Thessaloniki huyền thoại - Tạp chí Đẹp

Thessaloniki huyền thoại

Sự Kiện

Kỳ 17

Con đường di sản văn hóa
Trong bao nhiêu cách để chọn điểm đến cho một cuộc du hành, Lã Hoa thích được đến thăm những di sản văn hóa. Con đường này đã đưa chị qua Melaka, La Habana, Riviera Maya, Roma, Paris, Barcelona, Bruges, Bath, London, Warszawa, Krakow, Berlin, Salzburg, Dresden, Praha… Càng đi càng thấy những cảm nhận mơ hồ trở nên rõ nét hơn, khi được tận mắt thấy con người đã phá hoại rồi khôi phục, nâng niu gìn giữ rồi rũ bỏ lịch sử bằng nhiều cách rất khác nhau ra sao. Những bài viết về hành trình trên con đường di sản văn hóa này chỉ là những câu chuyện nhỏ, nhưng có thể là những bài học lớn mà ở Việt Nam ngày càng có nhiều người quan tâm: Công cuộc bảo tồn và khôi phục những di sản văn hóa trên thế giới.

Sau những cuộc đấu trí cam go với người Do thái và trở về Corinthian, nhà truyền giáo quả cảm đã viết hai thư tín thăm hỏi và khích lệ đức tin cho hội thánh Cơ đốc giáo còn non trẻ ở đây. Cùng với sách Phúc âm Matthew, thư thứ nhất của Paul (sách 52 trong Kinh thánh – “1 Thessalonians”) là hai văn bản tiếng Hy Lạp đầu tiên của bộ sách có số lượng ấn bản và độc giả lớn nhất trong lịch sử. Gần hai nghìn năm sau, chúng tôi đã tới nơi này vào một chiều tháng Tám, khi mặt trời sắp rơi xuống biển. Từng lớp sóng xô trên mặt nước mát lành nhanh chóng làm nguội đi một ngày dài rong ruổi trên con đường xuyênlòng chảo nóng rang chạy qua biên giới với Cộng hòa Macedonia.

Thessaloniki

Khải hoàn môn Galerius và Rotunda

Nào nằm xuống nghỉ ngơi

“Xứ sở của những vị thần” chào đón khách bằng một bức tượng đấu sĩ đứng chơ vơ trong nắng trưa sau barrier biên giới với CH Macedonia. Quạt lấy quạt để mà mồ hôi vẫn đổ ròng ròng, chúng tôi kiên nhẫn chờ đợi làm thủ tục nhập cảnh trong một mảnh sân bỏng rát không một bóng cây. “Chúc quý vị có những ngày vui ở Hy Lạp”, viên sĩ quan xuất nhập cảnh nháy mắt cười chào. Cũng một nụ cười thân thiện như vậy trên gương mặt anh chủ minimart cách trạm gác không xa. Tiệm ế không khách mua, nhưng anh vẫn bình thản ngồi ghếch chân lên bàn nghe nhạc, mắt dán vào màn hình theo dõi tin tức, cá độ thì phải, và nhiệt tình chỉ đường dù chúng tôi không có ý mua gì cả, hành lý đã quá nặng nề rồi. Chờ một lát vẫn không thấy chiếc xe buýt nào chạy qua, anh phân trần bằng tiếng Anh pha tiếng Hy Lạp, nhưng cũng đủ để hiểu rằng xe buýt ở đây hay bỏ chuyến vì vắng khách, và chờ đấy anh sẽ lấy điện thoại gọi taxi cho. Taxi đường dài ở Hy Lạp đắt gấp ba giá ở Việt Nam, 25 euro cho một chặng chừng 17km đến tỉnh lỵ biên giới Florina. Sau đó là hơn hai tiếng đợi xe buýt để về Thessaloniki (hay còn gọi là Salonica),tưởng chừng dài vô tận. Tỉnh lỵ này thưa dân và im ắng quá, trời thì oi bức và dường như không có gì để chơi hay xem cả.

