Giải Kịch bản xuất sắc nhất tại Cannes 2024 đã đưa “The Substance” (tạm dịch: “Thần Dược”) trở thành một những bộ phim kinh dị đáng chú ý nhất năm. Tác phẩm không chỉ gây ấn tượng bởi cốt truyện độc đáo mà còn bởi câu hỏi được đặt ra:“Nhan sắc vĩnh cửu liệu có phải là một món quà?”.
Dưới bàn tay “nhào nặn” của đạo diễn tài hoa Coralie Fargeat, “The Substance” không chỉ gây ấn tượng bởi những thước phim đầy ám ảnh, mà còn là lời châm biếm sắc bén đến xót xa về cách những người phụ nữ bị biến thành những món đồ trang trí để thỏa mãn ánh nhìn của đàn ông trong ngành công nghiệp giải trí. Để có thể đứng vững, họ đã đặt ra những tiêu chuẩn khắc nghiệt về ngoại hình, buộc các ngôi sao phải duy trì vẻ đẹp hoàn hảo. Điều này được minh họa rõ nét qua nhân vật Elisabeth Sparkle (Demi Moore thủ vai), biểu tượng nhan sắc và host chương trình thể dục nổi tiếng. Từng là ngôi sao làm say đắm biết bao trái tim người hâm mộ, thế nhưng khi tuổi 50 gõ cửa, ngành công nghiệp giải trí lạnh lùng quay lưng biến cô từ một biểu tượng nhan sắc ở đỉnh cao danh vọng trở thành bóng hình mờ nhạt trong ký ức với dấu ấn thời gian in hằn trên khuôn mặt.
Khao khát níu giữ thanh xuân, Elisabeth đã tìm đến một loại huyết thanh kỳ lạ có tên The Substance. Đây là một loại thần dược khi tiêm vào người làm tách đôi các tế bào trong cơ thể, đồng thời tạo ra một phiên bản mới “trẻ đẹp và hoàn hảo hơn”. Tuy nhiên, ẩn sau vẻ đẹp rực rỡ ấy lại là một giao kèo đầy rủi ro. Loại thần dược này thiết lập mối quan hệ cộng sinh giữa hai bản thể: phiên bản chủ và phiên bản phái sinh buộc người sử dụng phải tuân theo quy tắc nghiêm ngặt. Cả hai phiên bản phải luân phiên hoạt động sau mỗi bảy ngày, khi một bản thể hoạt động thì bản thể còn lại phải bất tỉnh, không có ngoại lệ nào được chấp nhận. Mọi vi phạm đều dẫn đến hậu quả khôn lường. Dẫu trong lòng đầy lo sợ, nhưng với khao khát tìm lại tuổi trẻ đã thôi thúc Elisabeth dấn thân vào cuộc phiêu lưu đầy nguy hiểm này.
Bên cạnh cốt truyện mới lạ, dự án còn quy tụ những gương mặt đình đám trong làng giải trí Hollywood như Demi Moore, Margaret Qualley, Dennis Quaid,…. Sự phối hợp nhịp nhàng cùng diễn xuất tròn trịa của dàn diễn viên đã tạo nên một màn trình diễn đầy ấn tượng. Nổi bật nhất phải kể đến màn thể hiện của Demi Moore. Trong vai Elisabeth, nữ diễn viên người Mỹ thành công tái hiện những xung đột nội tâm của nhân vật – một người phụ nữ đối diện với sự phai nhạt tuổi tác và sụp đổ danh vọng. Bằng khả năng chuyển tải cảm xúc đầy chân thật, cô đã lột tả rõ nét sự giằng xé trong tâm trí nhân vật từ nỗi sợ hãi đến khát khao tái sinh. Mỗi ánh nhìn, từng cử động của cô đều thể hiện sự đấu tranh giữa những mảng tối và sáng trong lòng một ngôi sao lừng lẫy đang trên bờ vực “sớm nở, tối tàn”.
Không kém cạnh Demi Moore, Margaret Qualley khiến công chúng phải bất ngờ khi hóa thân thành Sue trong “The Substance”. Với một vai diễn đòi hỏi sự kết hợp hoàn hảo giữa sắc đẹp và khả năng diễn xuất tinh tế, cô đã khéo léo mang đến một hình ảnh cuốn hút và ám ảnh. Nhân vật Sue của cô không chỉ là biểu tượng của sự quyến rũ mà còn là một cô gái mưu mẹo, sẵn sàng đánh đổi mọi thứ để duy trì vị thế của mình trong thế giới hào nhoáng của ngành giải trí. Đặc biệt, để thể hiện chiều sâu của nhân vật, cô khéo léo sử dụng những kỹ năng múa của mình để tạo ra những chuyển động uyển chuyển nhưng cũng đầy sắc bén, phản chiếu sự giằng xé trong tâm hồn nhân vật giữa khát khao hoàn hảo và những nỗi lo về cái giá phải trả cho vẻ đẹp cũng như sự nổi tiếng.
