Thị trường hàng không: Ngày càng khó cho tư nhân

Trong một báo cáo mới đây gửi Bộ Giao thông vận tải, Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) nêu rằng, thị trường hàng không nội địa đang diễn ra cuộc cạnh tranh rất khốc liệt và lần đầu tiên trong nhiều năm, thị trường nội địa không có tăng trưởng-trong bối cảnh đó, các hãng hàng không đều rất khó khăn, ngay cả Vietnam Airlines-ông lớn chiếm thị phần lớn nhất hiện nay.

Sự kiện mới nhất trong lĩnh vực hàng không- hãng hàng không tư nhân Air Mekong tuyên bố sẽ tạm ngừng bay từ 28.2. Thời hạn ngừng bay chưa rõ ràng và người ta cố ý tránh nói đến ngày bay trở lại của hãng hàng không này nhưng khả năng cất cánh sớm trở lại với hãng hàng không này thực sự là mịt mờ. Trụ được đến thời điểm này đã là một cố gắng lớn của ban điều hành hãng hàng không Air Mekong.

Như vậy, kể từ năm 2007, kể từ khi hãng hàng không tư nhân đầu tiên được cấp phép là Indochina Airlines, đã có nhiều hãng hàng không phá sản: Indochina Airlines, Trãi Thiên. Hãng bay Blue Sky cũng không còn được nhắc tới. Giờ chỉ còn hi vọng ở hãng hàng không VietJet Air.

Đã có nhiều nguyên nhân được đưa ra, lý giải vì sao các hãng hàng không không có vốn của nhà nước lại không phát triển được, không những thế, đua nhau thua lỗ, phá sản. Có người cho rằng, các hãng bị thua lỗ, phá sản là do chưa có sự chuẩn bị kỹ càng, chưa có nghiên cứu thị trường, năng lực cả về tài chính, kỹ thuật yếu kém…. Có người giải thích là do các hãng hàng không  điều kiện tài chính, năng lực còn yếu như vậy lại ra đời trong bối cảnh thị trường hàng không bên ngoài và trong nước rất khó khăn do ảnh hưởng của suy thoái kinh tế, giá nhiên liệu tăng cao trong khi tăng trưởng của thị trường hàng không lại giảm do đó, không tránh khỏi bị thua lỗ.

Những người am hiểu ngành hàng không đều có chung một nhận định, kinh doanh hàng không là một lĩnh vực đặc thù, không dễ gì thành công nếu không hội tụ đủ các điều kiện về tài chính, nhân lực, kỹ thuật…

Ông Lại Xuân Thanh, Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam nói rằng, không chỉ riêng Việt Nam mà trên thế giới, khi mở ra một hãng hàng không, một nhà đầu tư cũng phải cầm chắc lỗ ít nhất 2-3 năm.

Các hãng hàng không tư nhân Việt Nam, ví dụ như Air Mekong thực ra cũng đã có sự chuẩn bị cho khả năng thua lỗ cao trong những năm đầu ấy nhưng cũng không ngờ mức thua lỗ vượt xa dự tính. Bởi tình hình thị trường khó khăn, giá nhiên liệu bay…cao hơn nhiều dự tính ban đầu của các hãng này. Cho nên, không chỉ các hãng hàng không tư nhân, Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) trong 2 năm trở lại đây cũng lao đao.

Theo tin từ Vietnam Airlines, năm nay, hãng hàng không chiếm thị phần lớn nhất Việt Nam này (68%)  sẽ phải tính đến việc hoãn nhận thêm các máy bay đặt hàng theo kế hoạch để tránh tình trạng dư thừa máy bay (mà hiện nay cũng đã xảy ra).

Hãng này cũng đã phải giảm mạnh số phi công thuê do tiền lương trả cũng là vấn đề lớn: có lúc hãng này có 390 phi công nước ngoài, năm 2012 đã giảm còn 300 phi công và năm 2013, theo ông Phạm Ngọc Minh, Tổng giám đốc Vietnam Airlines, hãng này sẽ giảm số phi công nước ngoài còn 250 người. Không chỉ có thế, Vietnam Airlines cũng đã phải cắt giảm nhiều hoạt động khác như tạm ngừng hoạt động đường bay thẳng đi Anh và giảm tần suất bay đến một số nước khác như Singapore, Trung Quốc…

Riêng năm 2012, hãng này đã giảm 390 chuyến bay trên một số đường bay 2 chiều  quốc tế. Còn trên tổng mạng, hãng này đã cắt giảm 3.600 giờ bay sau khi phải sắp xếp 3060 chuyến bay 2 chiều. Lợi nhuận của cả hãng hàng không lớn như vậy cả năm 2012 chưa đầy 70 tỷ đồng, chỉ tăng vẻn vẹn 1,5% so với kế hoạch dự kiến.

Sự khó khăn của một số hãng hàng không tư nhân còn do những tính toán, bước đi sai lầm. Ví dụ như Air Mekong, theo Cục Hàng không Việt Nam, sự thất bại trong kinh doanh của hãng này còn do chiến lược dùng máy bay không hợp lý nên hãng này đã buộc phải trả lại bay, tạm ngừng bay để cải tổ. Các hãng khác cũng chỉ tập trung khai thác bay mà không khai thác các dịch vụ khác. Theo các chuyên gia hàng không, nếu chỉ thuần túy  bay thì rất ít hãng hàng không nào có lãi.