Thessaloniki

Thuyền buồm chở du khách chơi vịnh Thessaloniki

Trái với khung cảnh hoang vắng của những khu phố ngoại ô, Thessaloniki hiện ra với bờ biển dài và cầu tàu nhộn nhịp, cách trung tâm thành phố không xa. Cả du khách và dân địa phương đều đổ ra hóng gió trên những bệ xi măng xây thành hình những chiếc giường lớn hơi dốc nghiêng thoai thoải nom rất tiện lợi. “Dân Hy Lạp nằm ở nhà chưa đủ sao mà còn phải ra ngoài đường nằm thế này?”,vừa lẩm bẩm hết câu thì chiếc giường cuối cùng đã bị chiếm mất. Thế là cố gạt cơn mệt mỏi để thả bộ một vòng, ngắm ánh hoàng hôn mùa hè đang tắt rất chậm, tô mây trời thành một màu tím biếc, làm nền cho những chiếc du thuyền buồm kiểu cổ – những quán cà phê di động trên biển. Xa xa là dàn cần cẩu của những công trình mới bên kia bờ vịnh, một dấu hiệu khá đặc biệt so với nhiều thành phố Hy Lạp phát triển chậm chạp khác. Các quán ăn tiệm rượu chưa kịp lên đèn đã chật ních khách, tiếng nhạc đàn dây lanh lảnh đâu đây; vài cặp tình nhân hôn nhau vội vã, cảnh này đương nhiên là không thể thấy ở những vùng đất Hồi giáo vừa đi qua như Bosnia hay Kosovo. Trời càng tối, không khí càng náo nhiệt, vó ngựa chở du khách khua vội vã làm những vòng chót cuối ngày chạy về phía tòa Tháp Trắng cổ xây vào thời Ottoman lấp lánh bên bờ biển.

Thessaloniki

Dàn cần cẩu bên bờ vịnh Thessaloniki

Cảm giác rong chơi thư giãn kéo bước chân qua những con phố nhỏ để đi về quảng trường trung tâm. Những hàng cây tán rộng, những cửa sổ có ô văng được trang trí bằng những chậu hoa xinh xắn, cũ kỹ nhưng ngăn nắp. Xen giữa vài ngôi nhà cổ sót lại sau trận đại hỏa hoạn năm 1917 là những tòa nhà mới xây sau đó, phong cách đặc Pháp đầu thế kỷ 20. Thật thú vị khi biết rằng thành phố này cũng được kiến trúc sư tài ba Ernest Hébrard người Pháp lên phương án quy hoạch tổng thể. Trong những năm 1920, ông chính là người đã vẽ quy hoạch nhiều thành phố Đông Dương thời Pháp thuộc – Hà Nội, Hải Phòng, Nam Định, Huế, Đà Lạt, Đà Nẵng và Phnom Penh. Các tòa nhà nổi tiếng ở Hà Nội như tòa nhà chính của Đại học Đông Dương (nay là Đại học Quốc gia), Bảo tàng Viễn đông bác cổ (nay là Bảo tàng Lịch sử), Viện Pasteur, Nhà thờ Cửa Bắc, Sở Tài chính là những tác phẩm tuyệt đẹp của ông.

