Thiểu năng và tài năng

Nội dung phim “Rain Man” là câu chuyện có thật về Raymond – “thần bài Las Vegas”. Bị xem là đần độn và không hề biết đến giá trị của tiền nhưng Raymond lại là một tay chơi bài siêu việt khi chỉ mới 15 tuổi. Chàng trai này có thể giải những phép toán phức tạp trong vài giây một cách chính xác và thậm chí còn đếm được cả số tăm đổ ra khỏi lọ trong chớp mắt. Trí nhớ và khả năng tính toán phi thường đã giúp Raymond trở thành một trong những thiên tài kỳ lạ.

Món quà Thượng đế dành tặng các thiên tài?

Ít ai ngờ rằng, Tom Cruise – một trong những minh tinh hàng đầu Hollywood có mặt trong bộ phim này – cũng từng có thời gian gặp nhiều khó khăn với chứng tự kỷ dạng nhẹ (được xếp vào hội chứng asperger). Asperger là một bệnh sinh học thần kinh, do nhà bác học Hans Asperger người Áo tìm ra năm 1944. Ông đã nghiên cứu và phát hiện nhiều người trẻ tuổi có trí thông minh, ngôn ngữ phát triển bình thường nhưng mắc phải một dạng tự kỷ, dẫn đến kém khả năng giao tiếp trong xã hội. Bệnh có nhiều dạng rối loạn thần kinh từ nhẹ đến nặng như: kém giao tiếp, thích đơn độc, khá thất thường trong tính cách. Họ thường xuyên bị ám ảnh, lo lắng về các vấn đề mình quan tâm nhưng lại thờ ơ với những sinh hoạt khác của xã hội. Họ cũng gặp khó khăn trong việc hiểu và diễn tả các ngôn ngữ thông dụng. Đặc biệt, vị giác và khứu giác của người bệnh asperger thường nhạy cảm và dễ bị âm thanh, ánh sáng gây kích động. Họ cảm nhận thế giới theo cách rất khác biệt nên thường có cách xử sự bị cho là kỳ quặc, lập dị.  

Cũng khá kỳ quặc, lập dị và có nhiều biểu hiện như trên nên hai nhà bác học lừng danh thế giới là Einstein và Newton cùng có tên trong nhiều công trình nghiên cứu của các nhà khoa học để xác nhận hai ông có phải là những người mắc hội chứng asperger hay không. Nhà soạn nhạc thiên tài Beethoven và cả Mozart cũng nằm trong nghi vấn này.

Trong số những tên tuổi nổi tiếng thế giới, chúng ta sẽ còn thấy nhiều người mắc hội chứng asperger. Tuy nhiên, điều may mắn là năng lực khác thường của họ đã được phát hiện và phát huy để trở thành những người tài năng chứ không phải thiểu năng.

Susan Boyle – hiện tượng âm nhạc người Scotland từng chinh phục cả thế giới với màn trình diễn ấn tượng tại cuộc thi Britain’s Got Talent khi đã 47 tuổi và có vẻ ngoài được cho là xấu xí – cũng là một người mắc hội chứng asperger và luôn gặp khó khăn trong học hành, giao tiếp ngay từ bé. Sau những tháng ngày khó khăn vì bị xem như một người “bại não”, cô đã vụt tỏa sáng thành một trong những nghệ sĩ có album bán chạy hàng đầu thế giới.

Thần đồng nhạc jazz Matt Savage cũng là một trường hợp đáng nể. Anh bị chẩn đoán mắc chứng rối loạn phát triển chức năng (một dạng bệnh tự kỷ nặng) năm 3 tuổi. Matt tỏ ra có năng khiếu đặc biệt về âm nhạc khi đã tự học và đọc được bản nhạc từ năm 6 tuổi và từng biểu diễn nhạc jazz cho bậc thầy Dave Brubeck khi mới 8 tuổi. Dave nhận xét cậu bé là tài năng âm nhạc lớn nhất của thế kỷ. Hiện nay, khi đã ngoài 20 tuổi, Matt Savage đã đi khắp thế giới để biểu diễn cho những nhân vật có tên tuổi, trong đó có cả các nguyên thủ quốc gia, và phát hành rất nhiều album.

Họa sĩ tài năng người Anh Stephen Wiltshire cũng có tên trong danh sách những thiên tài mắc bệnh tự kỷ. Bộ óc của anh có khả năng lưu trữ nhanh chóng các dữ kiện thông tin ba chiều. Stephen đã gây kinh ngạc khi có thể vẽ lại bức tranh toàn cảnh Tokyo sau khi chỉ ngắm thành phố này từ trực thăng trong 30 phút.

Biến khác biệt thành thế mạnh

Thực tế, một số triệu chứng ở người mắc bệnh tự kỷ thường bộc lộ rõ từ rất sớm nhưng cũng có nhiều trường hợp mang gen ẩn và rất khó phát hiện. Tự kỷ nặng thường có thể đi kèm với khả năng sáng tạo cao và lối suy nghĩ vượt khỏi tư duy thông thường. Đặc biệt, người tự kỷ còn có khả năng tập trung cao độ, có thể gây ra ám ảnh. Đây là một lợi thế lớn cho những hoạt động sáng tạo nghệ thuật.

Hiểu được những đặc điểm kỳ lạ ở căn bệnh này, một ông chủ của công ty chuyên kiểm tra lỗi phần mềm ở Đức chỉ tuyển dụng người tự kỷ. Bản thân ông cũng có cậu con trai mắc bệnh này nên hiểu rất rõ mọi khó khăn và thế mạnh của họ. Ông tin những người mắc asperger có các khả năng cần thiết để phân tích phần mềm và có thể làm tốt hơn người bình thường. Hiện nay, ông đang dự tính đến việc mở rộng tuyển dụng người tự kỷ để làm việc liên quan đến lĩnh vực âm nhạc, ngôn ngữ.

Công thức trở thành thiên tài

Tại Mỹ, cứ 88 người trưởng thành sẽ có 1 người mắc bệnh tự kỷ; và cứ 54 bé trai thì có 1 bé mắc chứng bệnh này, tỷ lệ cao gấp 5 lần so với ở các bé gái. Chính vì bệnh gặp ở bé trai nhiều hơn nên biểu tượng của ngày dành cho những người tự kỷ có màu xanh dương – màu biểu tượng của các bé trai.
Chiến lược của bộ não ở người bình thường là chỉ nhớ những sự kiện quan trọng, có chọn lọc. Điều này vô tình làm hạn chế bộ nhớ len lỏi vào kho dữ liệu đầy ắp trong não bộ để khai thác nhiều hơn. Liên quan đến vấn đề này, các nhà khoa học đã đặt ra câu hỏi: Liệu những người bình thường có thể trở thành thiên tài hay không nếu não bộ của họ được kích hoạt để hoạt động giống bộ não ở một số người tự kỷ?

Họ đi tìm câu trả lời bằng nhiều nghiên cứu, thí nghiệm, trong đó có cả việc dùng thiết bị chuyên dụng để tác động từ trường vào vùng đầu của một số người nhằm kích thích và làm giảm hoạt động những vùng nhất định trong não, thử nghiệm khả năng của trí tuệ. Thiết bị này được xem như “cái mũ suy nghĩ”, khi chụp lên đầu sẽ giúp cho trí tuệ và khả năng hoạt động của bộ não tốt hơn.

 Bài: Như Thảo

logo 


From the same category