Thị trường vàng: Vì sao rối loạn? - Tạp chí Đẹp

Thị trường vàng: Vì sao rối loạn?

Tin Tức


Nghị định 24 của Chính phủ về quản lý hoạt động kinh doanh vàng, chương V về quản lý Nhà nước đối với hoạt động kinh doanh vàng, điều 16 về trách nhiệm của NHNN, Chính phủ cũng đã giao cho NHNN các công cụ để can thiệp, bình ổn thị trường vàng. Cụ thể là xuất nhập khẩu vàng, tổ chức sản xuất vàng miếng, mua bán vàng trên thị trường và tổ chức huy động vàng theo quy định.

Tuy nhiên thời gian qua, giá vàng trong nước luôn chênh trên 3 triệu đồng/lượng so với vàng thế giới, thậm chí trong những ngày gần đây, còn chênh tới 4 triệu đồng/lượng.  Bên cạnh đó, những bất ổn và rối loạn của thị trường vàng lại tiếp tục bộc lộ, từ việc vàng các thương hiệu khác bị mất giá so với vàng SJC, vàng giả vàng nhái xuất hiện nhiều hơn, người dân gặp khó khăn hơn trong việc phải chuyển đổi sang vàng miếng SJC…

Như vậy có nghĩa là những biện pháp quản lý để ổn định thị trường vàng trong thời gian vừa qua không đạt được hiệu quả. Trong buổi trả lời chất vấn trước Quốc hội ngày 12-11-2012 Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cũng thể hiện quan điểm “không nhất thiết phải bình ổn giá vàng” và “liên thông giá vàng là vấn đề chúng ta không đặt ra”. Thực tế thị trường vàng đang hết sức rối loạn. Nguyên nhân là do đâu? Phóng viên Báo An ninh Thủ đô cuối tuần đã có cuộc trao đổi với chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh.

– Thưa ông, trong kỳ họp Quốc hội vừa qua, người đứng đầu NHNN tuyên bố không có sự liên thông giữa vàng trong nước và thế giới? Như thế có phải là mâu thuẫn với Nghị định 24/CP?

– Quan điểm của Ngân hàng Nhà nước đã công bố rõ ràng,  không liên thông vàng trong nước và vàng thế giới cũng như không nhập khẩu vàng thì giá chênh là chuyện bình thường. Còn việc có mâu thuẫn giữa nghị định của Chính phủ và phát biểu của người đứng đầu NHNN hay không đó là việc của cơ quan quản lý. Còn trên thị trường nếu các biện pháp quản lý tốt thì thị trường sẽ vận hành tốt, còn ngược lại nếu NHNN đưa ra những biện pháp không phù hợp với thị trường thì thị trường sẽ tự đi tìm cách đi của nó.

– Quan điểm của ông như thế nào về chính sách cấm nhập khẩu vàng của NHNN?

– Từ lúc NHNN lựa chọn SJC, lúc đó quan điểm của NHNN là vàng là tiền, vì vậy chọn một thương hiệu để thống nhất một loại tiền. Bước tiếp theo là loại tiền đó phải trao đổi, mua bán, tích lũy được. Nhưng lại ngắt đi đoạn thanh toán, thước đo giá trị thì nó chỉ còn là tài sản dự trữ. Việt Nam không làm ra vàng được mà vàng phải nhập khẩu, vậy phải liên thông với quốc tế. Tóm lại toàn bộ một chuỗi đó phải gắn với nhau mà lại ngắt đi đoạn đầu chỉ còn mỗi SJC là vàng thương hiệu, trong khi toàn bộ khối đi sau là làm sao cho nó vận hành thì mình lại không làm. Không những thế, chúng ta có đảm bảo là không ai nhập, không ai xuất được không. Đã nhiều lần việc cấm nhập khẩu vàng được đặt ra  nhưng lại xuất hiện tình trạng nhập lậu. Và kết cục là kẻ nào nhập lậu được thì cười tươi.

– Mặc dù mới đi vào thực hiện NĐ 24 được 5 tháng nhưng thị trường vàng đã có nhiều rối loạn. Đâu là nguyên nhân thực trạng này, thưa ông?

