Thêm khó vì giá điện tăng

Nhưng phân tích của các chuyên gia cho thấy điều ngược lại, nhất là trong bối cảnh nền kinh tế đang có dấu hiệu giảm phát.



 

Khách hàng lo lắng khi ngành điện chốt chỉ số công tơ để bắt đầu tăng giá điện.  Ảnh: PV.

Thêm gánh nặng chi phí

Chịu tác động khá nặng nề và trực tiếp nhất của việc tăng giá điện là các doanh nghiệp ngành thép, phân bón, xi măng… Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam, ông Phạm Chí Cường không giấu được lo lắng, khi mà các DN sản xuất thép đang rất khó khăn vì tồn kho, nay lại thêm bồi thêm đòn tăng giá điện.

“Theo tính toán, giá điện hiện chiếm 6-7% giá thành sản xuất của các DN thép. Để làm ra 1 tấn thép phải sử dụng khoảng 600kWh. Với giá điện tăng 5% sẽ làm đội giá thành sản phẩm lên ít nhất 39.000 đồng/tấn. Tính bình quân một DN sản xuất 40.000 tấn thép/tháng thì riêng chi phí tiền điện tăng thêm 1,56 tỉ đồng/tháng. Giá điện tăng, chi phí đầu vào tăng nhưng các DN không thể tăng giá bán vì sức mua hiện nay gần như không có. Chính vì vậy DN sẽ càng gặp nhiều khó khăn hơn nữa do không biết lấy gì để bù đắp”- ông Cường nói.

Theo quản lý một nhà hàng lớn ở quận Đống Đa, trung bình mỗi ngày nhà hàng sử dụng hết khoảng 400 kWh điện. Như vậy, với mức tăng giá điện bình quân thêm 65 đồng/kWh, mỗi tháng riêng tiền điện nhà hàng phải trả tăng lên khoảng 780.000 đồng.

Còn theo lãnh đạo một DN hoạt động trong lĩnh vực lắp ráp động cơ, sản xuất phụ tùng, mỗi tháng DN này phải trả xấp xỉ 400 triệu đồng tiền điện, với việc tăng giá điện này của EVN, dù có bố trí sắp xếp lại sản xuất theo hướng tận dụng thời gian sản xuất vào giờ thấp điểm, chi phí tăng thêm của mỗi sản phẩm do tác động của giá điện bình quân khoảng gần 10%.

Còn tính tiền điện tăng thêm phải trả của DN cũng ở mức khoảng trên 23 triệu đồng/tháng.

Không chỉ DN, khá nhiều người dân cũng bày tỏ sự lo lắng của việc giá điện tăng. Dù chỉ tăng 5% nhưng giá điện sẽ kéo theo giá nhiều dịch vụ, sản phẩm khác tăng giá, tác động dây chuyền của nó là đáng sợ nhất.

Chị Bích Hoàn (Nguyễn Du, Hà Nội) cho biết, tháng 5 gia đình chị sử dụng hết 475 số điện, số tiền phải trả hơn 904.000 đồng. “Với việc giá điện tăng thêm 5%, số tiền gia đình tôi phải trả thêm mỗi tháng là 54.320 đồng, cao hơn nhiều so với mức tăng chi 38.950 đồng/tháng mà Bộ Công Thương tính toán.

Hơn nữa, là người làm trong lĩnh vực truyền thông tôi thấy việc đến 20 giờ tối thứ sáu ngày 29-6, Bộ Công Thương mới thông báo tăng giá điện, về mặt truyền thông sẽ giúp giảm sức ép dư luận cho ngành điện và cả ngành công thương rất nhiều. Tăng giá thế này chả khác gì … tăng trộm” – chị nói.


Chỉ có lợi cho EVN


Tăng giá điện khiến người dân, doanh nghiệp lo lắng (trong ảnh: nhân viên ngành điện chốt chỉ số công tơ từ 1-7). Ảnh: Trung Dũng.

Trao đổi với PV Tiền Phong, TS Vũ Đình Ánh, Viện Kinh tế – Tài chính, Bộ Tài chính phân tích, người ta thường cho rằng hệ quả của giá điện tăng sẽ kéo theo tác động tăng giá tới CPI nhưng quyết định tăng giá điện của Bộ Công Thương ngày 29-6 được thực hiện theo cách tư duy ngược lại.

“Ở đây mục tiêu của cơ quan quản lý là tăng giá điện. Người ta đang tư duy theo kiểu CPI thấp là nguyên nhân để tăng giá điện chứ không phải như mục tiêu trước đây là kìm chế CPI và do đó giá điện không tăng”– ông Ánh nói.

Các chuyên gia kinh tế cũng cho rằng, nếu chỉ vì chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 6 giảm 0,26% để cho phép EVN tăng giá bán điện thêm 5% là hoàn toàn không phù hợp ở thời điểm hiện nay.

