“The novelist’s film”: Sáng tạo gì khi không còn cảm hứng?

Bạn sẽ sáng tạo gì khi bạn không còn cảm hứng nào để sáng tạo?

Một tiểu thuyết gia từng viết rất nhiều tiểu thuyết nhưng giờ đây không còn tìm thấy “cái sức mạnh để viết” nữa, từng thấy viết lách thật vui nhưng giờ đây chỉ thấy mọi thứ mình viết ra đều là làm quá và giả bộ. Một ngày, bà tình cờ gặp một nữ diễn viên đã từng nổi tiếng và nảy ra ý định quay một bộ phim ngắn với nhân vật chính là cô.

Bộ phim thứ 27 của nhà làm phim gạo cội Hàn Quốc Hong Sang-soo, “The novelist’s film”, cũng như đa số các tác phẩm khác của ông, là một câu chuyện gần như không có chuyện, nhưng chính trong sự dàn trải các chi tiết, những cuộc hội thoại tưởng như bâng quơ giữa các nhân vật, con người hiện ra tự nhiên như cách họ phải thế, như thể chẳng có ống kính máy quay nào đang chĩa về thẩm xét họ.

Chân dung những nhà sáng tạo

Trong “The novelist’s film” có một tiểu thuyết gia không còn viết tiểu thuyết, một nhà làm phim đã không còn làm phim như cách ông vẫn thường làm phim, một nữ diễn viên trẻ song đã rời xa ánh hào quang chỉ còn đóng phim độc lập, một cậu sinh viên quay phim, một nhà thơ không còn viết thơ, thêm một nhà văn không còn viết mà mở hiệu sách, một phụ nữ từng theo học sân khấu nhưng đã ngưng diễn từ lâu để học ngôn ngữ ký hiệu. Tất cả đều là những người làm sáng tạo. Nhưng mỗi người lại đang ở một giai đoạn khác nhau trong sự nghiệp nghệ thuật của mình, kẻ mới chập chững khởi đầu, người đã rửa tay gác kiếm. Trong những cuộc chuyện dài, họ nói về điều gì thôi thúc họ tiếp tục, hoặc tạm ngưng, hoặc từ bỏ nghệ thuật. Nàng cựu minh tinh nói giờ đây cô chỉ thi thoảng đóng những bộ phim kinh phí thấp mà thôi, liền đó vị đạo diễn cảm thán cô đã hoài phí tài năng, thế rồi vị tiểu thuyết gia một mực phản đối, bà cho rằng ai cũng có quyền lựa con đường của riêng mình.

Mỗi cuộc đời là một bản nhạc với tiết tấu riêng. Một tiểu thuyết gia cũng có thể bỗng nhiên bỏ viết lách để làm ra một bộ phim theo sở thích của mình. Một chủ tiệm sách chẳng cần phải đọc hết những gì người khác đọc. Một tài năng chẳng cần phải tham vọng. “Trước đây tôi nghĩ cuộc đời mình là rác rưởi nên tôi dồn sức làm phim. Dù sao cuộc đời cũng thật khó sửa sang. Nhưng suy nghĩ tôi đã khác. Sửa sang cuộc đời trước đã”, vị đạo diễn nói. Cuộc đời luôn cao hơn nghệ thuật.

Nhà sáng tạo làm chủ cảm hứng hay cảm hứng làm chủ nhà sáng tạo?

Nghệ sĩ sáng tạo ra nghệ thuật hay nghệ thuật sáng tạo ra nghệ sĩ? Nghệ thuật là một cuộc sắp đặt hay chỉ là những bột phát tình cờ? Đó là câu hỏi trung tâm trong “The novelist’s film”. Khi vị tiểu thuyết gia đặt vấn đề muốn quay một bộ phim với nhân vật chính là cô cựu minh tinh cùng chồng của cô, bà thừa nhận rằng chưa có câu chuyện, bà chọn cô đã, nếu cô và chồng cô đồng ý thì câu chuyện sẽ đến sau.

