Thế nào là đạo nhạc? - Tạp chí Đẹp

Thế nào là đạo nhạc?

Giải Trí


Đẹp Online xin gửi tới bạn đọc bài phân tích về “đạo nhạc” của tác giả Trần Anh Dũng có sự tìm hiểu tương đối kỹ lưỡng vấn đề, cũng như thông qua phân tích một số trường hợp “vay mượn” điển hình.


Đúng là tìm “mỏi mắt” các quy định pháp luật trong nước và nước ngoài đều không thể thấy hướng dẫn thế nào là đạo nhạc. Cũng giống như những vấn đề trừu tượng khác trong sáng tạo nghệ thuật, có lẽ rất khó quy định bằng câu chữ về chuyện: thiết kế thế nào, điêu khắc thế nào, vẽ tranh thế nào, … để không bị coi là “đạo”. Ranh giới giữa sáng tạo với vay mượn, bị coi là đạo, nhái, do đó chỉ có những người hiểu tường tận chuyên môn mới có thể đánh giá.

Vì chưa tiếp cận được tài liệu pháp lý về đạo nhạc, nên chúng ta thử tìm hiểu khái niệm về đạo và đạo nhạc chung trên thế giới.

1. Cách hiệu về “đạo” trong tài liệu quốc tế

Theo tài liệu duy nhất của WIPO có nhắc tới khái niệm “đạo” là “The Arts And Copyright” xuất bản năm 2007. Tuy nhiên đây không phải là tài liệu pháp lý, nó chỉ dùng để tham khảo và ghi rõ: “Mục đích chính của ấn phẩm này là cung cấp những thông tin cơ bản, nó không mang ý nghĩa thay cho tư vấn pháp lý” (The main purpose of this publication is to provide basic information, it is not meant as a substitute for professional legal advice). Trong tài liệu này có đưa ra cách hiểu về xâm phạm bản quyền và đạo như sau:

“Xâm phạm bản quyền xảy ra khi tác phẩm có bản quyền được sử dụng (tái tạo, dịch, chuyển thể, trưng bày hay trình diễn trước công chúng, phân phối, phát sóng hay truyền thông ra công chúng) mà không được phép của người giữ bản quyền hoặc thuộc giới hạn bản quyền” (Infringement takes place when a copyrighted work is used (reproduced, translated, adapted, exhibited or performed in public, distributed, broadcast, or communicated to the public) without the permission of the right holders or under a limitation to copyright).

“Đạo là hành vi sao chép tác phẩm một phần hay toàn bộ và sau đó giả bộ như mình là tác giả sáng tạo nguyên bản” (Plagiarismis the act of copying a work, wholly orpartially, and then pretending to be its original author).

Về sự khác nhau giữa đạo và xâm phạm bản quyền, tài liệu này có giải thích rõ hơn và chỉ ra, có hành vi sẽ phạm vào cả hai: đạo và xâm phạm.

Một bài hit của Will Smith là “Wild Wild West” ghi rõ trích dẫn là lấy mẫu (sample) từ “I wish” của Stevie Wonder và lấy một phần nét giai điệu của “Kool moe dee”

 2. Cách hiểu về đạo nhạc trên thực tiễn

Nếu tra cứu cụm từ “musical plagiarism” hay “music plagiarism” sẽ tìm được một số giải thích. Tất nhiên đây chỉ là cách hiểu chung nhất chứ không phải là đánh giá chuyên môn.

Ở đây tạm đưa xin đưa ra khái niệm trên Wisegeek và Wikipedia, vì cách giải thích tương đối rõ ràng.

Trên Wisegeek viết: “Đạo nhạc là việc sử dụng âm nhạc hoặc lời ca có bản quyền mà không được sự đồng ý của người giữ bản quyền đó. Đạo là khái niệm pháp lý của việc sao chép tác phẩm sáng tạo của cá nhân và tổ chức khác và đưa ra như thể là nguyên bản”.*

Trên Wikipedia viết: “Đạo nhạc là việc sử dụng hay bắt chước nhạc của một tác giả khác trong khi lại tỏ ra như thể mình tự sáng tạo một tác phẩm nguyên bản. Đạo nhạc ngày nay xảy ra trong hai trường hợp – đạo ý tưởng âm nhạc (cụ thể là giai điệu hoặc mô típ) hoặc lấy mẫu (lấy một phần của một bản ghi âm để sử dụng lại trong một ca khúc khác)”**.

