“The Hobbit: Battle of Five Armies” hay trận chiến “loạn xị ngậu”

Vì vậy, fan của cuốn sách “The Hobbit” có thể mê mệt, nhưng khán giả muốn thưởng thức một câu chuyện điện ảnh thì chưa chắc “đã”.

Trung thành với cuốn sách tới từng chữ

Ra mắt tại Việt Nam từ ngày 19/12, bộ phim “The Hobbit: Battle of Five Armies” mang đến cái kết hoành tráng cho hành trình phiêu lưu của Bilbo Baggins cùng với tộc người lùn do Thorin Oakenshield làm vua. Quy tụ toàn bộ nhân vật của các phần phim trước vào trận đánh lớn cuối cùng giữa 5 đạo quân, bộ phim đã hoàn thành công việc khép lại bộ ba phần phim về Hobbit, nhưng không được thành công về nghệ thuật và thoả mãn khán giả cho lắm.

Về nội dung, bộ phim tiếp nối câu chuyện của hai phần trước: sau khi giành lại mảnh đất quê hương, vua tộc người lùn Thorin đã bị ám ảnh bởi kho báu tới mức hy sinh tình bạn và cả danh dự bản thân để quyết tìm lại cho bằng được viên ngọc Arkenstone bị thất lạc bấy lâu, bất chấp những lời can ngăn của Bilbo. Tình thế đó đã buộc Bilbo phải có những lựa chọn hết sức liều lĩnh và đầy rủi ro rằng nên đưa viên ngọc cho ông hay là không.

Tuy vậy, không một ai nhận thức được những mối nguy hiểm còn lớn lao hơn đang rình rập ở phía trước ngoài Pháp sư Gandaf: quân đoàn Orc đã được huy động để bí mật tấn công Ngọn núi Cô đơn. Xung đột ngày một leo thang, mọi thứ trở nên u ám khi ai cũng muốn chiếm núi vàng. Hơn bao giờ hết, tộc Người lùn, tộc Tiên và Loài người phải đứng trước lựa chọn đoàn kết hay bị hủy diệt. Và Bilbo đã xả thân để bảo vệ cho những người bạn của mình trong trận chiến bi hùng của 5 cánh quân.

Tương tự như hai phần phim trước “Battle of Five Armies” đã hoàn thành xuất sắc việc trở thành phim minh hoạ cho cuốn truyện “The Hobbit”. Tất cả các nhân vật, tuyến truyện đều được tung hê lên màn ảnh, thoả mãn mọi con mắt hào hứng với thế giới Trung Địa do Peter Jackson tưởng tưởng thành hình trên màn ảnh. Từng khu rừng, từng thảo nguyên, từng ngọn núi… đều được tái hiện một cách sống động và đẹp đẽ như mơ. Bộ phim trung thành với cuốn sách tới từng chữ và chắc chắn sẽ khiến những fan cuồng mê mệt.

Nhưng lại là một đoạn kết buồn

Thế nhưng, nếu xét rằng đó là một bộ phim thì phần 3 của “The Hobbit” lại là một đoạn kết đáng buồn cho hành trình vô định.

Bộ phim có nhiều nhân vật thú vị nhưng thiếu tính nhận diện, nhất là khi khoảng thời gian công chiếu các phần phim quá cách xa nhau. Rõ ràng nhất là việc đến tận cuối, khán giả vẫn chẳng thể nhớ mặt, nhớ tên từng người trong nhóm người lùn, hay họ đã làm được gì để khán giả phải nhớ về họ. Hay như việc rồng lửa Smaug được xây dựng vô cùng ghê gớm suốt 2 phần phim trước, nhưng rồi lại bất ngờ “vô dụng” chỉ với một đòn tấn công!

Rồng lửa Smaug chết nhảm vì một mũi tên ngay đầu phần 3

Đạo diễn Peter Jackson đã quá trung thành với cuốn truyện “The Hobbit” tới mức biến từng dấu chấm, dấu phảy trong đó thành những thước phim, khiến bộ phim dày đặc tình tiết nhưng nhiều khi lại vô nghĩa. Ví dụ như hòn đá Arkenstone tưởng quan trọng đầu phim, nhưng hoá ra kết phim chẳng còn nhắc gì tới nó, nhiều nhân vật phụ thừa thãi đưa lên màn ảnh để câu giờ và tạo hài nhảm như gã tay sai trưởng làng bên sông, rồi tới cảnh phim Thorin nhận ra lỗi lầm của mình thì lại được dàn dựng kịch cỡm với biểu tượng hố sâu và tiếng thoại ngoài hình đậm tính sân khấu. Bộ phim tuy dài dòng, nhưng lại kể được rất ít chuyện.

Trận chiến xị ngậu

Bộ phim dồn nhiều thời lượng vào trận chiến giữa 5 đạo quân, thế nhưng đó là một trận đánh giáp lá cà loạn xì ngậu và thiếu kịch tính nhất mà tác giả bài viết được xem trong khoảng thời gian gần đây. Ngoài một mục đích chung – chiếm núi vàng khổng lồ, các bên tham chiến không có một động cơ nào được xây dựng đủ thuyết phục để khiến khán giả phải ủng hộ họ. Do đó, dù có 5 hay 10 đạo quân đánh nhau đi chăng nữa thì ai thắng, ai thua cũng chẳng thành vấn đề. Khi xem một trận chiến không có mục đích và động cơ, chỉ có những ai thích cổ vũ bạo lực mới có thể tận hưởng nổi. 

Trận chiến 5 đạo quân, hàng ngàn quân lính được phô diễn tới hơn nửa tiếng nhưng sau đó lại không rõ phân định thắng thua và đột ngột thay đổi tình thế sau sự xuất hiện của… chục người lùn. Nhân vật chính Bilbo lại không có vai trò gì trong trận đánh cuối phim, có bị bỏ ra chắc cũng chẳng ảnh hưởng gì. Bộ phim kết thúc và gây thất vọng cho gần 9 tiếng phiêu lưu của 3 phần phim.

Thế nhưng, có một đoạn kết chính là điều khiến “The Hobbit: Battle of Five Armies hơn hai phần trước. Không còn lấp lửng như hai phần trước, bộ phim đã thực sự khép lại bằng một đoạn kết, dù nó không mang tới sự thỏa mãn. Kết lại, cũng là để mở ra cơ hội cho những bộ phim khác hấp dẫn hơn về mảnh đất Trung Địa màu mỡ này. Xin cám ơn đạo diễn Peter Jackson đã dẫn dắt khá giả đi dọc mảnh đất Trung Địa qua các phần phim “Lord of the Rings” (Tựa Việt: “Chúa tể những chiếc nhẫn”) và “The Hobbit” theo một hành trình vô định, lắm chông gai, nhưng cũng vô cùng đẹp đẽ.

Bài: Trung Rwo

Ảnh: CGV

logo


From the same category