“Thì tương lai” của điện ảnh: Nhà nhà là phim trường... - Tạp chí Đẹp

“Thì tương lai” của điện ảnh: Nhà nhà là phim trường…

Giải Trí

Tương lai là ngày mai, là 5 năm, 10 năm, 20 hoặc 100 năm nữa. Ai cũng biết tương lai… ở đó, nhưng phác thảo về nó, không hề đơn giản. Bởi song hành cùng những háo hức, thú vị về tương lai, người ta không tránh khỏi  trăn trở.

Nhưng tại sao cứ phải nghĩ về tương lai? Vì có lẽ A.Einstein nói đúng: “Đôi khi tưởng tượng còn quan trọng hơn cả hiểu biết” (Imagination is more important than knowledge). Chính sự tưởng tượng sẽ tạo nên tương lai!

Đó là lý do, đầu năm mới, Đẹp mời bạn đọc cùng du hành trên những chuyến tàu đến tương lai.

Một cảnh trong phim “Her”

Từ những bộ phim “Gia Cát Dự”

Vào tháng 4 năm 1968, khi đạo diễn Stanley Kubrick tung ra tác phẩm khoa học giả tưởng “2001: A Space Odyssey”, không phải ai cũng thấy ngay giá trị đích thực của bộ phim. Đó là thiên sử thi về quá trình tiến hóa và là cuộc hành trình vĩ đại của con người ngoài không gian hướng tới Mộc tinh. Nhưng thời gian qua đi, cả thế giới phải công nhận, đây là tuyệt phẩm điện ảnh của nhân loại. “2001: A Space Odyssey” có tác động, truyền cảm hứng cực lớn cho cả một thế hệ đạo diễn trẻ thời bấy giờ, trong đó có Steven Spielberg, George Lucas…

Rất nhiều bộ phim khoa học giả tưởng sau này chịu ảnh hưởng không nhỏ, cả về mặt kỹ thuật lẫn phong cách, từ “2001: A Space Odyssey”. Có thể kể đến “Alien”, “Blade Runner”, “Close Encounters of the Third Kind”. Tuy nhiên, điều quan trọng nhất mà tuyệt phẩm của đạo diễn Stanley Kubrick mang lại không phải chỉ có vậy, bộ phim đã dự đoán được một số việc trong tương lai. Rất nhiều chi tiết, ứng dụng, kỹ thuật, thậm chí cả ý tưởng sau này đã được hiện thực hóa. Chẳng hạn, chiếc máy tính bảng xuất hiện trong phim, được hãng Apple phát triển thành Ipad. Ngoài ra, hình tượng nhân vật robot HAL cũng ảnh hưởng tới cả cách quân đội Mỹ sử dụng các robot không người lái trong các chiến dịch chống khủng bố ngày nay. Cứ đà này, trong tương lai, một cuộc chiến giữa con người và robot sẽ thực sự xảy ra chứ không chỉ trên phim ảnh như “The Terminator”, “I, Robot”.

Phim “I, Robot”

Cũng thuộc thể loại khoa học giả tưởng, nhưng ra đời muộn hơn, “Blade Runner” (1982) của đạo diễn Ridley Scott và “Minority Report” (2002) của đạo diễn Steven Spielberg tiên đoán khá chính xác về tương lai, đặc biệt là về mặt công nghệ. Rất nhiều kỹ thuật mà cả hai bộ phim đề cập đến đã được ứng dụng vào đời sống hàng ngày như xe ô tô không người lái, nhận diện khuôn mặt, màn hình cảm biến… Ngay cả cách gọi video trực tiếp trong “Blade Runner” chẳng phải đã được hiện thực hóa bằng phần mềm Skype chúng ta vẫn dùng hàng ngày sao.

Một trong những bộ phim khác tiên đoán về tương lai, cụ thể là tương lai truyền thông và cuộc sống con người, là “The Truman Show”. Vào năm 1998, khái niệm truyền hình thực tế còn chưa được nhiều người biết tới. “The Truman Show” đã tiên đoán truyền hình thực tế chính là tương lai của ngành truyền hình. Và quả thực, hiện reality show tuy không còn là điều gì quá mới mẻ nhưng vẫn rất hút khách. Trước “The Truman Show”, “The Running Man” cũng đã đề cập tới chương trình truyền hình thực tế theo một cách vô cùng bạo lực. Quả thực, Hollywood chẳng gì là không nghĩ tới và chẳng gì là không dám làm. Ngay đến cả tổng thống họ cũng cho chết queo, hay tham nhũng bán nước (trong series “24”) chứ nói gì đến dân thường.

Còn rất nhiều tác phẩm khác nữa đã đi trước thời đại đến cả mấy chục năm. Điều đó cho thấy khả năng tưởng tượng, tầm nhìn của các nhà làm phim xa đến mức nào.

