Thi trung học phổ thông: “Không nên tham khảo quá nhiều loại sách”

Mối lo “chạy thành tích”

Trả lời băn khoăn của độc giả về khả năng các cụm thi sẽ nới lỏng thi cử, có xu hướng tháo khoán để nâng thành tích địa phương, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Vinh Hiển cho biết, Bộ đã tính đến vấn đề này.


Thí sinh làm thủ tục nhận phòng thi tại Đại học Ngoại Thương. (Ảnh: Xuân Mai/Vietnam+)

Cụ thể, trước khi phân bố các cụm thi, Bộ đã tiến hành các thao tác phân tích kỹ thuật về điểm số của kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông và thi tuyển sinh đại học các năm gần đây và nhận thấy phổ điểm được phân bố tự nhiên, cho thấy ít có tiêu cực.

“Trong lịch sử có lúc thi tốt nghiệp chưa nghiêm, nhưng những năm gần đây đã nghiêm túc hơn. Dư luận vẫn đánh giá kỳ thi tuyển sinh đại học nghiêm túc hơn nên Bộ đã giao cho các trường đại học chủ trì. Với các cụm do các sở giáo dục chủ trì vẫn có sự phối hợp của các trường đại học” – ông Hiển nói.

Về vấn đề này, ông Trần Văn Nghĩa, Cục phó Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng, Bộ Giáo dục và Đào tạo, cũng cho biết, với các cụm thi, Bộ đã cân nhắc kỹ trước khi chọn trường để giao nhiệm vụ chủ trì. Những trường ở tỉnh xa, Bộ bố trí thêm sự phối hợp của các trường đại học từ các thành phố lớn như Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh. “Bên cạnh đó còn có lực lượng thanh tra, kiểm tra” – ông Nghĩa nói.

Cũng liên quan đến cụm thi, nhiều ý kiến lo ngại việc các địa phương khó có thể đáp ứng được nhu cầu ăn, ở cho số lượng thí sinh lớn. Cục trưởng Trần Văn Nghĩa khẳng định, trước khi bố trí cụm thi, Bộ đã thực hiện khảo sát từng địa phương xem nơi đó có đủ kiều kiện tổ chức thi, bảo đảm ăn, ở cho thí sinh và phụ huynh hay không.

Thông tin cụ thể hơn về công tác chuẩn bị của các cụm thi, ông Hoàng Minh Sơn, Phó hiệu trưởng Đại học Bách khoa cho biết, các đơn vị được giao chủ trì cụm thi đều đã có dự tính. “Đại học Bách khoa được giao chủ trì cụm thi dự kiến cho 22.000 thí sinh. Chúng tôi có ký túc xá đảm bảo khoảng 3.000 chỗ ở. Đại học Bách khoa cũng sẽ liên hệ với các trường khác để mở rộng hơn chỗ trọ cho các em” – ông Sơn cho biết.

Cũng theo ông Sơn, không chỉ về chỗ ở, trường cũng tiến hành “đặt hàng” các trường về điểm thi, khảo sát đội ngũ giảng viên, sinh viên có thể tham gia hoạt động coi thi, chấm thi…

“Tôi tin tưởng các trường sẽ thực hiện tốt vai trò của mình,” ông Sơn nói.

Thí sinh nhận cơm trưa miễn phí trong kỳ thi đại học (Ảnh: Vietnam+)

Sẽ sớm ban hành đề thi mẫu

Một trong những vấn đề được rất nhiều độc giả đặt câu hỏi với lãnh đạo ngành giáo dục là đề thi và ôn thi trung học phổ thông quốc gia như thế nào.

Ông Trần Văn Nghĩa khẳng định, nội dung thi nằm trong chương trình trung học phổ thông, chủ yếu ở lớp 12.

Về cơ cấu, đề gồm hai nhóm câu hỏi. Nhóm câu hỏi thứ nhất để đánh giá tốt nghiệp trung học cơ sở, có tính đến hệ giáo dục thường xuyên, học sinh trung bình cũng có thể đạt tốt nghiệp. Nhóm câu hỏi thứ hai mang tính phân hóa, tương tự như các câu hỏi phân hóa trong đề thi đại học các năm trước, để xét tuyển những thí sinh đủ năng lực vào các trường đại học.

Về hướng ra đề, đề thi tiếp tục ra theo hướng mở như mọi năm, không đặt nặng vấn đề học thuộc mà chú ý đến việc hiểu vấn đề và vận dụng kiến thức của thí sinh.

“Thí sinh có thể tham khảo đề thi tốt nghiệp trung học phổ thông và tuyển sinh đại học các năm trước, nhất là năm 2014” – ông Nghĩa nói.

Trả lời thêm về vấn đề này, Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển cho rằng thí sinh không nên quá lo lắng. “Nếu có ví dụ về đề thi thì chính là đề của năm trước. Tuy nhiên, theo yêu cầu của thí sinh, Bộ sẽ có đề minh họa cho từng môn và công bố công khai cho thí sinh biết” – ông Hiển nói.

Cũng theo Thứ trưởng Hiển, với nội dung câu hỏi trong chương trình phổ thông, thí sinh không nên tham khảo quá nhiều loại sách. “Nếu con tôi dự thi, tôi sẽ khuyên con chỉ cần dùng sách giáo khoa với sự hướng dẫn của giáo viên và tinh thần tự học. Sách tham khảo chỉ dẫn đi dẫn lại, biến tấu chút cho khác nhau, nhiều sách chất lượng không tốt” – ông Hiển nói.

Theo: Phạm Mai/Vietnamplus


From the same category