Thế hệ “ngón tay cái” làm chủ các phương tiện thông minh

Một trong những lý do được các nhà phân tích đưa ra là vì những người trẻ này được bố mẹ trang bị đầy đủ mọi phương tiện, công nghệ tốt nhất để học tập, sinh hoạt nhưng lại thiếu sự kiểm soát và chia sẻ. Chính điều này dần khiến những đứa trẻ bình thường, khỏe mạnh, thông minh trở nên xa lạ ngay trong chính gia đình mình, rồi dần tách biệt với thế giới bên ngoài.

Vì vậy, dạy con sử dụng những thiết bị công nghệ, thông tin liên lạc chưa bao giờ là thừa, đặc biệt với một thế hệ sống cùng những ông bố, bà mẹ ưu tiên thời gian cho công việc hơn chuyện chăm sóc con cái.

Cô/cậu chủ nhỏ của những chiếc điện thoại

Vẫn luôn có hai chiến tuyến trong việc quyết định cho con dùng hay không dùng điện thoại khi chưa đến tuổi trưởng thành. Tuy nhiên, không thể bỏ qua một vài phép tắc mà người lớn cần dạy cho trẻ về việc làm chủ một chiếc điện thoại, cho dù là điện thoại để bàn hay di động:
– Xưng hô đúng cách.
– Hỏi xem mình đã gọi cho đúng người, đúng nơi chưa rồi mới bắt đầu câu chuyện.
– Đừng quên giới thiệu tên mình và hỏi tên người trò chuyện.
– Điều chỉnh âm lượng to nhỏ cho phù hợp.
– Cần có lời chào hoặc thông báo trước khi cúp máy, ngay cả với người gọi nhầm số. Nếu mình gọi nhầm số thì cần nói xin lỗi rồi mới cúp máy.
– Lúc nào thì không nên dùng điện thoại: trong lớp học, đang lái xe, giờ nghỉ ngơi của mọi người…     
– Cần biết bảo vệ mình bằng cách không nói chuyện nhiều với người lạ qua điện thoại; không nói nhiều ở nơi công cộng, đặc biệt là không cung cấp những thông tin như địa chỉ, số điện thoại, tên người thân…
– Các con cũng cần biết, dùng điện thoại để quấy rối là vi phạm pháp luật.
– Nếu nhận được lời nhắn từ người khác cho người thân trong gia đình, cần biết thu nhận thông tin bằng cách ghi lại tên, số điện thoại, thời gian gọi, nội dung ngắn gọn.
– Nếu cho trẻ dùng điện thoại di động, cần quy định rõ những trường hợp nào được và không được sử dụng.
– Có thể dùng tính năng kiểm soát điện thoại di động, đặc biệt là điện thoại thông minh, bằng cách khóa truy cập vào một vài ứng dụng, hạn chế các trang web không dành cho trẻ em…

Ti vi có phải là bạn tốt?

Chắc hẳn bạn đã không ít lần dùng cách cho bọn trẻ xem ti vi để chúng ngồi yên một chỗ, đừng làm ồn hoặc chạy chơi ngoài đường với bao nhiêu thứ mà bạn không kiểm soát được. Không thể phủ nhận có những mặt tốt cũng như không tốt từ thiết bị này. Vấn đề là làm sao để con bạn có thể sử dụng ti vi một cách hiệu quả nhất?

Khoa Nhi, Viện Hàn lâm Hoa Kỳ đã đưa ra một số hướng dẫn cụ thể cho các bậc phụ huynh về việc dạy con sử dụng ti vi mà chúng ta cũng có thể áp dụng:
– Hạn chế thời gian xem: chỉ từ 1-2 giờ/ngày.
– Giảm thiểu sự ảnh hưởng của ti vi trong nhà: không mở trong giờ cơm, dành nhiều thời gian trò chuyện cùng nhau; không để ti vi giữa các đồ đạc trong phòng nghỉ ngơi, giải trí; tránh đặt ti vi trong phòng cá nhân vì sẽ cách ly các thành viên, thu hẹp tiếp xúc.
– Kết hợp ti vi với các công nghệ khác: dùng đầu máy video thu lại chương trình hay; tìm thêm sách giới thiệu phim truyện cho trẻ em; khóa các chương trình không dành cho trẻ.
– Lên kế hoạch xem ti vi: chọn lọc chương trình nên xem, phân loại kênh thích hợp, thảo luận sau khi xem.
– Không dùng ti vi để khen thưởng hay trừng phạt vì sẽ làm ti vi trở nên quan trọng hơn với trẻ.
– Cùng xem với con để thảo luận, bày tỏ cảm xúc, giải thích các tình huống, phân tích, học hỏi…
– Chống lại lực hấp dẫn của quảng cáo, đặc biệt các mẩu quảng cáo thức ăn nhanh, kẹo bánh, trò chơi, và dạy con nhận biết cách người ta rao bán hàng.
– Rèn luyện cho trẻ làm theo lời dạy bảo: Đừng nghĩ con sẽ tự giác không xem ti vi. Tốt nhất, nên thay việc xem ti vi bằng đọc sách, chơi thể thao, chuyện trò… nếu bạn không kiểm soát được.
– Khuyến khích con tham gia các hoạt động trong nhà và ngoài trời.

Quyền lực của máy tính

Hình ảnh những đứa trẻ ôm máy tính cả ngày không còn xa lạ gì trong nhiều gia đình. Ở đây chúng ta không bàn đến những lợi hại mà cần học cách hướng dẫn con sử dụng máy tính/máy tính bảng cho đúng, bởi cấm đoán chưa bao giờ là cách tốt nhất.

– Cha mẹ có thể hoàn toàn kiểm soát được việc dùng máy tính của con bằng cách cài phần mềm quản lý thời gian, lọc từ khóa, chặn website có nội dung không lành mạnh. Một số phần mềm có thể tham khảo: Kids Place – Parental Control (tạo ra màn hình riêng cho trẻ em, kiểm soát những gì được phép xuất hiện trên màn hình chủ và ngăn bé không tùy tiện tải và xóa những ứng dụng khác); NAHI Kids – NAHI Parental Control (quản lý thời gian, nội dung, báo cáo thông tin bé đã dùng, có thể theo dõi báo cáo từ xa); Kid Read (quản lý những gì con làm với máy tính và phân tích theo dạng biểu đồ để bố mẹ biết con dành nhiều thời gian để làm gì, vào những trang web nào…); chương trình diệt virus Kaspersky và Bkav cũng có thêm quyền quản lý người dùng,…
– Cần cho con hiểu rõ máy tính là một phương tiện tốt nhưng nếu dành quá nhiều thời gian cho nó, thì sẽ không còn thời gian học hành, giao tiếp, chia sẻ với mọi người.
– Chọn lọc các ứng dụng phù hợp cho trẻ vừa học vừa chơi.
– Dành thời gian cùng tham gia sử dụng máy tính với con bằng cách thảo luận, lựa chọn chủ đề…
– Giới hạn thời gian chơi, cân đối thời gian sử dụng máy tính và các hoạt động khác.
– Đừng quên dạy con cách chia sẻ thông tin an toàn trên mạng.

 Bài: Vũ Bách

logo


From the same category