Trong “The Substance”, câu hỏi về giá trị thực sự của vẻ bề ngoài được đặt ra một cách trực diện khi các nhân vật phải đối mặt với sự tôn sùng sắc đẹp và những hệ quả khôn lường mà nó mang lại. Mặc dù rất căm giận Sue, nhưng nỗi sợ hãi bị coi là xấu xí trong mắt người khác đã khiến Elisabeth không thể thoát khỏi vòng xoáy tăm tối. Cô chấp nhận gánh chịu sự lão hóa nhanh chóng, những cơn đau thể xác tột cùng để bảo vệ hào quang của Sue. Ngay từ những phút đầu, bộ phim đã khiến khán giả rùng mình với phân cảnh Sue chui ra từ “vỏ” của Elisabeth, như một phép ẩn dụ cho sự thay thế đầy tàn nhẫn. Tuy nhiên, hình ảnh Sue tiếp tục rút các tinh chất từ xương sống của Elisabeth khiến cô nhanh chóng già đi, cơ thể ngày càng bị tàn phá, đã đẩy tính nghệ thuật của bộ phim lên cao trào. Cảnh quay này không chỉ phản ánh sự tàn nhẫn của sự hy sinh mà Elisabeth phải đối mặt, mà còn đặt ra câu hỏi về cái giá của vẻ đẹp, khi mà danh vọng và tuổi trẻ không gì khác ngoài một sự lừa dối đau đớn.
Đạo diễn Coralie Fargeat đã khéo léo mượn hình ảnh của sự biến đổi thể xác và tâm lý để phản ánh những xung đột sâu sắc về cái giá của sự nổi tiếng và vẻ đẹp. Qua từng cảnh quay đầy ám ảnh, bà khai thác triệt để sức mạnh của ngôn ngữ hình thể như một công cụ biểu đạt thể hiện sự hy sinh và tàn phá mà những nhân vật phải đối mặt khi khao khát giữ gìn sự hoàn hảo. Các cảnh quay giằng xé làm nổi bật sự thay đổi thể chất và thúc đẩy người xem suy ngẫm về sự mong manh của danh vọng, cũng như sự đổ vỡ từ bên trong, tạo nên một tác phẩm vừa đẹp mắt vừa chứa đựng thông điệp mạnh mẽ về giá trị của bản thân và xã hội.
Sau bao lần chịu đau đớn về thể xác, Elisabeth nhận ra rằng cuộc chiến chống lại quy luật tất yếu của cuộc sống là một hành trình vô vọng. Đặc biệt, ở thời khắc đối diện với hình ảnh mình trong gương, cô không chỉ thấy dấu vết thời gian mà còn nhận ra sự sụp đổ của chính linh hồn mình. Đó là một linh hồn đã đánh mất bản ngã trong cuộc đua vô nghĩa với tuổi tác. Dù cho đã đã dốc sức bảo vệ vẻ ngoài hoàn hảo của mình bằng lớp trang điểm, song cảm giác già nua và xấu xí vẫn cứ đeo đuổi. Phân cảnh này là một chi tiết đắt giá được Coralie Fargaet cài cắm để phản ánh sự tự dối mình của Elisabeth, cũng như ám chỉ những cô gái ngoài kia đang tự đánh mất bản thân trong cuộc đua vô tận để đạt được vẻ đẹp lý tưởng.
Câu chuyện níu kéo tuổi xuân không phải đề tài mới lạ trên màn ảnh nhưng “The Substance” đã mang đến một góc nhìn hoàn toàn khác biệt, táo bạo và đầy ám ảnh. Qua nhân vật Elisabeth, “The Substance” đã phản ánh sự thiếu công bằng trong cách mà xã hội đánh giá giá trị của người phụ nữ qua ngoại hình, nhất là khi họ bước vào một độ tuổi nhất định. Lúc đó, những giá trị ấy ngay lập tức bị xem nhẹ. Bộ phim còn gửi gắm thông điệp sâu sắc về mặt trái của tham vọng cực đoan, bất chấp làm tất cả để nhận được sự công nhận của người khác.