Trong khi đó vẫn còn nhiều đơn vị đang chờ tới lượt được cấp giấy phép cung cấp dịch vụ. Nhiều vấn đề nảy sinh đã khiến các nhà quy hoạch hệ thống THTT gặp khó khăn trong việc tìm hướng đi…
Bài 1: Cũng đủ các “chiêu” hút khách
Theo thống kê của Bộ TT&TT, hiện tại có hơn 50 đơn vị cung cấp dịch vụ THTT. Tuy nhiên, số khách hàng tập trung vào các nhà cung cấp lớn là Công ty TNHH một thành viên Truyền hình cáp Việt Nam (VCTV), Công ty Truyền hình cáp Saigontourist (SCTV), Công ty cổ phần Dịch vụ Truyền thanh – Truyền hình Hà Nội BTS, Tổng Công ty Truyền thông Đa phương tiện Việt Nam (VTC) và 2 nhà cung cấp dịch vụ đầy triển vọng sẽ trở thành các đối thủ nặng kí là Công ty cổ phần Nghe nhìn Toàn cầu (AVG) và Tập đoàn Viễn thông quân đội Viettel, trong đó AVG đã chính thức tham gia thị trường THTT từ đầu năm 2012. Mỗi nhà cung cấp đều có những thế mạnh riêng và họ luôn gia tăng chiêu trò để thu hút khách hàng, lấn át đối thủ. Chẳng hạn như VCTV thuộc Đài Truyền hình Việt Nam, ngay từ khi xuất hiện với thế mạnh hạ tầng và sản xuất nội dung hùng hậu đã trở thành một trong những nhà cung cấp truyền hình trả tiền hàng đầu tại Việt Nam trong lĩnh vực truyền hình cáp (CATV). Nhưng VCTV vẫn không ngừng gia tăng các chiến lược cạnh tranh. Đầu tiên, họ liên doanh với nhà cung cấp dịch vụ nước ngoài Canal+overseas cho ra đời Công ty truyền hình số vệ tinh K+ với “quân bài tẩy” là độc quyền cung cấp các giải bóng đá quốc tế đang được nhiều khán giả Việt Nam hâm mộ, trong đó đặc biệt là các trận đấu “Super Sunday” hấp dẫn nhất của bóng đá ngoại hạng Anh được truyền vào tối chủ nhật các tuần. Gần đây nhất, ngày 10.7 vừa qua, thương hiệu là VCTV đã trở thành Công ty TNHH một thành viên Truyền hình cáp Việt Nam, một động thái được cho là để đa dạng hoá các loại hình dịch vụ nhằm gia tăng sự cạnh tranh với các đối thủ nặng kí đã và sẽ tham gia thị trường THTT.
Trung tâm giám sát truyền dẫn của AVG
Đối thủ chính của VCTV về loại hình CATV tại thị trường Hà Nội là Công ty BTS. Là một trong những nhà cung cấp dịch vụ TH cáp đầu tiên tại Hà Nội, nhưng BTS có một thời kì bị lép vế hẳn so với VCTV. Để nâng cao tính cạnh tranh, BTS cũng gia tăng đáng kể số kênh truyền hình trong nước và nước ngoài, cung cấp các gói kênh chất lượng cao SD và cả HD trên đường cable của mình. Nếu như hồi khai trương (tháng 4.2002) Truyền hình Cáp Hà Nội chỉ có 5 kênh chương trình và 7 kênh nước ngoài, đến nay BTS đã sản xuất và phát sóng 65 kênh chương trình Analog và hơn 80 Kênh chương trình truyền hình số SD/HD với các nhóm Kênh trong nước và nước ngoài. Đặc biệt, để nâng cao cạnh tranh, năm 2010 BTS đã lên chiến lược số hoá các gói chương trình, đầu tiên là đầu tư hệ thống Headend Digital (trung tâm truyền dẫn số), cải tạo & nâng cấp thiết bị trên mạng truyền dẫn và đã chính thức cung cấp dịch vụ truyền hình số Digital vào ngày 1.1.2010.
