Thích xiếc đừng xem Làng Tôi

Tôi xem trích đoạn chương trình này lần đầu tiên khoảng năm 2008, tại SQ Pháp. Lúc đó, do điều kiện trình diễn ngoài trời, cùng thời gian ngắn ngủi khoảng 15 phút, nên ấn tượng chỉ là: lạ. Mang tâm trạng chờ đợi vừa phải, cuối cùng thật sự bất ngờ với một diện mạo hoàn chỉnh của đêm diễn 45 phút tối 10-8 vừa qua. Nói không thậm xưng chút nào, trong 45 phút đó, đã có những lúc niềm xúc động cứ rung lên.

Những ai từng biết tới anh Nhất Lý chắc không ngạc nhiên vì những gì anh mang tới. Anh dùng “nguyên liệu” âm nhạc dân gian không phải như cách người ta treo một tấm vải thổ cẩm lên tường và gọi là dấu ấn folklore. Mà đó là một thứ âm thanh gợi ký ức và tinh tế. Thứ âm thanh ấy quả thật chỉ có thể cảm nhận rõ ràng nhất trong không gian Nhà Hát Lớn này.

Tạo hình của tác phẩm cũng vậy. Đó là những vét vẽ ký ức mà hiện thực, tiết chế và giàu tính hình tượng. Có những cảnh, như phiên chợ quê, cảnh người phụ nữ thành tâm cầu khấn trong tiếng mưa rền rã, hay người đàn ông gảy đàn bên bức vách tre… quả thực có thể khiến người ta lịm đi.

Một cảnh trong Làng tôi

Cũng không thể không nhắc tới cây tre trong Làng Tôi. Chúng hiển hiện như chứng nhân cho cả một lịch sử giàu tính nhân văn của mỗi ngôi làng, những cuộc vui chơi, những đứa trẻ lớn lên, những mối tình, hay cả những trận chiến… Tre của Làng Tôi cũng trở thành một thứ nhạc cụ tài tình, có khi là tiếng tắc tắc điềm tĩnh của vị sư thầy, có khi là tiếng phách tán thưởng, khi lại là một bản hoà ca giàu âm điệu của đoàn người đi bắt ếch, hoặc tràn đầy khí thế trên đôi tay những thanh niên trai tráng khởi đầu cho một ngày mới.

Làng Tôi không phải một ngôi làng cụ thể, một không gian định hình, một câu chuyện tuyến tính. Mà bằng âm nhạc và diễn xuất tràn đầy cảm xúc, cũng những cây tre ấy, những màu áo nâu ấy, Làng Tôi tưởng như đơn thuần chỉ là ngôi làng Bắc Bộ, nhưng có lúc lại phảng phất âm hưởng miền Trung hay Nam Bộ, thậm chí có khi là không khí một bản làng vùng cao. Ừ thì trên đất nước Việt Nam này, ngôi làng nào chẳng thấm đẫm tình và đáng nhớ như vậy.

Một cảnh trong Làng tôi

Có người hỏi tôi: Vậy tóm lại xiếc ở đâu? Trước tiên, phải khẳng định yếu tố Xiếc trong Làng Tôi là Xiếc-mới, ở đó điều quan trọng nhất mà tác phẩm mang tới không phải cảm giác hồi hộp/ấn tượng với những pha mạo hiểm hay khả năng kỳ diệu của con người; mà là cảm giác mang lại bởi một tổng hoà các yếu tố: âm thanh, tạo hình, trình diễn… Nó như một tác phẩm perfomance mà ở đó Xiếc chỉ là một yếu tố, một (trong những) phương tiện để biểu đạt.

Chỉ tiếc nhất một điều, khá nhiều người tối qua đi xem với tâm thế xem xiếc-kiểu-truyền-thống. Nên trẻ con thì nhiều, lẫn trong tiếng hát văng vẳng từ trên cao, là tiếng mấy đứa trẻ con gào khóc hoặc nháo nhác hỏi mẹ: Cô đi đâu rồi? Ma kìa! Và cũng vì cái tâm thế xem xiếc đó, mà khán giả vỗ tay hơi bị nhiều, kể cả những lúc cần tĩnh nhất để lắng nghe từng giọt âm thanh. Có vẻ khán giả Việt Nam bị ám ảnh chuyện vỗ tay, xem giao hưởng cũng vậy, mới hết chương đã vỗ tay rầm rầm, còn biz biz đàng hoàng nữa. Họ quên mất rằng, sự tán thưởng cao nhất đôi khi chính là sự im lặng – tuyệt đối.

V.T


From the same category