>> Người đàn bà tạc tình yêu vào đá (P.1)
Từ sự nghiệp long đong đến những cơn trầm cảm
Rodin cứ ngỡ Camille rồi sẽ quay lại khi nguôi cơn giận hờn. Nhưng nàng thơ kiêu hãnh ấy kiên quyết đoạn tuyệt với ông. Camille không một lần nào bước qua ngưỡng cửa xưởng điêu khắc của ông nữa.
Tác phẩm “Người đàn bà thổi sáo” (1904) của Camille
Nàng thường đóng chặt cửa, ở trong phòng một mình cả tuần và miệt mài sáng tác. Nhưng hỡi ôi, trong các tác phẩm của nàng giới phê bình luôn nhìn thấy bóng dáng Rodin. Sự tương đồng với người thầy vĩ đại cả ở phong cách, tư tưởng lẫn niềm đam mê cuối cùng hóa ra lại chơi khăm Camille – các tác phẩm của cô bị đánh giá như những cái bóng hắt xuống từ những kiệt tác Rodin chứ không có bản sắc riêng. Hơn thế nữa, vẻ gợi dục trong các bức tượng từng rất đặc trưng cho Rodin khi tái hiện ở những tác phẩm của một nữ điêu khắc gia đã khiến giới phê bình dậy sóng.
Rodin thì vẫn khẳng định: “Claudel sở hữu một tài năng lớn… nhưng cô ấy chưa được đánh giá xứng đáng… mọi người luôn cho rằng Claudel núp bóng tôi, không công nhận cô ấy như một nghệ sĩ… nhưng tôi tin vào thành công cuối cùng của cô ấy…”. Tuy vậy vinh quang khó mà đến được với một nữ điêu khắc gia đã bị mang tiếng núp bóng thiên tài lại còn vướng vào chuyện tình cảm “bất chính”. Những bức tượng của nàng chỉ xuất hiện ở một góc nhỏ khiêm tốn trong các cuộc triển lãm hiếm hoi.
Tác phẩm “Bỏ rơi” (1905) của Camille
Cũng bởi vậy, Camille không dễ gì có được đơn đặt hàng. Thu nhập của cô vì thế hết sức khiêm tốn. Đôi khi cô đã phải sống ở mức nghèo túng, thậm chí lâm vào những khoản nợ nần tồi tệ đến mức phải ra hầu tòa.Vậy mà, nàng khăng khăng khước từ sự giúp đỡ của Rodin. Thậm chí khi được ông mời đi dự tiệc (rất nhiều bữa tiệc được tổ chức để mừng thành công của ông), nàng đáp: “Tôi thậm chí không có được cái váy ra hồn để đến đấy. Cả đôi giày của tôi cũng tã lắm rồi!”. Camille còn cho rằng Rodin đang muốn chế giễu cô. Dần dần Rodin cũng đành phải từ bỏ thiện chí của mình, để mặc người tình cũ với số phận bi đát.
Tình duyên đổ vỡ, sự nghiệp long đong, tiền tài chẳng có, Camille thường xuyên rơi vào những cơn trầm cảm. Trong khi đó Rodin ngày càng gặt hái nhiều thành công mới, trở nên giàu có, nổi tiếng khắp châu Âu. Nhận thấy trong nhiều tác phẩm của Rodin những bức tượng mà cô từng làm trước đây, Camille cho rằng Rodin chỉ đơn giản là hoàn thiện chúng rồi công bố như tác phẩm của ông. Và nàng bắt đầu trưng bày những bức tượng mới của mình, tương tự như những bức tượng mà Rodin vừa công bố.
Chôn vùi trong quên lãng
Từ năm 1905, chứng hoang tưởng của Camille biến thành bệnh loạn thần kinh thật sự. Henri Aslen, một người mẫu của nàng nhớ lại: “Cánh cửa chỉ được mở ra sau một cuộc đàm phán kéo dài; cuối cùng xuất hiện trước mặt tôi là Camille ủ rũ, bù xù, run lên vì sợ hãi và vũ trang bằng một cán chổi gắn những chiếc đinh. Cô ấy bảo tôi: ‘Đêm qua, có hai gã đàn ông cứ lăm le phá cửa sổ. Tôi đã nhận ra họ: đó là những người mẫu của Rodin. Ông ta lệnh cho họ giết tôi. Tôi đang gây phiền toái cho ông ta và ông ta muốn thoát khỏi tôi’”.