 

Nhưng một lý do không được Cục Hàng không Việt Nam nói đến là các hãng hàng không tư nhân Việt Nam hiện nay rõ ràng đang vô cùng khó khăn trong cuộc cạnh tranh không cân sức với Vietnam Airlines. Trong khi Vietnam Airlines được độc quyền một số dịch vụ mặt đất, dịch vụ cảng sân bay, độc quyền về cung cấp nhiên liệu bay thì các hãng hàng không khác không được quyền khai thác các dịch vụ này, phải trả giá phí rất cao và trong những thời điểm cần thiết, theo như phản ánh của một số hãng, bị phân biệt đối xử khi các dịch vụ này được ưu tiên cho các tàu bay của Vietnam Airlines. Ông Lại Xuân Thanh, Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam cũng thừa nhận giá dịch vụ sân bay còn cao nên sắp tới sẽ phải giảm tiếp một số dịch vụ. Nhưng quá trình này chắc cũng còn dài.

Trong hoạt động kinh doanh, các hãng hàng không tư nhân cũng rất khó khăn trong việc  “đấu” với Vietnam Airlines về các chương trình khuyến mại do tiềm lực tài chính Vietnam Airlines hiện vẫn mạnh hơn hẳn các doanh nghiệp còn lại. Đại diện một hãng hàng không tư than thở: “Ví dụ như mình đưa ra chương trình bay một tặng một thì họ đưa ra chính sách: mua một tặng ba (vé)…thì mình thua chắc luôn. Thực tế luôn diễn ra như vậy”.

Tuy nhiên, không phải tất cả các hàng hãng không tư nhân đều bị thua lỗ. Duy nhất có hãng hàng không VietJet Air tuyên bố mức lợi nhuận thực hiện của Vietjet Air năm 2012 vượt 11% so với kế hoạch. Doanh thu bán hàng của hãng này năm 2012 đạt 1.526.280 triệu đồng, đạt trên 20% so với kế hoạch, nộp thuế được hơn 286 tỷ đồng. Hệ số sử dụng ghế của hãng bay này đạt khá cao: 87,4%. Hãng này hiện đã chiếm 7,9% thị phần hàng không nội địa, riêng đường bay trục Hà Nội-TP Hồ Chí Minh đạt thị phần 21,89%.

Như vậy, không phải là hãng hàng không nào cũng thất bại. Nếu một hãng hàng không tư mới hơn 1 năm hoạt động như VietJet Air mà làm ăn có lãi thì điều đó cho thấy, hi vọng trụ vững và phát triển với các hãng hàng không khác vẫn có nếu có những sự chuẩn bị kỹ và có bước đi phát triển phù hợp. Nhưng để hỗ trợ, tạo điều kiện cho các hãng hàng không tư nhân sống được, nhà nước cần phải tạo thuận lợi hơn nữa để tạo ra một môi trường cạnh tranh bình đẳng cho các hãng hàng không khác, đặc biệt là hạn chế tình trạng độc quyền của Vietnam Airlines. Cụ thể như các dịch vụ vận chuyển mặt đất, cung ứng nhiên liệu bay…

Năm 2012, việc để cho Vietnam Airlines được nắm quyền sở hữu chính từ Jestar Pacific thực sự là một bước lùi trong việc tạo lập một môi trường cạnh tranh trong lĩnh vực hàng không khi trước đó, đã từng có đề nghị tách Vietnam Airlines ra làm hai tổng công ty: một ở Hà Nội, một ở Thành phố Hồ Chí Minh, đẩy nhanh tiến trình cổ phần hóa tổng công ty này…để hạn chế tình trạng độc quyền của Vietnam Airlines, tạo thuận lợi cho các hãng hàng không tư nhân vươn lên.

Một điểm đáng chú ý là trong khi các hãng hàng không trong nước cạnh tranh gay gắt với nhau thì việc khai thác đường bay quốc tế lại đang bị mất dần vào tay các hãng hàng không nước ngoài. Theo Vietnam Airlines,  trên các đường bay quốc tế của hãng này, đã xuất hiện nhiều đối thủ mạnh, đầu tư khai thác, nhất là các đường bay đi châu Âu.

Tại khu vực Đông Bắc Á cũng xuất hiện hàng loạt các hãng hàng không giá rẻ tham gia cung ứng buộc các hãng hàng không truyền thống trong đó có Vietnam Airlines phải hạ giá  để đối phó. Lượng khách bay trên các đường bay quốc tế dự kiến tăng trưởng 15% trong năm 2013 và thị trường nội địa Việt Nam được Cục Hàng không Việt Nam dự báo còn trầm lắng trong năm nay, dự kiến chỉ tăng nhẹ khoảng 4% nhưng các hãng hàng không trong nước vẫn chỉ quyết liệt cạnh tranh, khai thác miếng bánh trên thị trường nội địa là điều thật đáng tiếc.

Theo Tuanvietnam

From the same category