Thiếu nữ đánh cờ - Tạp chí Đẹp

Thiếu nữ đánh cờ

Giải Trí

Có một cuốn tiểu thuyết Tầu đang rất thời thượng ở Pháp,
từng đoạt giải Goncourt dành cho giới trẻ năm 2001, tên chính xác là
“Thiếu nữ đánh cờ vây” (bản Việt ngữ của NXB Văn Học). Tác giả là Sơn
Táp, một thiếu nữ sinh năm 1972 tại Bắc Kinh. Không hiểu sao từ xưa tới
nay, phụ nữ đã mê chơi cờ thì hầu hết tuổi đời đều rất trẻ.


Có lẽ do niềm say mê kỳ lạ đó chỉ có thể nuôi dưỡng bằng sự ngây thơ lầm lạc mang nữ tính trong trắng. Khi đã lớn và đã già, phụ nữ bỗng đau đáu quay sang quan tâm vài thứ thiêng liêng khác, ví như vàng bốn số chín hay sổ đỏ nhà đất chẳng hạn.

Cuốn sách của Sơn Táp có bối cảnh Không – Thời gian cũ kỹ ở vùng Mãn Châu, tình tiết quanh co dữ dội lằng nhằng, đại loại kể về một cô bé quý tộc sa sút mười sáu tuổi vừa chơi cờ (cờ vây hay còn gọi vi kỳ, rất thịnh hành tại Nhật Bản và Trung Quốc) vừa hoang mang yêu rồi bi thảm trưởng thành làm đàn bà.

Đối thủ của cô bé là một sĩ quan tình báo Nhật Hoàng, bản tính sâu sắc rắn lạnh. Qua liên tiếp nhiều ván cờ, cả hai vô thức chập chờn yêu nhau. (Một điều rất khó xảy ra nếu đôi này chung vốn đầu tư chơi cổ phiếu chứng khoán). Bọn họ đồng một quan niệm “Tôi mê cờ vì các mê lộ của nó. Mỗi nước cờ là một bước dấn sâu vào lối xuống của tâm hồn, vô cùng khó lường trước.

Giống như biến động của cuồn cuộn tầng mây, mỗi thế cờ là một sự phản bội” (sách đã dẫn). Quan niệm này kể ra cũng khá tiêu cực, nhưng biết sao được, lúc ấy cô bé đang bải hoải rơi vào tuyệt lộ. Còn nếu cứ nhí nhảnh vô tư như đám 8X, 9X bây giờ thì chẳng có ma nào lại đi tìm đến cờ cả. Hoặc sẽ ngây ngô ngồi nhà xem truyền hình “Cô gái xấu xí” rồi “Bỗng dưng muốn khóc”, hoặc sẽ tưng tưng đi vào vũ trường mà lúc lắc vật vã.

Do vài thói quen văn hoá, các thiếu nữ ở ta không có nhiều người ham mê chơi cờ. Nhưng cũng giống như việc uống rượu, người nào đã ham thì thăng hoa thành luôn cao thủ. Hồi Hà Nội bao cấp, ở đầu phố Phùng Hưng rẽ sang Hàng Bông có một nữ kỳ thủ độc thân mắt xếch chừng 27-28 tuổi tên Loan, xuất thân phe tem phiếu ở chợ Hàng Da, lừng danh vỉa hè với chiêu khai cuộc Pháo đầu Mã đội.

Đây là một thế cờ thiên về công, rất hợp với đàn bà vừa lắm mồm vừa hấp tấp. Và không may gặp phải đối thủ điềm đạm chơi Bình phong Mã, thì khi lui về thường vỡ trận. Cờ độ rong dạo khó khăn ấy giải không quá to, quy ra thóc ước khoảng chục bát phở bò, nhưng liên miên thua thì cũng đại thảm họa.