Ngoài ra cũng cần lưu ý tới chính tính toán của Bộ Công Thương trước đây, khi cho phép giá điện tăng 6,8% sẽ kéo giảm 0,34% GDP, làm tăng chi phí của người dân 0,19-0,27%.

Theo ông Vũ Xuân Thuyên, chuyên viên cao cấp Bộ KH&ĐT, cần lưu ý đến ý kiến về việc điều chỉnh giá điện trong bối cảnh hiện nay. Việc tăng giá điện 5% chỉ mang lại lợi ích cho EVN là chính, vì EVN mua lại điện của các nhà đầu tư nhà máy nhiệt điện theo hợp đồng khoảng 4,95 cent/kWh (tương đương khoảng 1.054 đồng/kWh) nhưng khi tăng giá bán nhà đầu tư bán điện cho EVN chưa chắc đã được tăng giá bán.

“Cơ chế giá điện hiện nay đang chỉ làm lợi duy nhất cho EVN. Giá điện hiện nay mới là tăng giá điện bán lẻ mà chưa có cơ chế cho giá bán buôn”- ông nói

“Lỗ của ngành điện không phải do lỗi của người tiêu dùng nên không thể tăng giá bán để bù lỗ, trong khi lương ngành điện lại quá cao so với các ngành khác còn vất vả, độc hại hơn. Nếu bù lỗ cho cả những năm trước thì lại càng vô lý. Không thể tăng giá để bù lỗ cho những hoạt động quản lý yếu kém và để trả lương không hợp lý cho ngành điện. Muốn để người tiêu dùng có thể thông cảm với việc tăng giá điện thì mọi hoạt động của ngành điện cần được công khai, minh bạch hơn”

Ông Vương Ngọc Tuấn, Phó Chủ tịch
Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam

Ông Vương Ngọc Tuấn, Phó Chủ tịch Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam cho rằng chi phí tiền điện hiện chiếm một phần không nhỏ trong ngân quỹ của các gia đình hiện nay. Chỉ trong vòng 2 năm trở lại đây, giá điện đã bốn lần điều chỉnh.

Ngày 1-3-2010 giá điện bình quân tăng 6,8% so với năm 2009, ngày 1-3-2011 tăng thêm 15,58% so với năm 2010, từ 20-12-2011 giá điện tăng thêm 5% nữa và nay lại tăng thêm 5%.

Mức tăng theo thông báo là do chi phí đầu vào tăng so với giá điện bình quân nhưng giá điện bình quân cơ cấu tính giá thế nào thì người dân không được biết.

Còn theo ông Tuấn, cách lý giải về lý do tăng giá điện của Bộ Công Thương có nhiều điểm chưa thỏa đáng.

Ngành điện đề nghị tăng giá điện để lấy vốn đầu tư, bù đắp chi phí nhưng đây là lý do không hợp lý, vì muốn đầu tư, trước hết cần dùng vốn tự có, vốn tích lũy từ tiết kiệm hoặc vay ngân hàng chứ không thể tăng giá điện.

Còn tăng giá để bù lỗ của ngành điện cũng không chấp nhận được. Lỗ này có nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân do quản lý yếu kém, tổn thất quá lớn, do đầu tư ngoài ngành không hiệu quả.

29 nhà máy điện chào giá cạnh tranh

Theo thông báo của Bộ Công Thương, từ hôm nay, 1-7, thị trường điện cạnh tranh chính thức được vận hành. Có 29 nhà máy điện, với tổng công suất lắp đặt khoảng 9.035 MW, trực tiếp nộp bản chào giá với Cty Mua bán điện (EPTC) của EVN.

Trước đó, để chuẩn bị cho việc vận hành thị trường phát điện cạnh tranh, Bộ Công Thương đồng ý cho EVN ký hợp đồng mua điện của một số nhà máy điện với giá tăng 5% so với năm 2011.

Giá bán lẻ điện sinh hoạt bậc thang

Theo Thông tư số 17, từ 1-7, giá bán điện bình quân sẽ là 1.369 đồng/kWh (chưa bao gồm VAT), tăng 65 đồng/kWh so với giá bán điện bình quân hiện hành (1.304 đồng/kWh).

Giá bán điện sinh hoạt bậc thang 0 – 50 kWh cho hộ nghèo và thu nhập thấp vẫn giữ nguyên mức cũ là 993 đồng/kWh.

Giá bán lẻ điện bậc thang cho mục đích sinh hoạt áp dụng như sau: Cho kWh từ 0-100 là: 1.284 đồng/kWh; Từ 101-150 là: 1.457 đ/kWh; Từ 151-200 là: 1.843 đ/kWh; Từ 201-300 là: 1.997 đ/kWh; Từ 301-400 là: 2.137 đ/kWh; Từ 401 trở lên là: 2.192 đ/kWh

Theo TPOL

From the same category