“Thích khách Nhiếp Ẩn Nương”: Khi Hầu Hiếu Hiền làm phim võ hiệp

Mang về cho Hầu Hiếu Hiền giải Đạo diễn xuất sắc nhất tại LHP Cannes hồi tháng 5 vừa qua, “Thích khách Nhiếp Ẩn Nương” (The Assassin) được coi là một kiệt tác mới của dòng phim võ hiệp, tuy nhiên nó không hề dễ thưởng thức và thực sự kén chọn khán giả.


Võ hiệp mà không phải võ hiệp

Với những ai chưa biết đến đạo diễn người Đài Loan – Hầu Hiếu Hiền hoặc chưa xem bất kỳ bộ phim nào của ông, “Thích khách Nhiếp Ẩn Nương” chính là một thử thách về độ kiên nhẫn. Nhưng ngay cả đã xem những “Bi tình thành thị” (The City of Sadness), “Thiên Hi Mạn Ba” (Millenium Mambo) hay “Tối hảo Đích Thời Quang” (Three Times) thì khán giả cũng vẫn bị choáng váng bởi tiết tấu chậm rãi đến kinh ngạc của bộ phim.

Lối chuyển cảnh theo kiểu chương hồi, cách triển khai nội dung theo kiểu mỗi khuôn hình là một câu chuyện khiến cho bộ phim bỗng trở nên xa lạ với hai từ “võ hiệp”. Nó ít nhiều gợi nhớ dến “Đông Tà Tây Độc” của Vương Gia Vệ, mượn chuyện võ để tả tình, dùng ý cảnh để biểu đạt nhân sinh. Có lẽ không nên xếp “Thích khách Nhiếp Ẩn Nương” vào bất kỳ một dòng phim cụ thể nào, hãy chỉ coi nó đơn giản là một tác phẩm điện ảnh của Hầu Hiếu Hiền mà thôi.

Không như những gì công chúng vẫn hình dung trước đó, kịch bản của “Thích khách Nhiếp Ẩn Nương” không sao chép từ câu chuyện truyền kỳ trong dân gian, cũng khác hẳn những gì nhà văn Lương Vũ Sinh viết trong bộ “Đại Đường du hiệp ký”. Đạo diễn Hầu Hiếu Hiền chỉ dàn dựng một đoạn cố sự ngắn về quãng thời gian Nhiếp Ẩn Nương mới xuất đạo, phải lựa chọn giữa việc giữ gìn một trái tim đa cảm hay toàn tâm toàn ý trở thành nữ sát thủ máu lạnh đệ nhất giang hồ.

Sự hoàn hảo tuyệt vời

Nội dung đơn giản, sử dụng cách kể chuyện bằng hình ảnh thay cho lời thoại, “Thích khách Nhiếp Ẩn Nương” như dẫn dắt người xem vào thế giới nội tâm thầm kín của các nhân vật chính. Đạo diễn Hầu Hiếu Hiền thực sự là một “phù thủy” cao tay ấn với kiểu dùng ánh sáng huyền ảo kết hợp với góc máy từ sau tấm rèm che mỏng tang để diễn tả sự phức tạp trong gia đình Điền Quý An. Bên cạnh đó là những khuôn hình tĩnh với cảnh thiên nhiên tiêu sái của đất trời sang thu đẹp mê hồn. Gần như toàn bộ phần ngoại cảnh được thực hiện ở tỉnh Hồ Bắc và sa mạc Nội Mông (Trung Quốc), nơi đạo diễn Hầu Hiếu Hiền đã bị “ngất ngây trước những cánh rừng phong và hồ nước bảng lảng sương khói, như một bức tranh thủy mặc vậy”. 