Thessaloniki

Nhà thờ Church of Hagia Sophia

Riêng ở Thessaloniki, sau trận hỏa hoạn năm ấy, Thủ tướng Hy Lạp đã ra lệnh cấm ngặt những xây cất cục bộ, chờ đến khi phương án của Hébrard hoàn tất mới cho xây dựng đồng loạt. Tác giả của bản quy hoạch đô thị Casablanca (Morocco) nhiều nét đời thường và Cung điện Hoàng gia Split (Croatia) lộng lẫy là người có phong cách cấp tiến và nhất quán. Nếu như trong quy hoạch Thessaloniki ông thẳng tay xóa bỏ những công trình mang phong cách Ottoman đậm nét Đông phương và chỉ giữ lại các kiến trúc Byzantine cùng những công trình mới mang phong cách Châu Âu, thì ở Hà Nội ông cũng “muốn thực hiện một quy hoạch như đã từng làm ở thành phố Rabat (Morocco). Ông đã xóa bỏ quy hoạch của Tòa Thị chính Hà Nội năm 1890 do nhân viên Sở Công chính lập, và quy hoạch năm 1902 của Sở Địa lý Đông Dương lập. Hébrard đã đưa ra những nguyên tắc đơn giản, nét chung của đô thị thuộc địa Pháp: quy hoạch theo vùng (zoning – một từ thời thượng được dùng từ những năm 1910), từ bỏ quy hoạch dễ dãi của bố cục ô bàn cờ mà ông cho là không có lợi vì ngăn cản việc nâng cao giá trị của những công trình lớn; trồng những hàng cây theo kiểu Pháp, tạo nên nơi dạo chơi và hóng mát quý giá, sắp xếp những công viên lớn và lối đi dạo theo kinh nghiệm của thành phố Rangoon”.*

Thessaloniki

Chợ trái cây trong trung tâm thành phố

Hà Nội qua một thế kỷ đã thay đổi nhiều, cũng như Thessaloniki từng bị tàn phá nặng nề trong Thế chiến II, chịu đựng  khủng hoảng kinh tế liên tiếp và nợ chính phủ triền miên, song may mắn là cả ở hai thành phố, đường nét bay bổng và không gian khoáng đạt rộng mở vẫn được lưu giữ ở khu trung tâm. Quảng trường Aristotelous với những tòa nhà đồ sộ bên những con đường thẳng tắp và những vườn hoa vuông vức có thể nói là một tuyệt tác của Ernest Hebrard. Nhờ tài năng của ông mà những tòa nhà không còn là gạch và bê tông nữa, mà thực sự trở thành những lá phổi phập phồng xua cơn nóng ngày hè hay khí lạnh mùa đông. Bỗng hiểu vì sao người ta có thể thư giãn nằm ngoài đường. “Nào nằm xuống nghỉ ngơi và nhấm nháp sơ ri chín mọng vừa mua ngoài chợ kia”, những vạt cỏ xanh rờn ở Thessaloniki mời chào thế đấy.

Thessaloniki

Tu viện Vlatades Monastery

Và nhắm mắt nghe quá khứ thức dậy

Bạn có thể nghĩ gì khi nằm êm đềm trên một bãi cỏ? Về tên gọi rất diệu vợi của thành phố này chăng? Thessaloniki vốn được ghép bằng hai từ tiếng Hy Lạp – có nghĩa là “người Thessaly” và “thắng lợi”, kỷ niệm chiến thắng bộ tộc Thessaly của Hoàng đế Philip Đệ nhị của xứ Macedonia, thân phụ của Alexander Đại đế. Tương truyền rằng khoảng ba thế kỷ rưỡi trước Công nguyên, sau chiến thắng này, vị hoàng đế đã đặt tên con gái mình là Thessalonice, sau bà là vợ của Cassander, người kế vị anh trai bà. Khoảng năm 315 TCN, Hoàng đế Cassander đã cho xây dựng một thành phố ở phía Tây bán đảo Chalkidiki (hình bàn tay ba ngón) và lấy tên vợ mình đặt cho nó. Dường như cả tính chiến đấu và yếu mềm của cái tên này đã làm nên số phận của Thessaloniki, khi nó phải trải qua nhiều cuộc bể dâu ròng rã bao thế kỷ. Hay có lẽ vì địa thế thuận lợi – cảng tự nhiên tốt nhất trên biển Aegean, mà sự phồn thịnh của nó cũng dẫn đến nhiều nguy cơ? Vào thời La Mã, Thessaloniki nằm ngay trên con đường danh tiếng Via Egnatia, một vị trí chiến lược cả về đường biển lẫn đường bộ, một trong những cửa ngõ thương mại của đế quốc La Mã. Vì thế mảnh đất duyên dáng lại trở thành miếng mồi ngon cho người Goth, người Slav, người Frank, người Venice và người Thổ.

