Thiên chức của ai?

Bao nhiêu chữ vàng dành cho phụ nữ rốt cuộc cũng không đẹp bằng hai từ này. Đàn ông sung sướng khi đánh vần chúng, đơn giản vì chúng sẽ tạo nên cuộc cách mạng về tự do cho đàn ông.
Nếu bạn, người phụ nữ đích thực, mà không cảm thấy lâng lâng tự hào vì mình là người được trao thiên chức, hãy xem lại bản thân mình!
Nam giới và nữ giới khác nhau nhiều lắm. Đừng bao giờ nghĩ rằng có khái niệm bình đẳng giới tuyệt đối. Tôi lấy ví dụ đơn giản: Người phụ nữ đi chợ mặc cả từng xu cho sát giá thì được tôn vinh là biết thu vén, nhưng là đàn ông, bạn sẽ là thằng cha kẹt xỉ. Phụ nữ lau từng hạt bụi trong nhà được gọi là người cẩn thận, đảm đang, còn đàn ông sẽ là kẻ chi li, khó tính. Vân vân. Trong vụ này, đàn ông rõ ràng thiệt thòi nhiều.
Vì thế, đàn ông mới nghĩ ra từ “thiên chức” để gắn vào phụ nữ. Tôi tin rằng người nghĩ ra từ này đầu tiên chắc chắn là người đàn ông đích thực. 

Sáng hôm qua, ông bạn thân rủ bằng được tôi đi cà phê. Cả buổi cứ thều thào: “Tôi chắc chết quá ông ơi. Vợ tôi đợt này việc cơ quan nhiều, về nhà là như chết rồi. Mấy cái việc chăm thằng nhỏ tôi phải lo hết. Tôi sắp phát ốm rồi”.
Hóa ra ông bạn trước khi lấy vợ đã không được anh em chỉ bảo tận tình cho vài bài học căn bản về phương pháp làm chồng. Thế thì bây giờ tôi sẽ soạn cho ông giáo án ngay tại trận. “Một: Ông biết nghệ thuật dạy vợ tóm gọn trong những chữ vàng nào không?” (Mồm há hốc) “Hai: Ông có biết chức năng của ông và vợ ông nó khác nhau thế nào không?” (Mồm há hốc) “Ba: Tóm lại ông có biết vì sao ông có chết cũng chẳng ai thương không?” (Tiếp tục há hốc).
Tôi biết đến đây 90% chị em đã bắt đầu nóng mặt, 10% còn lại có thể đang vừa lầm bầm vừa giở trang khác, nhưng suy cho cùng, chúng ta nên thẳng thắn với nhau.
Tôi đã nói với bạn tôi thế này:
1. Nghệ thuật dạy vợ là nghệ thuật không-tạo-tiền-lệ. Các chị có thể đay nghiến và bỉ bai cái nghệ thuật của giới chúng tôi, nhưng hãy thừa nhận đi, các chị là chúa được đằng chân lân đằng đầu. Một anh bạn thân khác của tôi mới lấy vợ đã phải từ bỏ thú vui ra sân tennis với anh em mỗi cuối tuần chỉ vì không nắm được bộ môn nghệ thuật thứ tám này. Vợ anh ấy, bằng phương pháp ngọt ngào của cô dâu mới, khéo léo giăng bẫy: “Trong vòng 2 tháng đầu, anh tạm nghỉ ra sân để đưa em đi chơi mỗi chủ nhật nhé!”. Và từ tuần thứ 9 trở đi, việc đi chơi trở thành tiền lệ rất xấu, đến mức anh này không thể bỏ mặc cô vợ nước mắt ngắn nước mắt dài vì đi chơi đã thành phản ứng. Mặc dù thứ 7 cả hai đã dung dẻ lượn nát cả thành phố ra rồi. 
   
