“The Maze Runner” – Hồi hộp, cuốn hút tới phút cuối - Tạp chí Đẹp

“The Maze Runner” – Hồi hộp, cuốn hút tới phút cuối

Review

Thường thì phụ nữ không thích coi phim hành động, đơn giản vì họ thích sự nhẹ nhàng, tình cảm, vui tươi – đám đàn ông đánh đấm, bắn giết nhau thì có gì hấp dẫn. Với suy nghĩ đó, nhiều người cho rằng “The Maze Runner” không hợp với phụ nữ. Suy nghĩ này có lẽ đã sai lầm. 

Phụ nữ, về cơ bản là thích ngắm đàn ông, đặc biệt là đàn ông trẻ, diễn xuất tốt, kèm theo một kịch bản hoàn chỉnh Vì nguyên nhân này mà rạp chiếu “The Maze Runner” có người xem đa phần là phụ nữ? 

Trước khi xuất hiện, “The Maze Runner” được đem so sánh với một đối thủ nặng ký cùng thể loại là “The Hunger Game” với những điểm tương đồng đáng kể: đều chuyển thể từ sách, có dàn diễn viên trẻ đẹp, đều nói về việc đấu tranh sinh tồn của một nhóm bạn trẻ trong nghịch cảnh ác liệt và… có nhiều phần cho khán giả chờ đợi. Khó có thể nói rằng “The Maze Runner” hay “The Hunger Game” ai tốt hơn ai, vì rõ ràng mỗi phim lại có nhóm đối tượng khán giả cho riêng mình. 

 

Điểm đầu tiên đáng khen là kịch bản phim rất cuốn hút. Tưởng tượng thử xem, sáng nọ bạn tỉnh dậy, thấy mình đang nằm trong một lồng sắt di chuyển, chẳng nhớ nổi tên mình là gì. Khi hộp sắt dừng lại, bạn gặp một đám con trai xa lạ, lớn nhỏ, đủ màu da sống tại một nơi gọi là Trảng Cỏ, những gã trai kia cũng như bạn, được đưa tới nơi đây và ngoài tên mình ra thì không nhớ được gì. 

Tại nơi đây, cuộc sống của bạn bị bó hẹp trong bốn bức tường đá khổng lồ được gọi là mê cung, muốn tìm đường thoát phải chấp nhận bước vào mê cung. Nghe cũng không có gì kinh khủng, trừ việc… chưa có ai sống nổi một đêm trong mê cung đó. Nhân vật chính, Thomas đã trải qua câu chuyện như vậy, và đứng giữa quyết định chấp nhận giam cầm bản thân cùng những kẻ khác hay đứng dậy đi tìm con đường thoát thân.

Kịch bản “The Maze Runner” khá chặt chẽ và nhịp phim nhanh nên khán giả không có cơ hội buồn ngủ khi ngồi xem. Hành động nối tiếp hành động, cao trào này dẫn dắt đến cao trào kia, diễn viên hết chạy trốn khỏi mê cung lại phải đối mặt cùng đám Quỷ Độc tấn công. Âm thanh vừa đủ rùng rợn, kịch tính, vừa đủ du dương, hòa quyện trong những hình ảnh âm u của mê cung, tạo ra được hiệu ứng nghe nhìn rất tốt.

 

Về diễn xuất, mặc dù tên tuổi của dàn diễn viên chính còn ít người biết đến như Dylan O’Brien (vai Thomas), Aml Ameen (vai Alby), Will Poulter (vai Gally), Brodie Sangster (vai Newt) hay chàng châu Á đẹp trai Lee Hong Ki (Minho) nhưng sự kết nối, hỗ trợ nhau khá tốt của các vai diễn tạo ra được sự hài hòa cho dàn diễn viên chính trong phim, theo kiểu “cùng nhau tỏa sáng”.

Ngoài những điểm tốt kể trên, dĩ nhiên “The Maze Runner” vẫn còn vài hạn chế nhất định. Do dàn diễn viên trẻ đông và đồng đều, nên một số vai diễn xuất hiện theo kiểu cho đông vui chứ không để lại dấu ấn cho người xem. Sự kỳ bí, phức tạp và thay đổi khôn lường của mê cung cũng chưa được khắc họa tốt, do đó, những màn đấu trí của các diễn viên chính trong việc tìm ra hướng đi trong mê cung chưa thực sự tạo ấn tượng. 

Ngoài ra, cái tên Việt hóa của phim là “Giải mã mê cung” không hợp lý lắm vì sự “giải mã” không nhiều bằng “chạy thoát”. Vai nữ chính trong phim là Teresa do Kaya Scodelario mặc dù xuất hiện trễ và được giới thiệu theo kiểu có ảnh hưởng quan trọng, nhưng lại chưa tạo ra được ấn tượng gì tốt cho người xem. Có lẽ cần phải chờ đến phần sau để kiểm chứng.

 

Thông điệp của bộ phim gởi tới là một thông điệp hay: bạn có dám đứng dậy, bước đi những lối mới, đối đầu thử thách, nguy hiểm để tìm cho mình một tương lai khác, hay chấp nhận an phận, giam cầm cuộc đời trong bốn bức tường trơ trọi? Câu trả lời, có lẽ mỗi người xem sẽ có cho riêng mình.

Thành công cuối cùng của phim, chính là vừa kéo khán giả ra một mê cung bí ẩn thì lại quăng họ vào một mê cung mới, để khi bước ra khỏi rạp phải xầm xì với nhau, không biết khi nào mới có phần hai.

Hiện nay, trên IMDB đánh giá thì “The hunger game” được 7.1 điểm còn “The maze runner” được 7.7. Có lẽ bạn nên mua vé để tự coi và chấm thử xem bộ phim nào xứng đáng có điểm số cao hơn.

Bài: Chú Hề
Ảnh: IMDb


logo

>>> Có thể bạn quan tâm: Trong “Tứ đại danh bổ 3”, “thần tiên tỷ tỷ” Lưu Diệc Phi diễn tả sự giằng xé của Vô Tình khá tốt, đặc biệt là những màn khóc lóc thê lương. Chỉ cần một giọt châu sa của mỹ nhân họ Lưu thì cũng khiến bao nhiêu người đổ lệ theo.

Thực hiện: depweb

22/09/2014, 19:14