Thessaloniki

Những mảng tường thành cổ City Wall

Song trước cả những cuộc giao tranh vì quyền lợi kinh tế, những trắc trở trên hành trình truyền giáo của sứ đồ Paul nửa đầu thế kỷ thứ Nhất cũng ghi những dòng sôi sục vào lịch sử trong và ngoài Cơ đốc giáo. Sau đó vào khoảng đầu thế kỷ thứ 4, hoàng đế Galerius đã tiến hành nhiều cuộc đàn áp các tín đồ Thiên chúa giáo, trước khi tạm ngưng tay – ngăn chặn cuộc bức hại đạo Thiên Chúa do Diocletianus khởi xướng và ban hành một sắc lệnh khoan dung vào năm 311. Dù sao thì vị hoàng đế này vẫn bị coi là kẻ thù lớn của người Thiên Chúa giáo, và ba công trình gắn liền với triều đại của ông – nằm trong cụm di sản văn hóa UNESCO từ năm 1988 – dù đẹp và quý giá vẫn không thể không gợi nỗi buồn.

Thessaloniki

Nội thất một nhà thờ chính thống giáo

Sáng hôm sau, chúng tôi đã đi qua ba di tích ấy trên con đường di sản vật thể ở Thessaloniki. So với cuộc dạo chơi chiều tối hôm trước, hành trình này nặng nhọc hơn gấp bội. Tôi ngồi dưới chân Khải hoàn môn Arch of Galerius và nhìn sang nhà thờ Rotunda, được vị hoàng đế khét tiếng cho xây gần cung điện của ông để tạo thành một quần thể nguy nga. Cung điện thì nay chỉ còn những mảnh nền, chân tường và vài cây cột không nguyên vẹn, chứ không như Rotunda tròn trĩnh nhưng long đong. Ban đầu Rotunta được chọn làm nơi an nghỉ của Galerius, nhưng rốt cuộc đã bị bỏ không sau khi ông qua đời, và biến thành nhà thờ Thiên Chúa giáo, rồi Hồi giáo, rồi lại Thiên Chúa giáo và nay thì trở thành một bảo tàng kiêm nhà thờ Chính thống giáo. Tháp chuông Hồi giáo vẫn không bị phá bỏ đứng cạnh Rotunda là hình ảnh của những giao thoa tôn giáo vô cùng rắc rối ở xứ này. Ánh nắng buổi sáng rọi xuống ba hàng cột còn lại của chiếc cổng chiến thắng vốn có tám cột, những mảng phù điêu tinh xảo óng lên một màu gạch non tuyệt mỹ. Thấy bình tâm trở lại, trước mắt tôi là những công trình văn hóa lớn của nhân loại. Dù được xây nên từ những hệ giá trị và đức tin hoàn toàn khác nhau, thậm chí dưới sự cai trị của bạo chúa, chúng vẫn tỏa ra ánh hào quang văn hóa. Kiến trúc, nghệ thuật, phong tục, lối sống – những gì thuộc về văn hóa luôn có giá trị trường tồn.

