Thí sinh mang máy ghi âm, ghi hình vào phòng thi: Mất nhiều hơn được - Tạp chí Đẹp

Thí sinh mang máy ghi âm, ghi hình vào phòng thi: Mất nhiều hơn được

Tin Tức

Lúng túng

Trước quy định về máy ghi âm, ghi hình được và không được đưa vào phòng thi, các trường có nhiều cách ứng phó khác nhau.

Giáo dục đạo đức mới là biện pháp căn cơ nhất


Nhiệm vụ chính của TS là tập trung thi cử. Việc Bộ GD-ĐT mở ra quy định này làm nhen nhóm ý định quay phim, ghi âm… của TS trong phòng thi, làm phân tâm sự tập trung của chính các em (tham gia quay) và của những TS khác. Mặt khác, quy định này có thể tạo ra kẽ hở cho TS gian lận, quay cóp thông qua chính những thiết bị quay đó. Rõ ràng, biện pháp trên không ổn tí nào và đã thể hiện sự bất lực trong quản lý giáo dục! Việc giám sát, phát hiện tiêu cực trong thi cử là nhiệm vụ của những người tổ chức thi và giám sát, chứ không phải của TS.


Theo tôi, giải pháp gốc rễ, căn cơ nhất chính là giáo dục về mặt đạo đức cho học sinh, để các em tự cảm thấy xấu hổ khi có hành vi quay cóp. Còn việc quay lại là khi đã xảy ra hành vi gian lận trong thi cử rồi, tức là chỉ xử lý phần ngọn mà thôi.” (Thạc sĩ NGUYỄN HOÀNG KHẮC HIẾU – giảng viên Khoa Tâm lý – Giáo dục ĐH Sư phạm TP.HCM)

PV

Tiến sĩ Nguyễn Thanh Nam – Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Bách khoa TP.HCM, dứt khoát: “Trường chỉ cho phép TS mang vào phòng thi các vật dụng phục vụ cho việc làm bài thi như bút viết, máy tính, gôm… theo đúng quy chế. Đối với các thiết bị ghi âm, ghi hình nếu giám thị (GT) không chắc thì không cho mang vào phòng thi”. Hội đồng tuyển sinh ĐH Hoa Sen quyết định nghiêm cấm tất cả các máy hình, máy quay có màn hình, máy ghi âm có thể nghe lại được. Nếu nghi vấn, trường buộc phải gọi đến bộ phận tuyển sinh thường trực của Bộ GD-ĐT để xin ý kiến. Tương tự, thạc sĩ Tạ Quang Lâm – Trưởng phòng Đào tạo ĐH Sư phạm TP.HCM, khẳng định: “Trên nguyên tắc trường làm theo quy định của Bộ. Nhưng khi vào phòng thi, trường chỉ cho TS mang giấy, bút, máy tính… Còn nếu phát hiện đưa vào trong phòng thi máy ghi âm, ghi hình thì sẽ có hướng xử lý cụ thể”.

Những trường cho phép TS mang thiết bị vào theo quy định thì cũng hết sức lúng túng, mỗi trường mỗi cách. ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM đến chiều hôm qua tập huấn lại cho điểm trưởng và thư ký, giám sát về quy chế mới; hôm nay sẽ tập huấn tiếp tục cho GT. Nhà trường sẽ dán tại các điểm thi một số hình ảnh mẫu thiết bị ghi âm, ghi hình được mang vào phòng thi. Thạc sĩ Cổ Tấn Anh Vũ – Trưởng phòng Đào tạo ĐH Giao thông vận tải TP.HCM, cho hay: “Trường vẫn thực hiện theo thông tư hướng dẫn, tuy nhiên còn tùy vào tình hình thực tế các loại thiết bị TS mang theo để xử lý”.

Bên cạnh đó cũng có rất nhiều trường đến giờ này vẫn không biết làm thế nào cho đúng.
Tiến sĩ Nguyễn Khắc Hùng – Phó hiệu trưởng ĐH Sài Gòn, cho biết đến chiều ngày 2.7, vẫn còn tranh cãi về điều này nên trường chưa thể đưa ra quyết định cuối cùng. Bà Lê Thị Thu Thủy – Trưởng phòng Đào tạo ĐH Ngoại thương, thật tình: “Trường cũng hướng dẫn GT về những vật dụng được mang vào phòng thi. Trong trường hợp TS mang theo các thiết bị ghi lại thông tin thì cũng chưa biết xử lý như thế nào”.