Nói chung, tất cả cũng chỉ vì phụ nữ quá giỏi trong việc biến những điều bất thường thành bình thường. Tạo ra tiền lệ là đàn ông chết chắc.
2. Chức năng của đàn ông và phụ nữ, trời sinh ra đã khác nhau hoàn toàn. Đàn ông là phải đĩnh đạc đường hoàng, ăn to nói lớn, tốt nhất là cứ như ông Trương Phi, nói câu nào là vỗ đùi đen đét câu đấy. Kiếm tiền, xây nhà sửa cửa, bia bọt quảng giao, bóng đá tennis, lo việc đại sự, đấy mới là đàn ông. Gà qué giặt giũ, bú mớm con cái, đi chợ mặc cả, trời đã phó cho phụ nữ.
Chính sự khác nhau ấy, người ta mới nghĩ ra hai từ “thiên chức” – nhiệm vụ đặc biệt mà ông trời đã đóng dấu kí tên. Kì diệu thay, hai từ này từ khi ra đời đã chỉ có thể gắn với người phụ nữ.
Thực tế là, khi đàn ông thực hiện những việc thuộc về thiên chức của phụ nữ, họ không bao giờ làm được một cách hoàn hảo. Hoặc nếu có tốt đẹp thì cũng chỉ được một lúc một nhát, khó mà kiên nhẫn được cả ngày. Những ông bố yêu con mà tôi biết, hiếm ông nào chơi với con được quá 2 tiếng mà không phát hỏa. Chẳng bù cho phụ nữ cứ tha thẩn trông con vài tháng tù tì ngon lành. 
Cứ như thể trời phạt đàn ông vì cái tội xâm phạm vào chức năng thiêng liêng của phụ nữ vậy. Chị em làm việc của mình, tuy hay kêu ca nhưng luôn hoàn thành xuất sắc đến cùng. Anh em làm việc của chị em, tuy có thể kêu ít hơn, nhưng đã chán là bỏ cuộc, muốn ra sao thì ra.
Vì anh em không được giao thiên chức ấy, không được quyền làm hộ thiên chức ấy.
3. Đàn ông không hiểu và phân biệt được những điều giản dị này, chết là do trời phạt. Ai thương nổi?
Ông bạn tôi chỉ thở dài. Tiền lệ đã trót tạo từ khi mới cưới. Giờ này mới cứu, e rằng ca này hơi khó.
Cũng còn may cho anh ta, vì tôi chỉ đùa thôi. Đánh tráo khái niệm chút xíu cho bữa cà phê đỡ nhạt miệng. Đàn ông ai dại tin theo có mà thiên hạ đại loạn.
Suy cho cùng, thiên chức làm cái gọi là những việc không tên (có thể) đúng là của phụ nữ, nhưng chia sẻ sự mệt mỏi hằng ngày với họ (chắc chắn) là thiên chức của đàn ông.
Khi phụ nữ đã thực hiện xuất sắc thiên chức của họ, đàn ông cũng có bổn phận hoàn thành nhiệm vụ trời giao cho chị em đỡ tủi thân và bực mình.
Đàn ông thực sự tương đối biết thân biết phận, cho đến khi phụ nữ được đà lấn tới. 
Lúc đấy, đàn ông buộc phải định nghĩa lại hai từ “thiên chức”. Chắc chắn nó luôn gắn với phụ nữ và chỉ có thể gắn với phụ nữ. 
Đấy là đàn ông bị buộc phải nghĩ thế.

Bài: Đức Long 

logo

xóa hết dấu vết trước khi về nhà

Tác giả Đức Long qua nét vẽ của họa sĩ Kim Duẩn 

Nguyễn Đức Long, sinh năm 1980, cung Bọ Cạp. Tốt nghiệp khoa Báo chí trường ĐH KHXH & NV Hà Nội, hiện anh là biên tập viên Tạp chí 2! Người Trẻ Việt, 2! ĐẸP của báo Sinh Viên Việt Nam-Hoa Học Trò.

“Hiệp sĩ Gió” Đức Long là tác giả của “Xóa hết dấu vết trước khi về nhà” – một tuyển tập bài viết tâm lí giới tính nhìn dưới góc độ đàn ông đã đăng trên báo, tạp chí. Anh cũng là người giữ chuyên mục “Cabin Hiệp sỹ Gió”, nơi giải đáp những tò mò khó nói của phụ nữ trên một tạp chí dành cho phụ nữ.

Ngoài ra, Đức Long còn là người biên soạn chính tủ sách Người Trẻ Việt bao gồm rất nhiều cuốn sách được bạn đọc yêu thích như: “Hãy nói yêu thôi, đừng nói yêu mãi mãi”, “Tuổi Mới”, “Trái tim dẫn lối”, “Hẹn với xuyến xao mùa hè năm ấy”…


From the same category