Mấy ngày gần đây dư luận xôn xao về thông tin vàng một số thương hiệu phi SJC khi đem chuyển đổi sang vàng SJC bị trả về vì không đạt chuẩn. Trong khi đó có ý kiến cho rằng Công ty Vàng bạc Đá quý SJC kiểm định chưa chuẩn?
Có lô vàng đạt tỉ lệ tuổi thấp từ 55% đến 57%
Cuối tháng 9-2012, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho phép SJC dập lại 13 tấn vàng, trong đó có khoảng 310.000 lượng vàng phi SJC và 40.000 lượng vàng móp méo. Tuy nhiên, đến nay theo ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó Giám đốc NHNN Chi nhánh TP.HCM, mới chỉ hoàn thành 130.000 lượng. Nguyên nhân làm tiến độ dập rất chậm là tắc ở khâu kiểm định.
Công ty SJC khẳng định trong quá trình chuyển đổi vàng miếng các thương hiệu khác, đã phát hiện nhiều lô vàng không đủ chất lượng nên phải trả về khiến quá trình dập vàng mất nhiều thời gian hơn. Thậm chí một số lô vàng kiểm định tỉ lệ tuổi chỉ đạt từ 55% đến 57%. Phía SJC đã báo cáo tình hình này lên UBND TP.HCM và NHNN Chi nhánh TP.HCM chờ ý kiến.
Bên cạnh đó, một số đơn vị muốn rút ngắn thời gian và có sẵn thiết bị nên họ đề nghị đem máy móc đến thực hiện, SJC đã đồng ý.
Muốn đạt chuẩn phải có nhiều khâu chuẩn
Có ý kiến đặt nghi ngờ về máy kiểm định vàng của SJC chưa chính xác.
Ông Đỗ Công Chính, Tổng Giám đốc SJC, khẳng định công ty đã tập hợp tất cả máy móc trên toàn hệ thống, đo từng miếng một để kiểm tra tỉ lệ vàng. SJC sản xuất vàng từ năm 1990, lúc đó vàng nhập khẩu là vàng ký từ Thụy Sĩ thương hiệu ba chìa khóa. Trong quá trình làm, để đảm bảo tính khách quan, dựa trên chuẩn vàng bốn số 9, SJC đã đặt hàng Viện Vật lý Hạt nhân (Đà Lạt, Lâm Đồng) thiết kế máy nhằm đảm bảo chuẩn vàng đúng tuổi, đúng chất lượng.
Tuy nhiên, theo một chuyên gia trong ngành, để đủ chuẩn máy kiểm định vàng phải đạt bốn yếu tố. Thứ nhất, máy phải có hiệu chuẩn của nhà sản xuất. Ví dụ, máy được nhập khẩu từ Đức thì phải có hiệu chuẩn của nhà sản xuất từ Đức. Mặt khác, đơn vị sản xuất phải đủ điều kiện cấp hiệu chuẩn và phải hiệu chuẩn máy này theo định kỳ. Thứ hai, là phải có bộ mẫu chuẩn như mẫu chuẩn vàng bốn số 9, mẫu chuẩn vàng tỉ lệ 75%, 40%… Nói đơn giản, mẫu này là một miếng vàng mẫu được bán rất đắt. Chẳng hạn, nếu muốn kiểm tra máy thì một trong các bước quan trọng là bỏ miếng vàng mẫu này vào. Nếu mẫu là vàng 75%, máy chạy đúng thông số 75% là chính xác. Thông thường, những bộ mẫu chuẩn này được cấp bởi các phòng thí nghiệm lớn có đủ chức năng. Trên thế giới nổi tiếng có các phòng thí nghiệm ở Thụy Sĩ và Ba Lan đủ chức năng này. Thứ ba, phải biết sai số của máy kiểm định vàng là bao nhiêu chứ nếu chỉ sử dụng kết quả kiểm định từ máy thì không biết lúc nào máy cho kết quả sai, khi nào cho kết quả đúng. Thứ tư, phòng thí nghiệm phải đạt quy trình chuẩn ISO. Trên thế giới, quy trình phòng thí nghiệm chuẩn đều có văn bản hướng dẫn chạy, các chuẩn được bán rất đắt.
Đó là chưa kể việc dịch chuyển máy móc phải có giấy phép của nhà cung cấp. Người sử dụng phải được đào tạo qua lớp phóng xạ và mang thiết bị chống phóng xạ khi dùng…
Thậm chí, theo vị chuyên gia trên, ngay cả vàng chìa khóa bốn số 9 trên thế giới cũng từng bị trộn vonfram vào và được rao bán công khai ở Trung Quốc. Mới đây, một công ty của Trung Quốc công khai rao bán loại vàng thỏi được làm giả tinh vi, có lõi bằng kim loại rẻ tiền. Trước đó, loại vàng giả này xuất hiện ở New York (Mỹ) buộc Cục Điều tra Liên bang (FBI) phải vào cuộc. Điều đó cho thấy có thể chỉ khoảng 0,1% số vàng chuẩn bốn số 9 đang nằm ở các ngân hàng trung ương các nước trên thế giới. Bởi vậy, ngay cả vàng bốn số 9 cũng cần được kiểm tra trước khi đưa vào dập.
Thế nên nhiều chuyên gia cho rằng SJC chỉ là đơn vị sản xuất còn đơn vị kiểm định chất lượng vàng nên chăng là một đơn vị độc lập mà NHNN chỉ định. Chẳng hạn, Nghị định 24 về quản lý vàng có quy định, Bộ Khoa học-Công nghệ và Môi trường có nhiệm vụ thực hiện điều này. Cụ thể là bộ này chủ trì phối hợp với các cơ quan có trách nhiệm ban hành tiêu chuẩn chất lượng cũng như kiểm định phương tiện đo lường của các doanh nghiệp kinh doanh vàng.