– Bất cập không phải do NĐ 24 mà bất cập do cách NHNN thực hiện nghị định đó. Tức là NHNH chỉ thực hiện một mẩu trong Nghị định đó thôi trong khi toàn bộ Nghị định phải xuyên suốt. Khi đưa ra Nghị định, NHNN không đưa ra quy đổi từ vàng phi SJC sang vàng SJC nên bản thân đội SJC cũng làm giá để đẩy giá lên, đội phi SJC cũng làm giá để đẩy giá xuống. Lợi ích của bên làm ra vàng phi SJC và bên làm ra vàng SJC xung đột nhau nên mới thành sự rối loạn trên thị trường như thế. Mà NHNN thì dường như đang cố ý tạo ra sự rối loạn ấy. Một thời gian dài vàng phi SJC, vàng móp méo không biết quy đổi thế nào họ cũng mặc kệ. Và giờ giá vàng trong nước chênh với thế giới vì NHNN thích làm như thế, chứ hoàn toàn có thể xóa bỏ được cái đó. Không những thế, việc cấm không cho các ngân hàng Nhà nước, NHTM huy động vàng, lùi hết thời hạn này sang thời hạn khác.  Một loạt động tác vừa rồi cho thấy bản thân NHNN chủ động nuôi dưỡng sự rối loạn đó.

– Ông có cho rằng thị trường vàng bị chi phối bởi “lợi ích nhóm”?

– Trong sự rối loạn đó, chắc chắn ai đó kiếm lợi. Tôi cho rằng việc thị trường vàng rối loạn như hiện nay là hệ quả tất yếu của việc người ta bỏ mặc, mặc kệ thị trường, không muốn quản lý thì đúng hơn.

– Một động thái mới của NHNN là dự định đánh thuế tiêu thụ đặc biệt vào vàng. Ý kiến của ông về động thái này như thế nào?

– Thuế là gì, là công cụ để điều tiết thị trường và công cụ thu ngân sách. Nhưng trong tình trạng NHNN đang mặc kệ thị trường như hiện nay thì công cụ điều tiết thị trường là vô nghĩa. Chỉ còn mỗi một cái là để thu ngân sách. Thu ngân sách cũng chưa chắc đã làm được vì toàn bộ hoạt động trên thị trường vàng không kiểm soát được, người ta vẫn làm loạn lên thì đánh thuế kiểu gì.

– Một diễn biến khác, hãng tin tài chính Bloomberg mới đây cho biết, giá vàng thế giới có thể lập kỷ lục trên 2.000 USD/oz vào năm 2013 khi các ngân hàng trung ương đẩy mạnh chính sách nới lỏng tiền tệ để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế. Nếu điều này xảy ra, dự báo giá vàng trong nước có thể lên gần 54 triệu đồng/lượng. Ông có bình luận gì về thông tin này?

– Giá vàng không thể dự báo được. Từ trước đến nay đã có rất nhiều dự báo được đưa ra hầu hết đều sai. Chỉ tình cờ mới có dự báo nào đúng. Và thực tế cũng có dự báo dựa trên một động cơ nào đấy phù hợp với lợi ích của họ. Vì vậy chỉ là thông tin để tham khảo.

– Vậy theo ông, giá vàng trong thời gian tới sẽ diễn biến như thế nào?

– Từ cuối năm 2011 người ta đã dự báo chuyện giá vàng tăng nhưng thực tế 2012 giá vàng không biến động quá lớn. Những yếu tố tác động lớn nhất đến giá vàng cuối năm 2012 và đầu năm 2013 là liên quan đến lạm phát toàn cầu. Mặc dù Chính phủ nhiều nước đã có gói hỗ trợ nhưng chưa nhìn thấy lạm phát toàn cầu giảm. Lạm phát toàn cầu sẽ khiến vàng là nơi trú ẩn an toàn. Thứ hai là suy thoái kinh tế. Hiện nay ở châu Âu đang suy thoái và tiến tới đây là Mỹ. Khi Mỹ và châu Âu suy thoái sẽ khiến kinh tế toàn cầu suy thoái, khiến người ta sẽ rút vốn đầu tư vào kênh mà người ta cho là an toàn, vàng có thể là lựa chọn. Thứ 3 là mối liên quan giữa đồng đô la Mỹ và vàng, liên quan tới việc Mỹ xử lý vách đá tài chính của họ. Nếu kinh tế Mỹ  đi xuống sẽ khiến kinh tế toàn cầu đi xuống và lúc đó giá vàng sẽ lên. Có thể nói  năm 2013 có nhiều yếu tố đan xen tác động giá vàng theo hướng đi lên nhưng nó đi lên đến mức độ nào thì không thể phán đoán được. Bên cạnh đó, vàng thế giới hiện nay tập trung nhiều nhất ở các ngân hàng Trung ương nhưng các ngân hàng Trung ương cũng không có động thái nào cho thấy họ sẽ mua vàng hay bán vàng ra. Thứ hai là những quỹ đầu tư vàng cũng chưa có động thái rõ rệt mua vào hay bán ra. Vì vậy chưa có gì cho thấy vàng sẽ lên cao.

– Chân thành cảm ơn ông.

(Theo ANTĐ)

Thực hiện: depweb

25/11/2012, 22:36