Wes Anderson sử dụng thủ pháp dẫn chuyện tương đối lạ trong “The Grand Budapest Hotel”. Bộ phim được kể lại qua 2 tầng nhân vật. Đầu tiên là anh chàng nhà văn trẻ (Jude Law vào vai) kể câu chuyện của Moustafa cho khán giả. Sau đó, đến lượt Moustafa tường thuật lại câu chuyện mình trải qua với M. Gustave.
Điều đặc biệt thứ hai trong “The Grand Budapest Hotel” đó là cách thay đổi đột ngột về thể loại. Lúc đầu tưởng chừng như đây là một phim tâm lý nhưng qua 15 phút, Wes Anderson thay đổi câu chuyện sang hướng hài hước, dí dỏm. Kiểu hài trong phim của Wes Anderson bao giờ cũng vậy, không quá lố, không quá phô trương, không quá tục tĩu, thô thiển nhưng luôn khiến người xem phải bất ngờ. Sự bất ngờ được thể hiện qua cả lời thoại lẫn hành động của nhân vật. Ở đó có sự nhẹ nhàng vừa phải nhưng vẫn tưng tửng đến kỳ quặc. Tất cả các nhân vật đều có nét dí dỏm, từ nhân vật phản diện đến chính diện, từ vai phụ tới vai chính.
Nói đến hệ thống phân vai, “The Grand Budapest Hotel” khiến khán giả phải ngạc nhiên về mức độ hoành tráng. Do các nhân vật đều được thể hiện bởi những tên tuổi nổi tiếng nên vai diễn nào cũng để lại ấn tượng rất sâu sắc. Wes Anderson mời gần như toàn bộ những người từng hợp tác với anh cũng như các ngôi sao lớn tham gia vào “The Grand Budapest Hotel”. Các bậc tiền bối lão làng như Ralph Fiennes, Bill Murray, Willem Dafoe, Harvey Keitel, Tilda Swinton cho tới thế hệ sau này là Edward Norton, Owen Wilson, Jude Law, Adrien Brody và thậm chí cả nữ ngôi sao trẻ Saoirse Ronan đều thuộc hàng diễn viên có thực lực. Tuy nhiên, nhân vật tạo dấu ấn nổi bật nhất, trừ M. Gustave của Ralph Fiennes, phải kể đến anh chàng Moustafa do Tony Revolori thể hiện. Trước đây, Tony Revolori mới chỉ tham gia vào các bộ phim truyền hình nên chưa được nhiều người biết đến. Vì vậy, đây chắc chắn sẽ là một trong những phát hiện lí thú nhất của năm 2014. Điệu bộ lí lắc, bước chạy mau mắn, ánh mắt vừa ngờ nghệch vừa tinh ranh, có thể nói Tony Revolori đã mang lại cho Moustafa một sức sống sinh động.
“The Grand Budapest Hotel” mang những nét đặc trưng nhất của Wes Anderson. Vẫn là những mảng màu gây hiệu ứng mạnh về mặt thị giác, phần thiết kế mỹ thuật đẹp đến mê hồn mang đậm phong cách Rococo, phục trang cầu kỳ, bắt mắt, nhìn là muốn mặc ngay. Ngoài ra, còn có cả yếu tố liên quan tới kỹ thuật. Wes Anderson rất ít dùng các cú máy phức tạp. Ông thường xuyên sử dụng những cảnh mà camera di chuyển theo chiều dọc rồi đột ngột lia theo hướng 90 độ hoặc các nhân vật đơn giản chỉ đi ngang qua màn hình. Đặc biệt, với “The Grand Budapest Hotel”, Wes Anderson quay hầu hết với khung hình 1.37 : 1 (theo dạng 4:3) thay vì 1.85 : 1 như hiện nay. Điều này tạo nên nhịp độ và không khí rất riêng biệt cho cả bộ phim.
Duyên dáng, quyến rũ, hài hước, dí dỏm nhưng cũng đầy lôi cuốn, kỳ ảo, “The Grand Budapest Hotel” là một trong những bộ phim xuất sắc, rất đáng thưởng thức trong năm 2014.
Bài: Hoàng Phương
>>> Có thể bạn quan tâm: “Guardians of the Galaxy” có thể nói là một bộ phim lạ của Marvel, khi không dùng những mẫu người hùng quen thuộc, có xuất thân giàu có (Iron Man), thần thánh (Thor), binh lính (Captain American)… mà lại là những gã “tạp nham”, ba trợn của cả ngân hà được gom chung vô một nhóm anh hùng.