Thiếu nữ hàng xóm - Tạp chí Đẹp

Thiếu nữ hàng xóm

Giải Trí

Tình yêu dành cho các thiếu nữ
là một dạng tình cảm bản năng có ở mọi loại đàn ông, thậm chí càng già
hình như lại càng trắng trợn nồng nhiệt.

Trong kiệt tác tiểu thuyết “Lolita” (đã được thiên tài đạo diễn S. Kubrick dựng thành phim cùng tên cực kỳ nổi tiếng), nhà văn có tuổi người Nga V.Nabokov đã mê man cuồng loạn mô tả tình yêu của một văn sĩ trung niên với một cô nhóc ở ngay sát nhà.

Theo Nabokov, hầu hết các thiếu nữ hàng xóm đều mang vẻ hớ hênh xinh, đều ngấm ngầm lầm lạc ngây thơ lẫn lộn ngọt ngào sành điệu. Nó vừa quyến rũ xô đẩy người ta xuống tội lỗi địa ngục, vừa khuyến khích chắp cánh bay bổng tới lương thiện thiên đường.

Do vậy với tất cả đám đàn ông, việc run rủi ở cạnh nhà một thiếu nữ trong hoàn cảnh “cửa sổ nhà em không khép bao giờ” chính là một thú phiêu lưu kinh khiếp và là một kỷ niệm xanh non nhớ đời. Và cũng không hiểu tại sao tình yêu với các cô bé hàng xóm ấy hầu như đều tinh khôi trong trắng giống hệt như mối tình đầu.

Ở thơ Việt, ca khúc Việt, họa phẩm Việt, chủ đề “cô hàng xóm” hay còn gọi “cô láng giềng” luôn được khát khao láy đi láy lại với một cảm hứng dàn dụa vơ vào có đôi phần cao thượng lén lút. Trong một bài thơ tình được không biết bao nhiêu nam thanh nữ tú nghẹn ngào thuộc lòng, nhà thơ chân quê Nguyễn Bính đã mở đầu bằng đoạn: “Nhà nàng ở cạnh nhà tôi. Cách nhau một dậu mùng tơi xanh rờn. Hai người sống giữa cô đơn. Nàng như cũng có nỗi buồn giống tôi. Giá không có dậu mùng tơi. Thể nào tôi cũng sang chơi thăm nàng”.

Người đọc hiện đại hôm nay ở thành phố, do phải nhìn quá nhiều cổ phiếu nên chẳng còn biết đến “dậu mùng tơi” nhưng cũng mang máng đoán đấy là nỗi ngăn trở tuyệt vọng giữa cô đơn thi sĩ và thiếu nữ cô đơn hàng xóm. Và họ cám cảnh cho cái thời đại mông muội chưa có môbaiphôn và chát.

Theo từ điển, “xóm” là nơi có một nhóm người yêu thương quây quần sống với nhau, là một đơn vị hành chính thuộc loại nhỏ nhất thường chỉ có ở nông thôn. Nghĩa sâu xa nhằm biểu cảm một sự dịu dàng nồng ấm gần gũi. Các đô thị sáng choang vô cảm của thời bây giờ rất ít khi chịu sử dụng chữ này.

Thảng nếu miễn cưỡng có phải dùng thì hay dùng theo nghĩa trịnh thượng khinh khi vất vả. Ví như “xóm lao động” hoặc như “xóm liều” chẳng hạn. Đây được coi là chỗ mưu sinh của những người bần bạch tử tế cùng khổ mang xuất xứ giấy tờ mơ hồ mờ mịt. Nhỡ chẳng may phải yêu một thiếu nữ nào ở đó, thì bọn thị dân cậy dư dật đa phần đều hấp tấp vội vàng nồng nặc mùi sở hữu lạm dụng.

Có lẽ do thế mà tại những căn nhà bêtông nhôm kính chồng chất lên nhau ở phố (đặc biệt là ở những cái gọi là chung cư cao cấp), nơi đáng ra lênh láng tiềm năng tình hàng xóm thì người ta lạnh lẽo mất hẳn cái khả năng yêu được một người ngay sát cạnh. Lý do đơn giản thì tại cả anh và cả ả.

Bọn họ không những ích kỷ có nỗi buồn khác nhau mà ngay cả niềm vui cũng nông nổi chẳng giống nhau. Nàng mơ màng nghĩ tới một trung niên đại gia đi “Le-xợt”, mông đít giắt ví tiền cồm cộm. Chàng khát khao mơ về một goá phụ chủ cửa hàng hoặc giám đốc công ty, ngực bơm silicôn lấp lánh dây chuyền mặt ngọc. Còn đâu cái ảnh hình thi vị của xa xưa thời bao cấp, khi chàng hào hiệp nổi xanh gân cổ hổn hển xách hộ hai xô nước đầy lên tận tầng thượng rồi ép mặt vào cửa sổ nhà mình nhìn trộm nàng gội đầu.

Ở những năm tháng tẻ nhạt này, chàng và nàng an ủi cô đơn bằng tivi. Và mỗi buổi sáng khi hấp tấp phải tới công sở, bọn họ dửng dưng đi ngang qua nhau. Nếu có một ai đấy trót trượt chân lộn cổ cầu thang thì cũng chỉ được chia sẻ bằng tiếng kêu vô tư “ối chà”, thậm chí có nhiều thiếu nữ hàng xóm còn hồn nhiên khúc khích bật cười.

Cận Tết vài năm gần đây, để lý giải cho những hành vi man rợ khi đi xem hội hoa, nơi nhan nhản đàn ông xinh giai đàn bà đẹp gái dẫm đạp lên nhau xông vào khuôn viên mà cướp mà vặt mà bẻ, nhiều nhà đạo đức cho rằng đấy là lỗi của giáo dục, của sự thiếu hụt tình yêu thiên nhiên. Cũng có thể sang trọng vĩ mô là vậy.

Và cũng có thể nguyên nhân giản dị chỉ là, cái nhân loại đang xơ xác mỏi mệt này, đã mất đi một thứ mong manh tình yêu nào đó với chính ngay những người sát bên cạnh. Chắc do tiên tri được điều đau đớn ấy, thi sĩ đa cảm Nguyễn Bính khi kết thúc bài thơ đứt ruột trữ tình “Người hàng xóm” đã bàng hoàng bi quan hạ bút “Đêm qua nàng đã chết rồi”.

Vâng, thiếu nữ hàng xóm đã chết. Cái đêm đẫm đầy lãng mạn đấy thật sự qua rồi. Vài cặp tình nhân hiếm hoi yêu nhau không nhờ internet, lẩn thẩn ngồi đếm. Hình như cũng đã hơn sáu chục năm.

Nguyễn Việt Hà

Thực hiện: depweb

09/02/2009, 14:45