“The Truman Show”

… đến thì tương lai của điện ảnh

Từ thuở hai anh em nhà Lumière phát minh ra chiếc máy quay, cho ra đời những thước phim đầu tiên vào năm 1895 khiến người xem… sợ hãi tột độ, cho đến nay điện ảnh đã có những bước tiến dài, thậm chí làm được những điều không tưởng. Trải qua những năm tháng phát triển như vũ bão của nhiều thể loại phim, đến nay, công nghệ, kỹ nghệ làm phim đã đạt tới đỉnh cao. Mấy chục năm trước, khó hình dung một ngày kỹ xảo có thể thay vai trò của diễn viên. Công nghệ 3D, 4D, màn hình IMAX dần đạt tới chất lượng của phim nhựa, thậm chí vượt qua về sự tiện dụng. Ở mảng phim hoạt hình, như chúng ta đều biết, thể loại vẽ tay 2D truyền thống gần như đã chết. Thay vào đó, hoạt hình 3D vẽ trên máy tính đang làm bá chủ thị trường. Tương lai của điện ảnh là vô hạn, nhưng điều này chỉ đúng thuần túy trên phương diện kỹ thuật, công nghệ, còn những thứ cơ bản nhất của điện ảnh sẽ tuyệt đối không thể thay đổi. Đó là cách kể chuyện, cách tạo cảm xúc thực sự bằng hình ảnh, âm nhạc.

Ngày nay, con người ta càng ngày càng phụ thuộc vào công nghệ. Ăn cũng smartphone, cà phê cũng máy tính bảng, ngay cả đến việc giải quyết “nỗi buồn” cũng phải check facebook. Gần đây, bộ phim “Her” của đạo diễn tài năng Spike Jonze nói về sự cô đơn, lạc lõng của con người trong thế giới công nghệ rất đáng chú ý. Nhân vật Theodore (do Joaquin Phoenix đóng) sau khi li dị lâm vào khủng hoảng trầm trọng. Cho đến một ngày, anh tìm được phần mềm OS1 – hệ điều hành thông minh nhân tạo đầu tiên trên thế giới. Phần mềm đó mang tới cho anh cô nàng Samantha ảo trong hệ điều hành. Theodore ít giao tiếp với những người xung quanh, dần dần chỉ làm bạn với cô nàng Samantha ảo. Bộ phim của Spike cảnh báo về một tương lai, con người thậm chí ngày càng không cần đến một “con người khác”.

“George Melies”

Vậy khi ấy, có thể, các nhà làm phim lẫn các nhà phát hành sẽ mở rộng thị trường với rạp chiếu tại gia. Điện ảnh có thể sẽ về đến từng nhà. Thậm chí, điện ảnh có thể tạo ra những bộ phim mà ở đó khán giả có thể tương tác trực tiếp với nhân vật ảo, khung hình ảnh, bối cảnh ảo, để thấy mình như đang tham gia vào một phần câu chuyện. Khi ấy, mọi khán giả đều có thể trở thành diễn viên, trong câu chuyện của chính mình. Không biết, khi đó phim sẽ là 5D, 6D hay 10D nữa.

“Điện ảnh có thể sẽ về đến từng nhà. Khi ấy, những khán giả ‘bảo thủ’ muốn có không khí ngoài rạp chiếu hiện thời, có thể sẽ phải kéo hết vào… trại dưỡng lão”.
Tương lai, con người sẽ béo ú, ù lì vì ít di chuyển. Như thế, đồng nghĩa sẽ có một thế giới không tiếng động, với những con đường ít bụi, ít xe cộ va nhau vào mỗi cuối tuần. Các trung tâm thương mại thậm chí sẽ nghỉ vào ngày lễ, chỉ có các nhà phát hành phim phải tăng nhân sự vì phải phục vụ từng khách hàng, thay vì một phòng chiếu với cả trăm khán giả hiện nay. Lúc đó, những khán giả “bảo thủ” muốn có không khí ngoài rạp chiếu hiện thời, có thể sẽ phải kéo hết vào… trại dưỡng lão. Khi mọi thứ đều quy về yếu tố “cá nhân” hơn, điện ảnh cũng phải giải bài toán trải nghiệm tại rạp. Kỹ thuật làm phim sẽ phải thay đổi hàng ngày. Công nghệ hình ảnh nổi của 3D sẽ sớm lạc hậu. Cảm giác được lắc lư, ngửi thấy mùi, hắt nước, xịt khói của công nghệ 4D cũng nhanh gây nhàm chán. Và tốc độ ghi 24 hình/giây, rồi 48 hình/giây (như trong series “The Hobbit” của đạo diễn Peter Jackson) cũng sớm bị lỗi thời. Các nhà làm phim tiến tới công nghệ quay 120 hình/giây (hiện dự án UFOTOG đang thực hiện).

Tương lai, các rạp hát và rạp chiếu phim không chỉ có dưới mặt đất mà đi xa hơn lên không gian, dưới ánh sáng của những vì sao. Biết đâu, mỗi khán giả sẽ tự tạo cho chính mình một bộ phim vì công nghệ là thứ thừa mứa ở 10–20 năm nữa. Nhưng đối với những người có suy nghĩ tiêu cực, điện ảnh có khi chẳng còn tồn tại trong 10-20 năm nữa vì có thể trái đất không chìm trong biển nước cũng lâm vào thảm họa môi trường toàn cầu như trong “The Day After Tomorrow” (2012).

Biết đâu, biết đâu đấy…

Vì điện ảnh vốn đã là một giấc mơ mà. Nhưng dù mơ đến những vì sao hay chìm trong biển nước thì vốn dĩ đều do chính con người. Song cũng cần phải chia sẻ rằng, giấc mơ nào thì tương lai ấy!   


Bài: Hoàng Phương

logo

Thực hiện: depweb

30/12/2014, 15:41