"The Transporter Refueled" - Khi anh hùng bị mỹ nhân xoay như chong chóng - Tạp chí Đẹp

“The Transporter Refueled” – Khi anh hùng bị mỹ nhân xoay như chong chóng

Review

Năm 2002, tập đầu tiên của series phim “The Transporter” (Người vận chuyển) với Jason Statham đóng vai chính đã tạo được dấu ấn mạnh mẽ trong lòng công chúng, đủ sức đưa Jason và “Người vận chuyển” trở thành một thương hiệu của sự nam tính và dòng phim hành động – tốc độ. Thừa thắng xông lên, phần hai và phần ba vẫn tiếp tục được hưởng ứng, dù kịch bản có vẻ nhạt màu dần so với phần đầu.

Cũng vì vậy, quyết định dừng tham gia phần bốn của Jason đã để lại nhiều tiếc nuối với người xem – dẫu phải thừa nhận rằng đây là  một quyết định dũng cảm và thông minh. Bởi, chết danh trong một hình tượng là điều mà không một diễn viên chuyên nghiệp nào mong muốn. Đó là chưa kể, theo như chính Jason Statham trả lời trong một cuộc phỏng vấn: “Người ta yêu cầu tôi ký một hợp đồng đóng thêm 3 tập phim nữa mà thậm chí không có một kịch bản nào cho nó, và thù lao thì thấp không thể tin nổi. Vậy là tôi dừng đóng ‘The Transporter’”. 

Diễn viên chính dừng lại, nhưng “The Transporter” thì vẫn tiếp tục công việc của mình, bởi nhà sản xuất tin rằng đây vẫn là thương hiệu “hái ra tiền”. Thế là – người ta tuyển được một “người vận chuyển” mới toanh – đó là Ed Skrein, chàng tân binh trên mọi mặt trận. Và có lẽ, để chàng dễ dàng nhập vai hơn, “The Transporter 4” được làm mới hoàn toàn, trở thành “The Transporter Refueled” (tạm dịch: Người vận chuyển – Tái khởi đầu). 



Người vận chuyển mới toanh

Frank “mới”  là một anh chàng có quá khứ khá “hoành tráng”: Bố làm điệp viên về hưu, bản thân thì từng lái xe tải cho quân đội và có vẻ như đụng độ kha khá với xã hội ngầm. Ed Skriein nói về Frank: “Khi Frank ở trong quân đội, anh phải luôn tuân lệnh. Giờ thì anh là người ra luật. Trong quân ngũ, lúc nào anh cũng lấm lem, nên giờ anh ấy muốn giữ cho mình không tì vết. Vì thế anh khoác lên mình hình  ảnh sạch sẽ và thẳng thớm: đôi giày đen, đôi vớ đen, bộ vest Dior đen lịch lãm, áo sơ  mi trắng và cà vạt đen. Frank không cần phải nhấn mạnh vẻ nam tính của mình. Phong thái của anh được thể hiện trên bộ đồ, chiếc xe và hình bóng của anh. Mọi thứ đều phải đúng chức năng công việc!”. 

 Ed Skrein – “người vận chuyển” mới toanh

Dường như Frank “mới” có rất nhiều nguyên tắc. Ngoài nguyên tắc chung của “hiệp hội người vận chuyển” như: không thay đổi hợp đồng, không hỏi tên thân chủ, không mở gói hàng, không trễ giờ… thì anh còn quyết không xài súng (nhưng không từ chối bạo lực). Ở nguyên bản, nhờ sự nguyên tắc mà Frank Martin trở nên hấp dẫn và cực kỳ nam tính, thì với Frank thời đại mới, công việc có vẻ càng ngày càng khó khăn – bởi cả tá nguyên tắc của chàng cứ gãy đổ từ từ khi phải đối diện với “tập đoàn khách hàng” toàn là những mỹ nhân. Càng khổ sở hơn, khi ông bố điệp viên của Frank cứ liên tục bị bắt cóc – đến mức có lúc, người xem tưởng mình lạc vào một phiên bản khác của “Taken”



Khi “người vận chuyển” gặp phải hội phụ nữ rắc rối



Sự xuất hiện của ông bố đã thêm nhiều gia vị vào phim

“The Transporter Refueled” không được phản hồi tốt từ phòng vé, các nhà phê bình và các fan của series phim. Lý do lớn nhất là khán giả không chấp nhận được đây là một câu chuyện mới của một nhân vật mới và đừng có đem so sánh “Người vận chuyển” mới với Jason Statham (dù cả hai vẫn là Frank Martin trên màn ảnh). Chỉ cần “nuốt trôi” được hiện thực này, thì thực ra phim cũng đáng xem.

Những điểm cộng của “Người vận chuyển 4″

Đầu tiên, là câu chuyện trong “The Transporter Refueled” được xây dựng khá chỉn chu với nhiều tuyến nhân vật phức tạp. Chuyện kể rằng, ngày xửa ngày xưa, có một cô bé 12 tuổi bị bán cho tay trùm của đường dây gái gọi cao cấp. 15 năm sau, cô cùng với ba cô gái bán hoa khác quyết định huỷ diệt cả tổ chức vô nhân đạo này với một kế hoạch được xếp đặt tỉ mỉ. Nhưng kế hoạch chỉ có thể thành công nếu Frank đồng ý tham gia. Để Frank không gật đầu không được, các cô bắt cóc luôn ông bố quý báu của anh. Bốn cô gái không từ thủ đoạn, từ giết người cướp của, bắt cóc đến lừa gạt trai ngoan. Thế nhưng, khán giả chẳng vì thế mà không yêu thích họ. Các nữ nhân vật một phần có số phận quá đáng thương, phần khác, đến anh hùng như Frank còn không qua được “ải mỹ nhân” thì nói gì đến những người đàn ông bình thường ngồi trước màn ảnh?

Loan Chabanol –bóng hồng của phim là một mỹ nhân gốc Việt, với nét đẹp đan xen giữa sự gợi cảm và ngây thơ, gai góc và mong manh. Và Anna – tên nhân vật của Loan – sẽ khiến chúng ta hiểu cái gọi là “đàn bà dễ có mấy tay”!



Loan Chabanol – mỹ nhân gốc Việt



Anh hùng khó qua ải mỹ nhân

Tiếp theo, những màn hành động trong phim khá mãn nhãn. Đã là “người vận chuyển”, đương nhiên không thể thiếu những cảnh rượt đuổi, cắt đuôi, lao xe trên không ngoạn mục. Chiếc xe “tri kỷ” của Frank là Audi S8 mẫu 2012, trị giá khoảng 175.000USD, có khoảng 8 chiếc được dùng để quay phim và 2 chiếc đã “hi sinh” cho những cảnh cháy nổ phá hoại.



Những màn đánh đấm của Frank Martin trong phần 4

Cuối cùng, nếu Frank Martin của Ed Skrein vẫn còn chút cảm giác thiếu chín chắn và do vậy thiếu đi sức hấp dẫn trọn vẹn thì bố của anh – Frank Senior do Ray Stevenson thủ diễn sẽ bù đắp lại thiếu hụt đó. Tuy dễ bị bắt cóc nhưng Frank Senior quả là một quý ông đích thực: biết thương hoa tiếc ngọc, luôn lạc quan, sẵn sàng tận tưởng và… đẹp lão.

Tóm lại, đây là một bộ phim giải trí đáng xem.
Tuy Imdb chỉ chấm 4,7/10, Đẹp Online sẽ rộng tay hơn: 6,5/10.

 Bài: Hạ Chi

Ảnh: Lotte Cinema

logo

Thực hiện: depweb

08/09/2015, 20:18