Nhiều tình huống khó lường

Ông Nguyễn Khắc Hùng tâm tư: “Lãnh đạo trường đã có văn bản gửi cho Bộ GD-ĐT có ý kiến chưa đồng tình với quy định này. Ngoài việc có nhiều điều phức tạp trong công tác coi thi, còn có thể xảy ra một trường hợp gian lận khác. Đó là TS mang loại máy ghi hình được phép sử dụng và quay (chụp) lại bài thi, sau đó đưa cho cán bộ chấm thi nhờ chấm điểm có lợi cho TS”.

Ông Đoàn Văn Vệ – Trưởng phòng Đào tạo ĐH Khoa học tự nhiên (ĐH Quốc gia Hà Nội), lo ngại: “Hiện nay GT đang rất hoang mang, họ yêu cầu phải có hướng dẫn chi tiết, nếu không sẽ không đi coi thi. Nếu TS mang vào phòng thi thiết bị được phép mà GT đình chỉ họ thì sẽ bị kiện. Còn nếu để xảy ra vi phạm thì GT lại bị kỷ luật”. Một băn khoăn khác là sẽ có quá nhiều tình huống phát sinh khôn lường. “Ví dụ nếu TS đứng lên quay có vi phạm quy chế không? Nếu TS quay hoặc chụp ảnh để mang bài thi về, đặc biệt là bài thi trắc nghiệm thì có bị xem là lộ đề không?”, ông Vệ đặt vấn đề.

 

Minh họa: DAD

Cũng lo ngại nhiều tình huống phức tạp khiến GT khó giải quyết, thạc sĩ Ngô Đức Tuấn – Trưởng phòng Đào tạo ĐH Luật TP.HCM, cho biết: “Đây cũng là công việc rất khó cho GT vì không dễ để phân biệt được loại nào có và không có chức năng chỉ ghi mà không phát. Đặc biệt, theo quy chế, GT không được mang theo máy tính xách tay vào phòng thi. Nếu chỉ nhìn bằng mắt thì làm sao có thể kiểm tra thiết bị có lưu trữ tài liệu hay không?”. Tiến sĩ Phan Ngọc Minh – Trưởng phòng Đào tạo ĐH Ngân hàng TP.HCM, cho rằng: “Các trường đều rất lúng túng trong việc xử lý này, đặc biệt lo ngại ảnh hưởng đến chất lượng làm bài của TS khác nếu sử dụng máy quay trong phòng thi. Trước mắt trường cứ làm theo đúng quy chế, tới đâu tính tới đó chứ hiện giờ còn rất mơ hồ”.

Mặc dù lãnh đạo các trường đều khẳng định TS có quyền ghi âm, ghi hình các hiện tượng tiêu cực nhưng phải đảm bảo không làm ảnh hưởng đến việc làm bài thi của TS khác. Thế nhưng không ai đảm bảo rằng các TS sẽ không bị phân tâm khi biết có người đang ghi hình từng động tác của mình. Chính vì vậy, tiến sĩ Phan Ngọc Minh đề xuất: “TS chỉ nên tập trung vào làm bài thi, còn tính nghiêm túc của kỳ thi, nếu muốn Bộ phải tăng cường công tác thanh tra giám sát”.

Ý kiến:

“Ngay như việc bỏ quên một cây viết cũng khiến TS mất tinh thần, huống chi chuyện có người đứng lên quay phim, chụp ảnh, tâm lý các em sẽ không tránh khỏi việc hoang mang, mất tập trung”. (Thạc sĩ HUỲNH CHỨC Phó hiệu trưởng ĐH Tài nguyên môi trường TP.HCM)

 “Ngay trong thời điểm hiện nay, vận dụng điều này sẽ gây rối cho cả GT và TS. Những GT non tay (có thể là sinh viên) khó lòng phản ứng nhanh khi xử lý vì chính bản thân họ cũng sợ mình không đúng và vi phạm quy chế”. (LÊ THỊ THÚY HỒNG – Hiệu phó Trường THPT Nguyễn Khuyến, GT của ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM)

 “Nên cấm TS đem máy quay, ghi âm vào phòng thi. Rủi phòng thi có những TS làm bài không được, cố tình quay để gây rối thì làm sao được. Nếu em bị quay phim, chắc chắn em sẽ gặp khó, ảnh hưởng tâm lý và làm bài không tốt”. (LÊ MINH SANG dự thi vào ngành quản trị khách sạn, ĐH Tài chính – Marketing)

 “Việc này không những làm phân tâm TS chú tâm làm tốt bài thi của mình mà coi như Bộ đã gián tiếp khuyến khích cho những TS thích “chơi nổi” có dịp quấy rối, nghịch phá những TS khác trong phòng thi”. (LÊ HỮU HÙNG dự thi vào Trường ĐH Bách khoa TP.HCM)

Theo Thanh Niên

Thực hiện: depweb

03/07/2012, 07:53