Với bà, bộ phim lý tưởng là bộ phim mà ngay cả khi ta có một cốt truyện, thì cốt truyện ấy cũng không ngăn cản những gì chân thật nhất hiện ra khi ống kính giương lên. Những rung cảm ấy, những xúc động ấy là thứ không thể chuẩn bị trước, chúng đến vào lúc chúng cần phải đến. Phải chăng đó là một cách nói khác của “sự thăng hoa”? Một nghệ sĩ chỉ có thể chuẩn bị để đạt tới sự hoàn hảo. Nhưng vươn đến sự thăng hoa thì nằm ngoài mọi kế hoạch và toan tính.

Triết lý này hiện diện khắp nơi trong cách Hong Sang-soo làm phim, như một cảnh khi các nhân vật đang say sưa ngồi trong quán ăn thì bên ngoài cửa, một cô bé ở đâu đứng nhìn vào. Nhân vật ấy là ai? Một người do Hong sắp đặt? Hay chỉ là một người qua đường, bỗng nhiên bước vào khung hình, rồi biến mất? Và phải chăng, thực tại điện ảnh nằm ở thoáng chốc ấy?

Những góc máy trung cảnh

Ngoài một phút cuối cùng được quay màu, “The novelist’s film” là bộ phim đen trắng. Máy quay đặt tĩnh, trung cảnh, gần như không bao giờ đặc tả gương mặt nhân vật mà chỉ nhìn họ từ một góc xa vừa đủ để đạt độ trung tính, không phán xét. Mỗi cảnh phim khi các nhân vật ngồi nói chuyện có thể dài tới gần chục phút, họ vừa ăn, hay vừa uống cà phê, hay vừa nhậu soju, vừa đàm đạo những chuyện chẳng đâu vào đâu, đôi khi như là một phim tài liệu với chiếc camera quay lén đời sống thường nhật của giới sáng tạo, mà không ngờ cũng buồn chán, chậm rãi, vu vơ như cuộc sống của mọi người. Ta dễ bị xao lãng trước những cảnh phim như thế, và rồi chính vào lúc ta mất tập trung thì các nhân vật sẽ nói ra một điều gì đó tưởng thật tủn mủn, nhưng là sự đúc kết của cả một cuộc đời làm nghề và theo đuổi thứ không thể chạm tới: nghệ thuật.

Mái tóc rối của Kim Min-hee

Vẫn gương mặt mộc không trang điểm, vẫn mái tóc rối như không chải, nữ diễn viên Kim Min-hee bước vào ống kính điện ảnh như thể cô vừa bước ra từ phòng ngủ của mình. Trong vai Gil-soo, nữ minh tinh một thuở, Kim Min-hee là hiện thân rõ nhất của “tính chân thật” mà Hong Sang-soo luôn tìm kiếm trong nghệ thuật xi-nê.

Cô ăn mặc xoàng xĩnh, và khi xuất hiện lần đầu trong phim, cô bị “phát hiện ra” một cách tình cờ khi đang đi bộ thể dục, nghĩa là trong trạng thái hoàn toàn không có sự chuẩn bị. Người ta hay gọi Kim là nàng thơ của Hong Sang-soo, nhưng có lẽ hơn cả thể, cô là sự cô đặc của điện ảnh Hong Sang-soo, thứ điện ảnh ngẫu hứng trong sự tính toán và tính toán trong sự ngẫu hứng. Cảnh cuối cùng của “The novelist’s film” với thước phim mà vị tiểu thuyết gia quay Gil-soo mới thật đẹp biết bao. Cô đứng trong công viên ôm đóa hoa dại trên tay, chiếc áo khoác rộng thùng thình, lông mày không kẻ, tóc búi sơ sài, và có một khoảnh khắc cô sửa mái tóc rối của mình, góc quay cố tình nghiệp dư – một cảnh phim chẳng có gì đặc biệt, nhưng lại như phát ra ánh sáng.

Hong Sang-soo từng kể, ông thường đùa với quay phim của mình rằng: “Hình như cảnh này hơi đẹp quá”. Ông bảo rằng ông không bao giờ hướng tới một cảnh mà người ta coi là đẹp. Nhưng biết làm sao được đây thưa đạo diễn, khi cảnh phim này quá đẹp?

THE NOVELIST’S FILM
• Đạo diễn: Hong Sang-soo
• Thời lượng: 92 phút
• Giải thưởng Gấu Bạc Grand Jury Prize tại LHP Berlin 2022

From the same category