Một người đàn bà già nua giống như thần chết đang choàng tay ôm người đàn ông kéo ông đi, âu yếm mà quyết liệt. Vai phải người đàn ông chùng xuống, cam chịu. Vai trái nghiêng về phía sau, bàn tay tiếc nuối buông rơi cô gái đang quỳ xuống chới với…Vì nội dung ám chỉ cuộc tình tay ba với Rodin mà tuyệt phẩm “Tuổi già” (1898) của Camille đã bị cắt bỏ tài trợ và các đơn đặt hàng cũng bị hủy hàng loạt.
Sau một lần đến thăm chị gái, Paul Claudel (lúc đó đã trở thành một nhà thơ nổi tiếng) viết trong nhật ký của mình thế này: “Camille điên rồ, lem luốc và xộc xệch, nói bằng một giọng oang oang đều đều không dứt”. Camille thì viết cho em trai những lá thư đầy giận dữ: “Bây giờ chị đã tóm được hắn. Tên vô lại đã bằng mọi cách để chiếm lấy tất cả các tác phẩm của chị và đưa cho bạn bè hắn – những họa sĩ thời thượng, và nhờ thế mà bọn họ đã phủ đầy lên hắn những giải thưởng và lời tán dương”.
Năm 1913, sau những ca thán liên tục của hàng xóm, “bà khùng Camille” lúc ấy 49 tuổi, đã bị đưa vào trại tâm thần. Bà đã bị giam cầm trong các trại tâm thần suốt 30 năm, cho đến khi lìa đời. Đôi khi, tỉnh ra, bà đã van xin mẹ và em trai cho về nhà và hứa “sẽ không làm phiền ai nữa”. Bà luôn cho rằng Rodin là kẻ đã chủ mưu trong việc “cầm tù” mình dù thực tế là chính gia đình bà quyết định như vậy.
Có lần Rodin muốn đến thăm người học trò cũ, nhưng các bác sĩ khuyên ông không nên gặp, vì Camille có thể sẽ có những phản ứng rất khó lường. Ngay cả mẹ đẻ Camille cũng chưa bao giờ vào thăm con gái. Paul Claudel là người duy nhất họa hoằn lắm mới vào thăm chị. Ban đầu Paul còn mang đất sét vào để bà nặn tượng giải khuây. Nhưng chỉ được một thời gian sau, bà vất bỏ luôn công việc mà mình từng yêu thích, trở nên lặng lẽ, sống khép kín, tách biệt với xung quanh.
Còn Rodin, ông vẫn tiếp tục nặn tượng nàng thơ một thuở của mình theo trí nhớ. Ông cũng tích cực giới thiệu những tác phẩm của Camille và chúng nhận được khá nhiều quan tâm. Khi về già, Rodin đã về ở hẳn vùng nông thôn với Beuret Rose và đến tháng 1/1917, hai người mới chính thức trở thành vợ chồng hợp pháp. Hai tuần sau đó, Rose qua đời. 10 tháng sau, nhà điêu khắc vĩ đại cũng từ trần, thọ 77 tuổi. Trước khi trút hơi thở cuối cùng, ông đã gọi tên Camille!
Claudel Camille trong trại tâm thần (ảnh chụp năm 1929)
Camille sống lâu hơn người tình của mình đến một phần tư thể kỷ nữa. Bà đã qua đời vào năm 1943, trong suy kiệt và lãng quên, giữa những bức tường của một bệnh viện tâm thần. “Ở đây chẳng có gì ngoài một chiếc bô gớm ghiếc, một chiếc giường sắt tồi tàn, run rẩy suốt đêm vì lạnh giá. Chị cảm thấy ghê tởm đồ ăn ở đây. Chẳng có lời nào tả nổi cái lạnh ở Mondeverge. Những ngón tay tê cóng, chị chẳng thể giữ nổi cây bút…”, – bà viết cho em trai.
Mãi đến giữa thế kỷ XX, người ta mới bắt đầu tìm kiếm trên khắp thế giới những tác phẩm còn được lưu giữ rất ít ỏi của Camille, để rồi cuối cùng cũng nhận ra trong đó điều mà trong cả cuộc đời mình người phụ nữ bất hạnh này muốn bày tỏ – lòng đam mê cháy bỏng và sự trìu mến xót xa, để đặt chúng vào vị trí xứng đáng trong lịch sử nghệ thuật thế giới. Năm 2003, sau 60 năm Camille qua đời, căn nhà hồi nhỏ ở quê của Claudel tại Nogent-sur-Seine đã trở thành bảo tàng; cùng năm ấy nhà hát Norma Terris ở Chester Connecticut Mỹ cũng cho ra đời vở nhạc kịch Camille Claudel – để tưởng nhớ nữ điêu khắc gia tài năng mà bất hạnh này.
Bài: Phan Minh Ngọc
Ảnh: liveinternet.ru, hayhill.com, wustl.edu
Có thể bạn quan tâm: Những người đàn ông trong đời Coco Chanel: