Thêm nhiều biện pháp siết thị trường vàng - Tạp chí Đẹp

Thêm nhiều biện pháp siết thị trường vàng

Tin Tức

Đây là một trong những nội dung tại dự thảo thông tư hướng dẫn hoạt động mua bán vàng miếng trên thị trường trong nước vừa được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) công bố.

Vàng miếng loại nhỏ bị ép giá?

Không dư dả nhiều nhưng chị Hương (Q.Phú Nhuận, TP.HCM) có thói quen bảo toàn tài sản bằng vàng. Tuy nhiên, từ khi đọc thông tin tới đây chỉ có vàng miếng SJC loại 1 lượng mới được giao dịch, chị Hương cảm thấy khá lo lắng.

“Không có nhiều tiền nên tôi chỉ mua mỗi lần 1-2 chỉ, tới đây cần tiền phải bán ra không biết có bị các doanh nghiệp (DN) kinh doanh vàng ép giá?” – chị Hương nói. Đó cũng là tâm trạng của nhiều người cất giữ vàng miếng loại nhỏ. Nhiều người không rành rẽ về thị trường vàng, chỉ mua cất giữ hoặc mua bán hưởng chênh lệch cũng tỏ ra lo lắng.

Công ty SJC có đến bảy loại vàng miếng: 5 phân, 1 chỉ, 2 chỉ, 5 chỉ, 1 lượng, 10 lượng và loại 1 ký. Theo giá niêm yết tại Công ty SJC, giá mua – bán các loại vàng này ngang nhau, tuy nhiên thực tế thời gian qua, người mua vàng miếng loại nhỏ đã bị ép giá.

 

 Khách hàng giao dịch mua bán vàng tại Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) – Ảnh: Thanh Đạm

Theo đó, họ mua loại vàng miếng nhỏ với giá đắt hơn giá mua loại vàng miếng loại 1 lượng, nhưng khi bán phải chịu giá rẻ hơn.

Ông Trần Thanh Hải, tổng giám đốc Công ty Đầu tư và kinh doanh vàng VN (VGB), lý giải việc người dân phải mua vàng miếng loại nhỏ cao hơn giá vàng miếng loại 1 lượng do chi phí sản xuất cao hơn. Cùng là 1 lượng vàng, nhưng nếu sản xuất loại miếng 1 chỉ tiền công gấp nhiều lần so với sản xuất miếng vàng loại 1 lượng. Tương tự, khi mua miếng vàng nhỏ, DN thường bị chôn vốn lâu hơn, dẫn đến phải mua rẻ để trừ hao.

“Trên thực tế NHNN quy định loại vàng duy nhất sử dụng trong giao dịch là vàng miếng SJC loại 1 lượng là vì loại vàng miếng này chiếm đa số trên thị trường. Nhưng khi đưa thành điều khoản trong dự thảo vô hình trung làm ảnh hưởng đến quyền lợi của người sở hữu các miếng vàng nhỏ” – ông Hải nói.

Nhiều DN khác cho rằng tới đây NHNN sẽ là người mua bán cuối cùng trên thị trường vàng. Nếu NHNN không mua vàng miếng loại nhỏ, chắc chắn DN sẽ cân nhắc khi mua vào của người dân.

Doanh nghiệp lo ngại

Dù NHNN cho rằng các quy định của dự thảo thông tư là tạo cơ sở pháp lý triển khai các giải pháp bình ổn thị trường vàng, đưa giá vàng trong nước về sát giá vàng thế giới nhưng phía DN kinh doanh vàng lại tỏ ra lo ngại.

Tổng giám đốc một công ty đầu tư kinh doanh vàng cho rằng NHNN quy định mua bán giữa ngân hàng, DN và NHNN là theo hình thức giao ngay, tuy nhiên thời gian giao nhận lại kéo dài đến hai ngày làm việc làm ảnh hưởng rất lớn đến các DN kinh doanh vàng.

“Giá vàng biến động từng giây trong khi giao dịch kéo dài đến hai ngày, muốn mua DN cũng phải thực hiện trước hai ngày, tương tự với trường hợp bán. Muốn mua bán DN phải dự trù một khoản tiền mặt lớn. Như vậy giá vàng trong nước sẽ không bao giờ theo sát được giá vàng thế giới như mục tiêu mà NHNN đặt ra”, vị tổng giám đốc này nói.

Cũng theo các DN, dự thảo thông tư còn có nhiều điều khoản gây bất lợi cho DN, như DN đã có giấy phép kinh doanh mua bán vàng miếng còn phải nộp hồ sơ đăng ký thiết lập quan hệ giao dịch mua bán vàng miếng. Như vậy phải xin cấp phép đến hai lần.

Chưa kể NHNN quy định đăng ký mua bán với NHNN là cam kết không thể hủy bỏ của tổ chức tín dụng, DN, trừ khi NHNN có quy định khác. “Như vậy DN không thực hiện giao dịch thì mất tiền cọc nhưng ngược lại, vì một lý do nào đó NHNN không thực hiện giao dịch với DN thì thế nào?” – phó tổng giám đốc một công ty vàng nói.

Ông Đinh Nho Bảng, tổng thư ký kiêm phó chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh vàng VN, cho rằng mua bán vàng trên thị trường là quan hệ giữa DN và người dân, nhưng NHNN lại can thiệp quá sâu vào thị trường vàng. Trên thế giới không có quan điểm về tiêu chuẩn vàng quốc gia, NHNN cũng không trực tiếp mua bán, ấn định giá vàng mà chỉ lo về dự trữ ngoại hối, bao gồm vàng và ngoại tệ, trong đó vàng dự trữ là vàng theo tiêu chuẩn quốc tế đảm bảo thanh khoản rất cao.

Trong khi VN lại mua vàng tiêu chuẩn quốc tế dập ra vàng miếng SJC. Như vậy từ vàng quốc tế thanh khoản rất cao chuyển ra vàng chỉ có giá trị nội địa, trường hợp xuất ra nước ngoài cũng chỉ coi như vàng nguyên liệu.

“Giá vàng là do thị trường quyết định, VN cũng không sản xuất ra vàng, việc NHNN cho biết sẽ ấn định giá vàng cần làm rõ dựa trên căn cứ nào, có làm được hay không vì muốn làm được, NHNN cần có nguồn vàng rất lớn để bán ra hoặc mua vào khi thị trường cần” – ông Bảng nói.

Thêm nhiều ràng buộc

Theo dự thảo thông tư hướng dẫn hoạt động mua bán vàng miếng trên thị trường trong nước vừa được NHNN ban hành, DN và các tổ chức tín dụng có giấy phép kinh doanh mua bán vàng miếng muốn thực hiện mua bán trước hết phải nộp hồ sơ đăng ký thiết lập quan hệ giao dịch mua bán vàng miếng đến NHNN, cử người đại diện có đủ thầm quyền để quyết định và ký các văn bản trong giao dịch mua bán với NHNN. Trong trường hợp

đấu thầu tập trung, người đại diện này phải có mặt trực tiếp để tham gia mua bán. NHNN yêu cầu các bên tham gia mua bán đều phải đặt cọc. Giá trị đặt cọc được tính trên giá trị thanh toán mua bán vàng miếng theo tỉ lệ do NHNN quy định trong từng thời kỳ.

NHNN cũng quy định các đơn vị kinh doanh vàng miếng có trách nhiệm bảo đảm chất lượng, khối lượng vàng miếng và đảm bảo an toàn với vàng khi vận chuyển. NHNN sẽ ngừng giao dịch với bên bán nếu bán vàng không bảo đảm chất lượng, vi phạm quy định về đặt cọc, thanh toán, giao nhận không đúng thời hạn quy định ba lần… Thời gian ngừng giao dịch với những vi phạm này là sáu tháng. Tổ chức tín dụng, DN không được xem xét thiết lập lại quan hệ mua bán vàng miếng với NHNN trong thời hạn một năm kể từ khi bị hủy quan hệ giao dịch.

Theo Tuổi trẻ

Thực hiện: depweb

19/02/2013, 09:47