Việc quay hoàn toàn bằng phim 35mm đã giúp bộ phim có được tông màu hết sức chân thực mang đúng hơi hướng cổ điển, cộng thêm việc xử lý điểm nhấn bằng những gam nổi bật như đỏ, đen, xanh dương trên trang phục giữa đất trời cô liêu đã khiến cho phần hình ảnh trở nên hoàn hảo trong mắt khán giả. Bên cạnh đó, phần âm thanh hoàn toàn sử dụng các nhạc cụ cổ điển như đàn tranh, đàn cầm càng mang đến bầu không khí u nhã cho bộ phim, chưa kể những tiếng trống điểm xuyết vang vọng trong canh khuya như thôi thúc, như giục giã nội tâm con người. Không có bất kỳ sơ suất nào ở khâu dàn dựng, mọi thứ đều hoàn hảo đến tuyệt vời.

“Con cưng” Thư Kỳ: Thích khách lạnh lùng hay đa cảm

Nếu như vẫn phải xếp “Thích khách Nhiếp Ẩn Nương” vào dòng võ hiệp thì Hầu Hiếu Hiền đã làm nó trở nên khác biệt hoàn toàn với những phim võ hiệp đầu tay của Trương Nghệ Mưu, Trần Khải Ca, Phùng Tiểu Cương hay Lý An. Hay nói khác đi, ông đã dung hòa kiểu cách rất riêng của mình vào thể loại phim này một cách tự nhiên nhất. Những màn đấu võ ngắn ngủi trong “Thích khách Nhiếp Ẩn Nương” (và cả màn nhảy múa trong hậu cung của Điền Quý An) chỉ như những nét “động” chấm phá trên cái “tĩnh” tổng thể của cả bộ phim hay trong từng khuôn hình.

Và cũng để nhắc nhở khán giả rằng, Nhiếp Ẩn Nương không hào hứng với việc giết chóc, chỉ là nàng đã được huấn luyện để thực hiện nó một cách hiệu quả nhất mà thôi. Những màn đấu võ này không bắt mắt và lãng mạn như trong “Anh hùng”, không đậm đà chất thơ như trong “Ngọa Hổ Tàng Long”, chỉ đảm bảo đúng hai yếu tố quan trọng nhất là nhanh và chân thực, nhưng vậy là đủ.

Với Hầu Hiếu Hiền, Thư Kỳ gần như là diễn viên “con cưng” của ông và ngôi sao xinh đẹp đã thể hiện được đúng những gì đạo diễn trông đợi: võ nghệ xuất chúng, nội tâm phức tạp, trái tim đa cảm bên trong lớp vỏ ngoài lạnh lùng của một thích khách. Bên cạnh cô là một Trương Chấn luôn lịch lãm cả khi chiến đấu, chơi đùa, ca múa, thượng triều. Anh cũng là “người quen” của Hầu Hiếu Hiền và đã diễn xuất rất ăn ý với Thư Kỳ trong một bộ phim do đạo diễn người Đài Loan dàn dựng đúng 10 năm trước: “Tối hảo Đích Thời Quang”.

Không dành cho đám đông và không thỏa hiệp với mục đích giải trí, “Thích khách Nhiếp Ẩn Nương” đòi hỏi ở khán giả thái độ thưởng thức nghiêm túc, tinh thần cởi mở để tiếp thu sự khác biệt cũng như mức độ “nhạy bén” với phẩm chất nghệ thuật của bộ phim. Và đạo diễn Hầu Hiếu Hiền cũng tiếp tục chứng tỏ cho thiên hạ thấy ông thực sự là một trong những tài năng độc đáo nhất của nền điện ảnh Hoa ngữ đương đại.

“Thích khách Nhiếp Ẩn Nương” đã được lựa chọn đại diện cho Đài Loan tranh tài Oscar 2016 ở hạng mục Phim nói tiếng nước ngoài xuất sắc nhất.

“Thích khách Nhiếp Ẩn Nương” chính thức công chiếu tại Việt Nam từ ngày 25/9.

Bài: Hoàng Cương

Ảnh: The Green Media cung cấp

logo 


From the same category