Loan cô nương chơi ăn gian cực kỳ, nạn nhân đa phần là mấy gã trung niên ngoại tỉnh ngồi chờ tầu điện. Dưới mạn dốc Thọ Lão gần cửa hàng bán dầu hoả cũng có một tay cờ nữ trẻ chơi Pháo tuần hà hay lắm, đàn ông thua cả mớ. Tất nhiên, cũng khét tiếng giang hồ là tay tháu cáy. Nói như vậy không có nghĩa, cứ thiếu nữ chơi cờ đều tủn mủn ăn gian, ở lịch sử cờ tướng Việt có không ít nữ danh kỳ trẻ lẫy lừng minh bạch.

Đặc cấp quốc tế Đại sư Lê Thị Hương ở thành phố Hồ Chí Minh chẳng hạn. Lúc chưa lập gia đình, Hương trấn kỳ đàn quốc gia hơn chục năm ròng. Đám kỳ thủ đàn ông sợ xanh mặt, tâm phục khẩu phục tôn xưng cô là Diệt Tuyệt sư thái. Ngoài Lê Thị Hương, làng cờ nữ Việt còn hai quốc tế đại sư đáng kể, Ngô Lan Hương sinh 1979 và Hoàng Hải Bình sinh 1977.

Cờ tướng đang thịnh hành ở ta có xuất xứ bên Tầu với tên gốc là Tượng kỳ. Lịch sử hình thành rồi hoàn thiện nó đẫm đầy không biết bao nhiêu công sức tâm huyết của kỳ sư và kỳ thủ. Bọn họ hầu hết là cao nhân dị sĩ, khi gặp phải hiểm trá của công danh, bạc bẽo của lợi lộc thì chán ngán thế sự quay về ngồi nhà qua cờ mà cao ngạo nhìn đời.

Vì ở cờ cũng có giả dối loanh quanh Tướng, cũng có gian giảo lầm lũi Sĩ. Hoặc xông xáo nghênh ngang như Xe, hoặc lắt léo tiến thoái như Mã. Cái đắc thời của Tốt qua sông vừa tiểu nhân tiểu khí lại vừa cần mẫn chăm chỉ. Cái bơ vơ của Pháo không ngòi sao mà giống sự bi tráng của anh hùng mạt lộ. Không phải ngẫu nhiên cờ được xếp vào tứ đại cao nhã “Cầm Kỳ Thi Họa”, bởi qua nó con người ta phát tiết được tận cùng những niềm vui những nỗi buồn.

Các thiếu nữ thế gia vọng tộc, sau khi đã giỏi đàn giỏi thơ giỏi hoạ, bắt buộc phải thật giỏi cờ. Người xưa cho rằng, chơi cờ sẽ khử bớt được cái hấp tấp ham hố kiểu đàn bà, các thiếu nữ cao cờ sẽ không sốt ruột mà nhẫn nhịn yên tâm ngồi chờ ngày cưới.

Nữ sĩ Hồ Xuân Hương, hồi chưa đi làm lẽ tương truyền là tay cờ cao cực kỳ. Thơ bà phồn thực nhan nhản những là Tướng Sĩ Tượng. Bài “Đánh cờ người” của bà xếch-xi đến mức các văn bản chính danh đều lưỡng lự đạo đức để ở phần tồn nghi. “Mới vào đầu chàng liền nhảy ngựa. Thiếp vội vàng vén phứa tịnh lên…”. Thực ra trò đánh cờ người rất được chuộng ở các lễ hội làng quê Bắc bộ.

Nhiều nơi, quân cờ là những thiếu nữ ngăm ngăm xinh đẹp tuyệt vời. Cờ bàn xem đã thú, cờ người xem thú vị gấp trăm lần. Hiềm một nỗi, trò này cần một bãi đất rộng có “viu” đẹp. Vài năm gần đây, những bãi đất xôi mật kiểu ấy đã bị chuyển thành sân gôn thành chung cư cao cấp.

Trò đánh cờ người có nguy cơ tuyệt tích, hình như chỉ còn phảng phất đâu đấy trong ký ức của vài thiếu nữ muộn chồng.

Nguyễn Việt Hà

Thực hiện: depweb

13/12/2008, 16:39