Thessaloniki

Rotunda – nhà thờ Thiên Chúa giáo với tháp thờ Hồi giáo

Không thể nhớ cặn kẽ 16 di sản UNESCO và nhiều di tích khác ở Thessaloniki trong một chuyến đi ngắn ngủi, chỉ thấy đọng lại cảm giác thanh thản. Nhớ những cụm hoa tươi tắn phía ngoài bức tường thành cổ, hay màu trời và biển sáng lóa hòa làm một khi nhìn từ trên cao xuống toàn cảnh thành phố. Khi viếng thăm tu viện Vlatades Monastery, một vài nhà thờ Chính thống giáo, như Church of Saint Catherine, được xây trong thời kỳ huy hoàng của Thessaloniki vào thế kỷ 13-14 và cả những công trình cổ hơn như tu viện Latomou Monastery (Osios David) thế kỷ thứ 4, hay Church of Hagia Sophia thế kỷ thứ 8, thấy từng giai đoạn lịch sử, dù đau thương và khốc liệt, đều ít nhiều để lại những kỷ vật quý giá. Có thể cảm nhận được thái độ bao dung với quá khứ trong bảo tàng khảo cổ hay bảo tàng Do thái, dù đâu đó trong sách vở hay truyền thông, nhiều người Hy Lạp gốc Do thái vẫn rất cay đắng khi nhắc đến những cuộc thanh trừng của phát xít chống lại dân Do thái ở đây vào Thế chiến II.

Thessaloniki

Vịnh Thessaloniki nhìn từ Thành cổ

Trong khi thả dốc trở lại trung tâm, thấy một tấm bảng nhỏ nhưng trang trọng: “Ngày 22/5/1963, một trang đen tối trong lịch sử Hy Lạp cận đại đã được viết nên”. Thì ra đúng nửa thế kỷ trước, ở ngay góc đường chúng tôi đang đứng, một nghị sĩ cánh tả, bác sĩ – giảng viên y khoa, nhà hoạt động vì hòa bình và vận động viên chạy điền kinh Grigoris Lambrakis vừa kết thúc một cuộc thuyết trình hòa bình bước ra đã bị hai kẻ giết thuê chạy xe ba bánh xông tới và đập gậy vào đầu “giữa thanh thiên bạch nhật”, và nghe nói trước sự chứng kiến của một số cảnh sát. Lambrakis cũng từng tham gia tích cực các cuộc biểu tình phản đối chiến tranh Việt Nam. Các thanh tra và thẩm phán dũng cảm đã tiến hành điều tra về vụ ám sát đội lốt tai nạn giao thông này, cả về sự cấu kết của chính phủ thân hữu với an ninh và tòa án, kết quả điều tra dẫn đến việc từ chức của thủ tướng Hy Lạp sau đó không lâu. Cái chết của Lambrakis đã dấy lên một làn sóng đấu tranh vì hòa bình và dân chủ, chống lại tệ tham nhũng và tình trạng phụ thuộc kinh tế tuyệt vọng của chính phủ vào sự trợ giúp quốc tế. Có thể nói Lễ hội chạy Marathon của Athens được tổ chức hàng năm để tưởng niệm ông là một di sản văn hóa cận đại của đất nước này.

Nửa đêm chờ xe buýt đi Sofia ở bến trung tâm, đang tranh thủ vào mạng tìm đọc những trang tư liệu về các di sản ở Thessaloniki thì bỗng giật mình vì những tiếng còi chát chúa. Hóa ra một bác bảo vệ có bộ mặt khá hiền lành đang chạy quanh, vừa cười rất tươi vừa thích thú thổi còi lùa khách ra ngoài sân để đóng cửa phòng chờ có máy lạnh và internet. Châu Âu mà, chẳng ai làm việc ban đêm cả. Nhưng có lẽ tiếng còi ấy đã lưu lại trong ký ức của chúng tôi về Thessaloniki một cách khác, rằng ở đây cũng như ở bất cứ đâu, quá khứ sẽ không ngủ yên, quá khứ sẽ bất ngờ bị đánh thức.

* Theo bài “KTS Ernest Hébrard” trên blog homeclick.vn

Kỳ sau: Mây mù trên mặt vịnh Kotor

 

Bài: Lã Hoa
Ảnh: Anh Anh

logo

Thực hiện: depweb

06/05/2014, 17:06