3. Các điều kiện cần và đủ của hành vi đạo nhạc

Từ giải thích trong tài liệu của WIPO và cách hiểu thực tiễn nêu trên có thể thấy có hai yêu cầu cơ bản để có thể xem một hành vi được coi là đạo nhạc như sau:

– Thứ nhất: Sử dụng, sao chép (bắt chước) một phần hay toàn bộ tác phẩm của tác giả khác

– Thứ 2: Tỏ ra mình tự sáng tác ra tác phẩm nguyên bản

Về việc bắt chước toàn bộ hay một phần (điều kiện cần): Âm nhạc bao gồm tổng thể nhiều thứ tạo nên, trong đó cách hiểu thông thường nhất như trên thì việc lấy bất cứ nét giai điệu nào, hay có bất cứ mô tip nào giống, hay sử dụng bất cứ mẫu nào của tác phẩm khác có thể bị coi là đạo nhạc.

Về việc tỏ ra mình tự sáng tác nguyên bản (điều kiện đủ): Nghĩa là việc sao chép, bắt chước bất cứ phần nào của một tác phẩm sẽ không bị coi là đạo nhạc nếu như không tỏ ra mình là người tự sáng tác ra tác phẩm nguyên bản. Tức là nếu anh có sử dụng để tái tạo ra tác phẩm của mình thì phải thể hiện rằng anh có sử dụng của người ta, tiếng Anh gọi là ghi credit (trong văn học gọi là “trích dẫn”). Và tất nhiên khi đã ghi trích dẫn, có nghĩa là anh phải được sự đồng ý của tác giả tác phẩm gốc. 

Có thể lấy một số ví  dụ từ cổ đến kim về việc ghi trích dẫn này như sau:

– “Ave Maria” của Gounod có sử dụng hòa âm của Bach nhưng ghi trích dẫn rõ ràng và không có sự phản đối từ Bach. Trường hợp này không bị coi là xâm phạm, không bị coi là đạo nhạc.

 “Ave Maria” của Gounod có sử dụng hòa âm của Bach nhưng ghi trích dẫn rõ ràng

–  Gần đây hơn, một bài hit của Will Smith là “Wild Wild West” ghi rõ trích dẫn là lấy mẫu (sample) từ “I wish” của Stevie Wonder và lấy một phần nét giai điệu của “Kool moe dee”. Nghĩa là sử dụng bất cứ thứ gì của ai đều phải ghi rõ ràng, chưa kể là phải thỏa thuận trả tác quyền cho họ. Bởi nếu họ có quyền làm tác phẩm phái sinh, nên họ có quyền không cho phép anh sử dụng để ứng tác. Trong một trường hợp nổi tiếng khác là bài hit “Hung up” của Madonna sử dụng một nét giai điệu trong “Gimme Gimme” của Abba làm hooks (điểm tựa) đều ghi trích dẫn và trả một số tiền tác quyền lớn cho Abba.

–  Đặc biệt gần đây bài “Girl on Fire” của Alicia Keys có ghi trích dẫn vì lấy 2 giây trong tác phẩm khác của Earl Shuman nhưng vẫn bị tác giả cho rằng sử dụng nhiều hơn thế và khởi kiện.

Vì vậy, không ai cấm anh ứng tác từ tác phẩm gốc nhưng khi ứng tác thì phải ghi trích dẫn đầy đủ và phải được tác giả cho phép. Còn vấn đề lợi ích kinh tế giữa hai bên là do hai bên thỏa thuận. Trường hợp anh lấy bất kỳ bộ phận nào mà không ghi trích dẫn, rồi tự cho mình là sáng tác độc lập ra tác phẩm nguyên bản thì đó là đạo.

Chú thích:

* Music plagiarism is the use of copyrighted music or lyrics without the consent of the legalcopyright holder. Plagiarism is the legal term for copying another person’s or an entity’s creative work and passing it off as original material. Nguồn: wisegeek

** Music plagiarism is the use or close imitation of another author’s music while representing it as one’s own original work. Plagiarism in music now occurs in two contexts—with amusical idea (that is, a melody or motif) or sampling (taking a portion of one sound recording and reusing it in a different song).

Bài: Anh Dũng Trần

Ảnh: IMS


logo 

Thực hiện: depweb

05/12/2014, 15:27