phát triển, khi đàn ông thất nghiệp, ngoài nguy cơ mất nhà, mất xe, còn đối diện với nguy cơ mất vợ. Chả phải phụ nữ ở nước đó xấu xa hơn phụ nữ chúng ta, chẳng qua xã hội ấy đã xây dựng được một quan niệm rõ ràng: kẻ thất nghiệp không kiếm ra tiền phải kém khả năng hơn kẻ không thất nghiệp. Nghe có vẻ hơi cực đoan, nhưng thực ra phần nhiều là đúng.

Còn ở Việt Nam thì sao? Không biết bao nhiêu chàng trai vô công rồi nghề, làm việc vật vờ, kỹ năng ăn nhậu và tán phét giỏi hơn kỹ năng khoa học, nhưng luôn úp mở chứng tỏ với các cô gái là mình mang một giá trị "tiềm ẩn" lớn lao, quý hơn tiền và mình khinh bọn có tiền không sao kể hết. Đáng thương thay cho họ và cho những ai là "nạn nhân" của sự cao thượng mòn mỏi của họ. Bởi muốn khinh thứ gì thì theo tôi trước tiên hãy làm hơn thế đã.

Có một đặc tính mà con gái luôn hơn con trai, đó là sự nhạy cảm của bản năng. Trong tiềm thức, họ linh cảm thấy rõ tiền tượng trưng cho thành đạt, cho vị thế và sự công nhận của xã hội. Chính vì thế, họ ngả theo những người này. Kêu gọi công bằng và lành mạnh xã hội không giống với kêu gọi lòng thương hại, buộc phụ nữ phải coi trọng tất cả những kẻ thất bại và người có nhiều đóng góp cho cuộc sống như nhau.

Đọc tới đây, sẽ có anh vặn lại tôi: "Này ông, thế cái gọi là giá trị tinh thần ở đâu? Giá trị đó rất cao quý và không thể đo bằng xu được". Tôi hoàn toàn nhất trí với điều này. Nếu một cô gái, thay vì chạy theo một tỷ phú, lại chạy theo một nhà thơ hoặc một anh họa sỹ tài năng thì không bao giờ tôi dám đứng ra ngăn cản. Và may quá, thực tế những cuộc “bứt phá” như vậy vẫn diễn ra. Nhưng đấy không phải là coi thấp đồng tiền, mà coi những giá trị này so với tiền không hề kém. Hai thứ đỉ không phủ nhận lẫn nhau.

Tóm lại, nếu một cô hoa hậu cưới một anh doanh nhân thành đạt, thì trong thâm tâm, do hơi tức tối với anh giàu hơn, tôi vẫn chúc mừng. Vì còn thêm nữa, là đằng nào họ cũng sẽ chung sống, chả cần đếm xỉa tới ý kiến của tôi. Tỏ ra cao thượng có khi lại còn có hy vọng!/.


From the same category