“The Kid with a Bike”: Những vòng quay cảm xúc

13 năm trở lại đây, Jean-Pierre và Luc Dardenne đã trở thành hai tên tuổi nổi tiếng bậc nhất ở LHP Cannes. Gần như không lần nào đến đây mà họ lại ra về tay trắng. Phim của anh em nhà Dardenne là một thế giới có hấp lực mãnh liệt, đau đớn nhưng đầy chất nhân văn, trở thành một sự kiện đáng chờ đợi của Cannes. Năm 2011, họ đã không làm người xem thất vọng khi mang đến đây “The Kid with a Bike”.

Cậu Bé ở đây là Cyril (Thomas Doret), một tâm hồn hoang dại, bị người cha đơn thân bỏ lại trại mồ côi. Xe Đạp, chiếc xe địa hình màu đen gióng nhôm bất ly thân của cậu, đã mất tích cùng với cha cậu bé. Nóng lòng tìm cha, Cyril xin đến ở với Samantha (Cécile de France), cô thợ uốn tóc sống gần nhà cũ, người đã tìm thấy và chuộc chiếc xe về cho cậu. Trong khi khát khao được quay về với cha chưa lúc nào nguôi trong Cyril, nỗi chống chếnh đã đẩy cậu vào vòng tay Wes, một tên du đãng địa phương…

Thoạt đầu, không ít khán giả sẽ khó chịu với Cyril, vì cậu quá ương ngạnh, ương ngạnh đến vô lý. Cái cách cậu phản kháng cũng không khác gì những cậu bé hư khác – làm đúng cái điều người lớn nói cậu không được làm. Nhưng, dần dà, khi câu chuyện bắt đầu hé mở, chúng ta lại từ khó chịu chuyển sang đồng cảm, đồng cảm sang xót xa, xót xa sang lo âu, lo âu thành giận dữ, giận dữ thành nhẹ nhõm thở phào… theo từng vòng bánh xe số phận của Cyril. Cái giỏi của Jean-Pierre và Luc là ở đấy: câu chuyện đơn giản, nhưng xúc cảm nó gieo vào lòng khán giả thì lại phức tạp đến ngổn ngang; kinh phí khiêm tốn, nhưng “The Kid” vẫn như một lỗ đen hút tuột người xem vào đáy sâu cảm xúc.

Để làm điều này với “The Kid”, anh em nhà Dardenne cần đến một phép màu. Phép màu ấy tên là Thomas Doret. Cyril của Thomas hiện lên trong mắt chúng ta như một con sói con trung thành – không phải yêu, mà là trung thành! – một cách tội nghiệp với người cha đã vứt bỏ mình. Trong hành trình bướng bỉnh mà vô vọng đi tìm cha, con sói tóc vàng phải gánh chịu hết ngọn roi này tới cú đòn khác: đầu tiên là sự thật trần trụi rằng cha đã bỏ cậu đi, rồi đến sự thật phũ phàng rằng ông đã bán chiếc xe cậu hằng yêu quý lấy vài đồng, tiếp đến là sự thật tàn nhẫn: ông ta không cần cậu. Và cuối cùng mọi cố gắng của cậu chẳng có ý nghĩa gì với ông ta… Bất chấp tất cả, Cyril chưa một lần rơi nước mắt, và chính điều đó lại khiến người xem rơi lệ.

Nếu Cyril là nửa hiện thực đau lòng của “The Kid”, thì Samantha là nửa cổ tích của bộ phim. Mối liên hệ duy nhất giữa họ là lần Cyril chạy trốn thầy giáo ở nhà trẻ, và bất ngờ ôm chặt lấy cô, như người chết đuối níu được cọc. Nhưng từ cái ôm ghì ngắn ngủi ấy, tim Samantha đã cảm ứng với những nhịp đập cô đơn, hoang mang và thổn thức trong tim cậu bé. Một cái ôm thay đổi hai cuộc đời. Có thể với tất cả, vòng tay giang rộng của Samantha là phi logic, nhưng với cô tiên kiêm thợ uốn tóc này, mọi chuyện đều hết sức tự nhiên, kể cả những giọt nước mắt mà cô nhỏ xuống vì Cyril, một lần duy nhất trong phim. Samantha là lời nhắn nhủ mà Jean-Pierre và Luc gửi đến những người mẹ, đến tất cả chúng ta: không đứa trẻ nào là không thể cảm hóa, miễn là có một tình yêu và một lòng bao dung đủ lớn.

 

Nhiều đạo diễn khác có lẽ đã dừng lại ở đây. Anh em nhà Dardenne thì không. Như một cua rơ xe đạp, cần một cú bứt phá để cán đích đầu tiên, cậu bé đạp xe của chúng ta đã dấn thêm một nhịp trong phần kết, để chạm đến đáy lòng khán giả, để buộc người xem phải bồi hồi suy ngẫm, về tính trọn vẹn của sự chuộc lỗi, về ranh giới mong manh của tội ác, và về sự vô thường trong số phận con người.

Bài: Nham Hoa


From the same category