Trong khi đó, một loại hình THTT đang rất được ưa chuộng là truyền hình số vệ tinh (DTH-Direct To Home) mà VTC là đơn vị đầu tiên nghiên cứu và đưa vào Việt Nam. Công nghệ truyền dẫn DTH với ưu điểm bất chấp các điều kiện địa lí và chất lượng rất cao của các kênh truyền hình số đã đem lại ưu thế tuyệt đối cho VTC trong một giai đoạn nhất định. Thế mạnh của VTC là các gói kênh truyền hình số chất lượng cao trong và ngoài nước. Sau khi có thêm 2 đơn vị khác là VTV và AVG tham gia thị trường DTH, VTC đã gia tăng các thế mạnh về công nghệ và nội dung để cạnh tranh quyết liệt. Một trong những “chiêu trò” nổi đình đám của VTC là trở thành đơn vị đầu tiên tại Việt Nam cung cấp ra thị trường những gói kênh độ nét cao. Hiện VTC đã chính thức cung cấp 5 gói kênh truyền hình HD và SD, phát sóng đầy đủ 30 kênh truyền hình độ nét cao (HD) và 70 kênh truyền hình độ nét tiêu chuẩn (SD). Việc độc quyền tự cung cấp thiết bị đầu cuối cho khách hàng trong một thời gian cũng đã đem lại sức mạnh cạnh tranh đáng kể cho VTC.
Tuy nhiên, nói tới truyền hình số vệ tinh hiện nay tại Việt Nam, không thể không nói tới AVG, một “đối trọng” mới của VTC và VTV, mặc dù mới tham gia thị trường THTT nhưng đã hứa hẹn sẽ trở thành một địch thủ đáng gờm. Nhà cung cấp dịch vụ này đã xây dựng một Trung tâm giám sát truyền dẫn thuộc loại hiện đại nhất Đông Nam Á và sử dụng chuẩn phát DVB-T2 tiên tiến so với chuẩn DVB-T mà hiện nay một số nhà cung cấp dịch vụ đang sử dụng. Ngoài sử dụng công nghệ cao để “đè đối thủ”, AVG còn gia tăng cạnh tranh để đối phó với các đối thủ khác bằng những gói kênh truyền hình chất lượng cao với giá hợp lí để “chiêu dụ” khách hàng. Ở thời điểm hiện tại, các gói dịch vụ chất lượng cao nhất của K+ và VTC bán kèm thiết bị có giá khoảng trên dưới 5 triệu đồng, nhưng gói cước tương tự của AVG chỉ khoảng gần 2 triệu đồng (bao gồm cả thiết bị). Ngoài việc tung ra các gói dịch vụ giá rẻ, AVG còn trực tiếp hoặc liên kết sản xuất nội dung với các chương trình giải trí khá hấp dẫn để thu hút khách hàng…
Sự cạnh tranh quyết liệt của các nhà cung cấp dịch vụ THTT cũng có những yếu tố tích cực nhất định khi khách hàng được gia tăng cơ hội lựa chọn các gói dịch vụ thích hợp và được tiếp cận với công nghệ cao trong lĩnh vực truyền hình. Tuy nhiên việc cạnh tranh ồ ạt cũng dẫn tới những hệ luỵ khó lường như vấn đề bản quyền các chương trình TH, chất lượng các chương trình và sự lãng phí khủng khiếp về hạ tầng. Trên thực tế, tuy số lượng kênh của các gói dịch vụ TH trả tiền của các nhà cung cấp có khác nhau nhưng các kênh được coi là cơ bản hầu như giống nhau. Ví dụ nhà cung cấp nào cũng có các kênh cơ bản của VTV, VTC, các kênh địa phương, các kênh giải trí, thể thao, thiếu nhi, kênh khoa học của nước ngoài… Vì vậy sự cạnh tranh để thu hút khách hàng chủ yếu là cuộc đua về chất lượng, công nghệ, dịch vụ chăm sóc khách hàng và thậm chí cả giá thiết bị đầu cuối. Theo đánh giá của nhiều chuyên gia trong và ngoài nước, trong cuộc đua này sớm hay muộn cũng sẽ có những nhà cung cấp yếu thế phải rời khỏi cuộc chơi với thiệt hại khó lường. Tuy nhiên, hiện tại thị trường THTT vẫn được đánh giá là đầy tiềm năng nên có không ít nhà cung cấp dịch vụ vẫn đang chờ đến lượt nhận giấy phép.
(Còn tiếp)
Theo BaoVanhoa