Vừa qua, nhân ngày Quốc tế Phụ nữ, Bộ Ngoại giao Việt Nam đã phối hợp với Trung tâm Nghiên cứu Dâu tằm tơ Trung ương (VIETSERI) và thương hiệu lụa DeSilk tổ chức sự kiện “Theo dấu tằm tơ”. Đây là dịp để tôn vinh các nữ cán bộ ngoại giao và tìm hiểu thêm về nghề ươm tơ dệt lụa truyền thống của Việt Nam.
Tham dự sự kiện có các nữ Đại sứ cấp cao, Trưởng đại diện các tổ chức quốc tế tại Việt Nam, Phu nhân Đại sứ, Phu nhân Lãnh đạo và các nữ cán bộ của Bộ Ngoại giao. Bà Lê Thị Thu Hằng, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao bày tỏ rằng đây là sự kiện giao lưu, gắn kết hết sức có ý nghĩa, qua đó giúp tăng cường đoàn kết và hợp tác của ASEAN (Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á) với quốc tế. Bà chia sẻ: “Tất cả chị em chúng ta ở đây, dù cán bộ ngoại giao hay các phu nhân ngoại giao, không chỉ đóng góp triển khai công tác đối ngoại, mà không kém phần quan trọng, chúng ta chính là cầu nối về văn hóa, lịch sử, góp phần gắn kết các quốc gia, dân tộc, và người dân”.
Bà Elisa Fernandez, Trưởng đại diện UN Women tại Việt Nam cũng đánh giá cao sự kiện này bởi bà cho rằng văn hóa có thể thúc đẩy sự phát triển của con người, đồng thời khiến các xã hội trở nên hòa nhập, kiên cường và bền vững hơn. Bà bày tỏ hy vọng rằng ngành sản xuất tơ lụa của Việt Nam sẽ tiếp tục mở đường cho bình đẳng giới và mang đến sự thịnh vượng.
Việt Nam có lịch sử nghề tơ lụa lâu đời với nhiều vùng trồng dâu nuôi tằm và dệt lụa nổi tiếng như Cổ Đô, Vạn Phúc (Hà Nội), Nha Xá (Hà Nam), Cổ Chất (Nam Định), Duy Duyên, Mã Châu (Quảng Nam), Tân Châu (An Giang),… Chính vì vậy, cho đến ngày nay cây dâu tằm và nghề dệt lụa vẫn có một vị trí hết sức đặc biệt trong đời sống văn hoá Việt và với bạn bè quốc tế.